Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 19 Tháng 4, 2024 - 06:20

Vận dụng nội dung “Đồng Khởi mới” trong xây dựng, phát triển Trường Chính trị Bến Tre đạt trường chính trị chuẩn năm 2025

                  P.H

Tóm tắt:

Với mục tiêu phát triển đất nước theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và mục tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI, đòi hỏi Trường Chính trị Bến Tre tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”; quan tâm xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh Bến Tre đáp ứng yêu cầu trường chính trị chuẩn, tạo động lực cho đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện các mặt công tác của nhà trường: Đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học; xây dựng đội ngũ giảng viên, viên chức; xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập, góp phần sớm hoàn thành các tiêu chí trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

1. Phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” giai đoạn 2020 - 2025 với phương châm “Hai chân - Ba mũi”.

Phong trào Đồng khởi năm 1960 ở tỉnh Bến Tre đã trở thành bước ngoặt của cách mạng miền Nam, là nét son chói lọi trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Thắng lợi của phong trào Đồng khởi là sự vận dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt, hiệu quả của 3 mũi giáp công: Chính trị - quân sự - binh vận, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, kịp thời của Đảng, Bác Hồ và các cấp ủy Đảng, với 18 Chi bộ có 182 đảng viên ở tỉnh Bến Tre. Kế thừa và phát huy tinh thần Đồng khởi “long trời, lở đất”, ngày nay Bến Tre vững bước “Đồng Khởi mới”, khơi dậy lòng yêu nước, sự đoàn kết và cổ vũ sức mạnh, tạo động lực cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Bến Tre vượt qua khó khăn, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng tăng trưởng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo của tỉnh nhà.

Tiếp tục nhân rộng kết quả đạt được từ Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa IX, tạo khí thế thi đua sôi nổi thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngày 17/10/2020 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 01-CT/TU về phát động phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn năm 2030 với phương châm “Hai chân - Ba mũi”.

 “Hai chân” bao gồm:

Một là, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh với các nội dung thi đua: Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Chỉ thị số 05-CT/TW khóa XII; xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh; xây dựng tính nêu gương, rèn luyện người đảng viên, công chức tiêu biểu; nâng cao hiệu lực - hiệu quả hoạt động của chính quyền; xây dựng chính quyền điện tử.

Hai là, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, với các nội dung thi đua: Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực; giảm nghèo bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc - tiến bộ; xây dựng gia đình, dòng họ học tập; các phong trào thi đua trong ngành giáo dục, y tế; xây dựng địa phương, cơ quan xanh - sạch - an toàn; xây dựng địa phương, cơ quan, trường học đảm bảo an toàn và an ninh trật tự.

“Ba mũi” tập trung vào 3 nhiệm vụ đột phá, gồm:

Một là, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, với các nội dung thi đua: Cải cách hành chính, chất lượng phục vụ; sáng kiến thực hiện công vụ nhanh, hiệu quả; hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả; xây dựng chính quyền điện tử, phần đấu đưa chỉ số cải cách hành chính vào top 20 cả nước, giữ vững tốp đầu chỉ số PCI, PAPI.

Hai là, huy động nguồn vốn đầu tư, phát triển hạ tầng, gồm các nội dung thi đua: Giải phóng mặt bằng cho các công trình, dự án; trữ nước mưa, nước ngọt, xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ, xây dựng giao thông nông thôn; phát triển giao thông kết nối liên xã, liên huyện; phát triển các khu, cụm công nghiệp; hoàn thành giai đoạn 1 tuyến hạ tầng đường ven biển.

Ba là, phát triển nguồn nhân lực, gồm các nội dung thi đua: Công chức - viên chức học tập, nâng cao trình độ; chuyên nghiệp, tăng năng suất; đổi mới công nghệ, thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ trong lao động sản xuất; áp dụng mô hình quản lý tiên tiến, ứng dụng công nghệ mới phù hợp.

