Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ tư, 24 Tháng 4, 2024 - 06:58

Phẩm chất của người Phụ nữ Việt Nam trong thời đại 4.0

Nguyễn Thị Nguyên
Phòng QLĐT&NCKH
 

Hiện nay là thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0), người phụ nữ của thời đại 4.0 được gán cho rất nhiều trọng trách nặng nề, vừa phải phát triển sự nghiệp vừa chăm lo cho tổ ấm gia đình mình. Do vậy, người phụ nữ gặp rất nhiều khó khăn, rào cản của xã hội từ trong công việc, từ phía gia đình. Thế nhưng, với phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” của người phụ nữ Việt Nam luôn là phẩm chất đạo đức, truyền thống tốt đẹp, thể hiện vai trò làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ, đồng thời khẳng định vị thế của các chị trong gia đình, cộng đồng và xã hội.

Lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, người phụ nữ Việt Nam đã đóng góp rất nhiều vào công cuộc dựng xây, bảo tồn, trau dồi, kế thừa, phát huy những phẩm chất đạo đức tốt đẹp từ đời này sang đời khác. Sự đóng góp không tên, vừa là hậu phương, vừa tham gia chiến đấu với những chiến công thầm lặng trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm phương Bắc, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của họ đã đúc kết nên những giá trị đạo đức truyền thống: Anh hùng, đảm đang, yêu nước, nhân ái, thủy chung, nghĩa tình, giàu đức hy sinh. Nhà văn Sơn Nam đã từng khen gợi:

“Anh hùng, bất khuất - tình đất nước

Trung hậu, thảo thơm - nghĩa đồng bào;

Những người mẹ anh hùng nhân ái,

Tấm gương vằng vặc tựa trăng sao”

Người phụ nữ Việt không chỉ đơn giản người mẹ mà còn là cô giáo dạy cho con những tiếng nói đầu đời, giáo dục cho con cái những bước đầu trong nền giáo dục nước nhà như về đạo đức, phẩm chất, kỹ năng sống,… đóng góp to lớn trong việc hình thành nhân cách của thế hệ sau, rộng hơn nữa là tinh thần, nếp sống của cả một dân tộc. Đúng như nhiều triết gia từng nói: “Giáo dục một người đàn ông thì được một gia đình tốt nhưng giáo dục người phụ nữ thì được cả một thế hệ tốt”. Câu nói đó có thể xem như một lời ngợi khen đối với phụ nữ nhưng cũng cho thấy trọng trách nặng nề mà mỗi người phụ nữ Việt đang gánh vác trên vai.

Từ ngày đất nước thống nhất hai miền Nam - Bắc, thực hiện công cuộc đổi mới, với nền kinh tế ngày càng phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, người phụ nữ ngày càng có điều kiện để phát huy toàn bộ những khả năng tiềm ẩn và những phẩm chất tốt đẹp đã được bồi dưỡng từ khi còn nhỏ và được truyền thụ qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, song song với những thuận lợi, vẫn còn tồn tại rất nhiều mặt trái, khiến cho những chuẩn mực thay đổi mạnh mẽ.

Dân gian Việt Nam thường truyền miệng “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Trong đó, người phụ nữ được xem là có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng một nền tảng gia đình bền vững. Cuộc sống của thời đại mới 4.0, bên cạnh việc xây tổ ấm còn phải gánh vác rất nhiều trọng trách trong công việc. Đôi khi, vì có quá nhiều nghĩa vụ người phụ nữ phải thực hiện, họ cảm thấy bị quá tải và không biết cần phải tuân theo những chuẩn mực nào.

Thời đại 4.0, phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam được gói gọn trong 4 chữ: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Trong 4 phẩm chất ấy, có hai tiêu chí điển hình cho thế hệ phụ nữ trẻ, đó là “tự tin”, “tự trọng”, hai tiêu chí còn lại là “trung hậu”, “đảm đang” vốn là truyền thống quý báu của dân tộc được duy trì và gìn giữ cho đến tận ngày nay. Tất cả những phẩm chất tốt đẹp đó đều có ở người phụ nữ hiện đại, chúng có mối quan hệ hữu cơ, bổ sung cho nhau, phẩm chất này nhiều khi là tiền đề, là điều kiện tiên quyết để dẫn đến phẩm chất khác. Tuy nhiên, để hài hòa giữa các phẩm chất, đòi hỏi người phụ nữ phải có sự khôn khéo, sắp xếp giữa việc nhà và việc nước.

