Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ năm, 28 Tháng 3, 2024 - 15:41

Thạnh Hải – Vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nghĩa tình và giàu tiềm năng phát triển

                                            ThS. Phan Văn Thuận
Trưởng Khoa Xây dựng Đảng
 

Thạnh Hải là xã nằm ở vị trí cuối cùng của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Vùng đất giàu truyền thống cách mạng ven biển Đông này trong chiến tranh là nơi ghi lại dấu ấn đường Hồ Chí Minh trên biển năm xưa, nơi ra đời của Trường Cán bộ Việt Minh (1947), là một “An toàn khu” kháng chiến. Từ một xã nghèo, đặc biệt khó khăn nhất nhì của huyện, của tỉnh, giờ đây, Thạnh Hải được biết đến là một địa phương có nhiều tiềm năng phát triển “công nghiệp sạch” - điện gió và “công nghiệp không khói” - du lịch của quê hương Đồng Khởi anh hùng.

Xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú được thành lập năm 1984, trên cơ sở chia xã Thạnh Phong thành hai xã Thạnh Hải và Thạnh Phong theo Khoản 5a, Điều 1, Quyết định số 14-HĐBT ngày 14/3/1984 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc phân vạch địa giới một số xã, thị trấn, thị xã thuộc tỉnh Bến Tre. Phía đông Thạnh Hải giáp biển Đông, phía tây bắc giáp xã Giao Thạnh, phía tây nam giáp xã Thạnh Phong, phía đông bắc giáp sông Hàm Luông và xã An Thủy huyện Ba Tri, với diện tích 6.387,42 ha và dân số 8073 người.

Trước năm 1975, Thạnh Hải - Thạnh Phong có địa hình gồm những cánh đồng bằng phẳng xen kẽ với những giồng cát, nổng cát và những khu rừng ngập mặn ven biển, ven sông với những dải rừng ráng, chà là, dừa nước, … Người dân Thạnh Hải có truyền thống yêu nước nồng nàn, chung thủy, nghĩa tình, kiên cường, dũng cảm chống xâm lược; cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Thạnh Hải được biết đến vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là căn cứ an toàn của tỉnh, của Khu 8, với nhiều cơ quan, bệnh viện, trường học, công binh xưởng,… đóng trên địa bàn. Nơi đây, vào “đêm trăng sáng” tháng 3 năm 1947, Trường Cán bộ Việt Minh Bến Tre (nay là Trường Chính trị Bến Tre) được thành lập… Từ đây, với sự tận tụy, hy sinh của đội ngũ thầy giáo lý luận và sự đùm bọc, chở che của người dân, hàng vạn cán bộ, đảng viên được đào tạo, huấn luyện và trở thành hạt nhân lãnh đạo các phong trào cách mạng trên quê hương Đồng khởi anh hùng, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh giành độc lập, tự do và công cuộc kiến thiết xây dựng và phát triển quê hương.

Người dân Thạnh Hải - Thạnh Phong rất tự hào với di tích “Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc – Nam” (Bến A101)  với lịch sử của những chuyến tàu “không số” cặp bến mang bao vũ khí từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam gắn liền những địa danh “vàm Khâu Băng”, “cồn Bửng”, “cồn Lợi”, “cồn Lớn”, “cồn Rừng, “cồn Tra”, cồn Mít”…