2. Vận dụng nội dung “Đồng Khởi mới” trong xây dựng, phát triển Trường Chính trị Bến Tre đạt Trường Chính trị chuẩn năm 2025

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Đảng ủy, Ban Giám hiệu và sự nỗ lực của đội ngũ giảng viên đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của nhà trường. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ giảng viên, viên chức; hoàn thiện cơ sở vật chất Trường Chính trị tỉnh Bến Tre đáp ứng yêu cầu trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư vẫn còn một số khó khăn, hạn chế.

Qua rà soát, đánh giá các tiêu chí trường chính trị chuẩn mức 1 đạt 42/56 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 75%. Những tiêu chí chưa đạt thể hiện cụ thể như sau:

- Về đội ngũ cán bộ, viên chức tại Điều 7, Điều 13 của Quy định số 11-QĐ/TW

+ Đối với lãnh đạo trường: Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh;

+ Đối với lãnh đạo khoa: Giữ ngạch giảng viên chính (viên chức hạng II) hoặc tương đương trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đề xuất thành công ít nhất 03 đề tài khoa học cấp trường trở lên;

+ Đối với lãnh đạo phòng: Trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên; trình độ cao cấp lý luận chính trị (hoặc tương đương); giữ ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương trở lên;

+ Đối với giảng viên: Đội ngũ giảng viên cơ hữu chiếm tỉ lệ đạt 75%; ít nhất 80% có chứng chỉ bồi dưỡng kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh;

- Về hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn tại Điều 9 của Quy định số 11-QĐ/TW

+ Ít nhất 03 đề tài cấp tỉnh trở lên (hoặc 03 đề tài khoa học công nghệ);

+ Báo cáo kiến nghị từ kết quả nghiên cứu đề tài cấp tỉnh, nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh trở lên;

+ Xuất bản ít nhất 05 cuốn sách;

+ Xuất bản ít nhất 03 số bản tin/ năm trở lên.

Các tiêu chí trường chính trị chuẩn mức 2 đạt 34/67 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 50,75%. Những tiêu chí chưa đạt thể hiện cụ thể như sau:

- Về đội ngũ cán bộ, viên chức tại Điều 7, Điều 13 của Quy định số 11-QĐ/TW

+ Đối với lãnh đạo trường: Có trình độ chuyên môn tiến sĩ; giữ ngạch giảng viên cao cấp hoặc tương đương (hoặc có trình độ quản lý nhà nước ngạch cao cấp); có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xây dựng mô hình điển hình trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và các mặt công tác được tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc  Trung ương hoặc Học viện Chính trị quốc gia, Bộ Nội vụ công nhận. Có mô hình được nhân rộng trong cụm hoặc trong khu vực hoặc trong cả nước;

+ Đối với lãnh đạo khoa: Có trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên, trong đó 50% số lãnh đạo khoa có trình độ chuyên môn là tiến sĩ; giữ ngạch giảng viên cao cấp hoặc tương đương (hoặc có trình độ quản lý nhà nước ngạch cao cấp); chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đề xuất từ 03 đề tài khoa học cấp trường trở lên; đề xuất ít nhất 01 đề tài khoa học cấp tỉnh; xây dựng mô hình đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và các mặt công tác khác được công nhận;

+ Đối với lãnh đạo phòng: Có trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên, trong đó trưởng hoặc phó trưởng phòng phụ trách QLĐT, NCKH có trình độ tiến sĩ; trình độ cao cấp lý luận chính trị (hoặc tương đương); giữ ngạch giảng viên chính trong đó người đứng đầu giữ ngạch giảng viên cao cấp hoặc tương đương; xây dựng mô hình đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và các mặt công tác khác được công nhận;

+ Đối với giảng viên: Đội ngũ giảng viên cơ hữu đạt tỉ lệ ít nhất 80%; 100% giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên; mỗi khoa có ít nhất 01 tiến sĩ (không kể lãnh đạo khoa); ít nhất 80% có chứng chỉ bồi dưỡng kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; ít nhất 80% giữ ngạch giảng viên chính; ít nhất 01 giảng viên cao cấp;

