Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ tư, 24 Tháng 4, 2024 - 21:58

Phát huy hơn nữa tinh thần Cách mạng Tháng Tám 1945 trong xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay

ThS. Nguyễn Thành Phương
Trưởng Khoa Lý luận cơ sở
 

Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của dựng nước và giữ nước, của việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược hình thành nên quy luật của cách mạng Việt Nam. Trong tiến trình thực hiện nhiệm vụ lịch sử thiêng liêng và hào hùng ấy, tinh thần dân tộc Việt Nam là một trong những nhân tố quyết định cho sự tồn vong của vận mệnh dân tộc mình. Thực tế sinh động của cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945 đã minh chứng một cách khách quan điều đó.

Ngày nay, trong xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội, Nghị quyết Đại hội XIII nhấn mạnh: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính là phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám 1945 trong điều kiện mới.

1. Tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, bài học cho việc phát huy tinh thần dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo

Từ trước đến nay, tổng kết lịch sử đã có nhiều nhà nghiên cứu với nhiều tác phẩm khẳng định nguyên nhân thắng lợi của cách mạng tháng Tám 1945 từ tính đúng đắn của đường lối chiến lược và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc nắm vững tình thế cách mạng và nghệ thuật chớp lấy thời cơ cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân. Song xét cho cùng chính tinh thần dân tộc, sức mạnh toàn dân tộc mới là động lực cách mạng hùng hậu nhất quyết định cho thắng lợi toàn diện của cuộc tổng khởi nghĩa.

Tinh thần dân tộc, sức mạnh toàn dân tộc Việt Nam được kết tinh, hình thành và thể hiện từ các yếu tố cơ bản.

Trước hết, tinh thần dân tộc, sức mạnh toàn dân tộc Việt Nam được kết tinh, hình thành từ truyền thống hào hùng trong dựng nước, trong chống ngoại xâm của dân tộc được hun đúc trong suốt tiến trình lịch sử thực hiện nhiệm vụ chiến lược của dân tộc mình đi từ truyền thuyết đến hiện thực hình thành nên nền văn hiến Việt Nam với những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc độc đáo nhất được tựu trung ở tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tính văn hóa, nhân văn của mỗi con người Việt Nam. Đó chính là sức mạnh của văn hóa, văn minh dân tộc, của tinh thần, ý thức mỗi con người Việt Nam luôn hướng đến Chân – Thiện – Mỹ với tư cách ba cột trụ vĩnh hằng của đời sống xã hội.

Hai là, tinh thần dân tộc, sức mạnh toàn dân tộc được kết tinh, hình thành và phát triển cao độ từ sự áp bức, bóc lột, dã tâm thâm độc của các thế lực ngoại xâm.

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc có nền văn hiến lâu đời hàng nghìn năm. Tuy nhiên, sự nghiệt ngã của lịch sử là, đất nước ta luôn bị các thế lực phong kiến phương Bắc dòm ngó, đe dọa, xâm lược, đô hộ, thôn tính và cai trị trong suốt chiều dài lịch sử ấy. Bằng ý thức độc lập dân tộc sâu sắc, tinh thần tự tôn dân tộc nhân dân ta đã anh dũng đứng lên đấu tranh giành và giữ nền độc lập dân tộc.

Trước thất bại liên tục của các cuộc khởi nghĩa từ sau công nguyên, những tưởng dân tộc Việt Nam không thể tiếp tục đứng lên giành lại độc lập cho mình, nhưng kỳ lạ thay, vào năm 938, truyền thống văn hóa, văn hiến lại trỗi dậy, với tinh thần dân tộc quật cường, ý thức độc lập dân tộc sâu sắc mở đầu bằng chiến thắng vang vội trên sông Bạch Đằng. Lịch sử mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ lâu dài cho dân tộc.

Kháng chiến chống Tống lần thứ nhất thắng lợi, bài thơ thần của Lý Thường Kiệt như một bản tuyên ngôn độc lập thứ nhất của dân tộc đã đánh dấu kỷ nguyên độc lập dân tộc được xác lập: Ý thức độc lập dân tộc của dân tộc ta luôn luôn kiên định và nhất quán. Sông núi nước Nam vua Nam ở, Rành rành đã định bởi sách trời, Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,Chúng bây sẽ bị đánh tơi bời.

