Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ năm, 28 Tháng 3, 2024 - 16:19

Làm theo lời Bác, tuổi trẻ Trường Chính trị tỉnh Bến Tre ra sức học tập và rèn luyện xây dựng lực lượng vừa hồng vừa chuyên

Bài tham luận tọa đàm Chi đoàn Trường Chính trị Bến Tre

                                              

CN. Huỳnh Nguyễn Đăng Khoa
Tập sự giảng viên, Khoa LLMLN, TTHCM

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của những năm bôn ba trong hoạt động thực tiễn, nghiên cứu, học tập, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Trong đó, một trong những di sản tinh thần vô giá mà Người để lại cho chúng ta là những tư tưởng chiến lược về chăm sóc, bồi dưỡng, đào tạo, tổ chức, phát huy các tiềm năng to lớn của thanh niên vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên vừa “hồng” vừa “chuyên”

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đánh giá cao vai trò của thế hệ trẻ; quan tâm giáo dục, động viên, phát huy mọi khả năng của thế hệ trẻ phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn về trách nhiệm của Đảng với thanh niên là: “Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”[1]. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Thanh niên phải được giáo dục một cách toàn diện, vừa “hồng” vừa “chuyên”. Trong đó, “hồng” là người sống có lý tưởng cách mạng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong sáng; không ngại khó khăn, gian khổ, phấn đấu và sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; là “quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”. “Chuyên” là người có trí tuệ, năng lực chuyên môn, trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và quân sự. Người viết “Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học kĩ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân”[2].

Tuy nhiên, trong mối quan hệ biện chứng giữa “hồng” và “chuyên”, thì Bác coi “hồng” tức đạo đức cách mạng là gốc. Người dạy thanh niên phải “Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng, tự mãn. Chống lãng phí xa hoa. Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh, để giúp nhau cùng tiến bộ mãi”[3]. Đạo đức cách mạng ở thanh niên theo Hồ Chí Minh là trung, dũng, cần, kiệm, khiêm tốn, một lòng, một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, không ham địa vị, công danh phú quý, không tự mãn, tự túc, không kiêu ngạo, nên nói ít, làm nhiều, phải thân ái, đoàn kết, phải đánh thắng và tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân, không sợ khó, không sợ khổ. Đạo đức cách mạng ở thanh niên, theo Hồ Chí Minh còn là những điều cụ thể hằng ngày mà mỗi người có thể tự phấn đấu làm được như “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”[4]. Người cho rằng đạo đức cách mạng không phải ở đâu xa mà chính ở trong ta. Do đó, thanh niên phải ra sức rèn luyện đạo đức cách mạng vì “cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn, cây phải có gốc không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[5]. Vì vậy, rèn luyện đạo đức đòi hỏi tự thân mỗi người phải nâng cao tinh thần đấu tranh, trung thành với Đảng, với nhân dân, ý thức tự lực, tự cường tinh thần vượt khó, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, xây dựng nếp sống văn minh, tích cực đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngoài ra, giáo dục nếp sống, lối sống văn hóa, thể chất là một trong những việc không thể thiếu khi xây dựng thế hệ trẻ vừa “hồng” vừa “chuyên”. Đó là một trong những yếu tố cần thiết quyết định sự phát triển của thanh niên nói riêng và sự tiến bộ của xã hội nói chung. Vì vậy, Bác rất quan tâm đến việc giáo dục nếp sống văn hóa và thể chất cho thế hệ trẻ. Ngày 27/3/1946, Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 38 thiết lập Nha Thanh niên và Thể dục trực thuộc Bộ Quốc gia giáo dục. Cùng ngày đó, trên báo Cứu quốc-cơ quan của Mặt trận Việt Minh đã đăng bài viết Sức khỏe và thể dục” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bài viết, Người kêu gọi: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần, mỗi một người dân mạnh khỏe là góp phần cho cả nước mạnh khỏe. Vậy luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước”.

2. Làm theo lời Bác, tuổi trẻ Trường Chính trị Bến Tre ra sức học tập và rèn luyện xây dựng lực lượng vừa “hồng” vừa “chuyên”

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tuổi trẻ Trường Chính trị tỉnh Bến Tre học tập và rèn luyện xây dựng lực lượng vừa “hồng” vừa “chuyên” được thể hiện cụ thể ở các nội dung chủ yếu sau:

Về giáo dục lý tưởng cách mạng

Mục tiêu lý tưởng phấn đấu của thanh niên đó là học tập, vậy chúng ta học để làm gì? Người viết: “Học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, học để làm cho dân giàu, nước mạnh”[6]. Tuổi trẻ bao giờ cũng có rất nhiều ước mơ, hoài bão, luôn hướng tới cái cao đẹp trong cuộc sống và cần có một điểm tựa tinh thần để vượt qua những khó khăn, thực hiện được ước mơ hoài bão của mình. Do đó, cần quan tâm và có những yêu cầu cụ thể và cơ bản về giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên. Vì vậy, Chi đoàn Trường tiến hành triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Đoàn, chính sách pháp luật của Nhà nước, văn bản chỉ đạo hoạt động của Đoàn Khối, cụm đoàn đến từng đoàn viên, đồng thời phân công đoàn viên tham gia nghiêm túc. Đoàn viên dự nghe thông tin thời sự hàng tháng, tham gia học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng nghiêm túc. Tổ chức cho đoàn viên đăng ký tu dưỡng gồm các nội dung: Chương trình rèn luyện đoàn viên, phong trào 3 trách nhiệm, giá trị thanh niên Đồng khởi mới, phong trào sáng tạo trẻ, học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Mỗi đoàn viên trong Chi đoàn luôn chí công vô tư, thực hành tiết kiệm trong các hoạt động, không lãng phí tài sản của Nhà nước, của tập thể, của nhân dân. Đoàn viên của Chi đoàn còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, đền ơn đáp nghĩa. Chi đoàn tham gia cùng Ban giám hiệu, công Đoàn nhà trường thăm và tặng quà gia đình mẹ Việt Nam anh hùng. Nhân dịp Tết Nguyên đán, Quốc tế thiếu nhi 1/6, Chi đoàn trường đóng góp cử đoàn viên tham gia đoàn thăm và tặng quà cho học sinh do Cụm đoàn nhận đỡ đầu. Chi đoàn cử đoàn viên tham gia Kỳ nghỉ hồng hàng năm, đóng góp các quỹ xã hội từ thiện, hiến máu nhân đạo và nhiều hoạt động xã hội có ý nghