Cán bộ và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cho cách mạng Việt Nam luôn được Hồ Chí Minh và Đảng ta quan tâm đặc biệt. Bác đã chỉ ra rằng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”[1], “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”[2].Nếu cán bộ là cái gốc của mọi công việc thì công tác “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”[3]. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải hướng đến mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, ham làm việc, có gan làm việc, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chính chung, ngược lại, “Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo, đập đi, hò đứng, không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng”[4].
Từ khi ra đời cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, đưa dân tộc Việt Nam từ thân phận nô lệ sang độc lập tự chủ, tự lực tự cường. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định, “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[5]. Có được thành công đó là do sự đóng góp xương máu, sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng nghỉ của bao thế hệ đảng viên, đặc biệt là phần lớn những cán bộ đảng viên “có gan đề ra ý kiến”, “có gan làm việc, có gan chịu trách nhiệm”[6].
Ngày nay, các xu thế lớn như xu thế hội nhập, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đã tạo ra nhiều cơ hội và đặt ra không ít những khó khăn, thách thức cho cách mạng Việt Nam. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách hiện nay của Đảng ta là “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu”[7], giữ vững kỷ luật kỷ cương trong thực thi công vụ gắn với xây dựng cơ chế “khuyến khích, bảo vệ những cán bộ đảng viên dám ngĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”[8].
Trường Chính trị tỉnh Bến Tre (gọi tắt là Trường Chính trị tỉnh) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trường Chính trị tỉnh có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương[9].
Trước yêu cầu ngày càng cao về khối lượng công việc và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong tình hình mới. Tỉnh ủy Bến Tre, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị rất quan tâm đến công tác xây dựng, rèn luyện đội ngũ giảng viên, viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, vì sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Thực hiện quyết tâm đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chính sách, nội dung thiết thực nhằm xây dựng đội ngũ viên chức năng động sáng tạo, chuẩn bị “Tâm” và “Thế” để hoàn thành tốt nhiệm vụ và đáp ứng yêu cầu trường chính trị chuẩn trong thời gian tới. Tuy nhiên, công tác xây dựng đội ngũ viên chức trường chính trị Bến Tre năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong điều kiện mới đã nảy sinh những bất cập, những rào cản những khó khăn, thách thức:
- Thứ nhất, thiếu khung thể chế cho các hoạt động trải nghiệm đổi mới, sáng tạo và cơ chế bảo vệ đối với những viên chức, giảng viên có tư duy đổi mới, sáng tạo. Thiếu cơ sở chính trị, pháp lý, môi trường thuận lợi để họ thỏa sức sáng tạo và thực nghiệm trong thực tiễn những tư duy sáng tạo của mình.
+ Về cơ sở chính trị: Trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vấn đề cán bộ và đào tạo cán bộ được đặc biệt quan tâm nhằm hướng đến xây dựng đội ngũ “cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”[10]. Chủ trương đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thổi luồng tư duy đổi mới sáng tạo lan tỏa đến từng cán bộ, công chức, viên chức trong cả hệ thống chính trị. Kết luận số 14-KL/TW ngày 22 tháng 9 năm 2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung đã đề ra những quan điểm chỉ đạo cơ bản trong khuến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo. Theo tinh thần chỉ đạo, Kết luận số 14 -KL/TW được triển khai đến chi bộ, đồng thời, phải được “các tỉnh ủy, thành ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương nghiên cứu, lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa Kết luận”[11]. Tuy nhiên, công tác cụ thể hóa và triển khai chưa thực hiện đồng bộ và đến tay các đảng viên của Đảng bộ trường chính trị.
+ Cụ thể hóa quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ “cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thánh, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”, ngày 29 tháng 9 năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nghị định số 73/2023/NĐ-CP nêu rõ UBND cấp tỉnh phải tổ chức thực hiện và hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền trong việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo. Tuy nhiên, trường chính trị cũng chưa nhận được văn bản cụ thể hóa Nghị định số 73/2023/NĐ-CP để tổ chức triển khai thực hiện.
