Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 14:33

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác đã phát họa bức tranh xã hội cộng sản chủ nghĩa với đầy đủ bản chất ưu việt của nó

ThS. Nguyễn Thành Phương
Trưởng khoa Lý luận cơ sở
 

Những ngày tháng 5 lịch sử năm nay, hòa cùng niềm vui chung của dân tộc, chúng ta không quên ngày sinh vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản mà tên tuổi gắn liền với sự ra đời Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đó chính là C.Mác.

204 năm qua, lịch sử nhân loại thăng trầm biến động, chủ nghĩa xã hội từ không tưởng thành khoa học, từ lý luận thành hiện thực và hệ thống thế giới rồi sụp đổ. Đó là sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội duy ý chí, còn chủ nghĩa xã hội hiện thực và quá trình hiện thực hóa nó vẫn là khát vọng của các dân tộc bị áp bức và phụ thuộc mà C.Mác đã phát họa nên từ những năm đầu thế kỷ XIX.

Ngày nay, việc tiếp tục truyền bá và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị thì việc tiếp tục nghiên cứu một cách có hệ thống những quan điểm của các nhà kinh điển nhất là quan điểm của C.Mác trong quá trình giảng dạy lý luận chính trị chính là quá trình hiện thực hóa những tư tưởng ấy về xã hội tương lai xã hội cộng sản chủ nghĩa với đầy đủ bản chất ưu việt của nó là một việc làm hết sức cần thiết.

1. C.Mác đã khẳng định giai cấp tư sản, xã hội tư bản chủ nghĩa nhất định sẽ diệt vong

Tất cả những xã hội trước kia, như chúng ta đã thấy, đều dựa trên sự đối kháng giữa các giai cấp áp bức và các giai cấp bị áp bức. Nhưng muốn áp bức một giai cấp nào đó thì cần phải bảo đảm cho giai cấp ấy những điều kiện sinh sống khiến cho họ chí ít, cũng có thể sống được trong vòng nô lệ. Người nông nô trong chế độ nông nô, đã tiến tới chỗ trở nên một thành viên của công xã, cũng như tiểu tư sản đã vươn tới địa vị người tư sản, dưới ách của chế độ chuyên chế phong kiến. Người công nhân hiện đại, trái lại, đã không vươn lên được cùng với sự tiến bộ của công nghiệp, mà còn luôn luôn rơi xuống thấp hơn, dưới cả những điều kiện sinh sống của chính giai cấp họ. Người lao động trở thành một người nghèo khổ, và nạn nghèo khổ còn tăng lên nhanh hơn là dân số và của cải. Vậy hiển nhiên là giai cấp tư sản không có khả năng tiếp tục làm tròn vai trò giai cấp thống trị của mình trong toàn xã hội và buộc toàn xã hội phải chịu theo điều kiện sinh sống của giai cấp mình, coi đó là một quy luật chi phối tất cả. Nó không thể thống trị được nữa, vì nó không có thể đảm bảo cho người nô lệ của nó ngay cả một mức sống nô lệ, vì nó đã buộc phải để người nô lệ ấy rơi xuống tình trạng khiến nó phải nuôi người nô lệ ấy, chứ không phải người nô lệ ấy phải nuôi nó. Xã hội không thể sống dưới sự thống trị của giai cấp tư sản nữa, như thế có nghĩa là sự tồn tại của giai cấp tư sản không còn tương dung với sự tồn tại của xã hội nữa.

Điều kiện căn bản của sự tồn tại và sự thống trị của giai cấp tư sản là sự tích luỹ của cải vào tay những tư nhân, là sự hình thành và tăng thêm tư bản. Điều kiện tồn tại của tư bản là lao động làm thuê. Lao động làm thuê hoàn toàn dựa vào sự cạnh tranh giữa công nhân với nhau. Sự tiến bộ của công nghiệp mà giai cấp tư sản là người đại diện mặc nhiên của nó và không đủ sức chống lại nó đem sự đoàn kết cách mạng của công nhân do liên hợp lại mà có, thay cho sự chia rẽ của công nhân do cạnh tranh giữa họ gây nên.

