Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 17:29

V.I.Lênin – Người bảo vệ, kế thừa và phát triển “tư tưởng cách mạng không ngừng” của chủ nghĩa Mác

CN. Nguyễn Thị Mai Trâm
Viên chức Khoa Lý luận cơ sở
 

Chủ nghĩa Mác ra đời vào những năm 40 của thế kỷ XIX. Nói một cách khái quát, chủ nghĩa Mác là học thuyết về sự giải phóng và phát triển. Chủ nghĩa ấy hướng đến sự giải phóng triệt để con người khỏi mọi sự nô dịch, áp bức bóc lột, sự hạn chế trong các quan hệ xã hội và hướng đến sự giải phóng triệt để con người. Chủ nghĩa ấy được xây dựng trên cơ sở kế thừa các thành tựu nhận thức khoa học của lịch sử tư tưởng nhân loại và chỉ ra được những quy luật chi phối toàn bộ sự vận động và phát triển của thế giới vật chất nói chung và lịch sử xã hội nói riêng, chấm dứt mọi sai lầm của chủ nghĩa duy tâm, tôn giáo, chủ nghĩa duy vật siêu hình trong giải thích các hiện tượng xã hội và lịch sử. Chủ nghĩa Mác cũng đóng góp vô cùng quý giá vào sự phát triển của triết học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa cộng sản khoa học và nhiều khoa học khác, trở thành nền tảng lý luận có ý nghĩa phương pháp luận to lớn trong việc phát triển tư duy và nhận thức của nhân loại.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, giai cấp tư sản trở thành lực lượng kiềm hãm sự phát triển của xã hội. Giai cấp công nhân phát triển mạnh mẽ; giai cấp nông nhân đã nhận rõ bộ mặt phản động của giai cấp tư sản. Thời kỳ này có nhiều phần tử cơ hội trong Quốc tế II tìm mọi cách vùi dập tư tưởng cách mạng hết sức quan trọng của chủ nghĩa Mác. Mặt khác, thời kỳ này phong trào công nhân phát triển mạnh, tạo điều kiện để cách mạng xã hội chủ nghĩa nổ ra. Trước hoàn cảnh đó, trung thành với chủ nghĩa Mác, V.I.Lênin đã đấu tranh không khoan nhượng với các quan điểm của chủ nghĩa cơ hội, đồng thời V.I.Lênin tiếp thu, kế thừa và phát triển một cách xuất sắc, toàn diện của chủ nghĩa Mác, trong đó có “Tư tưởng cách mạng không ngừng”. “Tư tưởng cách mạng không ngừng” của V.I.Lênin đã đưa cách mạng Nga đến thắng lợi, trở thành ngọn đuốc soi đường cho cách mạng các nước.

“Tư tưởng cách mạng không ngừng” là vấn đề cốt lõi của phạm trù cách mạng xã hội chủ nghĩa. Thực chất của “Tư tưởng cách mạng không ngừng” là giải quyết mối quan hệ giữa chiến lược và sách lược cách mạng trong toàn bộ tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa của giai cấp công nhân. “Tư tưởng cách mạng không ngừng” chỉ đạo hành động cho Đảng Cộng sản, sự thành công hay thất bại của cách mạng phụ thuộc vào việc thực hiện “Tư tưởng cách mạng không ngừng” của các Đảng Cộng sản trong quá trình lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa các nước. “Tư tưởng cách mạng không ngừng” được C.Mác và Ph.Ăngghen khái quát từ thực tiễn phong trào cộng sản công nhân quốc tế, được V.I.Lênin bổ sung phát triển trên cơ sở tổng kết thực tiễn phong trào cộng sản công nhân quốc tế và phong trào công nhân Nga trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và cách mạng vô sản.

1. Tư tưởng cách mạng không ngừng của Chủ nghĩa Mác

Trong “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra con đường giải phóng giai cấp công nhân phải trải qua hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất, trong cuộc cách mạng công nhân là giai cấp vô sản phải tiến hành cách mạng giành lấy dân chủ, giành lấy chính quyền; giai đoạn thứ hai, trong cuộc cách mạng công nhân C.Mác và Ph.Ăngghen vạch rõ “Giai cấp vô sản dùng sự thống trị chính trị của mình để từng bước một đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản, để tập trung tất cả những công cụ sản xuất vào tay nhà nước, tức là trong tay giai cấp vô sản đã được tổ chức thành giai cấp thống trị, và để tăng thật nhanh số lượng những lực lượng sản xuất”[1]. C.Mác và Ph.Ăngghen đã vạch rõ: Quá trình vận động cách mạng của những người cộng sản là một quá trình phát triển cách mạng liên tục trải qua những giai đoạn khác nhau. Giai cấp công nhân với tư cách lực lượng chính trị độc lập, phải chủ động tham gia vào cuộc cách mạng dân chủ tư sản để đánh đổ chế độ phong kiến, thúc đẩy nhanh tiến trình lịch sử. Sau khi cùng giai cấp tư sản đánh đổ chế độ phong kiến, hoàn thành cách mạng dân chủ tư sản phải ngay lập tức “chuyển súng sang vai” đấu tranh chống giai cấp tư sản làm nhiệm vụ của cách mạng xã hội chủ nghĩa. C.Mác viết: “Chủ nghĩa xã hội là lời tuyên bố cách mạng không ngừng là chuyên chính giai cấp của giai cấp vô sản, coi đó là giai đoạn quá độ tất yếu để đi đến xóa bỏ những sự khác biệt giai cấp nói chung”[2]. Nhưng để làm cho cách mạng trở thành cách mạng không ngừng, thì trong suốt quá trình cùng với giai cấp tư sản làm cách mạng dân chủ tư sản giai cấp công nhân phải giữ vững độc lập về chính trị; thành lập tổ chức Đảng của giai cấp công nhân; thường xuyên giáo dục giai cấp, sứ mệnh lịch sử của mình cho giai cấp công nhân; không được quên kẻ thù của mình, không được sao nhãng mục tiêu chính trị và phải kết hợp phong trào vô sản với phong trào nông dân.

