Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ ba, 23 Tháng 4, 2024 - 18:54

Những điểm mới được quy định trong Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Nguyễn Thị Hiền
Trưởng phòng QLĐT và NCKH
 

Ngày 02 tháng 5 năm 2019, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2252-QĐ/HVCTQG về việc ban hành Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thay thế cho bộ Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kèm theo Quyết định số 1855/QĐ-HVCTQG ngày 21 tháng 4 năm 2019 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Bộ Quy chế quản lý đào tạo mới ban hành gồm 04 quy chế quy định về đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính; quy chế giảng viên; quy chế nghiên cứu khoa học và quy chế thanh tra đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó quy định những điểm mới cần lưu ý:

1. Đối với Quy chế đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, gồm có 8 chương, 52 điều. Quy chế này quy định về tổ chức và quản lý hoạt động đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, bao gồm: tuyển sinh, quản lý lớp học, chủ nhiệm lớp, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện, xét và công nhận tốt nghiệp, cấp và quản lý bằng tốt nghiệp. Đây là bộ quy chế áp dụng đối với các trường tham gia đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính.

            * Về công tác tuyển sinh

            - Đối tượng dự tuyển: Cụm từ “quy hoạch” được thay thế cho cụm từ “dự nguồn” cho phù hợp hơn.

            - Điều kiện dự tuyển được quy định tại điều 4 của quy chế, so với bộ quy chế trước đây có 3 điểm mới:

            Thứ nhất, bỏ quy định “Có đủ sức khỏe để học tập theo quy định hiện hành”;

            Thứ hai, bỏ quy định “Tự nguyện đi học”;

Thứ ba, về độ tuổi. Nếu như quy chế trước đây quy định “Người dưới 30 tuổi dự tuyển các lớp học tập trung tại trường (giảm 5 tuổi đối với nữ và cán bộ đoàn, chỉ giảm 01 lần”. Theo quy định mới “Người dưới 35 tuổi (đối với nam), dưới 30 tuổi (đối với nữ hoặc cán bộ đoàn) phải dự tuyển các lớp học hệ tập trung. Người trên 35 tuổi (đối với nam), trên 30 tuổi (đối với nữ hoặc cán bộ đoàn) dự tuyển các lớp học hệ không tập trung, nếu có nhu cầu học các lớp hệ tập trung và được thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý đồng ý thì được tham gia dự tuyển lớp hệ tập trung”.

            - Hồ sơ dự tuyển: Được quy định chi tiết hơn về thẩm quyền cử cán bộ, công chức, viên chức dự tuyển; không quy định có giấy khám sức khỏe do các cơ sở y tế có thẩm quyền cấp.

            - Về quy trình tuyển sinh

            Thứ nhất, thời gian nhà trường gửi thông báo tuyển sinh về các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp ủy cấp huyện hoặc tương đương giảm 15 ngày (quy chế trước đây quy định 60 ngày, quy chế lần này quy định chỉ còn lại 45 ngày).

            Thứ hai, về thông báo kết quả xét tuyển và ra quyết định cử người đi học, được quy định mới: “… Chậm nhất 5 ngày sau khi nhận được thông báo đủ điều kiện học tập, cấp có thẩm quyền cử dự tuyển ra quyết định cử người đi học gửi quyết định về trường chính trị để trường chính trị gửi giấy báo nhập học”.

            Thứ ba, gửi giấy báo nhập học, quy chế mới quy định thời gian nhà trường gửi giấy báo nhập học cho người đủ điều kiện học tập trước khi nhập học 15 ngày kể từ thời điểm nhận quyết định cử đi học của cấp có thẩm quyền (Quy chế trước đây quy định 30 ngày đối với lớp tập trung và 20 ngày đối với lớp không tập trung).

            * Về quản lý học viên: Nhìn chung, cơ bản đảm bảo như quy định của quy chế trước đây. Riêng chỉ bổ sung thêm:

- Thẩm quyền giải quyết đơn xin nghỉ học của học viên: Ban Giám hiệu xem xét, quyết định học viên xin nghỉ học.