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, khi bàn về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân C.Mác viết: Như vậy, cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, chính cái nền tảng trên đó giai cấp tư sản đã sản xuất và chiến hữu sản phẩm của nó, đã bị phá sập dưới chân giai cấp tư sản. Trước hết, giai cấp tư sản sản sinh ra những người đào huyệt chôn chính nó. Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu.

Tính nhân văn của C.Mác ngày nay thiết nghĩ giai cấp tư sản, chủ nghĩa tư bản phải mang ơn Người vì chính C.Mác đã chỉ cho giai cấp tư sản, cho chủ nghĩa tư bản phương thức kéo dài sự tồn tại của thể chế thống trị: Giai cấp tư sản không thể tồn tại, nếu không luôn luôn cách mạng hóa công cụ sản xuất, do đó cách mạng hóa những quan hệ sản xuất, nghĩa là cách mạng hóa toàn bộ những quan hệ trong xã hội. Trái lại đối với tất cả các giai cấp công nghiệp trước kia thì việc duy trì nguyên vẹn phương thức sản xuất cũ là điều kiện kiên quyết cho sự tồn tại của họ. Sự đảo lộn liên tiếp của sản xuất, sự rung chuyển không ngừng trong tất cả những quan hệ xã hội, sự luôn luôn hoài nghi và sự vận động làm cho thời đại tư sản khác với tất cả các thời đại trước. Tất cả những quan hệ xã hội cứng đờ và hoen rỉ, với cả tràng những quan niệm và tư tưởng vốn được tôn sùng từ nghìn năm đi kèm những quan hệ ấy, đều đang tiêu tan; những quan hệ xã hội thay thế những quan hệ đó chưa kịp cứng lại thì đã già cỗi ngay. Tất cả những gì mang tính đẳng cấp và trí tuệ đều tiêu tan như mây khói; tất cả những gì là thiêng liêng đều bị ô uế, và rốt cuộc, mỗi người đều buộc phải nhìn những điều kiện sinh hoạt của họ và những quan hệ giữa họ với nhau bằng con mắt tỉnh táo.

2. C.Mác đã phát họa bức tranh xã hội cộng sản với đầy đủ bản chất ưu việt của nó

Trước hết, C.Mác đã công bố sự ra đời của chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản đã được tất cả các thế lực ở Châu âu thừa nhận là một thế lực. Hiện nay, đã đến lúc những người cộng sản phải công khai trình bày trước toàn thế giới những quan điểm, mục đích, ý đồ của mình; và phải có một Tuyên ngôn của đảng của mình để đập lại câu chuyện hoang đường về bóng ma cộng sản.

Hai là, C.Mác nêu bật bản chất ưu việt của xã hội cộng sản chủ nghĩa. Chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái khả năng đang chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác.

Cố nhiên, điều đó lúc đầu chỉ có thể thực hiện bằng cách xâm phạm một cách chuyên chế vào sở hữu và những quan hệ sản xuất tư sản, nghĩa là bằng những biện pháp, mà về mặt kinh tế thì hình như không được đầy đủ và không có hiệu lực, nhưng trong tiến trình vận động, những biện pháp ấy sẽ vượt quá bản thân chúng và là thủ đoạn không thể thiếu để đảo lộn toàn bộ phương thức sản xuất. Trong những nước khác nhau, những biện pháp ấy dĩ nhiên sẽ khác nhau rất nhiều. Nhưng đối với những nước tiên tiến nhất thì những biện pháp sau đây sẽ có thể áp dụng khá phổ biến:

