Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ ba, 23 Tháng 4, 2024 - 16:33

Từ ký ức đến hiện tại, nghĩ về ngày Quốc tế phụ nữ, ngày Quốc tế phụ nữ ở Việt Nam

Thạc sĩ Nguyễn Thị Yến
                                                       Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường Chính trị
 

Xúc động, tự hào khi sắp đến ngày quốc tế phụ nữ 8.3 hàng năm. Ngày này được Liên Hiệp quốc kỷ niệm và được xem như ngày lễ quốc gia ở nhiều nước trên thế giới.Với nước ta, ngày 08/3 còn gắn liền với sự kiện lịch sử: 1979 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Ngược dòng lịch sử để tìm về nguồn gốc của ngày lễ 8/3: Thời kỳ Hy Lạp cổ đại, Lysistrata (Phụ nữ Pháp) đấu tranh chống lại nam giới để chấm dứt chiến tranh.Thế kỷ XIV, nữ quyền học người Italia Catherine de Sienne đã viết 381 bức thư gửi các nhân vật quyền lực nhất trong Giáo hội đòi nhân quyền cho nữ giới.

Cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản ở Mỹ đã phát triển một cách mạnh mẽ, nền công nghiệp đã thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào các nhà máy, xí nghiệp, nhưng bọn chủ nghĩa tư bản trả lương cho họ rất rẻ mạt. Căm phẫn trước sự bất công đó, ngày 8 tháng 3 năm 1899, nữ công nhân ngành dệt và ngành may tại các thành phố Chicago và New York (Mỹ) đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Cuộc đấu tranh này, mặc dù giới chủ tư bản thẳng tay đàn áp, chị em vẫn đoàn kết chặt chẽ, bền bỉ đấu tranh, buộc họ phải nhượng bộ.Đó là khởi nguồn cho các phong trào đấu tranh mạnh mẽ của phụ nữ lao động trên toàn thế giới. Tháng 2 năm 1909, lần đầu tiên phụ nữ khắp nơi trên nước Mỹ đã tổ chức “Ngày phụ nữ”. Các cuộc mít tinh, biểu tình diễn ra rầm rộ đòi giảm giờ làm, tăng lương và hủy bỏ việc bắt trẻ con làm việc. Khẩu hiệu của họ là “Bánh mì và hoa hồng”.Năm 1907, hai nữ chiến sĩ cách mạng lỗi lạc là bà Colara Zétkin (người Đức) và bà Rôgia Lúcxămbua (người Ba Lan) cùng bà Crúpxkaia, vợ của V.I.Lênin, vận động thành lập Ban thư ký phụ nữ quốc tế để lãnh đạo phong trào phụ nữ.  Tại Đại hội phụ nữ Quốc tế lần thứ 2 họp tại Cô-pen-ha-ghen (Thủ đô Đan Mạnh) năm 1910 đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày “Quốc tế phụ nữ”. Từ đó ngày 8/3 hàng năm trở thành ngày hội truyền thống của phụ nữ toàn thế giới đoàn kết, đấu tranh để tự giải phóng và phấn đấu thực hiện mục tiêu: Bình đẳng-Phát triển-Hòa bình.Năm 1977, Liên Hiệp quốc chính thức hóa Ngày quốc tế phụ nữ. Các nước trên thế giới đều chọn các chủ đề khác nhau cho ngày lễ này của phụ nữ toàn cầu.

Qua đó, lịch sử ngày 8/3 trên thế giới là hành trình dài của 109 năm (08/3/1910-08/3/2019), từ sự đấu tranh không ngừng, chấp nhận hy sinh, đói và khát, không lương, không tiền công, xác người đã đổ… nhưng để chống lại sự hà khắc của giới chủ, cuộc đấu tranh của nữ quyền đã thành công. Cuộc đấu tranh này có bước chuyển và ngày càng lan rộng, mạnh mẽ từ hội, nhóm đến nhà máy, công xưởng và lan tỏa đến các quốc gia; cuộc đấu tranh đi từ tự phát chuyển sang tự giác. Tiếng nói của phụ nữ được thế giới công nhận. Nội dung Ngày quốc tế phụ nữ 8/3 không chỉ dừng lại ở quyền bình đẳng mà được mở rộng thêm khái niệm “phát triển”, khái niệm “giới”. Vị thế phụ nữ từng lúc được nâng cao. Hiện nay, vấn đề giải phóng phụ nữ, vì sự tiến bộ của phụ nữ đã trở thành một vấn đề toàn cầu.

