Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 13:12

Trường Đảng tỉnh trong những năm đầu thành lập

ThS. Dương Văn Chăm
Phó Hiệu trưởng
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Chính vì thế, ngay sau khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ Bến Tre ra đời, công việc đầu tiên của những người cộng sản tiền bối là xây dựng tổ chức, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và phát động phong trào để từ đó thực hiện đúng cương lĩnh và mục tiêu của Đảng. Năm 1947, Tỉnh ủy Bến Tre quyết định thành lập Trường huấn luyện cán bộ. Đây là khung trường huấn luyện chính trị của Đảng ra đời sớm ở các tỉnh Khu 8 và là tiền thân của Trường Chính trị Bến Tre sau này. Qua 73 năm hình thành và phát triển (1947 - 2020), các thế hệ thầy giáo, cô giáo Trường Đảng, Trường Hành chánh, Trường Chính trị tỉnh không ngại hy sinh gian khổ, kiên trì mở các lớp huấn luyện cán bộ góp phần hình thành nên đội ngũ cán bộ cốt cán, lãnh đạo thắng lợi các phong trào cách mạng trên quê hương ba đảo dừa xanh từ trong kháng chiến đến ngày xây dựng quê hương giàu đẹp.

Mặc dù có nhiều cố gắng trong việc sưu tầm, ghi chép, lưu trữ tài liệu, song do thời gian kéo dài cùng với những biến động chiến tranh, nguồn tài liệu, tư liệu về những ngày đầu thành lập Trường không được lưu trữ đầy đủ, bị thất lạc... Do vậy, những hồi ký, ghi chép của các đồng chí cách mạng lão thành, các đồng chí nguyên lãnh đạo, học viên nhà trường qua các thời kỳ đã cung cấp thêm nguồn tư liệu quý về Trường Đảng tỉnh trong những ngày đầu thành lập.

1. Tên trường, thời gian, địa điểm thành lập Trường

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Xứ ủy Nam Bộ tổ chức rước 1.800 cán bộ, đảng viên tù chính trị phạm từ Côn Đảo về đất liền. Trong đoàn cán bộ này có nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, về đến Sóc Trăng ngày 23-9-1945, cũng là lúc kháng chiến Nam Bộ bùng nổ. Từ Côn Đảo về, một số cán bộ được điều về Trung ương, phần lớn đưa về quê hoạt động, còn một số tình nguyện ở lại chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ. Xứ ủy bố trí về các tỉnh miền Tây Nam Bộ, riêng tại Bến Tre có các đồng chí Đỗ Nghĩa Trọng, Võ Văn Khánh, Trần Xuân Lê, Thanh Giang (Nguyễn Văn Khôi)… trong đó có Trần Trường Sinh. Đồng chí Trần Trường Sinh được được bổ sung vào Tỉnh ủy, phân công phụ trách công tác Tuyên huấn, tổ chức xuất bản báo, tuyên truyền và mở các lớp huấn luyện chính trị đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các phong trào cách mạng. Đồng chí Trần Trường Sinh trực tiếp mở các lớp lưu động ngắn hạn, đầu tiên ở xã Định Thủy, rồi dời xuống xã Ngãi Đăng (Mỏ Cày Nam). Nhằm đào tạo cán bộ quy mô lớn hơn, phục vụ theo yêu cầu cuộc kháng chiến, đầu tháng 3-1947, Tỉnh ủy chủ trương mở lớp đào tạo tập trung và thành lập Trường Cán bộ Việt Minh tại xóm Bần Mít, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, do Trần Trường Sinh làm Giám đốc. Trường được cất bằng cây lá, ven rừng, có đủ hội trường, nhà ăn, nhà nghỉ cho học viên, nhà làm việc của Giám đốc và giảng viên, trường có sức chứa mỗi khóa từ 80 - 100 học viên. Cán bộ giảng dạy có các đồng chí Lê Hoài Đôn, Dương Xuân Trọng và một số đồng chí trong Tỉnh ủy được thỉnh giảng. Đồng chí An và Cường giúp việc văn thư, đánh máy, in ấn tài liệu.