1. Tước đoạt sở hữu ruộng đất và trao nộp tô vào quỹ chi tiêu của nhà nước; 2. áp dụng thuế luỹ tiến cao; 3. Xoá bỏ quyền thừa kế; 4. Tịch thu tài sản của tất cả những kẻ lưu vong và của tất cả những kẻ phiến loạn; 5. Tập trung tín dụng vào tay nhà nước thông qua một ngân hàng quốc gia với tư bản của nhà nước và ngân hàng này sẽ nắm độc quyền hoàn toàn; 6. Tập trung tất cả các phương tiện vận tải vào trong tay nhà nước; 7. Tăng thêm số công xưởng nhà nước và công cụ sản xuất; khai khẩn đất đai để cấy cầy và cải tạo ruộng đất trong một kế hoạch chung; 8. Thực hành nghĩa vụ lao động đối với tất cả mọi người, tổ chức các đạo quân công nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp; 9. Kết hợp nông nghiệp, thi hành những biện pháp nhằm làm mất dần sự khác biệt thành thị và nông thôn; 10. Giáo dục công cộng và không mất tiền cho tất cả các trẻ em. Xoá bỏ việc sử dụng trẻ em làm trong các khu công xưởng như hiện nay. Kết hợp giáo dục với sản xuất vật chất,...

Ba là, C.Mác chỉ rõ hiệu lực, hiệu quả của quyền lực chính trị khi nó thuộc về nhân dân. Khi những đối kháng giai cấp đã mất đi trong tiến trình của sự phát triển và toàn bộ sản xuất đã tập trung trong tay những cá nhân đã liên hợp lại với nhau thì quyền lực công cộng cũng mất tính chất chính trị của nó. Quyền lực chính trị, theo đúng nghĩa của nó, là bạo lực có tổ chức của một giai cấp để trấn áp một giai cấp khác. Nếu giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản, nhất định phải tự tổ chức thành giai cấp, nếu giai cấp vô sản thông qua con đường cách mạng mà trở thành giai cấp thống trị và với tư cách là giai cấp thống trị, nó dùng bạo lực tiêu diệt những quan hệ sản xuất cũ, thì đồng thời với việc tiêu diệt những quan hệ sản xuất ấy, nó cũng tiêu diệt luôn cả những điều kiện tồn tại của sự đối kháng giai cấp, nó tiêu diệt những giai cấp nói chung và cũng do đấy, tiêu diệt cả sự thống trị của chính nó với tư cách là một giai cấp.

Bốn là, C.Mác rất quan tâm giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới. Nếu đại công nghiệp phát triển càng phá hủy mọi mối quan hệ gia đình trong giai cấp vô sản và càng biến trẻ em thành những món hàng mua bán, những công cụ lao động đơn thuần, thì những lời huênh hoang của giai cấp tư sản về gia đình và giáo dục, về những mối quan hệ thân thiết gắn bó con cái với cha mẹ, lại càng trở nên ghê tởm. Thì chủ nghĩa xã hội là giải phóng phụ nữ: Thậm chí hắn không ngờ rằng vấn đề ở đây, chính là kéo đàn bà ra khỏi vai trò hiện nay của họ là một công cụ sản xuất đơn thuần. Xóa bỏ mọi định kiến về giới, tạo quyền cho phụ nữ chính là giải phóng phụ nữ một cách triệt để nhất. Điều đó chỉ có và hiện thực hóa nó dưới xã hội cộng sản chủ nghĩa

Năm là, C.Mác đã chỉ ra nguyên nhân của việc áp bức dân tộc. Hãy xoá bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xoá bỏ. Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo. Không có gì là lạ vì dưới xã hội cộng sản chủ nghĩa, một chế độ xã hội đã xóa bỏ tận gốc nguyên nhân sinh ra bất bình đẳng giai cấp thì sẽ mang lại quyền bình đẳng thực tế giữa các dân tộc.

Sáu là, C.Mác đã khẳng định tính chất triệt để nhất của cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa. Cách mạng cộng sản chủ nghĩa là sự đoạn tuyệt triệt để nhất với những quan hệ sở hữu kế thừa của quá khứ; không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy rằng trong tiến trình phát triển của nó, nó đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với những tư tưởng kế thừa của quá khứ.

