Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ năm, 28 Tháng 3, 2024 - 21:45

Tiếp tục nâng cao vai trò của phụ nữ Bến Tre trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế

Nguyễn Thị Ninh
Chuyên viên phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học
 

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, người phụ nữ Việt Nam đã có những cống hiến, đóng góp to lớn, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của phụ nữ Việt Nam “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ. Phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”[1], phụ nữ Việt Nam ngày càng phát huy vai trò và tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Trong đó, phụ nữ Bến Tre quyết tâm triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ X, hoàn thành phương hướng, nhiệm vụ mà Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ IX đề ra, tiếp tục vững bước tiến lên, đạt nhiều thành tựu và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển của tỉnh nhà.

Trong công cuộc khai hoang và định cư trên quê hương Bến Tre, trong dân gian ngợi ca ghi công các “Bà” bằng những câu chuyện kể, giai thoại, bằng các câu hò, điệu lý… mà đặc biệt là tại Bến Tre, có thể gặp không ít địa danh mang tên “Bà” bao gồm các rạch như: rạch Bà Khoai, rạch Bà Thầy Vân, rạch Bà Tư Rựa…; các giồng như: giồng Bà Nhiên, giồng Bà Khoai, giồng Bà Trường, giồng Bà Khắc..., các cồn như là: cồn Bà Tư, cồn Bà Tam, cồn Bà Thiếc, cồn Bà Nở; các cầu là cầu Bà Mụ, cầu Bà Vụ, cầu Bà Ươm, cầu Bà Ba Ngỡi với hai chợ là chợ Bà Khoai, chợ Bà Hiền.[2]

Trong lịch sử đấu tranh chống quân xâm lược, chị em phụ nữ luôn là một trong những lực lượng tham gia tích cực. Đặc biệt từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các hoạt động yêu nước có định hướng rõ rệt, có tổ chức và phụ nữ trở thành lực lượng chính trị quan trọng. Trong cao trào đấu tranh đòi dân chủ trong những năm 1936-1939, lực lượng chị em phụ nữ tham gia khá đông vào các “Uỷ ban hành động” và đấu tranh đòi tăng lương, đòi giảm thuế, đòi chia lại đất công điền. Mặc cho sự đàn áp, tù đày, khủng  bố dã man của địch, các chị em phụ nữ luôn tỏ ra kiên cường, bất khuất, ủng hộ cách mạng. Hầu như các xã đều có Hội mẹ, Hội chị chiến sĩ, giữ vai trò nòng cốt trong phong trào “Ủng hộ bộ đội”, “Nuôi quân”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Mùa đông chiến sĩ” tặng quần áo, mùng mền và chăm sóc thương binh…

Trong những cống hiến của phụ nữ Bến Tre thời kháng chiến chống Pháp, có hai sự kiện để lại dấu ấn đậm nét. Đó là việc đồng chí Ba Định được Tỉnh uỷ Bến Tre (1946) giao nhiệm vụ vượt biển (lúc bấy giờ bị địch bao vây, phong toả ngặt nghèo) ra Trung ương để báo cáo tình hình và xin vũ khí để tiếp sức cho cuộc chiến đấu của các chiến sĩ. Đồng chí Ba Định đã chọc thủng vòng vây của giặc, trở về với thuyền đầy ắp vũ khí, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Sự kiện thứ hai đó là việc đào con kênh mang tên Phụ Nữ năm 1948, đây được xem là kỳ tích của phụ nữ Mỏ Cày và các vùng lân cận khi ấy. Kênh có tác dụng dẫn nước ngọt, làm rỏ phèn cho hai cánh đồng lớn Mỏ Cày và Thạnh Phú. Đặc biệt đây còn là đường tắt để vận chuyển lương thực, vũ khí, thuốc men, thương binh trong khu vực cù lao Minh và tuyến giao thông đường thủy từ Mỏ Cày đến vàm Khâu Băng... Để sớm hoàn thành con kênh, hàng ngàn chị em không sợ bom đạn ác liệt, đào kênh vào ban đêm, ăn ngủ dã chiến nhiều ngày liền nhưng an toàn tuyệt đối về người và trang bị, hoàn thành trước thời gian dự kiến gần hai tháng, đảm bảo bí mật, kịp thời phục vụ cho kháng chiến.

Tinh thần đấu tranh kiên cường của phụ nữ Bến Tre được khắc ghi đậm nét nhất là trong phong trào Đồng Khởi năm 1960. Dưới sự lãnh đạo của nữ tướng Nguyễn Thị Định, “Đội quân tóc dài” đã ra đời – là sự sáng tạo độc đáo của Bến Tre và nâng tầm vóc của phong trào đấu tranh của phụ nữ lên đỉnh cao mới.