  • Về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng tại Điều 8, Điều 14 của Quy định số 11-QĐ/TW

Ít nhất 1/2 số lớp Trung cấp lý luận chính trị hệ tập trung;

  • Về hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn tại Điều 9, Điều 15 của Quy định số 11-QĐ/TW

+ Ít nhất 05 đề tài cấp tỉnh trở lên (hoặc 05 đề tài khoa học công nghệ);

+ Từ 05 hội thảo, tọa đàm từ cấp tỉnh trở lên;

+ Ít nhất 01 hội thảo khoa học cấp Bộ;

+ Kết quả nghiên cứu được chuyển giao;

+ Báo cáo kiến nghị từ kết quả nghiên cứu đề tài cấp tỉnh trở lên;

+ Xuất bản ít nhất 05 cuốn sách/05 năm;

+ Xuất bản ít nhất 04 số bản tin/ năm.

  • Về xây dựng văn hóa trường đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương tại Điều 10, Điều 16 của Quy định số 11-QĐ/TW

+ Có tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc được khen thưởng cấp tỉnh và tương đương trong thực hiện văn hóa công sở, văn hóa trường Đảng;

+ Xây dựng mô hình điển hình tiên tiến trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn được các cấp có thẩm quyền công nhận;

  • Về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và tài chính tại Điều 11, Điều 17 của Quy định số 11-QĐ/TW

+ Diện tích sử dụng từ 30.000 m2.

Để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 đạt được 100% các tiêu chí trường chính trị chuẩn mức 1, nhà trường quyết tâm cao giữ vững các tiêu chí đạt được, phấn đấu những tiêu chí chưa đạt, sớm hoàn thành tiêu chí trường chính trị chuẩn vào năm 2025.

Vận dụng nội dung của phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” theo phương châm “Hai chân - Ba mũi”. Trường Chính trị Bến Tre xác định “Hai chân” tập trung gồm: Chân thứ nhất là, xây dựng Đảng và cả hệ thống chính trị nhà trường; chân thứ hai là, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ số, văn hóa trường đảng, trường chính trị xanh - sạch - an toàn; chuẩn hóa cơ sở vật chất.

Chân thứ nhất, xây dựng Đảng và cả hệ thống chính trị nhà trường.

Ban Giám hiệu nhà trường coi việc giáo dục, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng cho đội ngũ giảng viên là một công việc thường xuyên và thực hiện có hệ thống; phải kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm khắc những hiện tượng tiêu cực; làm cho giảng viên ý thức được một cách sâu sắc vai trò và trách nhiệm của mình, tự giác phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện để xứng đáng là những tấm gương mẫu mực. Trong đó, tập trung lãnh đạo thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, để mỗi giảng viên có điều kiện đối chiếu và soi rọi lại bản thân, tự hoàn thiện mình. Tập trung duy trì nghiêm các quy chế, quy định, có lối sống và làm việc kỷ cương, văn hóa, tăng cường đoàn kết, thống nhất cao, cùng giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ.

Chân thứ hai, nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ số, văn hóa trường đảng, trường chính trị xanh - sạch - an toàn; chuẩn hóa cơ sở vật chất.

Giảng dạy và nghiên cứu khoa học; nghiên cứu thực tế của giảng viên trường chính trị là hoạt động có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nếu giảng dạy là cốt lõi thì nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế là cơ sở để thực hiện giảng dạy và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong giảng dạy. Với mục tiêu phấn đấu trong 5 năm (2021 - 2025) nhà trường thực hiện 3 đề tài khoa học cấp tỉnh; xuất bản ít nhất 05 cuốn sách chuyên khảo; phối hợp các ban, ngành tỉnh tổ chức 3 cuộc hội thảo khoa học cấp tỉnh; hằng năm thực hiện 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường; xuất bản bản tin “Thông tin lý luận và thực tiễn” 3 kỳ/năm.

