Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ bảy, 20 Tháng 4, 2024 - 08:41

Xây dựng ví dụ trong soạn giảng – một yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của bài giảng

Ths. Dương Quốc Hoàng
Phó Hiệu trưởng
 

Theo cách hiểu phổ quát nhất ví dụ là trường hợp cụ thể nêu ra để minh hoạ hoặc để chứng minh. Trong nói và viết người ta đều sử dụng ví dụ để truyền tải thông điệp đến đối tượng nhất định. Ví dụ có vai trò rất lớn trong nói và viết. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ trao đổi trong phạm vi hẹp, có tính chất chuyên môn – nghiệp vụ, đó là xây dựng ví dụ trong soạn giảng.

  1. Tầm quan trọng của ví dụ trong soạn giảng

Thứ nhất, ví dụ tạo nên sự dễ hiểu, dễ nhớ, nhớ lâu.

Trong giảng dạy lý luận chính trị, giảng viên phải giảng rất nhiều kiến thức lý luận mà kiến thức lý luận thì có tính khái quát cao, rất cô đọng, điều này dễ dẫn đến sự khó hiểu, khó mường tượng cho học viên. Do đó, việc giảng viên trình bày và phân tích một ví dụ sát hợp thể hiện rõ sự chứng minh, có tính thuyết phục cao sẽ là chìa khóa cho học viện nhận thức thấu đáo và khắc sâu kiến thức lý luận.

Thứ hai, ví dụ tạo nên tính lôi cuốn, hấp dẫn, kích thích sự liên tưởng cho học viên.

“Chất liệu” xây dựng ví dụ tự thân nó có khả năng tạo nên sự say mê, thu hút và mở rộng ngưỡng tiếp thu thông tin của người nghe. Bởi lẽ, ví dụ thông thường là một câu chuyện, tình huống, sự việc đầy ấp tính thời sự. Chính vì đặc tính này, ví dụ dễ “đi vào lòng người”, ghi nhớ sâu sắc, làm thổn thức bao trái tim và trăn trở bao nỗi niềm suy nghĩ và thúc đẩy sự liên tưởng đến trách nhiệm, bổn phận của mỗi cá nhân.

Thứ ba, ví dụ thể hiện sự thông tuệ, độ lắng và chiều sâu về tri thức thực tế của giảng viên

Người giảng viên phải cố gắng trau dồi tri thức thực tế đến mức cao nhất có thể bằng nhiều kênh khác nhau. Qua cách biên tập ví dụ phần nào đó thể hiện rõ đẳng cấp về tay nghề, bản lĩnh sư phạm, năng lực vận dụng tri thức và sự thông minh, khéo léo của giảng viên.

  1. Yêu cầu đối với ví dụ trong soạn giảng

Để xây dựng ví dụ có chất lượng, cần đảm bảo các yêu cầu tối thiểu như sau:

Một là, ví dụ thể hiện tính sát hợp

Đây là yêu cầu có tính tiên quyết, theo đó ví dụ phải phục vụ sát cho việc chứng minh vấn đề lý luận vừa trình bày, tránh sự vênh nhau giữa lý luận và ví dụ; khả năng chứng minh của ví dụ là tương đối toàn diện vấn đề lý luận. Đối với ví dụ sử dụng tri thức chuyên ngành cần tra cứu kỹ và trưng cầu ý kiến của chuyên gia.

Hai là, ví dụ thể hiện tính thực tiễn, tính mới

Chất liệu đặc sắc nhất của ví dụ là thực tiễn nhìn qua “lăng kính” của giảng viên nhưng phải được cập nhật, bổ sung, đưa “hơi thở” thời đại vào ví dụ để tạo nên diện mạo mới và sức thuyết phục cao.

Ba là, ví dụ thể hiện tính nghệ thuật và có chiều sâu

Trong ví dụ, giảng viên có thể sử dụng những hình tượng nghệ thuật, các biện pháp tu từ, lối diễn đạt hàm ngôn ẩn ý sâu sắc để học viên lắng đọng.

3.Các bước xây dựng ví dụ trong soạn giảng

Bước 1: Thu nhặt “chất liệu” xây dựng ví dụ

Bước này người ta ví người giảng viên như con ong đi tìm mật. Giảng  viên phải đọc nhiều, tra cứu nhiều, quan sát nhiều, nghe nhiều, tích lũy để có chất liệu phong phú.

Bước 2: Sàng lọc “chất liệu”

Đây là công việc “đãi cát tìm vàng” để chọn “chất liệu” tinh túy thiết kế ví dụ.

Việc này đòi hỏi người giảng viên phải hết sức công phu, cẩn trọng, tinh tường, nhạy bén để lọc được thông tin thô giữ lại thông tin hữu ích.

Bước 3: Thiết kế ví dụ

Giảng viên hóa thân thành nhà thiết kế để sắp đặt, bày trí cấu trúc ví dụ, sao cho “có đầu, có đuôi”, dễ nhìn, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ.

Bước 4: Mô tả và phân tích ví dụ

Giảng viên tường thuật lại nội dung ví dụ để học viên nghe, thấy và hiểu; phải làm tốt việc này để học viên nghe được, thấy được và hiểu đúng. Liền kề là giảng viên “mổ xẻ” ví dụ để tường minh và nêu bật được ý nghĩa của ví dụ và chốt lại ví dụ. Tri thức chứa đựng trong ví dụ từ đây nó sẽ ngấm vào học viên.

Tóm lại, chiều rộng và chiều sâu tri thức là căn cốt thành công trong xây dựng ví dụ - “điểm nhãn” trong soạn giảng của người giảng viên./.

Tin khác