Như chúng ta đã thấy trên kia, bước thứ nhất trong cuộc cách mạng công nhân là giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị, là giành lấy dân chủ. Giai cấp vô sản sẽ dùng sự thống trị chính trị của mình để từng bước một đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản, để tập trung tất cả những công cụ sản xuất vào trong tay nhà nước, tức là trong tay giai cấp vô sản đã được tổ chức thành giai cấp thống trị, và để tăng thật nhanh số lượng những lực lượng sản xuất.

Bảy là, C.Mác đã chỉ rõ quyền con người và việc hiện thực hóa nó trong xã hội cộng sản chủ nghĩa. Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng  giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người.

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới.

3. Dân tộc Việt Nam đang dần hiện thực hóa bức tranh xã hội cộng sản chủ nghĩa của C.Mác

Thứ nhất, trên nền tảng lý luận Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ăngghen phác thảo, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định đường lối cách mạng  trong Cương lĩnh đầu tiên năm 1930: Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Trung thành tuyệt đối và kiên định nhất quán đường lối cách mạng Việt Nam, Cương lĩnh 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển 2011 đã vạch ra mô hình, phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam.

Đại hội XIII đã tổng kết thành tựu chủ nghĩa xã hội Việt Nam: Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. 

Thứ hai, xây dựng chủ nghĩa xã hội hết sức khó khăn phải phát huy sức mạnh toàn dân tộc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội. Vì vậy, bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Nhân dân tiếp nhận, ủng hộ và nhiệt tình tham gia thực hiện đường lối của Đảng vì thấy đường lối đó đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của mình. Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển.

Thứ ba, xây dựng chủ nghĩa xã hội phải vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thường xuyên tổng kết thực tiễn phát triển lý luận. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động. Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học. Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống.

Thứ tư, mặc cho các thế lực thù địch xuyên tạc bôi đen, thậm chí phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thành quả cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, 174 năm đã qua Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ăngghen phác thảo, tư tưởng của C.Mác sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam và thời đại ngày nay. Những giá trị lý luận và thực tiễn trong Tuyên ngôn mãi mãi là chân lý cho các dân tộc phụ thuộc, cho nhân loại tiến bộ xác định con đường đi đến vinh quang của dân tộc mình và là minh chứng hùng hồn sự trường tồn vĩnh viễn của chủ nghĩa Mác-Lênin trước mọi sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch.

Những năm gần đây, thế giới trải qua nhiều biến động, chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào thoái trào. Các thế lực thù địch ra sức bôi nhọ, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin. Thế nhưng, chủ nghĩa xã hội khoa học vẫn thu hút trái tim, khối óc của hàng triệu nhân dân lao động trên toàn thế giới. Đấu tranh chống áp bức, bất công, chống chủ nghĩa đế quốc, bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Dù nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội có khác nhau ở mỗi quốc gia dân tộc, dù thời gian còn lâu dài, có những bước thăng trầm, nhưng lịch sử nhân loại tất yếu sẽ dẫn loài người tới chủ nghĩa cộng sản C.Mác đã chỉ ra từ tháng 2 năm 1848 trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.

Kỷ niệm 204 năm ngày sinh C.Mác, 174 năm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời, bằng tất cả những gì mà thực tiễn cách mạng Việt Nam và thế giới đã diễn ra trong những thế kỷ qua, cùng những thăng trầm lịch sử chính là điều tri ân công lao to lớn mà C.Mác đã dành suốt cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Thời gian có thể xóa nhòa tất cả song Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo với những giá trị lý luận và thực tiễn của nó luôn sống mãi, luôn đồng hành cùng nhân loại và các dân tộc trong việc hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội, định hướng cuộc đấu tranh cho mục tiêu của thời đại và giải quyết những vấn đề mang tính chất toàn cầu./.

Thông tin phản bác: 

Tin khác