Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ năm, 25 Tháng 4, 2024 - 15:59

Một số suy nghĩ về nâng cao chất lượng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Bến Tre hiện nay

Nguyễn Thị Mai Trâm
Tập sự giảng viên, Khoa Dân vận

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ. Người cho rằng “cán bộ là cái gốc của mọi công việc[1], “cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy[2]  Bác từng khẳng định: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém[3]. Chính vì thế, trong mọi hoạt động, Người rất quan tâm đến xây dựng, huấn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, vừa “hồng” vừa “chuyên” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng. Theo Người, cách mạng là một việc “to tát”, là sự nghiệp “khổng lồ”. Vì vậy, “Phải đào tạo một đội ngũ cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc, ham làm việc, như thế Đảng mới thành công[4]. Để đảm bảo công tác huấn luyện, Đảng phải quan tâm xây dựng đội ngũ “những người huấn luyện” - tức là đội ngũ làm công tác tuyên truyền, giáo dục, thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục và đưa mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến những người làm cán bộ các cấp, trong đó có đội ngũ giảng viên của hệ thống trường Đảng. Ngay từ lớp học lý luận khóa đầu tiên của Trường Nguyễn Ái Quốc vào tháng 9 năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ mục đích của các trường Đảng là “đào tạo những cán bộ biết vận dụng lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác-Lênin để giải quyết những vấn đề cách mạng cụ thể”.

Thực hiện sứ mệnh của trường Đảng, Trường Chính trị Bến Tre trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân ở cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn và các đơn vị tương đương); trưởng, phó phòng huyện và các ban ngành cấp tỉnh; cán bộ dự nguồn các chức danh trên. Đồng thời nhà trường tiến hành nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn địa phương nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Đội ngũ giảng viên là một bộ phận quan trọng, quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị. Sự đóng góp trí tuệ của đội ngũ giảng viên trong việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tham gia vào các hoạt động, phong trào của tỉnh,... đã minh chứng giảng viên nhà trường ngày càng trưởng thành về nhiều mặt công tác. Sinh thời Bác Hồ căn dặn “cán bộ là cái gốc của mọi công việc, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng[5]. Vinh dự, tự hào được làm “công việc gốc của Đảng”. Đồng thời, với vinh dự này, đòi hỏi đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Bến Tre phải ý thức trách nhiệm cao, thường xuyên rèn luyện phẩm chất, năng lực cho xứng đáng với nhiệm vụ của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu “Người huấn luyện của Đoàn thể phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: Tư tưởng, đạo đức, lối làm việc[6]. Nói cách khác, nếu người dạy không đạt đến mức “kiểu mẫu về mọi mặt” thì khó có thể hoàn thành được vai trò “huấn” và “luyện” cho người học. Chính vì thế, cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Bến Tre muốn đào tạo người, trước hết phải chăm lo đào tạo mình. Tự đào tạo để phục vụ tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng.

Để trở thành người “huấn luyện cán bộ” có tâm, có tầm, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, giảng viên Trường Chính trị Bến Tre phải nâng cao hơn nữa chất lượng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần thực hiện Chỉ thị số 05 - CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ chính trị về: “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.  Nội dung tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người rất phong phú, thể hiện trong toàn bộ di sản và cuộc đời hoạt động của Người, có mối quan hệ thống nhất, biện chứng tạo nên nhân cách vĩ đại Hồ Chí Minh. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua từ hành vi, lời nói, việc làm của bản thân đều phải thấm nhuần tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác, để giúp giảng viên vận dụng trong quá trình làm việc, giảng dạy cũng như đời sống một cách hiệu quả nhất:

Về tư tưởng: Là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó còn là hệ thống quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sức mạnh của nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc; quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; xây dựng, phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng; chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; xây dựng Đảng...

 Người làm công việc “huấn luyện cán bộ” cần phải có tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng đã lựa chọn trong bất kỳ tình huống khó khăn nào cũng không dao động, giảm sút niềm tin và ý chí chiến đấu, trung thành phục vụ cho Tổ quốc, trung thành với lợi ích của Đảng, với lợi ích của nhân dân lao động và của dân tộc, suốt đời tận tâm trung thành phục vụ cho Tổ quốc, phục vụ cho nhân dân, thấy sai phải biết phê phán,… Trong mọi hoàn cảnh người giảng viên phải vững khí tiết của người cách mạng, trung kiên, sự kiên định với lý tưởng cách mạng. 

