Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ năm, 18 Tháng 4, 2024 - 23:45

Phương pháp tổ chức xêmina hiệu quả

ThS Nguyễn Thị Nga
Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng
 

Trong hoạt động giảng dạy lý luận chính trị, xêmina đóng vai trò vô cùng quan trọng. Xêmina là một trong những phương pháp giảng dạy tích cực góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường. Chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại Trường Chính trị Bến Tre với 1088 tiết, trong đó có 164 tiết xêmina, chiếm tỉ lệ 15% chương trình học.

Xêmina là một hình thức tổ chức hoạt động giảng dạy và học tập được áp dụng trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu. Thực hiện buổi xêmina, người học phải chủ động hoàn toàn các bước từ khâu chuẩn bị đề cương, trình bày nội dung, trao đổi, thảo luận; giảng viên đóng vai trò hướng dẫn, định hướng, gợi ý, neo chốt vấn đề hướng học viên phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực, tự giác; nâng cao năng lực tự học tập, nghiên cứu; rèn kỹ năng trình bày vấn đề trước đám đông đồng thời thực hiện tốt phương châm lý luận gắn liền với thực tiễn.

Thông qua các câu hỏi thảo luận, nội dung bài giảng được tái hiện sinh động, sâu sắc hơn. Trong quá trình xêmina, xuất hiện nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, vì vậy đây là biện pháp giúp học viên phát hiện, nêu vấn đề và cùng giải quyết những vấn đề gặp phải trong học tập, thực tế công tác, soi rọi độ “chênh” giữa lý luận và thực tiễn, qua đó hỗ trợ học viên nắm bắt nội dung bài tốt và vận dụng nhận thức đó trước hết là vốn kiến thức cho thi hết phần học vừa góp phần nâng cao chất lượng đề xuất, kiến nghị, tham mưu cho lãnh đạo, đơn vị công tác.

Đối với giảng viên, người đóng vai trò trực tiếp điều khiển xêmina sẽ có điều kiện nắm bắt những thông tin ngược về chất lượng bài giảng, sự tiếp nhận tri thức từ phản hồi của học viên mà điều chỉnh cả về phương pháp và nội dung giảng dạy ngày càng phù hợp đối tượng hơn. Ngoài ra, qua xêmina còn tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa giảng viên và học viên trong bầu không khí cởi mở, gần gũi.

Nhìn chung, xêmina là một trong các phương pháp dạy học tích cực rất phù hợp với môi trường giảng dạy lý luận chính trị. Lợi thế lớn nhất là đối tượng học viên trường chính trị đều là cán bộ ban ngành tỉnh, huyện, cán bộ cơ sở, những con người đang hoạt động thực tiễn trên nhiều lĩnh vực, kinh nghiệm đa dạng, phong phú là cơ sở rất tốt để thực hiện buổi xêmina chất lượng về cả nội dung lẫn phương pháp. Buổi xêmina chính là môi trường để giảng viên, học viên trao đổi, thảo luận, học tập, bổ sung cho nhau giữa lý luận và thực tiễn. Song, trong thực tế ở các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính, việc tiến hành xêmina chưa đạt được hiệu quả cao, phần nhiều không khí buổi xêmina còn thụ động, thiếu sáng tạo, khâu chuẩn bị đề cương chưa tốt, chủ yếu tập trung thường xuyên ở một số ít, phần lớn mang tính đối phó, chưa đi vào chiều sâu... Để khắc phục hạn chế này, chúng ta cần tập trung một số vấn đề cụ thể:

Thứ nhất, khâu chuẩn bị. Không chỉ riêng đối với hoạt động xêmina mà đối với bất kỳ công việc nào, nếu khâu chuẩn bị tốt coi như thành công một nữa. Chuẩn bị là khâu quan trọng bước đầu nhưng có ý nghĩa quyết định.