Tại Việt Nam, ngày Quốc tế phụ nữ tổ chức kỷ niệm rất trang trọng, một ngày tràn ngập hoa và những lời chúc tốt đẹp dành cho phụ nữ. Đặc biệt ngày 8/3 còn là dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng - hai vị nữ anh hùng dân tộc lần đầu tiên trong lịch sử phất cờ khởi nghĩa và xưng vương, lập nên một vương triều độc lập, thống nhất và tự chủ, chấm dứt giai đoạn thống trị của phong kiến phương Bắc lần thứ nhất kéo dài tới 246 năm, cách nay 1979 năm.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đánh giá sự cống hiến lớn lao đức, trí, nghĩa, tài của phụ nữ Việt Nam. Người từng viết trong Thư gửi phụ nữ nhân dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế Phụ nữ (ngày 8/3/1952): “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Trong sách "Lịch sử nước ta", Bác viết: "Phụ nữ ta chẳng tầm thường. Ðánh Ðông, dẹp Bắc làm gương để đời”.Phát biểu tại Đại hội những phụ nữ xuất sắc trong phong trào “Ba đảm đang” của Thủ đô ngày 2/12/1965, Bác nói: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng… Phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng”.Người khen ngợi và động viên: “Phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước” (…) Phụ nữ ta cần phải cố gắng nhiều để theo kịp chị em các nước bạn, góp phần nhiều hơn nữa trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội”…

Từ truyền thống đến hiện đại, ngày nay phụ nữ Việt Nam ngày càng nâng cao tầm nhìn, vị thế và phát triển cùng với khí thế phát triển của đất nước. Đã có nhiều gương sáng, những phụ nữ đã hòa vào xu thế chung của thời đại để khẳng định vị trí của mình trên trường quốc tế trong quá trình hội nhập và phát triển. Điều này được xác định bằng những thành tích đóng góp của phụ nữ trải qua các kỳ đại hội. Nếu như Đại hội lần thứ I (nhiệm kỳ 1950-1956) có 5 triệu hội viên và 10 triệu phụ nữ Việt Nam, đến Đại hội lần thứ XII (nhiệm kỳ 2017-2022)  tăng lên 17 triệu hội viên phụ nữ, về số lượng nâng lên, chất lượng của phụ nữ được công nhận và đánh giá cao.

Tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận thành tích của phụ nữ Việt Nam: “Năm năm qua, phong trào phụ nữ tiếp tục có bước phát triển, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hội LHPN Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và sự nghiệp bình đẳng giới; thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; là cầu nối giữa Đảng và hội viên, phụ nữ, góp phần xây dựng khối đoàn kết dân tộc, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Tổng Bí thư khẳng định:“ Chiếm trên 50% dân số và hơn 48% lực lượng lao động xã hội, phụ nữ Việt Nam có mặt trong mọi lĩnh vực, trên mọi địa bàn, chủ động tham gia các hoạt động của đời sống xã hội, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời, phụ nữ còn làm tốt vai trò người vợ, người mẹ, người thầy đầu tiên, là điểm tựa tinh thần vững chắc, gắn kết các thành viên trong gia đình, cùng chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Để nâng cao vị thế hoạt động, qua các kỳ đại hội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã đề ra các chủ đề gắn với quá trình hội nhập, phát triển trên tinh thần đoàn kết hữu nghị, quốc tế trong sáng. Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI với chủ đề "Đoàn kết - Sáng tạo - Hội nhập - Phát triển"; Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII với chủ đề: “Đoàn kết - Đổi mới - Bình đẳng - Hội nhập”.

Từ ý nghĩa, sự kiện Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở Trường Chính trị, theo sự lãnh đạo của Công đoàn viên chức tỉnh, Đảng ủy Trường, hàng năm các công đoàn viên là nam giới đã tổ chức và dành tặng cho toàn thể nữ công đoàn viên những hoạt động vui chơi, giao lưu, sinh hoạt rất có ý nghĩ và đáng nhớ như: thi nấu ăn, hát karaoke; thi cắm hoa; giao lưu thể thao; tham quan ngoài tỉnh… từ đó tạo nên sự trân trọng, đoàn kết và tình đồng chí ngày càng gắn bó, thân thiết hơn. Đây là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn cho chị em.

Tin khác