- Một số quy định cụ thể những hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật:

            + Đối với hình thức xử lý kỷ luật cảnh cáo: Ngoài việc áp dụng đối với học viên đã bị khiển trách mà tái phạm, quy chế còn bổ sung quy định:

            ● Nghỉ học cộng dồn 05 buổi/khóa học trở lên mà không được sự đồng ý của nhà trường;

            ● Say rượu, bia trong giờ học.

+ Đối với hình thức xử lý kỷ luật buộc thôi học: Ngoài việc áp dụng đối với học viên đã bị cảnh cáo mà tái phạm, quy chế còn bổ sung quy định:

            ● Giả mạo hồ sơ;

            ● Sử dụng văn bằng không hợp pháp khi dự tuyển;

            ● Học hộ, thi hộ hoặc để cho người khác học hộ, thi hộ;

            ● Bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc;

            ● Bị khai trừ hoặc xóa tên trong danh sách đảng viên;

            ● Khi có văn bản của cơ quan có thẩm quyền thông báo về việc người học vi phạm pháp luật bị bắt quả tang;

            ● Học viên có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

* Về công tác chủ nhiệm lớp: Thay đổi về quyền lợi, quy chế mới quy định “Chủ nhiệm lớp giữ ngạch giảng viên thì cứ chủ nhiệm 01 lớp được giảm 5% định mức giờ chuẩn; chủ nhiệm lớp không giữ ngạch giảng viên, được tính 60 giờ làm việc/lớp/khóa học” thay cho quy chế cũ quy định “Đối với lớp tập trung 10 tiết/lớp/tháng; đối với lớp hệ không tập trung 05 tiết/lớp/tháng.

* Về đánh giá kết quả học tập, rèn luyện

Trước hết, quy chế quy định bổ sung cách tính điểm và xếp loại rèn luyện. Đây là điểm hoàn toàn mới trong quy chế lần này, cách tính điểm và xếp lại rèn luyện được quy định tại 3 điều của quy chế (từ điều 37 đến điều 39).

Đối với đánh giá kết quả học tập: Có nhiều thay đổi

Thứ nhất, điều kiện dự thi hết phần học, môn học, quy chế quy định “Nếu học viên được nhà trường đồng ý cho nghỉ học dưới 25% tổng số thời gian học lý thuyết, thảo luận trên lớp của phần học, môn học thì trước khi thi phải học lại nội dung chưa học; nếu học viên được nhà trường đồng ý cho nghỉ học từ 25% trở lên tổng số thời gian học lý thuyết và thảo luận trên lớp của phần học, môn học thì trước khi thi phải học cả phần học, môn học đó; nếu học viên nghỉ học mà không được sự đồng ý của nhà trường thì trước khi thi phải học lại cả phần học, môn học đó (Quy chế cũ quy định: Học viên vắng có lý do dưới 20% tổng số thời gian học trên lớp của phần học thì học lại nội dung chưa học; nếu vắng có lý do trên 20% tổng số thời gian học trên lớp của phần học hoặc vắng không có lý do thì học lại cả phần học đó.

Thứ hai, xét điều kiện dự thi hết phần học, môn học, quy chế quy định “Chủ nhiệm lớp thông báo kết quả xét điều kiện thi hết phần học, môn học cho học viên trước khi thi ít nhất 02 ngày (Quy chế cũ quy định chỉ 01 ngày).

Thứ ba, nội dung thi tốt nghiệp, có sự thay đổi ở 03 khối kiến thức

- Khối kiến thức thứ nhất gồm “Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Tình hình, nhiệm vụ của địa phương”, ra 05 đề.

- Khối kiến thức thứ hai gồm “Những vấn đề cơ bản về đảng cộng sản và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực của đời sống xã hội; Nghiệp vụ công tác Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở”, ra 05 đề.

- Khối kiến thức thứ ba gồm “Những vấn đề cơ bản về hệ thống chính trị, nhà nước, pháp luật và quản lý hành chính nhà nước; Một số kỹ năng cơ bản trong lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở”, ra 05 đề.

            Thứ tư, quy trình ra đề thi

            - Quy trình ra đề thi hết phần học, môn học: Khoa chủ trì giảng dạy phần học, môn học nào thì ra từ 02 đến 03 đề thi và đáp án phần học, môn học đó kèm theo, gửi về Ban Giám hiệu trước khi thi ít nhất 02 ngày để Ban Giám hiệu quyết định.