Đối với giảng viên, người chủ trì xêmina cần nắm vững quy chế, sự chỉ đạo của khoa, nội dung phần học để thống nhất vấn đề cần trao đổi với học viên giữa các giảng viên, khắc phục tình trạng không thống nhất nội dung, quan điểm giữa giảng viên lên lớp, giảng viên thảo luận tạo sự hoài nghi, thiếu niềm tin đối với học viên. Giảng viên cần bám sát câu hỏi thảo luận và soạn đề cương thảo luận, chú ý nêu câu hỏi gợi ý vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra, có thể đặt ra bài tập tình huống để xử lý. Giảng viên cần sinh hoạt phương pháp thảo luận trước, định hướng phân công “hạt nhân” phát biểu, làm cơ sở các thành viên khác thảo luận, trao đổi, đặt vấn đề, bổ sung nội dung từng bước đi đến hoàn thiện. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng ỷ lại, tập trung vào một hai người, giảng viên cần kiểm tra đề cương của học viên, nhận xét, đánh giá và phê bình nhắc nhở những trường hợp không chuẩn bị đề cương, sao chép, làm chiếu lệ.

Đối với học viên, chuẩn bị tốt đề cương xêmina. Để xây dựng một đề cương có chất lượng, học viên cần nắm vững câu hỏi, nghiên cứu giáo trình, đề cương bài giảng của giảng viên, đọc thêm tài liệu nghiên cứu được giới thiệu trong mỗi bài học, trong đó chú ý sưu tầm một số văn bản của Đảng, Nhà nước hiện hành, các báo cáo của địa phương, đơn vị gắn với nội dung bài học. Học viên cần xác định rõ nguồn thông tin, bám vào tài liệu tham khảo chính thống là giáo trình của nhà trường, tránh tình trạng chép nội dung trên mạng. Đề cương có thể soạn theo nhiều cách như dùng các ký hiệu đầu hàng để phân biệt rõ nội dung với những luận điểm, luận cứ, luận chứng; đề cương dạng sơ đồ, phân nhánh, xương cá, chân chim... Đề cương cần trình bày rõ ràng, ngắn gọn, xúc tích, đầy đủ nội dung nhưng không quá khái quát, cũng không nên dài dòng, làm hoàn chỉnh như một bài viết, không tách bạch rõ giữa các ý dẫn đến khó nắm bắt nội dung vấn đề. Trong đề cương, nên gắn nội dung với những ví dụ cụ thể, liên hệ kiến thức thực tiễn và có thể đặt câu hỏi để trao đổi, thảo luận đối với những nội dung còn vướng mắc, chưa hiểu rõ.

Thứ hai, tiến hành xêmina. Trước khi tiến hành xêmina, giảng viên kiểm tra tình hình chuẩn bị đề cương của lớp, kiểm tra sĩ số học viên, nêu yêu cầu, cách thức tiến hành xêmina, phân công đại diện ban cán sự lớp điều hành xêmina.

Trong quá trình xêmina, các ý kiến phát biểu cần nêu rõ nội dung theo phần, mục, gắn liên hệ thực tiễn, tránh tình trạng trùng lắp gây mất thời gian. Thông thường học viên chuẩn bị, phân công người phát biểu đầu tiên và đóng góp ý kiến xung quanh phát biểu này. Để buổi xêmina trở nên sinh động, học viên cần nghiên cứu, soạn đề cương đầy đủ, tham gia phát biểu xây dựng bài. Nếu buổi thảo luận thiếu sinh động, giảng viên cần phát huy vai trò gợi mở, đặt vấn đề, có thể tách từng nội dung nhỏ gợi ý trao đổi, có thể nêu tình huống để yêu cầu học viên giải quyết tình huống, liên hệ thực tiễn tại đơn vị công tác.

 Giảng viên cần có thái độ bình tĩnh, điềm đạm, cởi mở động viên, khuyến khích học viên phát biểu nhằm tạo bầu không khí sôi động, môi trường dân chủ để tập thể bàn bạc, thảo luận. Giảng viên không nên nói xen vào khi học viên đang phát biểu. Tuy nhiên, cần khéo léo ngắt lời đối với những trường hợp đi chệch quỹ đạo nội dung đang thảo luận, có thể hẹn lại vấn đề này cần trao đổi vào một dịp khác, hoặc giới thiệu tài liệu nghiên cứu. Giảng viên cần tránh áp đặt ý kiến cá nhân, phô trương kiến thức, tránh những nhận xét và phản đối mạnh gây căng thẳng trong học viên cũng như gây mâu thuẫn ý kiến giữa các giảng viên.