“Tự tin” là phẩm chất mà người phụ nữ hiện đại không thể thiếu trong xã hội cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là một điểm mới đối lập với người phụ nữ truyền thống. Trải qua lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước, hơn 1000 năm bị giặc phương Bắc đô hộ, sống trong thời kỳ phong kiến, chế độ đa thê là không thể chối bỏ, người phụ nữ trở nên nhỏ bé, bị coi khinh, thấp cổ bé họng, không được quyền lên tiếng, không được quyền phản kháng, không có địa vị, vai vế trong gia đình nên việc tự tin hầu như là không có. Người phụ nữ xưa còn trẻ thì sống phụ thuộc vào gia đình, đặt đâu ngồi đó, lấy chồng thì phải phụ thuộc vào quyết định của chồng, về già thì phải nương nhờ con trai. Đến nay vẫn còn lưu truyền câu nói nổi tiếng về thân phận của người phụ nữ trong xã hội xưa: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Tam tòng tứ đức đã trở thành một trong trong những xiềng xích trói buộc người phụ nữ.

Vượt qua những rào cản tâm lý, tư tưởng của người phụ nữ thời xưa, ngày nay, người phụ nữ, mặc dù chưa xóa bỏ hết được những tâm lý tự ti, thiếu tự tin nhưng đã phần nào có chỗ đứng, tiếng nói và có quyền bình đẳng hơn với nam giới trong công việc, cuộc sống. Phụ nữ ngày nay có quyền tham gia chính trị, quản lý đoàn thể, lãnh đạo xã hội,... Họ đã dám nghĩ, dám làm, tin tưởng vào khả năng của chính bản thân mình. Họ thấu hiểu những khiếm khuyết, tìm cách khắc phục và phát huy hoàn hảo những mặt mạnh, đóng góp không nhỏ trong công cuộc xây dựng và phát triển nền kinh tế của đất nước, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, rất nhiều nữ giữ vai trò quan trọng trong lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhiều nữ doanh nhân thành đạt giữ vai trò lãnh đạo, quản lý trong các doanh nghiệp lớn đã được tôn vinh, trở thành điểm sáng về người phụ nữ tự tin trong thời hiện đại mới, thời đại nam - nữ bình quyền, phụ nữ ngày càng tự tin hơn trong công việc cũng như trong cuộc sống gia đình và giao tiếp xã hội.

Tuy nhiên, Người phụ nữ tự tin nhưng phải vẫn giữ được sự khiêm tốn, trân trọng giá trị và thành quả của người khác, luôn nỗ lực học hỏi, trau dồi, rèn luyện các kỹ năng sống, sức khỏe, duy trì và gìn giữ vẻ đẹp từ trong ra ngoài.

Trừ phẩm chất “tự tin”, “tự trọng” cũng là phẩm chất không thể thiếu của người phụ nữ Việt Nam. “Tự trọng” để biết dừng lại trước những điều xấu, biết chấp hành pháp luật, tự hình thành cho mình một thói quen ứng xử có văn hóa, giữ mình trước những cám dỗ thường ngày của thời đại 4.0 với nhiều cạm bẫy dễ sa vào như tham ô, hối lộ,... đối với những phụ nữ có chức quyền; dễ ăn gian, làm dối, chạy theo lợi nhuận,… đối với những phụ nữ lãnh đạo, điều hành các doanh nghiệp. Người phụ nữ tự trọng sẽ trân trọng các chuẩn mực đạo đức của xã hội, để không làm những việc trái với thuần phong mỹ tục, không chạy theo những hào nhoáng bề ngoài mà đánh mất giá trị ẩn sâu bên trong. Người phụ nữ tự trọng biết đặt đạo đức nghề nghiệp lên trước lợi ích của bản thân.

