Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ ba, 23 Tháng 4, 2024 - 22:16

Quan niệm của Hồ Chí Minh về dân chủ qua tác phẩm “Dân vận”

ThS. Võ Thái Bình
Phó Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật
 

Quan điểm về dân chủ thể hiện xuyên suốt trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, cung cấp cho chúng ta một hệ thống các luận điểm, quan niệm toàn diện và sâu sắc về dân chủ. Nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc và 70 năm bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ chí Minh. Chúng ta tìm hiểu quan niệm của Hồ Chí Minh về dân chủ qua tác phẩm “Dân vận”.

Giai đoạn cuối năm 1949 và đầu năm 1950 là giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nước ta chuyển từ phòng ngự sang tổng phản công. Vì vậy, cần phải huy động mọi nguồn lực phục vụ cho nhiệm vụ của cách mạng, tuy nhiên công tác dân vận – công việc có ý nghĩa trọng đại nhằm huy động mọi nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ của cách mạng lại chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận, phục vụ cho yêu cầu của cách mạng, Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “DÂN VẬN”.

Tác phẩm “Dân vận” là bài báo được Bác viết dưới bút danh X.Y.Z và đăng trên Báo Sự thật, số 120, ngày 15-10-1949. Tác phẩm được in trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội 1995, từ trang 698- 700.

Tác phẩm được viết với cách hành văn súc tích, đơn giản, dễ đọc dễ hiểu nhưng lại chứa đựng những nội dung hết sức sâu sắc. Toàn bộ tác phẩm kể cả lời tựa chỉ có 610 từ, đề cập đến bốn nội dung lớn thông qua bốn mục, từ mục I đến mục IV:

- Nước ta là nước dân chủ - lý do phải tiến hành công tác dân vận.

- Dân vận là gì? – nói lên phương thức, cách thức tiến hành dân vận phải như thế nào.

- Ai phụ trách dân vận? – chỉ ra chủ thể tiến hành công tác dân vận.

- Dân vận phải thế nào? – yêu cầu đối với người làm công tác dân vận phải như thế nào.

Trong phạm vi bài viết này, chúng ta không đề cập đến tất cả các nội dung của tác phẩm dưới góc độ dân vận mà chỉ tập trung tìm hiểu quan niệm về dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh phản ánh trong tác phẩm.

Thứ nhất, các quan niệm về dân chủ được nhiều học giả thừa nhận hiện nay:

 Theo Tự điển Tiếng việt: Dân chủ là một hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội, trong đó thừa nhận Nhân dân là nguồn gốc của quyền lực nhà nước, nhà nước được thiết lập thông qua một hệ thống bầu cử tự do. Quan niệm này chỉ ra quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và nhấn mạnh đến hình thức thực hiện dân chủ. Tuy nhiên, quan niệm này chưa quan tâm đúng mức đến bản chất thật sự của vấn đề dân chủ nên rất dễ đánh đồng giữa dân chủ xã hội chủ nghĩa và dân chủ tư sản.

Theo Abraham Lincoln (12 tháng 2, 1809 – 15 tháng 4, 1865, - là Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ từ tháng 3 năm 1861 cho đến khi bị ám sát vào tháng 4 năm 1865): Dân chủ là một Chính phủ “Của dân, do Dân và vì Dân. Trong bối cảnh lúc bấy giờ, đây là một khái niệm về dân chủ khá đầy đủ. Khái niệm dân chủ này chỉ rõ nguồn gốc của quyền lực nhà nước là từ nhân dân, nhân dân xây dựng nên nhà nước và nhà nước phải hoạt động vì nhân dân, phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, trong thực tiễn nhân dân thực hiện quyền lực của mình không chỉ thông qua Nhà nước (Chính phủ), mà còn thực hiện quyền lực của mình qua các thiết chế chính trị khác (đảng phái chính trị, các tổ chức chính trị xã hội...).

Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, dân chủ là một phạm trù lịch sử, xuất hiện trong giai đoạn phát triển nhất định của xã hội loài người. Khi xã hội phát triển đến trình độ nhất định thì xuất hiện “Nhà nước” và song song với đó là sự xuất hiện của phạm trù “Nhân dân”. Nhà nước là người cai quản nhân dân, quyết định việc nhân dân được làm gì và không được làm gì. Nếu nhà nước quyết định mọi vấn đề thì đó là xã hội không có dân chủ. Nếu nhân dân có quyền quyết định hoặc tham gia với nhà nước quyết định những vấn đề nhất định thì đó là xã hội có dân chủ (mức độ dân chủ thể hiện thông qua mức độ nhân dân tham gia quyết định). Như vậy, dân chủ là quyền của nhân dân tự mình quyết định hoặc tham gia với nhà nước quyết định những vấn đề nhất định. Quan điểm này nhấn mạnh đến bản chất của dân chủ và tính chất giai cấp của dân chủ mà chưa đề cập đến các biểu hiện khác của dân chủ như nguồn gốc của quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhà nước phải được hình thành một cách hợp pháp thông qua bầu cử tự do… Đây không phải là hạn chế của chủ nghĩa Mác – Lênin bởi vì: Trong bối cảnh đấu tranh trực diện với giai cấp tư sản, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin  muốn chỉ rõ dân chủ tư sản là dân chủ giả hiệu, là dân chủ của số ít những kẻ bóc lột còn dân chủ xã hội chủ nghĩa là dân chủ của số đông những người bị bóc lột, là “dân chủ hơn triệu lần dân chủ tư sản”.

