Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 18:40

Một vài kinh nghiệm thi vấn đáp phần học “Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin” trong chương trình trung cấp lý luận chính trị tại Trường Chính trị Bến Tre

                                                            CN. Hồ Thị Thùy Dung
Giảng viên tập sự Khoa Lý luận cơ sở

Thi hết phần học là một trong những khâu quan trọng của quá trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Thi được tiến hành sau một chương trình hoặc phần học, nhằm đánh giá kết quả tiếp thu kiến thức của học viên, từ năng lực thu nhận kiến thức qua bài giảng, qua các buổi thảo luận, báo cáo thực tế đến năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn công tác với một hay nhiều chủ đề nhất định. Thời gian qua, Trường Chính trị Bến Tre trong quá trình thực hiện chương trình đào tạo  Trung cấp lý luận chính trị - hành chính đã áp dụng đa dạng các hình thức thi hết phần học như: Thi viết (tự luận, trắc nghiệm), thi vấn đáp. Trong đó, áp dụng hình thức thi vấn đáp đối với thi hết phần học “Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin” là một trong những hình thức thi hết phần học nhận được sự hưởng ứng tích cực của giảng viên và đa số học viên nhà Trường. Từ đó tạo tâm thế hứng khởi, yêu thích học tập lý luận chính trị của học viên, góp phần tích cực vào công tác đổi mới nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy, học tập lý luận chính trị tại Trường.

Phần học “Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin” trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính bao gồm 7 bài, 120 tiết lý thuyết, tự học tự nghiên cứu 52 tiết và 44 tiết thảo luận. Với thời lượng trên, người học sẽ được trang bị khối lượng kiến thức về: Những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa duy vật lịch sử, chủ nghĩa duy vật biện chứng (Triết học Mác-Lênin); Những vấn đề cơ bản về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, những vấn đề kinh tế chính trị của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Kinh tế chính trị Mác-Lênin); Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Liên minh công – nông – trí thức trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Chủ nghĩa xã hội khoa học). Có thể thấy đây là một lượng kiến thức lớn, đòi hỏi học viên phải có nhận thức, tư duy lý luận ở một trình độ phát triển nhất định. Đồng thời phải có tinh thần, thái độ học tập nghiêm túc, trên lớp chú ý nghe giảng, ghi chép bài đầy đủ, tích cực trong thảo luận và chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi mới có thể thỏa mãn yêu cầu đánh giá của hình thức thi vấn đáp.

Qua thực tế tổ chức thi vấn đáp hết phần học “Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin” ở một số lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính hệ không tập trung (huyện Giồng Trôm) và hệ tập trung (A 33, 34) cho thấy hình thức thi vấn đáp đã giúp nhà trường đánh giá khá toàn diện năng lực tiếp thu kiến thức và khả năng vận dụng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn của học viên. Giúp học viên phát huy được thế mạnh của mình khi được trình bày với giảng viên về những vấn đề mình tâm đắc, đồng thời nhờ sự giúp đỡ của giảng viên có thể phát hiện những “lổ hỏng” kiến thức của mình để có thể kịp thời bổ sung, chỉnh sửa. Tuy nhiên, còn tình trạng một số học viên chưa chuẩn bị tâm thế tốt cho hình thức thi này, biểu hiện ở trạng thái lo âu, căng thẳng, dẫn đến khi bốc câu hỏi thi thì mất bình tĩnh, quên nội dung kiến thức đã học, không hiểu yêu cầu đề, lẫn lộn các nội dung kiến thức, từ đó dẫn đến tình trạng trả lời câu hỏi thi chưa đạt yêu cầu đề ra.

Với tư cách là một người học, bản thân tôi nhận thấy, kết quả thi vấn đáp của học viên phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phương pháp truyền tải kiến thức của giảng viên, khâu ra đề, các công tác chuẩn bị cho kỳ thi và quan trọng hơn hết là phụ thuộc vào sự nỗ lực phấn đấu học tập và rèn luyện của chính học viên. Dạy học là quá trình truyền thụ kiến thức giữa hai chủ thể người dạy và người học. Với quan niệm về lý luận dạy học mới, người dạy và người học đều đóng vai trò là chủ thể trung tâm trong quá trình truyền thụ kiến thức. Điều này chứng minh rằng kết quả thi vấn đáp (kiểm tra kiến thức – chất lượng dạy và học) phụ thuộc vào chính phương pháp truyền tải kiến thức của giảng viên và sự nỗ lực phấn đấu của người học.