            - Quy trình ra đề thi tốt nghiệp: Mỗi khoa ra 05 đề thi và đáp án tốt nghiệp kèm theo, gửi về Ban Giám hiệu trước khi thi ít nhất 05 ngày.

            Thứ năm, thi bổ sung, thi lại, học lại, quy chế mới quy định “… Nếu thi lại phần học không đạt thì học lại phần học, môn học đó, nếu thi lại tốt nghiệp không đạt thì không được công nhận tốt nghiệp và hủy kết quả học tập”

            Thời gian thi lại tốt nghiệp được tổ chức sau 6 tháng kể từ ngày công bố kết quả thi tốt nghiệp (Quy chế cũ quy định thời gian thi lại tốt nghiệp trong vòng 07 ngày kể từ ngày công bố kết quả thi tốt nghiệp).

            Thứ sáu, viết và chấm bài thu hoạch nghiên cứu thực tế. Quy chế mới quy định: “… Bài viết từ 10 – 15 trang khổ giấy A4”; thời gian công bố kết quả bài thu hoạch và thời gian viết lại thu hoạch nghiên cứu thực tế cũng có sự thay đổi theo hướng tăng thêm thời gian từ 03 lên 05 ngày và từ 02 lên 03 ngày.

            * Khóa luận tốt nghiệp

            - Tỷ lệ học viên viết khóa luận tốt nghiệp: Quy chế mới quy định “Tỷ lệ học viên viết khóa luận tốt nghiệp không quá 20%, lấy từ cao xuống thấp theo điểm trung bình cộng các phần học, môn học. Trường hợp đạt tỷ lệ 20% mà có nhiều người bằng điểm nhau thì Hiệu trưởng xem xét kết quả rèn luyện để quyết định, song không quá tỷ lệ 25% tổng số học viên” (Quy chế cũ quy định “Tỷ lệ học viên viết khóa luận tốt nghiệp của mỗi lớp không quá 25%, lấy từ cao xuống thấp theo điểm trung bình cộng các phần học”).

            - Lựa chọn, thẩm định đề tài và phân công người hướng dẫn viết khóa luận tốt nghiệp: Quy chế quy định “Căn cứ tên đề tài học viên đăng ký viết khóa luận tốt nghiệp, các khoa thẩm định, chỉnh sửa, đề xuất giảng viên hướng dẫn; Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học tổng hợp trình Hiệu trưởng quyết định” (Quy chế cũ quy định “Căn cứ tên đề tài học viên đăng ký viết khóa luận tốt nghiệp, Ban Giám hiệu phân công giảng viên hướng dẫn cho phù hợp”).

            - Quy chế quy định mới về xử lý vi phạm thi, viết thu hoạch, khóa luận tốt nghiệp (Điều 33), quy chế trước đây không có quy định.

            * Điểm và xếp loại học tập

            Quy chế quy định: “Xếp loại học tập của học viên có 5 loại

            - Không đạt: Điểm trung bình toàn khóa học dưới 5,0 điểm hoặc có bài thi tốt nghiệp dưới 5,0 điểm.

            - Loại trung bình: Điểm trung bình toàn khóa học từ 5,0 điểm đến dưới 7,0 điểm;

            - Loại khá: Điểm trung bình toàn khóa học từ 7,0 điểm đến dưới 8,0 điểm;

            - Loại giỏi: Điểm trung bình toàn khóa học từ 8,0 điểm đến dưới 9,0 điểm;

            - Loại xuất sắc: Điểm trung bình toàn khóa học từ 9,0 điểm đến dưới 10,0 điểm;

            Học viên thi lại, viết lại thu hoạch, khóa luận tốt nghiệp, khi xếp loại học tập từ loại giỏi trở lên thì hạ một bậc.

            * Xét công nhận tốt nghiệp

            Hồ sơ xét tốt nghiệp: Quy chế mới quy định chi tiết thành phần hồ sơ học viên, đặc biệt điểm mới trong quy chế là học viên phải làm bản tự kiểm điểm quá trình học tập (theo mẫu). Bản tự kiểm điểm quá trình học tập được gửi về Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học trước khi xét tốt nghiệp ít nhất 07 ngày.