+ Cơ sở chính trị, pháp lý chưa được cụ thể hóa là thách thức không nhỏ trong việc xây dựng bộ “Quy chế” khuyến khích và bảo vệ viên chức trường Chính trị năng động, sáng tạo.
- Thứ hai, hoạt động của trường chính trị chủ yếu dựa trên các “quy chế”, “quy trình” đã được thiết lập nhằm bảo đảm chất lượng trong mọi hoạt động và ngăn ngừa sự tùy tiện và các hành vi tiêu cực khác. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy chế, quy trình qua thời gian dài sẽ hình thành “thói quen”, lối mòn, thậm chí xuất hiện những biểu hiện máy móc, rập khuôn trong xử lý công việc, tạo thành rào cản tư duy đổi mới sáng tạo. Biết rằng, các quy chế, quy trình cũng được rà soát và thay đổi thường xuyên, nhưng sự thay đổi đó không đủ làm thay đổi các thói quen vốn đã định hình trong suốt quá trình làm việc của viên chức.
- Thứ ba, sáng tạo là lĩnh vực hoạt động của tư duy, nghĩa là từng viên chức trường chính trị phải chủ động hình thành tư duy đổi mới sáng tạo, không ngừng rèn luyện, làm mới cách nghĩ, cách làm từ những vấn đề nhỏ nhất trong công việc. Vấn đề đặt ra là nhà trường cần phải có những quy định cụ thể để khuyến khích và bảo vệ những viên chức năng động, sáng tạo. Do đó, chưa tạo được động lực phát huy tư duy đổi mới sáng tạo trong đội ngũ viên chức của trường.
- Thứ tư, sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ trong một thế giới mở vừa là động lực, cơ hội để đội ngũ viên chức trường chính trị tiếp cận cái mới, mở ra tư duy sáng tạo, vừa là rào cản trong trường hợp không theo kịp với sự thay đổi nhanh chóng của thời đại.
- Thứ năm, quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung của Đảng là động lực to lớn cho quá trình thay đổi tư duy, làm mới cách nghĩ, cách làm hướng đến nâng cao hiệu quả. Nhưng để lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo đến từng cán bộ, công chức, viên chức đòi hỏi phải phát huy vai trò, nỗ lực đổi mới, sáng tạo của các cấp ủy đảng, lãnh đạo các cơ quan đơn vị cơ sở. Nghĩa là, đội ngũ lãnh đạo, quản lý ở các đơn vị cơ sở phải có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để “làm gương”, khuyến khích tư duy đổi mới, sáng tạo trong tổ chức.
Xây dựng đội ngũ viên chức trường chính trị năng động, sáng tạo là quá trình khó khăn, phức tạp (phải thay đổi tư duy, thói quen), phải được thực hiện bằng những hành động thiết thực, những giải pháp cụ thể, trước hết là xây dựng khung thể chế, làm nền tảng để thực hiện các giải pháp nuôi dưỡng tư duy đổi mới, sáng tạo.
- Một là, quán triệt và thực hiện nghiêm những quan điểm của Đảng[12] trong quá trình xây dựng đội ngũ viên chức trường chính trị năng động, sáng tạo:
+ Nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu trong xây dựng đội ngũ cán bộ năng động sáng tạo.
+ Khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, trong việc thực hiện công việc, nhất là những vấn đề chưa được quy định hoặc quy định không phù hợp với thực tiễn.
+ Các đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác để xin chủ trương thực hiện.
+ Phải theo dõi thường xuyên, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo. Kịp thời phát hiện và tháo gỡ những vấn đề phát sinh hoặc điều chỉnh cho sát với tình hình thực tế. Đánh giá công tâm, khách quan kết quả của đổi mới sáng tạo. Ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng đổi mới sáng tạo để thực hiện các hành vi tiêu cực.
+ Sơ kết, tổng kết, nhân rộng các mô hình đổi mới sáng tạo hiệu quả. Khen thưởng kịp thời và trọng dụng những cán bộ có tư duy đổi mới sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực cho cơ quan, đơn vị.