      Đồng chí Trần Trường Sinh, UVBTVTU, Giám đốc Trường Cán bộ Việt Minh
(1947 - 1948) 
 

 

Đồng chí Dương Xuân Trọng, Tiểu ban  Huấn luyện, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy 
(3/1947 – 12/1950)
 

Theo hồi ức, ghi chép của các đồng chí cách mạng lão thành, nguyên lãnh đạo nhà trường qua các thời kỳ, tại cuộc Tọa đàm về ngày thành lập Trường Đảng tỉnh ngày 11/11/2020 tại Trường Chính trị đã phân tích sâu sắc chi tiết: Trường Cán bộ Việt Minh ngày thành lập đồng thời là khai giảng lớp học đầu tiên vào đầu tháng 3 năm 1947. Buổi tối của ngày thành lập trường trăng tròn và rất sáng. (Tọa đàm xác định ngày thành lập Trường Đảng tỉnh là ngày Thứ sáu: 07/3/1947, nhằm ngày 15/2 AL năm Đinh Hợi).

Trường đào tạo cán bộ đầu tiên của Đảng bộ Bến Tre có tên gọi là Trường Cán bộ Việt Minh tỉnh, thể hiện sách lược mở rộng mặt trận đại đoàn kết dân tộc, thực hiện toàn dân và toàn diện kháng chiến. Đây là thời điểm Đảng ta tuyên bố tự giải tán rút vào bí mật, các hoạt động công khai của Đảng đều lấy danh nghĩa là Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác do đồng chí Trần Trường Sinh làm Hội trưởng, cơ quan của Tỉnh ủy được nghi trang là nhà xuất bản Đại Chúng.

2. Những thầy giáo tiêu biểu

2.1. Trần Trường Sinh – “Ông thầy giáo đỏ”, Giám đốc đầu tiên của Trường Đảng tỉnh.

Thầy Trần Trường Sinh, cán bộ lãnh đạo của tỉnh, Giám đốc đầu tiên của trường huấn luyện cán bộ của tỉnh. Ông sinh năm 1914, tại xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, bí danh Việt Hùng, bút hiệu Lê Khanh, xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, rồi trở thành người lao động tha hương, đi kiếm sống ở Hải Phòng, Hà Nội, giác ngộ, hoạt động cách mạng, được kết nạp Đảng năm 1941 tại Hà Nội. Năm 1942, Trần Trường Sinh bị địch bắt đưa về giam giữ tại nhà giam Hỏa Lò. Địch kết án ông thuộc loại tù chính trị án nặng nên đã đày đi Côn Đảo. Từ “chốn địa ngục trần gian” này, với chủ trương “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng” của tổ chức Đảng trong nhà tù, các lớp học được diễn ra, chương trình học gồm có nghiên cứu văn học và nghiệp vụ tuyên truyền báo chí bao gồm các thể loại bài viết, tổ chức tòa soạn, in ấn, phát hành... Những người tù tham gia lớp học kế cả người dạy và người học có người đã từng học ở Liên Xô về, có người từng được đồng chí Nguyễn Ái Quốc đào tạo, có người trưởng thành trong hoạt động cách mạng thực tế tích lũy được nhiều kinh nghiệm… Trong học tập đã tăng cường chức năng huấn luyện đào tạo cán bộ hoạt động trong các lĩnh vực cụ thể của phong trào cách mạng nhằm vào phục vụ cho yêu cầu giành chính quyền, chuyển biến cách mạng sang giai đoạn mới. Đồng chí Trần Trường Sinh, giỏi lý luận chính trị, nghiệp vụ tuyên truyền, huấn luyện, báo chí, do được trưởng thành từ trường “Đại học” đặc biệt như thế.