Thứ nhất, kết quả thi vấn đáp của học viên phụ thuộc vào phương pháp truyền tải kiến thức của giảng viên. Điều này có nghĩa là khi xác định sẽ áp dụng hình thức thi vấn đáp ở phần học này, thì giảng viên phải áp dụng phương pháp giảng dạy, phương pháp truyền tải kiến thức phù hợp với hình thức thi vấn đáp. Trong quá trình trao đổi, giảng viên cần xác định những vấn đề trọng tâm, giúp học viên hiểu, khắc sâu kiến thức, nắm vấn đề cơ bản ngay trên lớp. Đồng thời trong thảo luận, giảng viên hướng dẫn thảo luận phải dẫn dắt học viên đến cách giải quyết các vấn đề phù hợp với kiểu hỏi thi vấn đáp chứ không phải phân tích, chứng minh vấn đề như hình thức thi tự luận.

Thứ hai, kết quả thi vấn đáp phụ thuộc vào sự nỗ lực phấn đấu học tập và rèn luyện của chính học viên, đây là yếu tố giữ vai trò quyết định. Để có thể đạt kết quả cao khi thi vấn đáp hết phần học “Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin” tại Trường Chính trị Bến Tre, học viên cần lưu ý những vấn đề sau:

Một là, trên lớp chú ý nghe giảng, ghi chép bài đầy đủ. Với phương châm “Học thực chất, thi thực chất, kết quả thực chất”, nhà trường thực hiện chủ trương không cung cấp đề cương bài giảng cho học viên. Vì vậy học viên phải trang bị đầy đủ giáo trình, tài liệu bắt buộc và một số tài liệu tham khảo khác. Điều quan trọng là trong quá trình lên lớp nghe giảng, học viên cần chủ động thu nhận kiến thức bằng cách theo dõi, ghi chép nội dung bài đầy đủ, lưu ý những nội dung trọng tâm, cố gắng nắm nội dung chính ngay trên lớp. Học viên có thể ghi chép dưới dạng đề cương, bằng các hình thức khái quát hóa, sơ đồ hóa, như sơ đồ hình cây, hình xương cá… Chủ động liên hệ thực tế ở những nội dung lý luận được nghiên cứu để giúp khắc sâu kiến thức.  

Hai là, tích cực chuẩn bị, tham gia thảo luận trên lớp. Qua hoạt động chuẩn bị, soạn đề cương thảo luận, tham gia tích cực các hoạt động thảo luận trên lớp giúp học viên một lần nữa củng cố kiến thức đã được trang bị, thu nhận những kiến thức thực tiễn trong quá trình trao đổi trên lớp. Đồng thời trong quá trình nghiên cứu thảo luận, khi gặp những vấn đề còn vướng mắc, chưa rõ phải trao đổi ngay với giảng viên giảng dạy hoặc lãnh đạo khoa trực tiếp quản lý, giảng dạy để giải đáp thắc mắc, giải quyết triệt để những vấn đề còn vướng, làm sáng tỏ các nội dung lý luận đã được nghiên cứu khi vận dụng vào thực tế địa phương, cơ quan, đơn vị công tác.

Ba là, dành một khoảng thời gian nhất định để ôn tập các nội dung kiến thức trọng tâm. Mặc dù trong quá trình lên lớp nghe giảng, học viên đã nắm được các nội dung cơ bản, tuy nhiên lượng kiến thức này vẫn còn dưới dạng khái quát, chưa vững chắc. Vì vậy, học viên cần phải dành một khoảng thời gian nhất định để ôn tập, củng cố các nội dung kiến thức được trang bị. Học viên cần lưu ý, trong quá trình ôn tập, nếu có những vấn đề còn chưa rõ, thắc mắc phát sinh cần trao đổi với giảng viên giảng dạy, lãnh đạo khoa trực tiếp quản lý, giảng dạy hoặc trao đổi với bạn học cùng lớp hoặc nhờ giảng viên giải đáp. Để thực hiện nội dung này, học viên cần có kỹ năng quản lý thời gian khoa học, cân đối giữa thực hiện nhiệm vụ học tập và nhiệm vụ công tác tại cơ quan, đơn vị. Đồng thời phải tranh thủ được sự quan tâm chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ của lãnh đạo cơ quan, đơn vị, đồng nghiệp và của gia đình khi được cử đi học.