- Hai là, nghiên cứu và cụ thể hóa Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
+ Cụ thể hóa đầy đủ nội dung Nghị định 73/2023/NĐ-CP thành bộ quy chế khuyến khích và bảo vệ viên chức năng động sáng tạo trong mọi hoạt động của nhà trường. Xác định rõ các nội dung như: đối tượng điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh, các nguyên tắc áp dụng…; Trình tự, thủ tục thực hiện đổi mới, sáng tạo; Cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo; Phân công phân nhiệm cho các bộ phận chức năng thực hiện các đầu công việc cụ thể.
+ Nghị định 73/2023/NĐ-CP xác định đối tượng điều chỉnh chỉ là “cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; viên chức quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập…”, nghĩa là phải có chức vụ lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, khi xây dựng quy chế về đổi mới sáng tạo, nhà trường cần bổ sung cơ chế khuyến khích viên chức tham mưu cho lãnh đạo đề xuất các nội dung đổi mới sáng tạo có giá trị, thiết thực, tạo động lực khơi nguồn tư duy sáng tạo.
+ Trong xây dựng quy chế, cần xác định rõ nội dung đổi mới sáng tạo, đó là những yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết trong thực tiễn giảng dạy và học tập. Qua đó, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Cũng cần xem xét, khuyến khích viên chức có những góp ý thiết thực, đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh những quy định không phù hợp với thực tiễn.
+ Phải xác định rõ trong quy chế những điều kiện áp dụng cụ thể chính sách khuyến khích, các biện pháp bảo vệ viên chức đổi mới, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, xác định và nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo để thực hiện các hoạt động vì mục đích riêng.
- Ba là, nuôi dưỡng, rèn luyện tư duy sáng tạo cho đội ngũ viên chức trường chính trị phải được thực hiện liên tục thông qua các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo:
+ Đề cao vai trò của nhân tố lãnh đạo trong rèn luyện tư duy sáng tạo của đội ngũ viên chức. Lãnh, chỉ đạo xây dựng và thực hiện khung quy chế đổi mới sáng tạo, kiểm tra, đánh giá và khen thưởng kịp thời những đổi mới, sáng tạo đem lại hiệu quả thiết thực. Thường xuyên phát động các phong trào thi đua “đổi mới, sáng tạo”, xác định đổi mới sáng tạo là một nội dung đánh giá cán bộ, viên chức hàng năm.
+ Sáng tạo là lĩnh vực hoạt động của tư duy, do đó ý chí chủ quan của từng viên chức đóng vai trò quyết định. Chỉ khi nào viên chức quyết tâm đổi mới, sáng tạo và rèn luyện thường xuyên, tư duy sáng tạo mới hình thành và phát triển. Tùy vào sở trường của từng người, đặc thù công việc, từng viên chức định hướng rèn luyện tư duy sáng tạo phù hợp.
+ Lưu ý rằng, xây dựng quy chế đổi mới sáng tạo là vấn đề mới, chưa từng có tiền lệ, các văn bản làm cơ sở chính trị pháp lý chưa được cụ thể hóa. Vì vậy, sau khi xây dựng quy chế đổi mới sáng tạo của trường chính trị cần có sự thẩm định và đồng ý cho thực hiện của cơ quan có thẩm quyền nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý trong thực hiện.
Việc cụ thể hóa Kết luận số 14-KL/TW và Nghị định số 73/2023/NĐ-CP thành quy chế đổi mới sáng tạo của Trường Chính trị Bến Tre có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ viên chức trường chính trị năng động, sáng tạo góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới. Đồng thời, tạo động lực, truyền cảm hứng đổi mới sáng tạo cho học viên góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bến Tre “năng động, sáng tạo dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thánh, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”./.
====================================================
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tr.280.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tr.309.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tr.309.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tr.320.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t1, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr25.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tr.320.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t2,Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr242
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t2,Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr243
[9] Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13 tháng 11 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t1, t.2,Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.42, 187, 148, 223, 230, 243.
[11] Kết luận số 14-KL/TW ngày 22 tháng 9 năm 2021 của Bộ Chính trị về Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung
[12] Quan điểm chỉ đạo trong Kết luận số 14-KL/TW ngày 22 tháng 9 năm 2021 của Bộ Chính trị về Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.