Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ năm, 28 Tháng 3, 2024 - 14:59

Phát huy vai trò quan trọng của thông tin trong lãnh đạo, quản lý

Thạc sĩ Trần Thị Quỳnh Nghi
Phó Trưởng phòng TC -  HC - QT
 

Trong bối cảnh nền kinh tế tri thức hiện tại và tương lai, xây dựng hệ thống thông tin trong tổ chức là một nhu cầu tất yếu; cung cấp, thu thập, xử lý thông tin là công việc thường xuyên, quan trọng trong các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thu thập và xử lý thông tin tốt sẽ giúp cho chúng ta hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác.

Hoạt động lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý bao gồm nhiều giai đoạn: Lập kế hoạch và ra quyết định, tổ chức và kiểm tra việc thực hiện quyết định; tổng kết và rút kinh nghiệm. Như vậy, nắm bắt, thu thập và xử lý thông tin là khâu đầu tiên để ra quyết định nhưng nó đóng vai trò quyết định tất cả các khâu tiếp theo của chu trình hoạt động lãnh đạo, quản lý. Đặc biệt, đối với khâu ra quyết định của người lãnh đạo, quản lý, cung cấp, thu thập, xử lý thông tin đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu.

Thông tin được các nhà nghiên cứu tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau, với những quan niệm khác nhau. Tuy nhiên, có thể hiểu rằng thông tin là tất cả các sự kiện, sự việc, ý tưởng, phán đoán làm tăng sự hiểu biết của con người. Thông tin hình thành trong quá trình giao tiếp, người ta có thể nhận thông tin từ người khác thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, từ các ngân hàng dữ liệu hoặc từ các hiện tượng quan sát được trong môi trường xung quanh. Thông tin tồn tại đa dạng trong xã hội loài người, có thể là những thông tin mà chúng ta cảm nhận được hoặc là những gì mà giác quan con người nhận biết được. Trong thời đại phát triển của kinh tế tri thức, thông tin tác động hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động lãnh đạo, quản lý, người cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải nắm bắt, thu thập và xử lý những thông tin có liên quan đến hoạt động của mình.

Người lãnh đạo, quản lý ra quyết định bằng cách đưa ra nhiều phương án khác nhau để chọn lấy một phương án có khả năng thực hiện. Như vậy, quyết định là sản phẩm sáng tạo của người lãnh đạo, quản lý trong quá trình giải quyết công việc. Để chọn một phương án có khả năng thực hiện phụ thuộc nhiều vào việc người lãnh đạo, quản lý thu thập, tiếp nhận và xử lý thông tin như thế nào. Nhà lãnh đạo, quản lý có thể thu thập thông tin qua nhiều kênh: Chỉ đạo của cấp trên, phản ánh của cấp dưới, qua phương tiện thông tin đại chúng, hội họp,… Việc ban hành quyết định trong lãnh đạo, quản lý đúng hay sai, kịp thời hay không kịp thời phụ thuộc vào việc nắm bắt, thu thập, xử lý thông tin. Nếu không có thông tin hoặc thiếu thông tin, người lãnh đạo, quản lý sẽ thiếu cơ sở khoa học để đưa ra các quyết định.

Như vậy, thông tin đóng vai trò rất quan trọng trong việc ra quyết định của người lãnh đạo, quản lý; để phát huy được vai trò quan trọng của thông tin, cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp:

Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan trong việc cung cấp thông tin. Việc định hướng, thẩm định nguồn thông tin giữ vai trò rất quan trọng. Đảng định hướng nội dung thông tin; định hướng kiểm tra, giám sát cán bộ thực hiện công tác thông tin, đồng thời, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về công tác thông tin, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng; đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, đa dạng, có sức thuyết phục, đồng thời mạnh dạn đấu tranh phản bác đối với thông tin sai trái, xuyên tạc góp phần củng cố sự đoàn kết và đồng thuận trong toàn hệ thống cơ quan. Hiện nay, thông tin đa dạng, nhiều chiều đòi hỏi quá trình tiếp nhận thông tin phải có sự định hướng và thẩm định chặt chẽ. Dù khai thác thông tin ở nguồn nào, người lãnh đạo, quản lý cũng phải xem xét đến giá trị, tính hữu ích của thông tin.