Trường Chính trị Bến Tre tiếp tục thực hiện và quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về công tác nghiên cứu khoa học. Hằng năm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế đối với từng tập thể, cá nhân trong nhà trường. Đồng thời, tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học trong khu vực. Nội dung nghiên cứu hướng vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, những vấn đề thực tế của đất nước, địa phương từ đó đề xuất với tỉnh hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương.

Song song đó, ứng dụng công nghệ số, xây dựng văn hóa trường đảng, trường chính trị xanh - sạch - an toàn; chuẩn hóa cơ sở vật chất, thực hiện kỷ luật, kỷ cương, giữ vững danh hiệu “Đơn vị văn hóa”. Xác định xây dựng văn hóa trường đảng phải đảm bảo tính giai cấp; tính đảng; tính khoa học; tính cách mạng; tính tập thể - dân chủ; đảm bảo hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị được phân công, vừa đảm bảo mang bản sắc văn hóa riêng của trường so với trường đảng ở các vùng khác và bản sắc riêng của các ngành, lĩnh vực khác trong xã hội. Cụ thể là: Thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, 100% cán bộ, viên chức, người lao động thực hiện ứng xử văn hóa trường đảng.

“Ba mũi” tập trung vào ba nhiệm vụ, gồm: Mũi hoàn thiện cơ chế đào tạo, bồi dưỡng, tự chủ hình thức đào tạo; mũi phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ giảng viên học tập nâng cao trình độ; mũi tranh thủ các nguồn vốn, đầu tư phát triển cơ sở vật chất nhà trường.

Mũi hoàn thiện cơ chế đào tạo, bồi dưỡng, tự chủ hình thức đào tạo.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị luôn được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đặc biệt quan tâm. Đối với Trường Chính trị tỉnh Bến Tre, từ năm 1994 đến nay công tác đào tạo, bồi dưỡng không ngừng nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Tổng số lớp đào tạo, bồi dưỡng từ năm 1994 đến tháng 5/2021 là 929 lớp, với 83.813 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham dự, trong đó: Đào tạo 380 lớp với 15.064 học viên; bồi dưỡng được 549 lớp, với 68.749 học viên, góp phần nâng cao trình độ và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh nhà. Với mục tiêu đến năm 2025, 100% cán bộ, lãnh đạo, quản lý đương chức được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới về lý luận và học tập kinh nghiệm vận dụng vào thực tiễn công tác.

Quán triệt sâu sắc và cụ thể hoá Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 14/02/2019 của Tỉnh ủy Bến Tre về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trường Chính trị Bến Tre tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo trung cấp lý luận chính trị trên cơ sở bám sát nội dung, chương trình do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành. Xây dựng nội dung đào tạo, bồi dưỡng sát hợp từng thời điểm, trong đó tập trung các nội dung cập nhật kiến thức mới, tinh thần trách nhiệm, kỹ năng làm việc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Xác định rõ trách nhiệm của các địa phương, cơ quan, đơn vị trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Thực hiện nghiêm việc phân cấp đối tượng đào tạo, gắn với thẩm định tiêu chuẩn cán bộ cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Đa dạng hóa các hình thức, phương thức đào tạo trên cơ sở tăng cường đào tạo tập trung, bảo đảm tốt quy mô và chất lượng đào tạo. Thực hiện chiêu sinh học lý luận chính trị đúng đối tượng và phù hợp với quy mô đào tạo.

Mũi phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ giảng viên học tập nâng cao trình độ.