Tác giả Nguyễn Hữu Minh, trong Nhớ nguồn, tập 2, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre ấn hành năm 1993 viết: “Trần Trường Sinh học Pháp không nhiều. Anh có nói: Tôi không có bằng cấp nào cả. Nhưng trường đời và trường đại học lao tù đã dào tạo anh thành một tài năng xuất sắc về chính trị, lý luận kể cả sự hiểu biết về văn hóa, nghệ thuật, báo chí. Kiến thức và năng khiếu diễn giảng của anh thật tuyệt vời. Hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp tỉnh nhà anh là một ngôi sao. Bài vở anh ngồi nói miệng cho anh An và anh Cường đánh máy không phải viết sẵn, nói một mạch đánh máy một mạch là xong. Trên diễn đàn hay bục giảng anh có để xấp tài liệu cả dàn bài nữa, nhưng không bao giờ anh bị câu thúc phải dòm hoặc đọc lại tài liệu. Anh nói một mạch, mạch lạc, lưu loát, không thừa chữ, không thiếu câu, rất ít vấp văn phạm, trọng âm rất rõ ràng dễ hiểu và bắt buộc người nghe phải chú ý, phải nhớ lấy. Tôi ngồi nghe ghi chép những điều anh trình bày suốt một buổi, đọc lại gần giống như một bài giảng viết sẵn theo một dàn bài nhất định.

Đồng chí Vũ Hồng Thanh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Giám đốc Trường Đảng vào những năm 1983 đến năm 1994, trong bài viết: Nhớ thầy Trần Trường Sinh (báo Đồng Khởi ngày 01/3/2017) đã cung cấp thêm nguồn tư liệu về trách nhiệm công việc của thầy Trần Trường Sinh “Lúc bệnh tay run không tự viết được, tài liệu nghiên cứu, học tập cho học viên đồng chí ngồi suy nghĩ đọc rồi giao cho đồng chí An và Cường, là cán bộ của trường đánh máy một mạch, xong rồi ông đọc lại, ít khi phải chỉnh sửa”.

Là học viên của Trường Đảng tỉnh, năm 1948, tác giả Lê Chí Nhân, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, viết: “Thầy Trần Trường Sinh là một cây lý luận giỏi nhất tỉnh, được thử thách từ nhà tù Côn Đảo. Sau Cách mạng Tháng 8, không về quê nhà Miền Bắc mà ở lại Bến Tre tiếp tục làm cách mạng…” (Nhớ những người thầy Chính trị, Lịch sử Trường Chính trị Bến Tre (1947 – 2017), Trường Chính trị ấn hành năm 2017). Trong bài: Tôi đi học làm cộng sản, tác giả Lê Chí Nhân đã hồi tưởng: “Thầy Trần Trương  Sinh ốm, mặt xanh xao hốc hác mang kính lão, mặc bà ba đen…Ấn tượng đầu tiên, tôi nghe những ông thầy cộng sản giảng bài như thuộc nằm lòng, rất mạch lạc, rất thuyết phục... Thầy Sinh, thầy Đôn, thầy Sách còn dạy chúng tôi hướng tới làm cộng sản toàn thiện, toàn mỹ, phải không ngừng rèn luện tác phong, đạo đức cách mạng. Dạy chúng tôi phải tuyệt đối chấp hành kỷ luật, tổ chức của Đảng” (Nhà báo lão thành Lê Chí Nhân cây bút xông pha không mỏi, Ban Chấp hành Hội nhà báo Việt Nam, tỉnh Bến Tre, ấn hành tháng 6.2016).

Về Bến Tre công tác, năm 1945 Trần Trường Sinh là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách công tác tuyên huấn, Giám đốc Trường Cán bộ Việt Minh. Trong trận oanh kích ác liệt của máy bay địch vào buổi sáng ngày 17/4/1951, tại ấp Bàu Cá, xã Long Toàn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, hầm trú ẩn của Trần Trường Sinh bị trúng bom, ông đã hy sinh.

