Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ bảy, 20 Tháng 4, 2024 - 07:02

Tuyên ngôn độc lập – những giá trị bất hủ

ThS. Dương Quốc Hoàng
Phó Hiệu trưởng

Mỗi năm, gần đến ngày 2-9, nghe lại băng ghi âm mà Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, trong trái tim mỗi con người Việt Nam trào dâng niềm tự hào vô hạn, xúc động nghẹn ngào, thấm thía tận tâm can, xen lẫn sự căm phẩn tột cùng với tội ác của thực dân xâm lược.

Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử có giá trị ở nhiều mặt. Trước hết, Tuyên ngôn độc lập công bố với quốc dân đồng bào và với thế giới việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mà sự ra đời là kết quả của quá trình hơn 80 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất, anh dũng, hy sinh của bao thế hệ người Việt Nam. Bản Tuyên ngôn đã tố cáo và lên án tội ác man rợ của thực dân Pháp đã gây ra trên đất nước ta. Với tính chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam, Bản Tuyên ngôn khẳng định với thế giới cơ sở pháp lý về quyền của dân tộc Việt Nam “được hưởng tự do và độc lập”; đồng thời vạch ra cơ sở thực tế là Việt Nam “thực sự đã thành một nước tự do và độc lập”. Cơ sở pháp lý của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa được xác định trên hai góc độ: Đã đứng về phe đồng minh chống Nhật; toàn dân đã khởi nghĩa giành chính quyền từ tay Nhật. Pháp lý hiện đại công nhận quyền đương nhiên nắm chính quyền của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc.

Song hành với giá trị pháp lý nêu trên, Bản Tuyên ngôn còn thể hiện xuyên suốt truyền thống của dân tộc Việt Nam qua nhiều thế kỷ, phản ánh bản lĩnh của cộng đồng các dân tộc Việt Nam luôn vươn tới sự tự khẳng định là một quốc gia, một dân tộc với lòng tự tôn, tự hào dân tộc. Xét về mặt lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Bản Tuyên ngôn là việc kế thừa, phát huy và nâng lên một tầm cao mới truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc. Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận quyết tâm “đền nợ nước, trả thù nhà” của Hai Bà Trưng những năm  đầu Công nguyên; của Lý Thường Kiệt trong “Nam quốc sơn hà…” thế kỷ thứ XI chiến thắng xâm lược Tống; của Trần Quốc Tuấn trong Hịch tướng sĩ thế kỷ thứ XII trước họa xâm lược Nguyên Mông; của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo thế kỷ thứ XV sau khi đánh đổ ách thống trị của triều Minh.

Biện chứng với giá trị truyền thống là giá trị đương đại, Tuyên ngôn tập trung thể hiện cao độ tư tưởng “không có gì quý hơn độc lập tự do”, đã cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân trên quy mô toàn thế giới, giành lấy quyền sống, quyền độc lập, tự do, bước lên vũ đài thế giới sánh vai với các cường quốc năm châu.

Ngoài các giá trị trên, Tuyên ngôn còn là một tác phẩm chính luận, có giá trị cao về ngôn ngữ và văn học, xứng đáng được xếp vào hàng “thiển cổ hùng văn” của dân tộc. Chất văn chương ẩn sâu trong từng câu, từ của áng văn, trong tình yêu nước, thương dân nồng nàn của Bác, lòng tự hào dân tộc; trong độ nhạy cảm tinh tế về chính trị và nhân văn cộng với trí tuệ sắc sảo trong tư duy, tài ba sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt đến độ kết tinh trong sáng, uyển chuyển.

Hàng năm, chúng ta kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 cũng là kỷ niệm ngày ra đời của Tuyên ngôn độc lập với những giá trị bất hủ./.

Tin khác