Nhìn về toàn cục của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, từ phong trào Đồng Khởi khi mới ra đời “Đội quân tóc dài” đến Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, “Đội quân tóc dài” đã tham gia trực tiếp đánh giặc, góp phần làm tan rã chính quyền Việt Nam cộng hoà ở cơ sở, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà vào mùa xuân năm 1975.

Với những cống hiến to lớn đó, năm 1968, Đảng bộ, nhân dân tỉnh Bến Tre vinh dự được Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền nam Việt Nam tặng thưởng tám chữ vàng “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt Nguỵ”. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bến Tre có 07 phụ nữ được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 01 thiếu tướng Phó Tư lệnh miền là bà Nguyễn Thị Định, 1.774 bà mẹ Bến Tre được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng[3]. Tính đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre ba lần được tặng Huân chương Giải phóng hạng nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Ngày 06 tháng 8 năm 2018, kỷ niệm 50 năm Bến Tre được tuyên dương danh hiệu “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt Nguỵ”, tập thể Hội Phụ nữ giải phóng – Đội quân tóc dài vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ năm 1978 đã phát động phong trào thi đua “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, thực hiện “Giỏi việc nước, đảm  việc nhà, phấn đấu thực hiện nam nữ bình đẳng” và tới năm 1989 là hai cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” và “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học” nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị và quyền dân chủ, bình đẳng, chăm lo quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Tiếp nối truyền thống của phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Bến Tre nói riêng, đồng thời, giữ vững và phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Bến Tre đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đoàn kết các chị em phụ nữ trong toàn tỉnh nỗ lực phấn đấu thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động để phát huy phẩm chất tốt đẹp, năng lực sáng tạo, tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò của phụ nữ tỉnh nhà, góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ tỉnh nhà ngày càng chủ động thực hiện quyền công dân, nghĩa vụ và trách nhiệm với đất nước. Phụ nữ Bến Tre tham gia cấp uỷ, cơ quan dân cử, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đều tăng về cả số lượng và chất lượng. Lần đầu tiên, Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là nữ và đồng chí là người con của quê hương Giồng Trôm, Bến Tre. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng là người đầu tiên thực hiện quy định tuyên thệ khi nhậm chức theo quy định của Hiến pháp 2013.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư khoá XII về đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới và Công văn số 359-CV/ĐĐ của Đảng Đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về việc tham mưu tạo nguồn cán bộ nữ cho hệ thống chính trị, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ Bến Tre đã cụ thể hoá bằng Công văn số 63/CV-BTV ngày 16 tháng 5 năm 2019 chỉ đạo Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện/thành phố tham mưu tạo nguồn cán bộ nữ cho hệ thống chính trị. Với tinh thần “Tiếp tục tăng tốc, tạo bứt phá”, Đảng Đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ động rà soát thực trạng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý của tỉnh, thực hiện tham mưu giới thiệu nguồn cán bộ nữ cho Tỉnh uỷ xem xét đưa vào quy hoạch A3 cấp ủy, nhiệm kỳ 2020-2025 có 37 đồng chí; huyện/thành phố tham mưu giới thiệu nguồn cán bộ nữ cho cấp ủy xem xét đưa vào quy hoạch A3 cấp ủy cùng nhiệm kỳ có 18 đồng chí.

Trong lĩnh vực kinh tế, phụ nữ Bến Tre hăng hái hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp giá trị cao, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và làm thay đổi diện mạo nông thôn. Các đề án phát triển kinh tế đồng loạt được triển khai đã mang lại những hiệu quả tích cực như dự án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” (Đề án 939) tại ba huyện Bình Đại, Ba Tri, Chợ Lách; dự án “Biến rác thải sinh hoạt thành phân bón để phát triển vườn rau xanh cho 550 hộ gia đình tại mười xã, phường thuộc thành phố Bến Tre và huyện Châu Thành” do Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam tài trợ.

Trong lĩnh vực văn hoá-xã hội, phụ nữ toàn tỉnh tiếp tục triển khai học tập các chuẩn mực xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” cùng với các chuẩn mực của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đó là “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, đẩy mạnh rộng khắp phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” bằng việc thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tiếp tục duy trì và phát triển các mô hình, câu lạc bộ và phong trào tiết kiệm theo gương Bác. Với những nỗ lực phấn đấu không ngừng của phụ nữ Bến Tre mà nòng cốt là Hội Liên hiệp Phụ nữ Bến Tre, năm 2018: 1976/328 hộ đạt tiêu chí gia đình 5 không, 3 sạch, tỷ lệ 602,44%, trong đó có 449/164 hộ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều, tỷ lệ 304,27%; trong quý III/2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre đã tiết kiệm được số tiền trên 1,5 tỷ đồng giúp 316 trường hợp khó khăn và thực hiện chương trình tiếp bước học sinh đến trường, vận động tài trợ trao học bổng Nguyễn Thị Định năm học 2019-2020 với tổng kinh phí 500 triệu đồng; quỹ “Giải thưởng Phụ nữ Đồng Khởi mới” trao cho 60 gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực…