Cuộc đời 37 mùa xuân của thầy Trần Trường Sinh, chỉ dành cho Bến Tre 6 năm ngắn ngủi cuối đời, song đã  để lại nhiều dấu ấn rất đậm nét trong đội ngũ những người làm công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ của tỉnh, với chương trình và nội dung hết sức thiết thực; trọn vẹn tấm gương người thầy giáo Trường Đảng, người cán bộ lãnh đạo tỉnh nhà.

2.2. Lê Hoài Đôn sống giản dị, chết kiên cường

Lê Hoài Đôn quê ở xã Phước Long trước thuộc huyện Châu Thành nay là huyện Giồng Trôm, trước là cựu học sinh trường trung học Mỹ Tho (Collège de Mỹ Tho) sau lên học trường trung học Pétrus Ký Sài Gòn (nay là trường Lê Hồng Phong). Năm 1945, trước khí thế sôi nổi chuẩn bị tổng khởi nghĩa của các tầng lớp nhân dân, ông tham gia phong trào thanh niên rồi về quê tham gia cuộc tổng khởi nghĩa Tháng tám 1945. Cuối năm 1946 Tỉnh ủy phân công Lê Hoài Đôn cùng Trần Trường Sinh mở các lớp huấn luyện để đào tạo cán bộ cho phong trào cách mạng và thành lập trường Cán bộ Việt Minh.

Đồng chí Lê Hoài Đôn, Tỉnh ủy viên,
Giám đốc Trường Cán bộ Việt Minh (1948 - 1949)
 

Đồng chí Nguyễn Văn Châu (Huy Khanh), nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy viết: “Lê Hoài Đôn là một trong những cán bộ cốt cán của trường. Anh vừa làm công tác lãnh đạo, phụ tá cho anh Trường Sinh, vừa trực tiếp làm công việc huấn luyện. Anh giảng dạy rất giỏi các chuyên đề về chủ nghĩa Mác, về Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng.

Ngày nay, lớp học viên còn lại, chúng tôi không ai quên được người giảng viên cộng sản trẻ tuổi Lê Hoài Đôn trước chiếc bàn gỗ thô sơ, người tầm thước có dáng dong dỏng cao, hiền hậu, cử chỉ từ tốn, luôn luôn mỉm cười vui vẻ và khả ái, nói năng lưu loát, rõ ràng, vấn đề nêu ra luôn luôn hấp dẫn người nghe. Anh có kiến thức rộng và trí nhớ tuyệt vời. Ai đã dự qua trường lớp được anh giảng dạy cũng đều mến anh.

Lê Hoài Đôn chẳng những nói hay mà viết lại rất giỏi. Do đó, ngoài công tác tuyên huấn của Đảng, anh còn được giao nhiệm vụ tổ chức và lãnh đạo Đoàn Văn hóa kháng chiến Bến Tre từ những ngày đầu kháng chiến, nơi quy tụ lực lượng văn nghệ sĩ của tỉnh nhà đang hoạt động các ngành, đoàn thể, bộ đội và các huyện”  (Trích trong Nhớ nguồn, tập 1, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ấn hành năm 1993).

Đồng chí Lê Chí Nhân nhớ lại: “Thầy Lê Hoài Đôn còn rất trẻ, cao, dong dãi, còn dáng thư sinh, cũng mặc bà ba đen”; “Chương trình bài giảng mà các thầy dạy tôi tâm đắc nhất là phải bám đất, bám dân làm 5 bước công tác cách mạng và một bài nữa là đạo đức cách mạng - là suốt đời theo Đảng, phục vụ nhân dân, giải phóng đất nước, mới giải phóng giải cấp và tự giải phóng cho mình.