Đối lập với những phẩm chất “tự tin”, “tự trọng” được sinh ra trong thời đại mới, “trung hậu” là một trong những phẩm chất truyền thống quan trọng của người phụ nữ Việt Nam được truyền từ thế hệ phụ nữ này sang thế hệ phụ nữ khác từ xưa đến hiện nay. Ở Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung, sự thủy chung, tình nghĩa, nhân ái, son sắt, vị tha, bao dung được đề cao trong mọi thời kỳ. Tất cả những đức tính tốt đẹp đó được gói trọn trong phạm vi của hai từ: “Trung hậu”. Người phụ nữ trung hậu là người giàu tình cảm, dám đứng lên đấu tranh cho những điều thiện, cho những người bị ức hiếp. Trung hậu để không vô cảm, để dám lên tiếng vì một thế giới tốt đẹp hơn, sẵn sàng thứ tha, bao dung để khiến lòng mình thanh thản.

Trong 4 phẩm chất, dù ở thời đại nào thì phẩm chất “đảm đang” của người phụ nữ đều được coi trọng, và là một trong những đức tính quý báu được nhân loại đề cao. Nhưng nếu trong xã hội phong kiến, đảm đang mang ý nghĩa gánh vác, lo toan mọi vấn đề liên quan đến công việc nội trợ, một lòng chăm lo, hy sinh vì chồng vì con mà quên đi quyền lợi chính đáng của bản thân mình thì ngày nay, đảm đang đã được khoác một lớp áo mới, mang một định nghĩa mới. Người phụ nữ đảm đang là người biết hài hòa, cân bằng các yếu tố trong cuộc sống như công việc, tình cảm, sức khỏe, gia đình, biết nghỉ ngơi để lấy lại năng lượng chứ không lao đầu vào công việc ngày đêm. Người phụ nữ Việt Nam đảm đang khi biết khéo léo chia sẻ những khó khăn cùng chồng con, động viên họ cùng tham gia công việc gia đình, biết dùng lý trí và tình cảm hài hòa trong mọi vấn đề của cuộc sống. Người phụ nữ đảm đang có thể là một người không biết nấu quá nhiều món ngon, nhưng luôn biết cách tổ chức hài hòa giữa đời sống tinh thần, vật chất và sức khỏe cho những thành viên trong gia đình, kể cả chính bản thân mình qua những món ăn giàu dinh dưỡng.

Đảm đang còn thể hiện ở một mặt khác rất quan trọng, đó chính là nuôi dạy con cái. “Dạy con từ lúc còn thơ”, người mẹ với những hành trang kiến thức được tích lũy qua nhiều năm tháng sẽ là tấm gương tiêu biểu, giáo dưỡng con về cách ứng xử, ăn mặc, đối nhân xử thế để biết yêu thương và quan tâm gia đình, biết báo đáp xã hội, biết sẻ chia và gánh vác trọng trách trong công việc và cuộc sống. Để đứa trẻ lớn lên, trở thành một công dân có ích, một nhân tố góp phần hoàn thiện hơn xã hội và đất nước như lời bài hát Mẹ là Quê hương của tác giả Nguyễn Quốc Việt:

“Con lớn lên từ dòng sữa mẹ, từ khúc dân ca mẹ hát ru con

Từ tình thương bao la như biển rộng, từ tháng ngày vất vả gian nan

Bao tháng năm cuộc đời nhiều thay đổi, mẹ đã cho con cuộc sống tin yêu

Dù thời gian phong ba hay bão nổi, vẫn nhớ hoài lời ru của mẹ hiền”

Bốn phẩm chất vừa truyền thống vừa hiện đại của người phụ nữ Việt Nam thời đại 4.0 “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” đã tạo nên sự hài hòa giữa những tinh hoa của dân tộc cùng văn minh của nhân loại. Người phụ nữ vẫn mãi  phấn đấu, rèn luyện để hoàn thiện bản thân mình, tự tin mang lại hạnh phúc cho chính mình, cho gia đình của mình và cho xã hội. Để làm được điều đó, ngoài nỗ lực tự thân, người phụ nữ rất cần đến sự giúp đỡ, hỗ trợ của những người thân trong gia đình, sự ủng hộ của đồng nghiệp, các đoàn thể, cộng đồng xã hội./.

Tin khác