Đối với buổi xêmina, giảng viên cần khắc phục tình trạng độc thoại, chiếm diễn đàn nhiều quá sẽ dẫn đến tình trạng giảng lại bài một lần nữa, có lúc nội dung lại không trùng khớp với giảng viên đứng lớp. Đối với nội dung các câu thảo luận được trình bày theo từng bài, sau mỗi bài giảng viên sẽ nhận xét, xác định nội dung trọng tâm, giải trình thắc mắc nếu có. Đối với những nội dung chưa nắm chắc, giảng viên hẹn trả lời sau và phản ánh lại khoa. Cuối buổi xêmina, giảng viên đánh giá chất lượng, kèm theo sự khích lệ, biểu dương những học viên phát biểu tích cực, soạn đề cương tốt.

Trong buổi xêmina, vai trò của giảng viên không thể thiếu được, song vai trò của học viên mới là quyết định. Trên cơ sở chuẩn bị đề cương tốt, học viên phát biểu, liên hệ thực tiễn công tác, soi rọi vấn đề giữa lý luận và thực tiễn, nêu những vướng mắc, kinh nghiệm trong quá trình công tác, theo dõi ý kiến, thảo luận, ghi chép để nắm bắt nội dung sâu sắc hơn, đây là nguồn tài liệu tốt phục vụ thi hết phần học, thi tốt nghiệp.

Nhìn chung, xêmina là một hình thức dạy học mang tính tích cực và có rất nhiều ưu điểm. Qua xêmina, học viên tự bồi dưỡng cho mình khả năng tư duy, niềm tin khoa học, năng lực diễn đạt; hình thành thói quen làm việc có kế hoạch, nghiêm túc; nâng cao tính trung thực, khiêm tốn, độc lập, sáng tạo trong học tập và nghiên cứu; khắc phục nhược điểm rụt rè, phát biểu thiếu luận cứ, luận chứng... Đối với giảng viên, dạy chính là học một lần nữa, qua xêmina, từ những ý kiến trao đổi, những vấn đề đặt ra của học viên và giảng viên trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn cũng sẽ tạo động lực để giảng viên tiếp tục nghiên cứu bổ sung bài giảng, bổ sung vốn tri thức ngày càng sâu, rộng hơn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đồng thời góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng buổi xêmina.

Đối với giảng viên tập sự, viên chức tập sự cần nhận thức rõ tính chất quan trọng và khó của hoạt động xêmina để đầu tư nghiên cứu, tích lũy và tập dượt. Về nội dung, người giảng viên hướng dẫn xêmina đòi hỏi phải nắm kiến thức lý luận tổng hợp của cả phần học, kiến thức thực tiễn liên quan đến lý luận. Về phương pháp, giảng viên phải có phương pháp linh hoạt, khả năng ứng phó, giải quyết tình huống để giải đáp câu hỏi nêu ra của học viên. Về đối tượng học viên, những con người hoạt động thực tiễn, đây vừa là ưu thế vừa là cái khó đòi hỏi người giảng viên phải có bản lĩnh vững vàng. Để từng bước tiếp cận thực hành buổi xêmina, giảng viên tập sự, viên chức tập sự cần lưu ý một số vấn đề: Tăng cường hoạt động dự giờ để học hỏi kinh nghiệm; tích lũy nội dung, nắm bao quát kiến thức các phần học khoa quản lý; rèn kỹ năng tư duy tổng hợp, khái quát, lôgích; kỹ năng trình bày và trả lời các câu hỏi... Tri thức, phương pháp sư phạm, bản lĩnh, lòng yêu nghề, sự rèn luyện sẽ giúp chúng ta thành công.

Năm 2019 với 3 nhiệm vụ đột phá: Sắp xếp tổ chức bộ máy; đổi mới phương pháp giảng dạy, đánh giá kết quả học tập; thực hiện hoàn thành đề tài khoa học cấp tỉnh cùng và việc thực hiện chủ chương đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy theo tinh thần Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư, tập thể Trường Chính trị Bến Tre đoàn kết, đồng lòng, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao; đội ngũ giảng viên năng động, sáng tạo, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, trong đó, việc quan tâm nâng cao chất lượng xêmina để nó thật sự trở thành một giờ học bổ ích và mang lại hiệu quả thiết thực là một vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng./.

Tin khác