2. Đối với Quy chế giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm có 6 chương, 25 điều.

            * Công tác quản lý đối với giảng viên kiêm nhiệm, thỉnh giảng: Đây là điểm mới trong Quy chế lần này đã quy định:

            - Lãnh đạo khoa căn cứ yêu cầu và nhiệm vụ giảng dạy của khoa, kế hoạch chung của trường khả năng và điều kiện của giảng viên, phối hợp với Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học đề xuất từng trường hợp cụ thể.

            - Trên cơ sở đề xuất của khoa, phòng có liên quan, hiệu trưởng phân công giảng viên kiêm nhiệm.

            - Trên cơ sở lý lịch khoa học và ý kiến đề xuất của khoa, phòng có liên quan, hiệu trưởng mời giảng viên thỉnh giảng.

            - Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học chủ trì, phối hợp với các khoa tham mưu cho Ban Giám hiệu quản lý hoạt động giảng dạy của giảng viên kiêm nhiệm, giảng viên thỉnh giảng.

            - Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu tham mưu cho Hiệu trưởng thực hiện chế độ, chính sách đối với giảng viên kiêm nhiệm, giảng viên thỉnh giảng.

            * Tiêu chuẩn cụ thể của giảng viên: Nhìn chung tiêu chuẩn cụ thể của từng ngạch giảng viên đều không có sự thay đổi nhiều, tuy nhiên chỉ bổ sung nhiệm vụ “hoàn thành tốt các nhiệm vụ khoa học được giao”.

            * Đối tượng tham gia thỉnh giảng là người nước ngoài. Đây là điểm mới được quy định trong Quy chế (Điều 9), cụ thể:

            - Có thái độ chính trị phù hợp với thể chế chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tuân thủ pháp luật của Việt Nam; được cơ quan có thẩm quyền đồng ý cho phép tham gia thỉnh giảng.

            - Đáp ứng yêu cầu về kiến thức, năng lực giảng dạy;

            - Được hưởng các chế độ, chính sách căn cứ theo hợp đồng đã ký kết và quy định của pháp luật Việt Nam.

            * Định mức giờ chuẩn giảng dạy: Nhìn chung có giảm so quy chế trước đây, tuy nhiên việc đảm bảo ít nhất số giờ lên lớp, thảo luận so với giờ chuẩn của từng ngạch giảng viên đều tăng.

            Giảng viên đi học không tập trung được giảm 30% định mức giờ chuẩn của ngạch giảng viên đang giữ.

            Giảng viên không đủ định mức giờ chuẩn giảng dạy mà vượt định mức giờ chuẩn nghiên cứu khoa học thì được lấy số giờ chuẩn nghiên cứu khoa học vượt định mức bù cho số giờ chuẩn giảng dạy còn thiếu để tính hoàn thành định mức giờ chuẩn và tính thành tích thi đua nhưng không được thanh toán vượt giờ.

            Giảng viên được điều về công tác tại các phòng chức năng của nhà trường mà không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc kiêm nhiệm các công tác khác thì định mức giảng dạy là 40% định mức giờ chuẩn của ngạch giảng viên đang giữ (Quy chế cũ là 35%).

            * Quy định tính giờ chuẩn: Trong từng hoạt động cụ thể, Quy chế quy định có sự thay đổi chi tiết trong hoạt động ra đề, duyệt đề; chấm thi…

3. Đối với Quy chế nghiên cứu khoa học của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm có 6 chương, 17 điều.

            - Quy chế mới quy định khung định mức giờ chuẩn nghiên cứu khoa học đối với giảng viên và quy đổi kết quả nghiên cứu khoa học cũng có sự thay đổi so với Quy chế trước đây theo hướng tăng định mức giờ chuẩn và bổ sung một số công trình khoa học được tính quy đổi cụ thể ra định mức giờ nghiên cứu khoa học.

            - Thành lập Hội đồng khoa học: Quy chế quy định số lượng thành viên giảm so với quy chế trước đây (giảm 2 thành viên).

4. Đối với Quy chế thanh tra đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm có 5 chương, 16 điều.

            Quy chế quy định cụ thể hơn về tổ chức, người làm công tác thanh tra cụ thể hơn so với quy chế trước đây./.

Tin khác