Bốn là, nắm vững, thực hiện đúng nội quy, quy chế phòng thi. Để có tâm thế tốt, sẵn sàng cho kỳ thi, học viên cần nắm rõ điều kiện dự thi hết phần học, môn học; nắm quy chế coi thi và nội quy phòng thi các lớp đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị Bến Tre, đặc biệt là phần thi vấn đáp. Cụ thể, Quy chế coi thi và nội quy phòng thi các lớp đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị Bến Tre (Ban hành kèm theo Quyết định số 814-QĐ/TCT, ngày 19 tháng 5 năm 2020 của Hiệu trưởng Trường Chính trị Bến Tre) quy định như sau:

Đối với thi vấn đáp

- Học viên phải có mặt tại phòng thi đúng ngày, giờ quy định theo danh sách đã được niêm yết;

- Khi vào phòng thi học viên phải tuân thủ các quy định sau: Chỉ được mang vào phòng thi viết, thước; Ngồi đúng nơi theo quy định của cán bộ coi thi; Không hút thuốc lá, không sử dụng điện thoại di động; Phải giữ gìn trật tự trong phòng thi; Không được trao đổi bài với nhau khi làm đề cương.

- Học viên bên ngoài giữ gìn trật tự, không được trao đổi hoặc nhắc bài cho học viên trong phòng thi.

- Học viên chỉ được bốc một trong số các câu hỏi để trả lời. Nếu bốc lại câu hỏi lần thứ hai thì bị trừ 1,0 điểm/ tổng điểm thi.

- Học viên nhận giấy nháp và danh mục câu hỏi để chuẩn bị nội dung trình bày, thời gian chuẩn bị không quá 15 phút sau đó trả lời trước 02 giám khảo, thời gian trả lời không quá 15 phút. Khi trả lời xong câu hỏi, học viên nộp lại đề cương cho giám thị và ký tên vào danh sách dự thi.

Năm là, xác định đúng yêu cầu của đề thi vấn đáp. Khi bốc được câu hỏi thi, học viên cần phải bình tĩnh xác định đúng yêu cầu của đề. Điều này quyết định nội dung trả lời của học viên. Học viên cần lưu ý, đề thi vấn đáp đòi hỏi người học nắm toàn diện kiến thức về một nội dung nhất định. Tổng hợp toàn bộ đề thi vấn đáp là một nội dung toàn diện của chương trình. Khác với dạng đề thi viết ra dưới dạng tổng hợp, đề thi vấn đáp gắn với một nội dung cụ thể của chương trình, đòi hỏi người học phải nắm chắc toàn diện vấn đề. Nội dung các câu hỏi thường đi vào các khái niệm, phạm trù, nội dung nguyên lý lý luận, sự vận dụng. Vì vậy, việc xác định đúng yêu cầu của đề thi sẽ giúp học viên xác định đúng nội dung kiến thức cần trình bày, liên hệ sát thực tiễn, đáp ứng tốt yêu cầu đề ra.

Như vậy để có thể đạt kết quả tốt kỳ thi vấn đáp, học viên cần phải trên lớp chú ý nghe giảng, ghi chép bài đầy đủ; tích cực chuẩn bị, tham gia thảo luận trên lớp; dành một khoảng thời gian nhất định để ôn tập các nội dung kiến thức trọng tâm; nắm vững, thực hiện đúng nội quy, quy chế phòng thi và xác định đúng yêu cầu của đề thi vấn đáp. Có như vậy mới giúp học viên chuẩn bị tốt về kiến thức, tâm lý vững vàng, tự tin đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của đề thi vấn đáp. Trong đó quan trọng nhất là phụ thuộc vào tinh thần, thái độ, phương pháp học tập của học viên. Đây là yếu tố quyết định cơ bản đối với kết quả của hình thức thi vấn đáp./.

Tin khác