Có thể nói, ba người thầy Đỗ Nghĩa Trọng, Trần Trường Sinh và Lê Hoài Đôn là thần tượng của tôi. Lời dạy của thầy theo suốt đời tôi.” (Nhớ những người thầy Chính trị, Lịch sử Trường Chính trị Bến Tre  1947 – 2017); “Lúc đó tôi nhìn những ông thầy của tôi thật sự là những người cộng sản mẫu mực, là người cách mạng triệt để, là con người có đạo đức cộng sản đầy nhân ái. Chính những ông thầy này là thần tượng cho tôi noi theo suốt đời. Đặc biệt thầy Đôn người cộng sản từ tầng lớp trí thức phi vô sản trở thành người cộng sản…” (Nhà báo lão thành Lê Chí Nhân cây bút xông pha không mỏi, Ban Chấp hành Hội nhà báo Việt Nam, tỉnh Bến Tre, ấn hành tháng 6.2016)

Năm 1948, đồng chí Trần Trường Sinh nghỉ dưỡng bệnh dài hạn, Lê Hoài Đôn được đề bạt vào Tỉnh ủy phụ trách công tác Tuyên huấn, Giám đốc Trường cán bộ Việt Minh. Tháng 11/1950, Hoài Đôn được cử vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy và được phân công làm Trưởng Đoàn phụ trách vùng C (bao gồm các huyện Mỏ Cày, Chợ Lách, Sóc Sải). Ngày 26/12/1950, Đoàn đi công tác đến cánh đồng An Qui (xã Đa Phước Hội, Mỏ Cày Nam) bị địch phát hiện, bao vây, tấn công từ bốn phía. Đoàn công tác vừa nổ súng bắn trả vừa phân tán ra nhiều phía nơi không có địch để thoát vòng vây, nhưng địch quá đông, chúng phát hiện có súng lục (do đồng chí Lê Hoài Đôn bắn trả quân thù) biết là có cán bộ quan trọng, đã tập trung vây chặt, hạ sát các  đồng chí Lê Hoài Đôn, Dương Xuân Trọng (Tiểu ban  Huấn luyện, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy) và đồng chí Diện. Trước lúc hy sinh Lê Hoài Đôn đã hô to:

- Việt Nam độc lập muôn năm !

- Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm !

- Hồ Chí Minh muôn năm !

Lê Hoài Đôn vào Đảng năm 22 tuổi, vào Tỉnh ủy năm 24 tuổi, được cử vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 26 tuổi và cũng chính năm nầy anh đã anh dũng hy sinh.

Lê Hoài Đôn cùng với Trần Trường Sinh, Dương Xuân Trọng là những người thầy đầu tiên Trường Đảng, những người có công đào tạo lớp cán bộ chủ chốt đầu tiên của tỉnh nhà từ sau cách mạng Tháng Tám. Quý thầy giáo dù đã hy sinh, nhưng tên tuổi vẫn còn mãi trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh nhà.

Tiếp tục phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, Trường Chính trị được Tỉnh ủy cho chủ trương tạc tượng bán thân đồng chí Trần Trường Sinh. Năm 2017, kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Chính trị (1947-2017), Ban Giám hiệu nhà trường xin chủ trương đặt tượng đồng chí Trần Trường Sinh trong khuôn viên nhà trường bằng chất liệu đá granit. Đây là một công trình văn hóa, lịch sử, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm chân thành, lòng biết ơn của thầy và trò Trường Chính trị với công sức đóng góp, hy sinh của đồng chí Giám đốc đầu tiên của Trường Đảng tỉnh nhà. Tên đồng chí Trần Trường Sinh, Lê Hoài Đôn còn được đặt cho hai trường THPT của huyện Thạnh Phú, thuộc Cù Lao Minh, là dãy đất gắn liền những năm tháng hoạt động cách mạng cuối đời của 02 người Thầy, thế hệ lãnh đạo đầu tiên của Trường Đảng tỉnh, Trường Chính trị Bến Tre. Các đồng chí mãi là tấm gương sáng về người cộng sản chân chính, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng ở những giai đoạn gian khổ nhất, là thế hệ thầy giáo Trường Đảng đặt nền móng quan trọng, góp phần hình thành nên đội ngũ cán bộ cốt cán, lãnh đạo thắng lợi các phong trào cách mạng trên quê hương Đồng Khởi anh hùng./.

Tin khác