Hiện nay, tổng số giảng viên, giảng viên trong thời gian tập sự là 15/38 (chiếm tỷ lệ 39,4%), trong đó: Trình độ chuyên môn 14 thạc sĩ, 1 cử nhân; giảng viên giữ ngạch giảng viên chính (hoặc tương đương) là 11 viên chức. Giảng viên, viên chức có tuổi đời từ 40 đến trên 55 tuổi: 17 (chiếm 44,74%); giảng viên, viên chức có tuổi đời từ 24 đến dưới 40 tuổi: 21 (chiếm 55,26%).

Từ thực trạng đội ngũ giảng viên trường chính trị hiện nay, để nâng cao chất lượng giảng viên song song với các biện pháp đang thực hiện (công tác cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn), giải pháp căn cơ là đào tạo giảng viên lý luận chính trị. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bến Tre là nhu cầu hết sức cần thiết, để tiến đến năm 2025 đạt được trường chuẩn mức 1 và năm 2030 đạt trường chuẩn ở mức 2. Trường Chính trị tỉnh Bến Tre đã xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ giảng viên nhà trường.

Đối với lãnh đạo nhà trường: Có chuyên môn từ thạc sĩ trở lên về khoa học chính trị, khoa học quản lý hoặc khoa học xã hội và nhân văn. Trong đó, hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn có trình độ tiến sĩ về khoa học chính trị, khoa học quản lý hoặc khoa học xã hội và nhân văn, có trình độ cao cấp lý luận chính trị (hoặc tương đương), có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hoặc chứng chỉ phương pháp dạy học tích cực hoặc có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm, có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đối với trưởng khoa, phó trưởng khoa: Có trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên về khoa học chính trị, khoa học quản lý và khoa học xã hội và nhân văn, có trình độ cao cấp lý luận chính trị (hoặc tương đương). Có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hoặc chứng chỉ phương pháp dạy học tích cực hoặc có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm. Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đối với giảng viên: Giảng viên giảng dạy lý luận chính trị phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị (hoặc tương đương) trở lên. Giảng viên sau 7 năm giảng dạy tại trường, có trình độ cao cấp lý luận chính trị (hoặc tương đương), giảng viên có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hoặc chứng chỉ phương pháp dạy học tích cực hoặc đã có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm, ít nhất 80% giảng viên có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Mũi tranh thủ các nguồn vốn, đầu tư phát triển cơ sở vật chất nhà trường phục vụ giảng dạy, học tập.

Hệ thống cơ sở vật chất của trường được đầu tư, mua sắm, cải tạo, nâng cấp, ngày càng quy mô, đồng bộ, khang trang, từng bước đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập. Nhà trường phấn đấu từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo đảm bảo trang thiết bị cơ sở vật chất tốt phục vụ cho hoạt động dạy học như: Hệ thống phòng học đủ tiêu chuẩn âm thanh, ánh sáng, hệ thống máy chiếu, máy điều hòa; xây dựng khuôn viên trường, khu ký túc xá, khu thể thao đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, nghiên cứu và các hoạt động giải trí lành mạnh cho học viên.

Tiếp tục tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về đề án xây dựng trường chính trị chuẩn. Xây dựng kế hoạch đầu tư phân chia rõ từng bước đáp ứng yêu cầu “chuyển đổi số” trong hoạt động; đầu tư ngắn hạn, trung hạn, dài hạn theo nhu cầu sử dụng đảm bảo đồng bộ; định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế bảo đảm đáp ứng điều kiện làm việc, giảng dạy, học tập và sinh hoạt của cán bộ giảng viên và học viên.

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, vai trò, tác dụng to lớn của phong trào “Đồng Khởi mới”, các thế hệ viên chức, người lao động Trường Chính trị tỉnh Bến Tre phát huy truyền thống tốt đẹp của trường đảng, tích cực thực hiện theo phương châm năm 2022 của tỉnh nhà “Đồng thuận, Sáng tạo, Phát triển”, mọi người đồng sức, đồng lòng, nỗ lực làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị trên từng vị trí công tác, xây dựng, phát triển Trường Chính trị Bến Tre đạt trường chính trị chuẩn vào năm 2025./.

Tin khác