Về đạo đức: Là một hệ thống các quan điểm cơ bản và toàn diện của Người về đạo đức, vị trí, vai trò của đạo đức, những chuẩn mực giá trị của đạo đức cách mạng và những nguyên tắc xây dựng đạo đức mới. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh được thể hiện sinh động qua chính tấm gương đạo đức của Người, trong mỗi hành động, lời nói, cử chỉ, việc làm và sinh hoạt hằng ngày, đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, dân tộc lên trên tất cả; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân; hết lòng yêu thương đồng bào, đồng chí, yêu thương con người; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, thực sự là công bộc của nhân dân, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội,... Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dạy rằng muốn hoàn thành nhiệm vụ cách mạng, người cán bộ phải có đủ cả đức và tài, cả phẩm chất và năng lực, không thể thiếu một mặt nào.

Đối với mỗi giảng viên, là người “huấn luyện”, “vừa là người lãnh đạo, vừa là công bộc, là đầy tớ thật trung thành của nhân dân[7]; đội ngũ này là những người đi đầu, làm gương cho quần chúng, vì vậy yếu tố quan trọng và trước hết họ cần có đó là “đạo đức cách mạng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Có tài phải có đức, có tài không có đức, có hại cho nước, có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa không giúp ích được gì ai[8]. Người cán bộ tốt, nhất thiết phải là người hoàn thành bằng kết quả công tác thực tiễn, qua việc thực hiện những nhiệm vụ được giao. Phẩm chất đạo đức giảng viên Trường Chính trị thể hiện qua những tiết giảng hàng ngày, qua sự mê say với công việc, tìm tòi và nghiên cứu để có những tiết giảng đầy thuyết phục; tự phê bình và phê bình để phát huy những ưu điểm và sửa chữa những khuyết điểm của chính bản thân; sự đam mê nghiên cứu khoa học; sự lao động sáng tạo để phục vụ cho sự nghiệp giáo dục của Đảng; sự khiêm tốn, thật thà, giản dị của một nhà giáo; sự tôn trọng, quý mến học viên của những nhà giáo có đạo đức cách mạng trong sáng.

Về phong cách: Phong cách Hồ Chí Minh phản ánh những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức của Người, được thể hiện trong công việc, ứng xử, gần gũi và tự nhiên, có sức thu hút, cảm hoá kỳ diệu. Nói phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những đặc trưng giá trị, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, gắn liền với tư tưởng, đạo đức của Người; thể hiện một nhân cách lớn, trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng, nhân văn. Đó là phong cách của một vĩ nhân, một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, một nhà văn hóa lớn.

Phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ. Đó còn là phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn; phong cách làm việc dân chủ, khoa học, cụ thể, làm đến nơi, đến chốn; phong cách ứng xử văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn, thấm đậm tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân; phong cách nói đi đôi với làm, đi vào lòng người; nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ đọc, dễ làm; phong cách sống thanh cao, trong sạch, giản dị; phong cách quần chúng, dân chủ, tự mình nêu gương, nói đi đôi với làm...

Học và làm theo Bác, mỗi giảng viên phải tu dưỡng, rèn luyện phong cách của Người. Nghĩa là mỗi cán bộ - giảng viên phải có tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, có bản lĩnh chính trị vững vàng; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; phải có chính kiến riêng, không nịnh hót, a dua hoặc “gió chiều nào theo chiều ấy”. Trong rèn luyện tác phong quần chúng, dân chủ và khoa học trong công việc, người giảng viên phải luôn ghi nhớ: “việc gì có lợi cho dân, dù nhỏ mấy cũng hết sức làm; việc gì có hại cho nhân, dù nhỏ mấy cũng phải tránh[9]. Cán bộ, giảng viên cần mạnh dạn trong việc phê bình và tự phê bình; biết gần gũi, trao đổi, lắng nghe ý kiến của học viên, không nên kiêu ngạo mà phải thấu hiểu và luôn phải sẵn sàng học hỏi học viên. Trong ứng xử với đồng nghiệp, học viên, người giảng viên phải có thái độ ân cần, niềm nở, vừa thân ái vừa nhiệt tình, thể hiện tấm lòng độ lượng, khoan dung và phải có thái độ khiêm nhường, phải rất tế nhị. Trong sinh hoạt hàng ngày, mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên phải đặt cho mình một kỷ luật chặt chẽ, giữ nếp trật tự, ngăn nắp, gọn gàng…

