Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 09:23

V.I.Lênin – Lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới

CN. Huỳnh Nguyễn Đăng Khoa
Viên chức Khoa Lý luận cơ sở
 

V.I.Lênin là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới; người sáng lập Nhà nước Xôviết-Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới; người bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa; lãnh đạo nhân dân Liên Xô bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực.

1. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác

Vladimir Ilyich Lenin sinh ngày 22/4/1870 trong một gia đình trí thức ở Simbirsk (nay là Ulianovsk), Nga. V.I.Lênin tên thật là Vladimir Ilyich Ulianov, các bí danh đã dùng là V.Ilin, K.Tulin, Karpov và những bí danh khác.

Năm 1887, Lênin tốt nghiệp xuất sắc bậc Trung học được nhận vào Đại học Kazan. Từ thời sinh viên, Lênin đã tích cực bày tỏ những tư tưởng tiến bộ, đề cao vai trò của giai cấp vô sản. Sau ba tháng nhập học, Lênin bị buộc nghỉ vì tham gia các phong trào tuần hành của sinh viên.

Tháng 10 năm 1888, Lênin trở về Kazan gia nhập nhóm Mácxít. Năm 1891, Lênin đã thi đỗ tất cả các môn học của chương trình 4 năm khoa Luật trường Đại học Kazan với tư cách thí sinh tự do. Sau khi tốt nghiệp khoa luật, Lênin làm trợ lý luật sư ở Samara. Tháng 8 năm 1893, ông chuyển về Peterburg.

Năm 1895, Lênin thành lập Liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân. Vì tổ chức hoạt động của Liên hiệp, Lênin bị bắt và phạt tù 14 tháng, sau đó bị lưu đày ba năm tại làng Shushenskoye thuộc vùng Krasnoyarsk.

Năm 1900, thời hạn lưu đày của Lênin kết thúc. Người lại tập hợp những người Mácxít cách mạng thành lập đảng.

Năm 1903, tại Luân đôn tiến hành Đại hội lần thứ II Đảng công nhân xã hội dân chủ Nga. Lênin phát biểu phải xây dựng một đảng Mácxít kiểu mới có kỷ luật nghiêm minh, có khả năng là người tổ chức cách mạng của quần chúng.

Trong thời kỳ cách mạng 1905-1907, Lênin đã phát triển tư tưởng độc quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản trong trong cuộc cách mạng dân chủ tư sản thành cách mạng xã hội chủ nghĩa.

 Tháng 6 năm 1912, Người từ Paris chuyển về Krakov lãnh đạo tờ Pravda (Sự thật). Thời kỳ này, Lênin soạn thảo xong Đề cương Mácxít về vấn đề dân tộc. Sau một thời gian sống ở nước ngoài, Lênin trở về Nga vào thời kỳ đầu cuộc Cách mạng Tháng Hai (1917).

Tối 02/4/1917, trong một cuộc họp tại thành phố Petrograd (Saint Petersburg ngày nay), Lênin kêu gọi tiến hành một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cũng trong năm 1917, Lênin đưa ra Luận cương Tháng Tư, trong đó phác thảo chương trình chuyển từ dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa và bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc nổi dậy vũ trang lật đổ Chính phủ lâm thời. V.I.Lênin là người có công sáng lập học thuyết về đảng kiểu mới, đảng mang bản chất của giai cấp công nhân, chống chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc.

Tối ngày 06/11/1917, V.I.Lênin đến Cung điện Smolnưi  trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa. Đến rạng sáng ngày 07/11/1917, toàn thành phố Petrograd nằm trong tay những người khởi nghĩa. Đêm ngày 07/11/1917, Cách mạng Tháng Mười Nga đã toàn thắng, chính quyền đã về tay nhân dân. Nhà nước Công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo đã ra đời.

Ngay trong đêm ngày 07/11/1917, tại cuộc họp lần thứ hai của Đại hội Xôviết toàn Nga, Lênin công bố hai sắc lệnh về hòa bình và đất đai. Các cơ sở công nghiệp, ngân hàng và giao thông vận tải, đất đai của địa chủ và người giàu bị tịch thu và quốc hữu hóa. Lênin đã tạo ra một chương trình cải cách mạch lạc trong nông nghiệp. Cuộc đấu tranh của nông dân để tiêu diệt chủ nghĩa địa chủ và tàn dư của chế độ nông nô là một phần của quá trình đấu tranh cách mạng chung chứ không tách rời.

Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, theo đề nghị của Lênin, Hoà ước Brest với nước Đức đã được ký kết (ngày 03/3/1918). Ngày 11/3/1918, Lênin cùng với Trung ương Đảng và Chính phủ Xô Viết trở về Mátxcơva, Lênin đã có công lao to lớn trong việc lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân lao động nước Nga Xôviết chống sự can thiệp quân sự của nước ngoài và lực lượng phản cách mạng trong nước; trong việc lãnh đạo quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nước Nga. Lênin thi hành chính sách đối ngoại Xôviết, đề ra những nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình giữa các quốc gia có chế độ xã hội khác nhau. 