2. V.I.Lênin phát triển tư tưởng cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác trong điều kiện lịch sử mới

Dựa trên “Tư tưởng cách mạng không ngừng” của C.Mác và Ph.Ăngghen, căn cứ vào điều kiện lịch sử mới, V.I.Lênin đã phát triển “Tư tưởng cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác thành “Lý luận cách mạng không ngừng”, về sự chuyển biến cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới sang cách mạng xã hội chủ nghĩa.

V.I.Lênin chỉ ra trong thời kỳ chủ nghĩa đế quốc những nước đã qua cách mạng tư sản, giai cấp vô sản cần kết hợp cuộc đấu tranh cho dân chủ với cuộc đấu tranh để thực hiện mục tiêu cách mạng xã hội chủ nghĩa. Còn ở các nước chưa qua cách mạng tư sản, vẫn phải tiến hành cuộc cách mạng dân chủ tư sản, giai cấp vô sản không chỉ tham gia cuộc đấu tranh này mà còn cần phải giành lấy quyền lãnh đạo cách mạng, làm cho nó đi đến thắng lợi triệt để, rồi chuyển lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Với những nước thuộc địa, phụ thuộc, mục tiêu trước mắt của cách mạng là giành độc lập dân tộc, thực hiện quyền tự do dân chủ, tạo điều kiện tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Hai giai đoạn cách mạng dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa do giai cấp vô sản lãnh đạo có quan hệ biện chứng với nhau. Cách mạng dân chủ tư sản càng triệt để, càng tạo điều kiện cho cách mạng xã hội chủ nghĩa phát triển và giành thắng lợi. V.I.Lênin viết: “Từ cách mạng dân chủ, chúng ta sẽ bắt đầu chuyển lên ngay và chính tùy theo lực lượng của chúng ta, lực lượng của giai cấp vô sản giác ngộ và có tổ chức, mà chuyển ngay lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta chủ trương làm cách mạng không ngừng, chúng ta quyết không dừng lại nữa chừng”[3]. Giữa hai giai đoạn cách mạng đó không có sự ngăn cách mà quan hệ chặt chẽ, kế tiếp nhau một cách biện chứng: Giai đoạn đầu tạo điều kiện, tiền đề cho giai sau vừa hoàn thành nốt các nhiệm vụ của giai đoạn trước, đồng thời tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Kế thừa chủ nghĩa Mác, V.I.Lênin đưa ra các luận điểm về tiến hành cách mạng không ngừng cần có các điều kiện chủ yếu sau: Có sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và chính đảng cộng sản của nó trong cả hai giai đoạn cách mạng; Có liên minh công nông được giữ vững và phát triển trên cơ sở một đường lối thích hợp với từng giai đoạn cách mạng; Có chính quyền dân chủ cách mạng được củng cố, tăng cường về mọi mặt để hoàn thành nhiệm vụ của nó ở giai đoạn thứ nhất, đồng thời chuẩn bị những điều kiện để chuyển sang giai đoạn thứ hai. Những điều kiện này có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó có sự lãnh đạo của giai cấp vô sản thông qua chính đảng của nó là quyết định nhất.

Như vậy, nội dung phát triển của V.I.Lênin về “Tư tưởng cách mạng không ngừng” của chủ nghĩa Mác đã trở thành bộ phận quan trọng trong toàn bộ lý luận cách mạng của chủ nghĩa xã hội. Đó là ngọn đuốc soi sáng con đường giải phóng dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người cộng sản đầu tiên của một dân tộc thuộc địa đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Chủ nghĩa Mác – Lênin -   “cẩm nang thần kỳ” giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm ra con đường cứu nước đúng đắn giải phóng dân tộc “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[4]. Con đường ấy đã đưa cách mạng Việt Nam tiến lên không ngừng, giành thắng lợi này đến thắng lợi khác, đưa Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trải qua 90 năm từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn kiên định “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, kim chỉ nam cho hành động”./.

 

[1] C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Tuyển tập, tập 4, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, tr.626

[2] C.Mác và Ph.Ăngghen (1981), Tuyển tập, tập 2, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, tr.172 - 173

[3] V.I.Lênin (1979), Toàn tập, tập 11, Nxb. Tiến bộ Mát-xcơ-va, tr.281

[4] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.30

Tin khác