Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ năm, 25 Tháng 4, 2024 - 12:41

Phát huy vai trò của đội ngũ đảng viên, giảng viên, viên chức trong tuyên truyền và đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên các trang mạng xã hội

Huỳnh Nguyễn Đăng Khoa
Viên chức Khoa Lý luận cơ sở
 

Qua các giai đoạn cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng. Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” khẳng định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là “Bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước”.

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, các thế lực thù địch, phản động ngày càng đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” để chống phá cách mạng nước ta. Trên lĩnh vực tư tưởng, chúng dùng mọi thủ đoạn để xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào nền tảng tư tưởng của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Để thực hiện điều đó, chúng lợi dụng Internet, mạng xã hội để tuyên truyền, kích động, chống phá cách mạng Việt Nam với những hình thức ngày càng tinh vi, phức tạp với mức độ nguy hiểm khó lường. Vì vậy, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội là nhiệm vụ vô cùng cấp bách hiện nay.

Các thế lực thù địch tập trung chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội vì nhiều lý do khác nhau. Thứ nhất, đó là do đặc điểm chung của mạng xã hội như tốc độ truyền tin nhanh, khả năng lan rộng cao, hiệu quả, miễn phí,…Thứ hai, do đặc điểm của người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay: Việt Nam là nước có số người dùng Internet và mạng xã hội  thuộc tốp đầu trên thế giới, với hơn 62 triệu người dùng mạng xã hội (chiếm 64% dân số); Độ tuổi người sử dụng mạng xã hội trẻ, từ 18 đến 34 tuổi chiếm hơn 30%; Thời gian trung bình lên mạng xã hội hàng ngày là 2 giờ 32 phút; Tỷ lệ người dùng mạng xã hội cho công việc lên đến 45%. Ở Việt Nam hiện nay có nhiều mạng xã hội đang hoạt động phổ biến như: Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube, Instagram, Twitter,… đứng thứ 7 trong 10 nước có số người sử dụng mạng xã hội nhiều nhất thế giới.

Cùng với những giá trị tích cực thì mạng xã hội cũng bộc lộ những mặt trái của nó đối với sự phát triển của đất nước. Thực tế cho thấy, bên cạnh các thông tin bổ ích, có giá trị đối với xã hội thì còn có không ít những thông tin, hình ảnh có nội dung xấu độc, có thông tin sai trái như: Phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới; Chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Vu cáo, bịa đặt, bôi xấu các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của chúng ta trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, chúng tập  trung tấn công, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng: Các thế lực thù địch cho rằng việc vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam là một sai lầm lịch sử, chỉ đưa đến tai họa vì chủ nghĩa Mác-Lênin là tư tưởng ngoại lai, chỉ phù hợp với một chừng mực nào đó với trình độ, lực lượng sản xuất và văn hóa Nga, không phù hợp với thế kỷ này, với truyền thống dân tộc Việt Nam; chúng đưa ra luận điệu rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, điều kiện hiện nay không còn phù hợp nữa, nên để lực lượng mới đưa đất nước tiến lên;...

Các thế lực thù địch chống phá chúng ta trên mạng xã hội thông qua nhiều hình thức tinh vi, phức tạp, khó lường như: Những trang web độc hại được liên kết vào các trang mạng xã hội có nội dung xấu, độc được chúng tung lên Internet, mạng xã hội những tin bài, đoạn video có nội dung xấu với tần suất ngày càng dày đặc. Chúng tập trung vào mục đích phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo ra tư tưởng chống Việt Nam trên mạng xã hội.

Tác hại của những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội do các thế lực thù địch thực hiện đã có tác động tiêu cực đến tình hình dư luận xã hội, tư tưởng, gây tâm lý nghi ngờ, hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của bồi dưỡng kỹ năng đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII, thời gian qua, đội ngũ đảng viên, giảng viên, viên chức của trường luôn tích cực tham gia đấu tranh, tuyên truyền, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung và trên mạng xã hội nói riêng thông qua những bài giảng, bài viết, thông tin thời sự, sinh hoạt chuyên đề, chia sẻ những bài viết chính thống trên các trang mạng xã hội,…Từ đó, chủ động phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tăng hiệu quả công tác tuyên truyền, đấu tranh phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần ổn định tư tưởng trong học viên, cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động nhà trường.

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội trong thời gian tới, chúng ta cần phải:

Thứ nhất, cần nâng cao kỹ năng và ý thức trách nhiệm của mình trong việc sử dụng Internet, mạng xã hội. Tận dụng những ưu điểm, lợi thế và khắc phục những hạn chế của bản thân trong việc sử dụng mạng xã hội.

Thứ hai, khi thể hiện ý kiến, bình luận các nội dung trên mạng xã hội, chúng ta phải dựa vào quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tránh chủ quan, duy ý chí, thể hiện thái độ, cảm xúc cá nhân khi bình luận, phát ngôn. 

Thứ ba, chủ động, tự giác tham gia phân tích, bình luận, chia sẻ các bài viết về những kết quả tích cực đạt được của đất nước, của địa phương; giới thiệu những tấm gương điển hình, tiêu biểu của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức. Từ đó, làm cho trang cá nhân của mình thành một trang thông tin khách quan, tích cực, chính xác.

Thứ tư, xác định đúng nội dung trên những trang web, những trang fanpage, facebook cá nhân, những video mang tính xấu, độc. Từ đó, kịp thời đưa ra các luận điểm, dẫn chứng thực tế thuyết phục phản bác lại, hạn chế sự lan tỏa, kịp thời chặn đứng những thông tin sai trái. Do đặc điểm của mạng xã hội là những tin ngắn và tâm lý của người sử dụng mạng xã hội là cập nhật thông tin nhanh nên chúng ta chú ý viết bài không quá dài, kết hợp với những hình ảnh thực tế, văn phong thu hút người đọc. Đồng thời, những bài viết phải được chia sẻ rộng khắp, tạo sự lan tỏa trên các trang mạng xã hội, không bó hẹp trong phạm vi hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội.

Thứ năm, không ngừng tìm tòi, học hỏi, nâng cao hiểu biết về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trường, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích lũy kiến thức thực tế, rèn luyện đạo đức cách mạng, giữ vững bản lĩnh chính trị, tính tiên phong gương mẫu của người cán bộ, đảng viên.

Tóm lại, Các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước đã và đang lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền, xúi giục, phá hoại sự đoàn kết trong nội bộ, phá hoại công cuộc đổi mới, hòng làm thất bại thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta với mức độ ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Do vậy, đội ngũ đảng viên, giảng viên, viên chức Trường Chính trị Bến Tre cần phải giữ vững lập trường, bản lĩnh chính trị, khôn khéo, linh hoạt, kiên quyết đấu tranh chống lại các thế lực thù địch trên mọi mặt trận, nhất là mạng xã hội. Nhằm để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo sức mạnh tổng hợp trong việc ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ./. 

Thông tin phản bác: 

Tin khác