Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ ba, 16 Tháng 4, 2024 - 12:50

Tân Thiềng đạt chuẩn xã nông thôn mới, một số kinh nghiệm rút ra qua quá trình xây dựng

CN. Võ Văn Du
                                                                                        GV Khoa Lý luận cơ sở
 

Với quyết tâm xây dựng huyện nông thôn mới (NTM), toàn hệ thống chính trị huyện Chợ Lách đồng lòng vào cuộc trong những năm qua và đã có những bước chuyển đáng ghi nhận. Trong đó, đặc biệt là xã Tân Thiềng vừa được công nhận xã nông thôn mới.

Xã Tân Thiềng là một trong 10 xã, thị trấn của huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, xã được chia thành 11 ấp. Về địa giới hành chính: Phía Đông giáp xã Vĩnh Thành và Hưng Khánh Trung B; phía Tây giáp xã Hòa Nghĩa; phía Nam giáp sông Cổ Chiên (tỉnh Vĩnh Long) và phía Bắc giáp xã Long Thới.

Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 2.415 ha, chiếm tỷ lệ 12,79% tổng diện tích đất tự nhiên của huyện Chợ Lách. Địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu nhiệt đới, có hai mùa mưa nắng nên thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp.

 Kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp với tổng diện tích đất nông nghiệp là 1.356 ha, chiếm 56,14% tổng diện tích đất tự nhiên của xã. Trong những năm qua, nhờ áp dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, con giống đã góp phần không nhỏ vào việc tăng năng suất, mang lại hiệu quả cao trong chăn nuôi, trồng trọt, từ đó đã thúc đẩy kinh tế của Nhân dân không ngừng được nâng lên đáng kể. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 41, 9 triệu đồng/người/năm.

 Toàn xã có 3.384 hộ dân với tổng số 10.806 người, trong đó có 8.443 người trong độ tuổi lao động, chiếm tỷ lệ 78%. Xã được công nhận “Xã Văn hóa” từ năm 2005, các danh hiệu “Ấp Văn hóa” đều được giữ vững và nâng chất qua các năm. 

Qua 07 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh, huyện, sự nổ lực của toàn hệ thống chính trị cùng với sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân trên địa bàn xã, chương trình đã đạt được những kết quả tích cực, đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn từ kết cấu hạ tầng, tổ chức sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Bộ máy chỉ đạo, quản lý chương trình từ xã đến ấp được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả. Các thành viên trong Ban Chỉ đạo, Ban quản lý, Ban phát triển các ấp đều được tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo thực hiện chương trình.

 Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới luôn được chú trọng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và quần chúng Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới  trong quá trình xây dựng và phát triển KT - XH. Công tác dân vận của xã được triển khai rộng rãi, đa dạng về hình thức, gắn kết chặt chẽ giữa tuyên truyền với vận động theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Nhờ vậy, người dân đã nhận thức rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của chương trình và vai trò chủ thể của mình, từ đó tự nguyện hiến đất, tài sản để làm đường giao thông, đường làng, ngõ xóm được mở rộng, xây dựng thông thoáng, sạch đẹp. Kết cấu hạ tầng được đầu tư, sản xuất phát triển, thu nhập của người dân được tăng lên, đời sống vật chần và tinh thần của người dân được nâng cao, môi trường sống được cải thiện, an ninh trật tự xã hội được giữ vững.

Qua quá trình triển khai vận động, kết quả huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã với tổng kinh phí thực hiện là 355.904 triệu đồng, trong đó kinh phí do Nhân dân đóng góp là 147.194 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 41,36% (bao gồm tiền mặt, đất đai, tài sản, ngày công lao động,...).

Từ sự đóng góp tích cực của cả hệ thống chính trị, của Nhân dân và sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, xã Tân Thiềng đã đạt được 19/19 tiêu chí nông thôn mới vào cuối năm 2018.

Trải qua quá trình xây dựng, thực hiện tiêu chí nông thôn mới, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Tân Thiềng rút ra một số kinh nghiệm:

Thứ nhất, xã xác định điều quan trọng trước tiên trong xây dựng nông thôn mới là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới một cách thường xuyên, sâu rộng, thiết thực với nhiều hình thức để cán bộ, đảng viên và Nhân dân, mọi người, mọi nhà hiểu được ý nghĩa, quyền lợi và trách nhiệm của mình trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, phải thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, nhằm tạo sự đồng sức, đồng lòng giữa cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Thứ hai, ngoài kế hoạch tổng quát trong thực hiện xây dựng nông thôn mới hàng năm, xã đã lập riêng kế hoạch cho việc thông tin, tuyên truyền các nội dung về lĩnh vực xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thứ ba, chú trọng tuyên truyền lồng ghép, phát huy hiệu quả nguồn vốn trong tổ chức sản xuất, huy động nguồn nhân lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”.

Thứ tư, trong công tác dân dận, ngoài tuyên truyền, phổ biến chủ trương, cơ chế, chính sách, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo xã còn phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phổ biến, tuyên truyền đến người dân về nội dung, phương pháp, cách làm của từng hoạt động; công tác giám sát thực hiện; nhiệm vụ của từng cấp; đặc biệt là quyền lợi và nghĩa vụ của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới, giúp cho người dân hiểu được việc xây dựng nông thôn mới là cho cộng đồng dân cư tại chỗ, chính bà con là chủ thể và có vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, nhấn mạnh việc phát huy nội lực là chính, tận dụng tối đa nguồn lực cũng như các thế mạnh sẵn có của địa phương để dần tự lực trong việc xây dựng nông thôn mới một cách lâu dài và bền vững.

Thứ năm, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể thường xuyên đổi mới, cán bộ làm công tác dân vận thì gần dân, sát dân, nắm bắt kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để có biện pháp giúp đỡ phù hợp, tôn trọng vai trò chủ thể của người dân, tạo điều kiện để người dân được biết, được bàn và trực tiếp tham gia nhằm huy động sức mạnh tổng hợp về vật chất, tinh thần và khơi dậy sức sáng tạo trong Nhân dân.

Thứ sáu, công tác vận động, tuyên truyền được triển khai rộng rãi, phong phú, đa dạng với nhiều hình thức, lấy kết quả để vận động và lồng ghép qua các hoạt động sinh hoạt tập thể, các hội nghị, các cuộc họp tại khu dân cư, đài truyền thanh, qua băng rôn, pa nô, khẩu hiệu... Xem đây là việc làm thường xuyên không những trong thời gian xây dựng mà còn trong các năm sau khi xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức và hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân.

Thứ bảy, xã luôn quan tâm đến việc nâng cao năng lực của cán bộ trong công tác xây dựng nông thôn mới, đã cử nhiều lượt cán bộ từ xã đến ấp tham dự đầy đủ các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý, điều hành và thực thi để xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới

Tóm lại, xây dựng thành công xã nông thôn mới là kết quả của sự đồng tình trong nội bộ Đảng và quần chúng Nhân dân; vai trò trách nhiệm, sự đóng góp tích cực của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa và đóng góp của cải vật chất để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, hợp tác sản xuất. Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên, hộ nghèo được kéo giảm, môi trường sống được cải thiện, an ninh trật tự được giữ vững. Những kinh nghiệm xây dựng xã nông thôn mới của xã Tân Thiềng là cơ sở về lý luận và thực tiễn thành công, có thể vận dụng ở nhiều địa phương khác trong xây dựng xã nông thôn mới ở tỉnh nhà trong thời gian tới./.

Tin khác