Tóm lại, nội hàm của thuật ngữ “dân chủ” phải chứa đựng các yếu tố: Một là, nguồn gốc của quyền lực nhà nước là từ nhân dân; Hai là, nhân dân thành lập nhà nước một cách hợp pháp thông qua một hệ thống bầu cử tự do; Ba là, nhân dân tham gia cùng với nhà nước quyết định các vấn đề liên quan đến đời sống của mình và thực hiện quyền lực của mình thông qua nhà nước và các thiết chế chính trị khác; Bốn là, hoạt động của nhà nước phải hướng vào phục vụ nhân dân.

Thứ hai, Quan điểm của Hồ Chí Minh về dân chủ thể hiện đầy đủ và trọn vẹn trong mục I – Nước ta là nước dân chủ của tác phẩm “Dân vận”. Có thể nói cho đến hiện tại, chúng ta chưa thể tìm được một khái niệm về dân chủ nào có thể hay hơn, đầy đủ nội hàm, súc tích hơn, rõ nghĩa hơn khái niệm dân chủ mà Bác đã viết trong tác phẩm này.

- Nước ta là nước dân chủ, nội dung đầu tiên mà Bác đề cập là lời khẳng định đanh thép về bản chất của nhà nước ta – Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Dân chủ là một thuộc tính vốn có, là bản chất của nhà  nước xã hội chủ nghĩa. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là dân chủ thực sự, dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản. Đó không chỉ là bản chất mà còn là mục tiêu trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Và vì nước ta là nước dân chủ nên:

- Bao nhiêu quyền hạn đều của dân: Nghĩa là xác định nguồn gốc của quyền lực nhà nước đều thuộc về Nhân dân, Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước. Nhân dân thực hiện quyền lực của mình thông qua các đại biểu của mình trong các cơ quan quyền lực nhà nước (cơ quan dân cử - đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân) và thông qua tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội mà mình là thành viên.

- Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân; Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân: Bác đã khẳng định, trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, “Nhân dân” không chỉ tham gia với nhà nước để quyết định các vấn đề của nhà nước và xã hội với tư cách là người hỗ trợ mà Nhân dân với tư cách là chủ thể của quyền lực chính trị, là chủ thể chính trong việc ra quyết định và thực hiện các nhiệm vụ trọng đại ấy. Nhà nước chỉ đóng vai trò phụ, cùng với Nhân dân thực hiện các quyết định của mình một cách hiệu quả nhất.

- Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra: Với tư cách là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, Nhân dân xây dựng nhà nước thông qua một hệ thống bầu cử  để lựa chọn những người tiêu biểu đại diện cho mình vào các cơ quan quyền lực nhà nước. Từ đó, cơ quan quyền lực nhà nước sẽ tiến hành thiết lập một bộ máy để thực thi quyền lực nhà nước, thực chất là thực thi quyền lực nhân dân.

- Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên: Bác đã chỉ ra rằng, Nhân dân không chỉ là chủ thể của quyền lực nhà nước, thực hiện quyền lực của mình thông qua nhà nước mà Nhân dân còn là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện quyền lực của mình qua các thiết chế chính trị - xã hội và nhà nước.

- Bao nhiêu lợi ích đều vì dân: nội dung này đặt ở vế thứ nhất sau lời khẳng định bản chất dân chủ của nhà nước ta là nhằm nhấn mạnh mục đích cuối cùng là vì Nhân dân. Xuất phát từ bản chất dân chủ của nhà nước xã hội chủ nghĩa, từ cội nguồn của quyền lực nhà nước, Nhân dân thực hiện quyền lợi của mình thông qua nhà nước, các thiết chế chính trị - xã hội. Hay nói cách khác, bằng quyền lực thật sự của mình, Nhân dân tạo ra nhà nước và các tổ chức đoàn thể, hướng các tổ chức này hoạt động phục vụ cho lợi ích của chính nhân dân.

- Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân: một lần nữa, Bác khẳng định nguồn gốc của quyền lực thuộc về Nhân dân và nhân dân là chủ thể chính cùng với nhà nước thực hiện nhiệm vụ của cách mạng, nhân dân là gốc. Hay nói cách giản dị hơn, “Dân chủ” nghĩa là “Dân là chủ và Dân làm chủ”

Dưới góc độ dân chủ, chỉ với 79 từ với cách hành văn giản dị, gần gũi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện đầy đủ nội dung, hình thức của thuật ngữ dân chủ. Quan niệm dân chủ của Hồ Chí Minh đã phản ánh đầy đủ nhất những biểu hiện, những thuộc tính của thuật ngữ dân chủ. Việc hiểu đầy đủ, nhất quán về dân chủ sẽ là điều kiện cơ bản để Đảng và Nhân dân ta phát huy dân chủ, xem phát huy dân chủ là một trong những mục tiêu quan trọng cho nỗ lực phấn đấu của chúng ta. Ngoài ra, nội dung dân chủ trong tác phẩm này có ý nghĩa to lớn trong việc xác định nguyên tắc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước ta là: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thật sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân./.

Tin khác