Cuộc kháng chiến chống lại nhà Minh thế kỷ thứ XV thắng lợi, Bình ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi như một bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc đã đánh dấu kỷ nguyên độc lập dân tộc được xác lập: Như nước Đại Việt ta từ trước, Vốn xưng nền văn hiến đã lâu, Núi sông, bờ cõi đã chia, Phong tục Bắc, Nam cũng khác, Trãi Triệu, Đinh, Lý, Trần đã bao đời gây nền độc lập, Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh mỗi bên hùng cứ một phương... Ý thức độc lập dân tộc của dân tộc ta luôn kiên định và nhất quán, tinh thần dân tộc được thể hiện cao nhất.

Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, chúng sử dụng chính sách cai trị hà khắc đối với nhân dân các dân tộc thuộc địa mà Việt Nam là một minh chứng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tố cáo bản chất dã man, thâm độc của thực dân Pháp cai trị ở Việt Nam một cách không thể chối cải được: Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.

Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở trung, nam, bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.

Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.

Ba là, tinh thần dân tộc, sức mạnh toàn dân tộc Việt Nam được thể hiện ở khối đại đoàn kết toàn dân tộc và được tập hợp thông qua các hình thức mặt trận do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đặc biệt là Mặt trận Việt Minh (thành lập từ tháng 5-1941).

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó Mặt trận Việt Minh là nhân tố quan trọng góp phần tập hợp đông đảo quần chúng, hình thành lực lượng chính trị hùng hậu để xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc, đưa Cách mạng Tháng Tám đi tới thắng lợi vẻ vang.

Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, triệu tập Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị họp tại Pác Bó (Cao Bằng) từ ngày 10 - 19/5/1941. Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất chống Pháp - Nhật lấy tên là Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Mặt trận Việt Minh chính thức thành lập ngày 19/5/1941 thay cho Mặt trận Thống nhất Dân tộc phản đế Đông Dương. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8, ngày 25/10/1941, Mặt trận Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ. Tuyên ngôn của Việt Minh giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, chủ trương: “Liên hiệp các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc giải phóng và sinh tồn” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 465).

Chủ trương cứu nước, Mặt trận Việt Minh cũng khẳng định, “Việt Minh chủ trương liên hiệp hết các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể cách mạng, các dân tộc bị áp bức ở Đông Dương, đặng đánh đổ chủ nghĩa đế quốc, làm cho nước Việt Nam và cả xứ Đông Dương được hoàn toàn độc lập” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, Tập 7, tr. 470).

Mặt trận Việt Minh góp phần xây dựng và phát triển lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Với chủ trương, chính sách đúng đắn, từ cuối năm 1941, Mặt trận Việt Minh đã thu hút được ngày càng đông đảo các tầng lớp, giai cấp có tinh thần yêu nước và chống đế quốc thực dân vào các hội cứu quốc như: Hội Nông dân Cứu quốc, Hội Phụ nữ Cứu quốc, Hội Thanh niên Cứu quốc, Hội Công nhân Cứu quốc... Các hội cứu quốc đều là thành viên của Mặt trận Việt Minh, được thành lập ở nhiều tỉnh ở miền Bắc, một số tỉnh miền Trung và các thành phố lớn, như: Hà Nội, Hải Phòng. Phát động toàn dân nổi dậy kháng Nhật cứu nước và Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công.

Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Ngày 9/3/1945, Nhật nổ súng lật đổ Pháp. Quân Pháp ở Đông Dương chống cự yếu ớt và nhanh chóng đầu hàng. Phát xít Nhật độc chiếm Đông Dương, “trao trả độc lập” cho Bảo Đại và dựng lên Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Trước tình hình đó, ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra “Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chỉ thị đã xác định: Đế quốc phát xít Nhật là kẻ thù chính - kẻ thù cụ thể trước mắt - duy nhất của nhân dân Đông Dương. Tại hội nghị, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ, làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Để tích cực chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, các cơ sở Mặt trận Việt Minh được chú trọng mở rộng nhằm tranh thủ mọi lực lượng yêu nước, thực hiện chính sách đoàn kết, phân hoá hàng ngũ kẻ thù. Ngày 12/4/1945, Mặt trận Việt Minh đã ra lời kêu gọi Mấy lời tâm huyết ngỏ cùng các vị quan chức ái quốc Việt Nam và Mấy lời tâm huyết ngỏ cùng các vị huynh thứ ái quốc.

