Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ năm, 25 Tháng 4, 2024 - 10:43

Một số bất cập trong quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp hiện nay

Lê Thị Huỳnh Thu Hà
Viên chức tập sự khoa NN và PL

 

Đất đai là tặng vật quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người, là cái nôi để con người sinh sống, tồn tại và phát triển. Đặc biệt, đất đai là tư liệu sản xuất không thể thiếu đối với mọi lĩnh vực, nhất là trong nông nghiệp.([1]) Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp như nước ta hiện nay, việc tích tụ ruộng đất mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, nâng cao chất lượng cũng như sản lượng nông sản làm ra là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất vẫn đang là “rào cản” cho việc tích tụ ruộng đất.

Hiện nay, pháp luật đất đai chưa có khái niệm cụ thể về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, dựa vào các điều luật quy định về hạn mức nhận chuyển quyền([1]) trong pháp luật đất đai thì hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất là giới hạn diện tích đất nông nghiệp mà một hộ gia đình, cá nhân được phép nhận chuyển quyền từ người đang có quyền sử dụng đất.

Cùng sự phát triển lịch sử của đất nước, pháp luật đất đai cũng ngày càng được bổ sung, hoàn thiện. Thể hiện rõ nét nhất từ sau thời kỳ đổi mới đến nay. Nhà nước ta từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai đáp ứng các yêu cầu quản lý và sử dụng đất trong cơ chế thị trường. Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đất đai đã nhiều lần được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung phù hợp([2]) với thực tiễn. Các quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất cũng phát triển và ngày càng được quy định cụ thể, chi tiết hơn. Cụ thể:

- Quy định này được đặt ra trong thời kỳ nhà Hồ (1400 – 1407) nhằm hạn chế sự lớn mạnh của sở hữu tư nhân về ruộng đất, củng cố quyền lực nhà vua;

 - Chưa quy định cụ thể trong giai đoạn trước khi ban hành Luật Đất đai năm 1993, do giai đoạn này thị trường đất đai chưa hình thành;

- Được quy định ngày càng cụ thể và rõ nét trong pháp luật đất đai năm 1993, năm 2003 và năm 2013. Hiện nay, theo khoản 1 Điều 130 Luật Đất đai năm 2013 “Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại các khoản 1, 2, và 3. Điều 129 của Luật này”, hạn mức này được quy định mở rộng hơn và gấp 05 lần so với hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trong pháp luật đất đai giai đoạn 2003. Và hạn mức được nhận chuyển quyền sử dụng của một số loại đất nông nghiệp được quy định cụ thể tại Điều 44 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

 Tuy nhiên, quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất đai vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập nhất định. Cụ thể:

Thứ nhất, pháp luật đất đai hiện nay chỉ mới quy định cụ thể về mức giới hạn được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở một số loại đất nông nghiệp mà vẫn chưa có khái niệm thống nhất về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất;

Thứ hai, quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đã có nhưng chưa đảm bảo tính khả thi. Quy định ngày càng cụ thể, chi tiết trong Luật Đất đai năm 2013, Nghị quyết 1126/2007/NQ-UBTVQH11, Nghị định 43/2014/NĐ-CP nhưng hiện nay các cơ quan vẫn không quản lý được hạn mức nhận chuyển quyền. Mặt khác, cơ quan có thẩm quyền không phát hiện được người sử dụng đất vượt hạn mức, khó xác định hạn mức trong trường hợp một người nhận chuyển quyền ở nhiều địa phương khác nhau, đồng thời không xử lý được các trường hợp vượt hạn mức… Một quy định mà hoàn toàn không có tính khả thi;([3])

Thứ ba, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp hiện nay không còn phù hợp với tình hình phát triển nền nông nghiệp của nước ta và tạo ra rủi ro pháp lý cho người có đất vượt hạn mức nhận chuyển quyền. Người có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất lại không được phép nhận chuyển quyền vượt hạn mức cho phép. Buộc họ phải “lách luật” nhờ người thân đứng tên giùm trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này tiềm ẩn rủi ro pháp lý và rất dễ phát sinh tranh chấp đất đai: Khả năng được giải ngân khi vay vốn để sản xuất rất ít, người đứng tên trong giấy chứng nhận có thể đem quyền sử dụng đất đó chuyển quyền cho người khác dẫn đến tranh chấp đất đai. Người không trực tiếp bỏ vốn để “mua đất” nhưng lại đứng tên trong giấy chứng nhận, khi xảy ra tranh chấp rủi ro pháp lý thuộc về bên nhờ người khác đứng tên giùm trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là rất cao. Chính vì vậy, những nông dân tâm huyết với nghề sẽ khó lòng an tâm đầu tư sản xuất;

Thứ tư, quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất làm hạn chế khả năng tích tụ ruộng đất quy mô lớn, người dân khó đầu tư sản xuất cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Từ đó, việc tích tụ ruộng đất quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ nông dân bị hạn chế; mặt khác, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không hiệu quả còn tồn tại ảnh hưởng đến việc cải thiện đời sống người nông dân;

Thứ năm, khi nhiều người cùng góp tiền vốn để nhận chuyển quyền sử dụng đất của một thửa đất thì việc tính diện tích đất như thế nào để xác định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất cho từng người vẫn chưa được quy định cụ thể.

Từ đó cho thấy, quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất hiện nay không còn phù hợp. Vì trong thực tế vẫn có rất nhiều hộ nông dân đang sử dụng đất vượt hạn mức nhưng vẫn chưa có trường hợp nào bị xử lý; quy định này đã, đang làm hạn chế phát triển sản xuất quy mô lớn dẫn đến sản xuất nông nghiệp không đạt hiệu quả cao, nông sản làm ra không đủ để tiêu dùng, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của đất nước. Chính vì thế, Đảng và Nhà nước ta từng bước thay đổi chính sách về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất cho phù hợp hơn. Từ đó, tạo động lực khuyến khích tích tụ ruộng đất, mở rộng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thúc đẩy “cơ giới hóa” đưa máy móc vào thay thế sức lao động con người, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần cải thiện đời sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước./.

 

[1] Điều 130 Luật Đất đai năm2013; Điều 2 Nghị quyết 1126/2007/NQ-UBTVQH11; Điều 44 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật Đất đai năm 2013.

[2] Nguyễn Quang Tuyến: Pháp luật đất đai Việt Nam từ năm 1945 đến nay, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, năm 2018, tr: 5.

[3] Đặng Hùng Võ: “Bỏ hạn điền trong nông nghiệp?”, Báo Vietnamnet, http://www.tuanvietnam.net/2011-09-15-bo-han-dien-trong-nong-nghiep-, [truy cập ngày 10/01/2017].

 

[1] Lê Văn Hoạt: Sử dụng đất nông nghiệp trong nền kinh tế thị trường ở huyện Thanh Trì-Hà Nội, Nxb. Đại học Kinh tế Quốc dân, năm 1995: tr 3.

Tin khác