Trong những năm qua việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Trường Chính trị Bến Tre, đã thu được những kết quả tích cực. Đảng ủy, tập thể Ban Giám hiệu thường xuyên quan tâm lãnh đạo, đã ban hành nhiều chủ trương, quy định mới phát triển chuyên môn; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên; tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học; cải thiện nâng cao đời sống, phúc lợi cho cán bộ, viên chức, người lao động của nhà trường. Hiện trường có 20 giảng viên và 04 giảng viên tập sự. Trong đó, có 18 đồng chí đạt trình độ thạc sĩ, 15 đồng chí đạt trình độ cao cấp chính trị, 02 đồng chí là giảng viên cao cấp, 02 đồng chí là chuyên viên cao cấp, 13 đồng chí là giảng chính và 03 giảng viên tập sự hiện đang được cử học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Tất cả các đồng chí được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng đều nêu cao ý thức cá nhân, phát huy truyền thống nhà trường, hoàn thành khá tốt nhiệm vụ học tập.

Tuy nhiên, nhìn nhận cụ thể ở từng lĩnh vực công tác cụ thể, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế nhất định. Có đảng viên, giảng viên việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chưa trở thành việc làm thường xuyên; chưa hình thành ý thức tự giác trong tự phê bình và phê bình, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm vẫn còn; có cán bộ, đảng viên chưa tự giác nhìn nhận đúng mức khuyết điểm và trách nhiệm của mình trước những hạn chế, khuyết điểm trong công việc được giao. Vì vậy, đã xuất hiện những thách thức, khó khăn trong quá trình làm việc, giảng dạy, hình thành những “điểm nghẽn” trong thực hiện các nhiệm vụ của nhà trường trong năm 2018.

Để khắc phục những thách thức, tháo gỡ những “điểm nghẽn”, cán bộ, giảng viên trong nhà trường trở thành những hạt nhân quan trọng, là người “huấn luyện” tốt, có hiệu quả trong công tác cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh như sau:

 Thứ nhất, nhà trường xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý và quy chế làm việc rõ ràng, khách quan nhằm tạo môi trường thuận lợi cho tất cả cán bộ, viên chức nhà trường rèn luyện, tu dưỡng. Trong đó, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức và đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo bản cam kết, đăng  ký tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hàng năm của mỗi cán bộ, giảng viên.

Thứ hai, mỗi cán bộ, giảng viên phải tự giác rèn luyện, thường xuyên tu dưỡng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cùng với nâng cao năng lực, tích cực nghiên cứu học tập, tích lũy kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ để có thể trở thành người thầy của học viên cả về lý luận, kinh nghiệm thực tiễn, tấm gương toàn diện, toàn mỹ đối với các học viên.

Giảng viên Trường Chính trị phải nêu gương về niềm tin cộng sản, tin vào mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sức mạnh của dân tộc; phải nêu gương về phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống trong sạch, lành mạnh, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói đi đôi với làm, tác phong sinh hoạt, lối sống trung thực, giản dị lành mạnh; phải nêu cao tinh thần trách nhiệm tận tụy, gắn bó, hết lòng vì công việc, chủ động khắc phục khó khăn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể và gương mẫu trong mọi hoạt động; phải thật sự gần gũi, sâu sát với học viên để nắm bắt tâm tư, tình cảm, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn của học viên, sẵn sàng giúp đỡ học viên về mọi mặt trong học tập cũng như trong hoạt động thực tiễn ở cơ quan, đơn vị.

Thứ ba, cần chú trọng đổi mới toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường theo yêu cầu gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết Trung ương số 29-NQ/TW về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Cải tiến nội dung chương trình và thực hiện có hiệu quả phương châm học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn; “đổi mới và phát triển toàn diện công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn”.

Thứ tư, lấy kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại giảng viên, đảng viên, đoàn viên hằng năm.

 
[1], [3], [4], [5], [7]. Hồ Chí Minh: Toàn tập,Nxb.CTQG - ST, Hà Nội, 2011, t.5, tr.269, 273, 281, 309, 611.
[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ , t.5, tr.54 - 55.
[6]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, t.4, tr. 374 
[8]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, t.8, tr.184.
[9]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, t.4, tr.56 - 57.

Tin khác