Ngày 30/8/1918, V.I.Lênin bị ám sát và bị thương nặng, nhưng sau đó ít lâu sức khoẻ hồi phục, Lênin là người sáng lập Quốc tế Cộng sản (1919). 
Tháng 3 năm 1919, Đại hội lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Nga đã thông qua Cương lĩnh mới của Đảng. Thời gian này, Lênin soạn thảo xong kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội (công nghiệp hóa đất nước, hợp tác hóa giai cấp nông dân, cách mạng văn hóa) là người sáng lập ra Kế hoạch điện khí hóa toàn Nga (GOELRO), người đề ra chính sách kinh tế mới (NEP).

Năm 1922, V.I.Lênin ốm nặng. Ngày 20/11/1922, trong diễn văn cuối cùng đọc tại hội nghị toàn thể Xôviết đại biểu thành phố Mátxcơva , V.I.Lênin tin tưởng rằng thi hành chính sách NEP nước Nga sẽ trở thành một nước xã hội chủ nghĩa.

Ngày 21/4/1924, V.I.Lênin qua đời ở làng Gorki, gần thủ đô Mátxcơva. Thi hài được lưu giữ trong lăng Lênin tại Quảng trường Đỏ, thủ đô Mátxcơva cho đến ngày nay. Tại nước Nga hiện nay, tên của Người được đặt cho một tỉnh của Nga là Leningrad, nằm sát cố đô Saint Petersburg, nơi Lênin lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Mười, thành phố quê hương của ông được đặt tên là Ulyanovsk để tưởng nhớ ông.

V.I.Lênin đã truyền bá, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác vào nước Nga. Từ đó, làm nên thành công của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, đưa chủ nghĩa xã hội đi vào hiện thực. Tên tuổi của Lênin đã gắn liền với những cải biến cách mạng vĩ đại nhất trong xã hội loài người từ đầu thế kỷ XX đến nay.

2. Những đóng góp vĩ đại

V.I.Lênin đã có những đóng góp vĩ đại cho sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, đấu tranh cho hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc.

Đối với nước Nga:

V.I.Lênin đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước Nga; chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội Nga-tiền thân của Đảng Bônsêvích Nga, một đảng vô sản kiểu mới đã lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động làm nên cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

Lênin đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Nga đấu tranh giành thắng lợi trước thù trong, giặc ngoài, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, bảo vệ thành công sự tồn tại của Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới.

Không dừng lại ở đó, Lênin đã vạch ra phương hướng, kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, nhất là “chính sách kinh tế mới” (NEP). “Chính sách kinh tế mới” gợi mở một chính sách tổng thể về kinh tế-chính trị-văn hóa để xây dựng chủ nghĩa xã hội dựa trên cơ sở khoa học, tuân thủ quy luật khách quan và đáp ứng nhu cầu lợi ích của người lao động, tạo nên sức sống và triển vọng cho chủ nghĩa xã hội. 

Đối với thế giới: Lênin tích cực đấu tranh cho chủ nghĩa quốc tế vô sản, thành lập Quốc tế III để lãnh đạo phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Đồng thời, Lênin đã phê phán một cách khoa học, thuyết phục những quan điểm tư tưởng, trào lưu lý luận sai lầm, như phái “dân túy” Nga, khuynh hướng “tả” khuynh, “hữu” khuynh trong phong trào công nhân quốc tế, chủ nghĩa cơ hội, xét lại... để bảo vệ chủ nghĩa Mác. Lênin đã làm rõ, bổ sung, phát triển nhiều luận điểm của chủ nghĩa Mác, từ đó tạo cơ sở lý luận cho các chính đảng Mácxít vận dụng vào từng điều kiện lịch sử cụ thể.

Lênin đã vận dụng sáng tạo những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác vào giải quyết mối quan hệ giữa yếu tố dân tộc và yếu tố quốc tế trong cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản. Người đã phát triển vấn đề dân tộc của chủ nghĩa Mác thành vấn đề dân tộc và thuộc địa trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa. Khẩu hiệu của C.Mác “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” đã được Lênin phát triển thành “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!”. Từ đó, tạo sự đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ cho các dân tộc bị áp bức vùng lên giành lấy độc lập tự do cho mình, làm cho hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc bị tan rã. Dưới ngọn cờ của Lênin, Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xôviết và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới được hình thành.

Đối với Việt Nam: Chủ nghĩa Mác-Lênin đã soi đường cho nhân dân ta trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, tháng 7 năm 1920, qua Báo Nhân đạo (L'Humanité) của Pháp, đọc được Luận cương của V.I.Lênin về Vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc vui mừng đến phát khóc: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!. Sau khi tìm được con đường đúng đắn để cứu nước, giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã tập trung mọi nỗ lực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.

Những thành tựu đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng chính là nhờ sự kiên định, nắm vững và vận dụng sáng tạo, đúng đắn chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển bức thiết của cách mạng Việt Nam.

V.I.Lênin đã đi xa nhưng cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người vẫn là tấm gương sáng ngời để những người cộng sản chân chính trên toàn thế giới phấn đấu học tập, noi theo; tư tưởng, lý luận của Người vẫn sống mãi cùng thời gian, là ngọn cờ cách mạng soi sáng con đường giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của các dân tộc trên toàn thế giới.

Tin khác