Cùng với việc củng cố, mở rộng Mặt trận, đề ra chủ trương, chính sách đúng đắn, Đảng và Mặt trận Việt Minh còn kịp thời đề ra khẩu hiệu đấu tranh đúng đắn, phù hợp: “Phá kho thóc giải quyết nạn đói”. Chủ trương này đã đáp ứng đúng nguyện vọng bức thiết của nhân dân và qua phong trào này quần chúng nhân dân đã nhận rõ rằng muốn giành quyền sống cho mình phải đoàn kết dưới ngọn cờ của Việt Minh đấu tranh đánh đổ ách thống trị của phát xít Nhật và bè lũ tay sai của chúng. Khẩu hiệu này có ý nghĩa to lớn đã “thổi bùng ngọn lửa căm thù trong đông đảo nhân dân và phát động quần chúng vùng dậy với khí thế cách mạng hừng hực tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền”.

Ngày 11/8/1945, Chính phủ Nhật chấp nhận đầu hàng Đồng minh không điều kiện. Ngày 16/8/1945, Mặt trận Việt Minh tổ chức Đại hội Quốc dân Tân Trào đã quyết định tổng khởi nghĩa và kêu gọi nhân dân toàn quốc đứng lên giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập. Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám diễn ra và thắng lợi nhanh chóng, chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng, chính quyền thống trị của đế quốc gần 100 năm và chế độ quân chủ tồn tại nghìn năm ở nước ta về cơ bản bị sụp đổ hoàn toàn, nền độc lập dân tộc được xác lập, kỷ nguyên mới của độc lập dân tộc ra đời .

2. Tinh thần Cách mạng tháng Tám 1945 một lần nữa được phát huy cao độ trong xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay

Trong giai đoạn hiện nay, quá trình thực hiện mục tiêu của chủ nghĩa xã hội khi cuộc chiến chống Covid-19 đi vào giai đoạn khốc liệt thì tinh thần dân tộc, sức mạnh toàn dân tộc Việt Nam được thể hiện ở khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tập hợp thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo một lần nữa được phát huy cao độ.

Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ trong cách mạng giải phóng dân tộc mà còn mà là động lực trực tiếp trong xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội hiện nay.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, song Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò rất quan trọng, đó là: Củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thắt chặt mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước, góp phần tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội, động viên Nhân dân phát huy quyền làm chủ, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với Nhân dân. Trên tinh thần đó, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy cao độ, đó chính là động lực to lớn trong xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Một là, có phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thì mới từng bước thực hiện cho bằng mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam với những đặc trưng cơ bản: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Hai là, có phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thì mới tiếp tục thực hiện tốt tám phương hướng, giải pháp: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường; Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; Bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất; Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân: Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Ba là, có phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thì mới đồng thời giải quyết tốt các mối quan hệ lớn: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; Quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; Quan hệ giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; Quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; Quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; Quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; Quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; Quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; Quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.

Bốn là, có phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thì mới từng bước xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân mới bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ thành công chủ nghĩa xã hội trong bất cứ tình huống nào.

Với việc phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thì mục tiêu cụ thể đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Bằng quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân khi ý Đảng hợp lòng dân, dân tin Đảng, thì việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại chớp lấy thời cơ và vận hội, đẩy lùi nguy cơ và thách thức, nhất định chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Thời gian đã lùi xa nhưng tầm vóc ý nghĩa thắng lợi, bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám 1945 vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng tỏa sáng. Đó là thắng lợi của tinh thần dân tộc, sức mạnh toàn dân tộc Việt Nam được thể hiện ở khối đại đoàn kết toàn dân tộc một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử của dân tộc ta, một dấu mốc lớn trên con đường phát triển trong suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”(Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.25).

Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và Nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Với sức sống mãnh liệt và bản chất ưu việt vốn có của nó, chủ nghĩa xã hội Việt Nam đã đang và sẽ mãi mãi là mục tiêu, khát vọng của loài người tiến bộ trên thế giới./.

Tin khác