Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ ba, 23 Tháng 4, 2024 - 13:53

Xây dựng và củng cố mặt trận dân tộc thống nhất – hạt nhân thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh

(Kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất)

ThS. Phan Văn Thuận-
                                                                    Trưởng Khoa Xây dựng Đảng
 
Năm 1858 thực dân Pháp xâm lược và biến nước ta từ một nước độc lập thành một “một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác”[1]. Các phong trào đấu tranh theo tư tưởng phong kiến và khuynh hướng dân chủ tư sản đều bị thực dân Pháp dìm trong bể máu. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có một tổ chức tiên phong đủ sức đoàn kết, phát huy sức mạnh và lực lượng to lớn trong toàn dân tộc.

Trong bối cảnh ấy, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh) với ý chí và quyết tâm cháy bỏng là “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, đã tìm đường sang phương Tây, đến nước Pháp, nơi sản sinh ra những lời đẹp đẽ: “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” để tìm hiểu sự thật về sự “khai hóa văn minh” ở Việt Nam của người Pháp và tìm xem “nước Pháp và các nước khác làm như thế nào để về giúp đồng bào ta”. Khi đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lê-nin và tìm thấy cái “cần thiết cho chúng ta” và “con đường giải phóng chúng ta”, Người đã khẳng định: “Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Từ đó, Người đã quyết tâm “trở về nước, đi vào quần chúng, giác ngộ họ, thức tỉnh họ, đoàn kết họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập”[2].

Trên cơ sở nhận thức đúng đắn đó và kế thừa các giá trị tuyền thống tốt đẹp của dân tộc và chủ nghĩa Mác – Lênin về vai trò và sức mạnh của quần chúng nhân dân cũng như bài học thất bại của các phong trào đấu tranh của nhân dân ta, Người đã tìm ra một chân lý và là “phương án tối ưu” giải quyết sự bế tắc, khủng hoảng của cách mạng Việt nam lúc bấy giờ là: “Trước hết phải có đảng cách mệnh”[3] và “phải làm cho dân giác ngộ.., phải giảng giải lý luận và chủ nghĩa cho dân hiểu.., phải bày sách lược cho dân”[4] vì “cách mệnh là việc chung của cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”[5].  

Trong Hội nghị thành lập Đảng mùa xuân năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc  đã xác định: Cách mạng Việt Nam “… chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[6] với “nhiệm vụ trước mắt là đánh đuổi đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến”, “làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ấy, Người yêu cầu Đảng “phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình”,… “phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày... phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, v.v… để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp”[7].

Giữa lúc phong trào cách mạng đầu tiên mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh đang diễn ra rầm rộ khắp cả nước, ngày 18 tháng 11 năm 1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị thành lập Hội phản đế đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất [sau đó đổi tên thành Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương (11/1936), Mặt trận Thống nhất dân chủ Đông Dương (gọi tắt là Mặt trận Dân chủ Đông Dương - 3/1938) và Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương (11/1939)] . Đây chính là hạt nhân đoàn kết và phát huy sức mạnh của toàn dân thực hiện nhiệm vụ trước mắt của cách mạng, nhu cầu và lợi ích thiết thực của nhân dân ta làm tiền đề “cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”.

Đặc biệt, sau 30 năm bôn ba nơi hải ngoại, Người trở về nước, chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (1941) và chủ trương thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh), tập hợp sức mạnh toàn dân làm nên Cách mạng Tháng Tám thần kỳ, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó Người cùng với Đảng ta chủ trương thành lập các tổ chức rộng rãi khác, tiêu biểu là Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt), xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. Đến tháng 3 năm 1951 tiến hành Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt. Trong dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh xúc động nói: “Một người đã cùng các vị đấu tranh bấy nhiêu năm cho khối đại đoàn kết toàn dân, hôm nay trông thấy những cây đại đoàn kết ấy đã nở hoa kết quả và gốc rễ nó ăn sâu lan rộng khắp toàn dân và nó có một tương lai “trường xuân bất lão”. Vì vậy nên tôi vui sướng vô cùng”[8].Cái “gốc rễ” và “hoa”, “quả” ấy chính là khối đoàn kết toàn dân thực hiện “kháng chiến, kiến quốc” và kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.

Sau Hiệp định Giơnevơ – đất nước tạm thời bị chia cắt 2 miền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở miền Bắc (10/9/1955), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960) và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam (20/1/1968) ở miền Nam đã đoàn kết quân dân cả nước làm tròn nhiệm vụ lịch sử vẻ vang, giải phóng miền Nam, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thực hiện thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Sau khi đất nước thống nhất, trên nền tảng di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 31/01/1977, các tổ chức Mặt trận thống nhất lấy tên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bước vào thời kỳ đổi mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã động viên toàn dân tộc đoàn kết phấn đấu vượt qua những khó khăn, thách thức, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đã giành được thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử, đưa nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Ngày nay, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế với nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi phải phát huy hơn nữa sức mạnh toàn dân tộc làm động lực cơ bản cho sự phát triển. Trong đó, "Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ" là cơ chế vận hành của chế độ ta, là phương thức tổ chức nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Theo cơ chế ấy, Ðảng, Nhà nước và Nhân dân đều là những chủ thể của quyền lực, nhưng quyền lực của mỗi chủ thể ấy lại không giống nhau. Quyền lực của Ðảng là quyền lãnh đạo, bao gồm cả quyền lãnh đạo chính quyền, nhưng bản thân Ðảng lại không phải là chính quyền nhà nước, không làm thay cho Nhà nước. Quyền lực của Nhà nước bao gồm các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhưng quyền lực ấy không phải do Nhà nước tự có mà là do nhân dân giao phó cho những cơ quan quyền lực do mình cử ra. Quyền lực của Nhân dân là quyền của người làm chủ đất nước và quyền làm chủ ấy được thực hiện thông qua các hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, kể cả dân chủ tự quản ở cơ sở. Mẫu số chung của ba loại quyền lực nêu trên (lãnh đạo, quản lý và làm chủ), xét cho cùng, là tư tưởng Bác Hồ từng nêu lên trong bài báo "Dân vận" viết năm 1949: "Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân"[9].

Hạt nhân gắn kết và phát huy sức mạnh của ba quyền lực ấy vẫn là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.  Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội do nhân dân làm chủ. “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[10]. Vì vậy, học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, về xây dựng và củng cố Mặt trận Dân tộc thống nhất nói riêng, không chỉ đơn thuần là thực hiện những lời dạy của Người mà còn phải biết thấu hiểu và thấu cảm cái tinh túy trong chiều sâu tư tưởng và việc làm của Người. Từ đó, hình thành nên “cái trí”, “cái tâm”, “cái tầm” và nhất là phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, để “lắng nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

 

Ghi chú

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, tr.3

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t2, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, tr. 132.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t2, Nxb Chính trị quốc gia, H.1995, tr. 276.

[4] Sđd, tr.267

[5] Sđd, t2, tr.261-262

[6] ĐCSVN: Văn Kiện Đảng toàn tập, t2, Nxb Chính trị quốc gia, H.1998, tr.2

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.3

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t6, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, tr. 48.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t5, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, tr.598.

[10] Điều 1, Chương I, Luật MTTQVN 2015 - Luật số: 75/2015/QH13

Tin khác