Thứ hai, đảm bảo nguồn lực vật chất cho mọi hoạt động của công tác thông tin, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập và xử lý thông tin. Trang thiết bị vật chất, kỹ thuật là điều kiện khách quan, là yếu tố không thể thiếu trong công tác thông tin, giúp cho người lãnh đạo quản lý nắm bắt thông tin. Các trang thiết bị phục vụ trực tiếp cho công tác thông tin như máy tính kết nối internet, máy fax, điện thoại,… được trang bị đầy đủ sẽ giúp cho việc lưu truyền, tiếp cận các thông tin của cán bộ lãnh đạo, quản lý một cách nhanh chóng và kịp thời. Thực tế cho thấy, ở đâu có hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị thông tin đầy đủ và hiện đại thì người lãnh đạo, quản lý có cơ hội đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời, chính xác hơn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ thông tin đầy đủ còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin giữa cấp trên và cấp cơ sở. Vì vậy, cần phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác lãnh đạo, quản lý.

Thứ ba, tăng cường giao lưu, trao đổi thông tin giữa các bộ phận, cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan. Thông tin có đặc điểm là đa dạng, phong phú; trong quản lý, lãnh đạo trao đổi thông tin là việc cần thiết và đem lại hiệu quả cho mọi hoạt động. Đối với hoạt động lãnh đạo, quản lý, việc trao đổi thông tin giữa các bộ phận, giữa cán bộ, công chức, viên chức góp phần giúp các bộ phận hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trao đổi thông tin góp phần làm đa dạng nguồn thông tin, tăng tính khách quan, độ tin cậy, tính cập nhật của thông tin, đồng thời, thông qua việc trao đổi thông tin góp phần quan trọng cho lãnh đạo có nhiều phương án để lựa chọn trong việc ban hành quyết định lãnh đạo, quản lý. Vì vậy, cơ quan, nhà lãnh đạo cần tạo điều kiện để các bộ phận giao lưu, trao đổi thông tin; xem đây là hoạt động thường xuyên, có ý nghĩa thiết thực.

Thứ tư, có phương pháp thu thập và xử lý thông tin phù hợp, vấn đề đầu tiên trong việc ban hành quyết định lãnh đạo, quản lý là việc thu thập và xử lý thông tin. Thu thập thông tin là quá trình xác định nhu cầu thông tin, tìm nguồn thông tin, tập hợp thông tin theo yêu cầu nhằm đáp ứng mục tiêu đã được định trước. Xử lý thông tin là hoạt động phân tích, phân loại thông tin theo các nguyên tắc và phương pháp xác định, từ đó, đưa ra các giải pháp giải quyết công việc. Người lãnh đạo, quản lý có rất nhiều thông tin nhưng họ phải sàng lọc những thông tin có chất lượng, nghĩa là họ phải có phương pháp thu thập và xử lý thông tin phù hợp. Người lãnh đạo, quản lý cần thu thập và xử lý thông tin từ nhiều góc độ, nhiều chiều; không tuyệt đối hóa bất kỳ nguồn thông tin nào mà cần đối chiếu, sàng lọc để loại bỏ những thông tin không chính xác; khi thu thập và sử dụng thông tin phải đảm bảo tính khách quan, không phiến diện, chỉ nhấn mạnh những hạn chế, khó khăn mà bỏ qua những việc làm tốt, những điểm sáng. Do vậy, yêu cầu người lãnh đạo, quản lý phải thật tận tâm, bao dung, rộng lượng, giàu lòng vị tha trong việc xử lý thông tin và ban hành quyết định lãnh đạo, quản lý.

Thứ năm, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ cũng như trình độ lý luận cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cung cấp thông tin cũng như đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thực tế cho thấy trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị của cán bộ các cấp ảnh hưởng rất lớn đến việc cung cấp, thu thập và xử lý thông tin. Trình độ học vấn thấp thì không thể nắm bắt thông tin một cách nhanh nhạy, chính xác, không biết thông tin nào là cơ bản, cần thiết, không có phương pháp khoa học trong xử lý thông tin. Khi trang bị trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ các cấp, cần trang bị phương pháp tư duy biện chứng duy vật, đây là phương pháp khoa học trong nắm bắt, thu thập, phân tích, xử lý thông tin, từ đó, việc cung cấp và xử lý thông tin có hiệu quả hơn.

Tóm lại, thông tin cung cấp, thu thập và xử lý thông tin có vai trò quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đây là điều kiện tiên quyết, không thể thiếu trong việc xây dựng các quyết định của người cán bộ; để phát huy hơn nữa vai trò của thông tin trong lãnh đạo, quản lý; cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên./.

Tin khác