Nơi đây, vào “tháng giáp tết” năm 1964, tại Cồn Rừng đã diễn ra trận chống càn vô cùng oanh liệt nhưng cũng đầy bi thương. Nhằm triển khai chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” với kế hoạch mới mang tên Jonhson – Mc Namara, Mỹ - ngụy đã mở cuộc hành quân “Phượng Hoàng TG1” với chiến thuật “trực thăng vận” đánh vào căn cứ Thạnh Phong – Thạnh Phú. Với sự mưu trí, dũng cảm kiên cường của quân và dân ta, đến ngày thứ 21, quân Mỹ - ngụy bị tiêu hao nhiều sinh lực nên buộc phải rút lui, căn cứ Thạnh Phong được bảo vệ an toàn. Thế nhưng, cùng với việc rút quân, bọn chúng đã oanh kích “hủy diệt” toàn khu vực. Trong đó, một trái bom napan đã rớt trúng hầm trú ẩn của một gia đình làm chết toàn bộ 21 thường dân, trong đó có 2 phụ nữ đang mang thai. Một ngôi mộ tập thể 21 người đã được đắp lên như một chứng tích tội ác chiến tranh xâm lược. Và cũng chính nơi đây, vào ngày 25.2.1969, thủy quân lục chiến Seal Rangers (một trong những đội quân được lựa chọn tốt nhất của quân đội Mỹ) do Bob Kerrey chỉ huy đã thảm sát 21 thường dân là người già, phụ nữ và trẻ em vô tội. “Chúng cắt cổ ông Bùi Văn Vát 66 tuổi và bà Lưu Thị Cảnh 62 tuổi, và lôi ba đứa cháu của họ ra từ chỗ trốn ở một ống cống, giết hại và mổ bụng moi ruột một đứa. Sau đó nhóm lính này tàn sát các gia đình khác, giết chết 15 dân thường, bao gồm cả phụ nữ đang mang thai, moi bụng một em gái” (theo Bách khoa toàn thư Wikipedia). 

Với truyền thống cách mạng kiên cường, dũng cảm, hy sinh… và những chiến công oanh liệt, Thạnh Hải – Thạnh Phong cùng cả nước làm nên “Đại thắng mùa xuân” năm 1975 lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

 

“Khu bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển”
Ảnh: Sưu tầm
 

Bia lưu niệm "Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc Nam"- xã Thạnh Hải, Thạnh Phú.
Ảnh: Sưu tầm
 

Sau “thắng lợi vĩ đại” ấy, nhân dân Thạnh Hải tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo xây dựng và phát triển quê hương. Nhưng là một xã nghèo và mới “ra riêng” từ xã Thạnh Phong (1984) nên càng gặp nhiều khó khăn, nhất là về hạ tầng giao thông, điện, thông tin liên lạc và nhất là ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu…. Vì vậy, “cái nghèo”, “cái khó” vẫn không buông tha, nên Thạnh Hải được biết đến như là một “xứ nước mặn, chà là gai”, kết cấu hạ tầng lạc hậu, hệ thống chính trị yếu kém trong nhiều năm, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, vất vả…

Trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, với tinh thần kiên cường, không chịu mãi tình trạng nghèo nàn lạc hậu, cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ của huyện, của tỉnh, Thạnh Hải trong “cái khó” đã “ló” được “cái khôn” - “biến nguy thành cơ”, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương trên tinh thần và khí thế của cuộc “Đồng khởi mới”. Kinh tế - xã hội xã nhà phát triển năm sau cao hơn năm trước, nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước. Kinh tế có bước tăng trưởng khá nhanh, chuyển dịch cơ cấu đúng hướng, kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, hộ nghèo được kéo giảm nhanh, bền vững, chất lượng giáo dục được duy trì, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, an sinh xã hội ngày càng tốt hơn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hệ thống chính trị được củng cố, năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể có bước chuyển biến khá tích cực. Thu nhập bình quân (năm 2019) đạt 42 triệu đồng/người/năm, tăng 20,5 triệu so với năm 2015 (thu nhập bình quân của tỉnh Bến Tre là 38,9 triệu đồng). Ứng dụng khoa học – kỹ thuật được quan tâm trong sản xuất nông nghiệp, nhất là kinh tế thủy sản  - “ngành kinh tế mũi nhọn” của địa phương… Với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, Thạnh Hải đã chú trọng đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện “thu hút đầu tư” xây dựng và phát triển hệ thống điện gió – ngành “công nghiệp sạch”, năng lượng tái tạo với 6 nhà máy điện gió (với tổng vốn khoảng 10.000 tỷ đồng) và phấn đấu đưa 2 nhà máy vào vận hành khai thác, hòa lưới điện quốc gia vào quý II năm 2021.

Viếng “Bia Lưu niệm Trường Đảng  Bến Tre” tại xã Thạnh Hải.