Song song với các hoạt động trên, phụ nữ tỉnh nhà tích cực tham gia bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hoá của dân tộc góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Tre qua nhiều hội thi trưng bày sản phẩm “Hương vị quê hương” với các món ăn truyền thống, liên hoan đờn ca tài tử, đặc biệt là Lễ hội Dừa từ quy mô địa phương (năm 2009, năm 2010) đã được nâng lên quy mô quốc gia từ năm 2012, 2015. Trong năm nay (lần thứ năm tổ chức) với chủ đề “Cây dừa trên con đường hội nhập và phát triển bền vững”, phụ nữ tỉnh nhà đang tập trung chuẩn bị cho rất nhiều hoạt động như Lễ hội áo bà ba, Hội thi ẩm thực…

Trong gia đình, phụ nữ Bến Tre là điểm tựa tinh thần, giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống, phấn đấu nuôi dạy thế hệ công dân tương lai của đất nước đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững. Trên toàn tỉnh có nhiều mô hình, câu lạc bộ an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại các cơ sở như “Tổ tư vấn hôn nhân – gia đình”, “Phòng, chống xâm hại trẻ em”, “Làm mẹ an toàn”, “Cha mẹ có con ở độ tuổi vị thành niên”… Những hoạt động trên góp phần thực hiện tốt chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” do Trung ương Hội phát động.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong những năm qua, hoạt động của phụ nữ trên toàn tỉnh vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định.

Tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tác động không nhỏ đến kết quả các hoạt động phong trào, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, định kiến giới còn tồn tại, đời sống một bộ phận phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn, phụ nữ bị khuyết tật còn khó khăn, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận phụ nữ chưa được đẩy lùi hoàn toàn.

Về công tác tổ chức, chất lượng hoạt động của một số cơ sở chưa quyết liệt, thiếu tính năng động, còn trông chờ cấp trên, chưa đồng đều, công tác tham mưu cấp ủy giới thiệu cán bộ chủ chốt cấp cơ sở đào tạo đạt chuẩn chính trị cũng như bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ nữ còn chậm.

Về nhiệm vụ trọng tâm, hoạt động của các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh  còn nhiều khó khăn trong việc giải quyết đầu ra của sản phẩm; vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em và gia đình diễn biến phức tạp, khó lường như bạo lực gia đình, vấn nạn xâm hại trẻ em gái, tệ nạn ma tuý; vấn đề xử lý môi trường trong sinh hoạt và sản xuất góp phần thực hiện cuộc vận động 5 không, 3 sạch một số địa bàn chưa hiệu quả; công tác tuyên truyền giáo dục thiếu đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Bến Tre sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, chương trình mục tiêu quốc gia, đề án theo kế hoạch đã xác định, đặc biệt tập trung thực hiện các công trình hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh nữ tướng Nguyễn Thị Định, các công trình thực hiện thi đua hướng tới Đại hội thi đua yêu nước và Đại hội đảng các cấp năm 2020.

Đồng thời, Hội Liên hiệp Phụ nữ Bến Tre sẽ tham mưu cấp ủy sắp xếp nhân sự, chương trình hành động đối với những ấp, khu phố, xã phường sáp nhập theo đề án của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; nghiên cứu lấy ý kiến hội viên đóng góp văn kiện Đại hội Đảng, đưa vấn đề giới, phụ nữ; các đề án được chính phủ phê duyệt liên quan đến phụ nữ, trẻ em và gia đình vào trong Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

Đặc biệt là Hội sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng người phụ nữ Bến Tre phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, tinh thần, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CM 4.0), đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

Phát huy tinh thần yêu nước, chung sức, chung lòng, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, phụ nữ Bến Tre tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” qua đó khơi dậy tính chủ động, năng động, sáng tạo, phát huy nội lực trong lao động sản xuất và học tập, đoàn kết quyết tâm góp phần đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vì sự tiến bộ, hạnh phúc và bình đẳng của phụ nữ.

 

[1] Tám chữ vàng Bác Hồ trao tặng cho phụ nữ Việt Nam

[2] Theo Thạch Phương: Phụ nữ Bến Tre, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr.21-22.

[3] Theo sđd: Phụ nữ Bến Tre.

Tin khác