Chuyến “Về nguồn” của học viên lớp TCLLCT-HC, C40 tại xã Thạnh Hải
 

Đặc biệt, Thạnh Hải hôm nay được biết đến nhiều nhất là “Khu du lịch Cồn Bửng” – điểm sáng trong phát triển dịch vụ du lịch của huyện, của tỉnh. Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thạnh Hải Lê Văn Tiến cho biết: Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt dự án phát triển du lịch hơn 300ha ở hai xã Thạnh Hải và Thạnh Phong đến năm 2030. Từ dự án đó, nơi đây đã, đang và sẽ phát triển theo hướng du lịch văn hóa - lịch sử, tâm linh, sinh thái biển, rừng ngập mặn và vui chơi giải trí. “Bãi biển Cồn Bửng” với bãi tắm “Hàng Dương”, “Tây Đô” dần trở thành “thương hiệu” mới của Thạnh Hải. Cách biển Thạnh Hải không xa, di tích “Công viên Nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển”, “Lăng Ông Nam Hải” được xây dựng trong quần thể “Khu bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển”. Đây sẽ là “địa chỉ đỏ” để thế hệ sau tìm hiểu về con đường huyền thoại mà ông cha đã tạo nên trong những năm kháng chiến, tri ân về sự hy sinh to lớn của thế hệ đi trước và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay. Đồng thời, đây cũng là mũi đột phá và là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, để (cùng với các mũi đột phá khác) Thạnh Hải phấn đấu đạt mục tiêu: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Phát huy dân chủ, giữ nghiêm kỷ cương, tạo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Duy trì ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân (với thu nhập bình quân đầu người năm 2025 đạt 80 triệu đồng/người/năm). Quyết tâm đến cuối năm 2023 xây dựng đạt tiêu chí xã nông thôn mới và xây dựng xã thành một trong những trung tâm du lịch, năng lượng của huyện, của tỉnh”. Định hướng đến năm 2030 thu nhập bình quân đầu người đạt 120 triệu đồng/người/năm; xây dựng, hình thành khu đô thị ven biển và phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững, đưa Thạnh Hải thật sự trở thành một trong những trung tâm du lịch, năng lượng của tỉnh nhà và đạt chuẩn “Xã nông thôn mới nâng cao”.

Tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là “tình hình biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chất lượng hàng hóa nông sản thiếu sức cạnh tranh, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp…”; đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân Thạnh Hải phải có quyết tâm chính trị lớn, sự đồng thuận cao, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Một là, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bộ máy tinh gọn, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cấp ủy và người đứng đầu có năng lực, đủ phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Hai là, phối hợp các cơ quan chức năng huyện, tỉnh giải quyết dứt điểm việc lấn chiếm đất bãi bồi ven sông, ven biển đưa vào quản lý, khai thác hiệu quả theo pháp luật quy định, tạo quỹ đất thu hút đầu tư.

Ba là, phát huy các giá trị truyền thống, văn hóa, tài nguyên rừng, biển; phát triển du lịch của xã trở thành ngành kinh tế tổng hợp, mũi nhọn, là một trong những trung tâm du lịch của huyện, của tỉnh. Từng bước hình thành khu đô thị ven biển.

Bốn là, đảm bảo ổn định an ninh chính trị, an ninh biên giới biển, trật tự an toàn xã hội; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh tạo mội trường xã hội ổn định phục vụ cho kinh tế, xã hội phát triển.

Những ai đã sống và cảm nhận được những ân tình, tiềm năng, lợi thế cũng như những khó khăn của địa phương từng là “An toàn khu”, “Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc – Nam”, “nước mặn, chà là gai” và sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh… mới thấm thía, nể phục và trân quý trước thành quả bước đầu của sự nỗ lực, phấn đấu vượt khó, vươn lên của người Thạnh Hải trong mục tiêu “thoát nghèo”, “làm giàu”. Đồng thời, mới thấy và hiểu hết được khát vọng cháy bỏng và bức bách của Đảng bộ và Nhân dân Thạnh Hải trong vươn lên vượt khó, làm giàu trong cuộc “Đồng khởi mới” thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, thời kỳ “cách mạng công nghiệp 4.0”. Với tiềm năng và lợi thế của quê hương xứ biển; truyền thống cách mạng, ý chí kiên cường, bất khuất của một địa phương anh hùng; tinh thần cần cù sáng tạo, nghĩa tình của người dân vùng đất “An toàn khu”…, chúng ta tin tưởng một ngày không xa, Thạnh Hải sẽ đạt được mục tiêu của mình, vượt khó, vươn lên làm giàu, cùng tỉnh nhà xây dựng “Quê hương Đồng khởi” giàu đẹp, văn minh./.

Tin khác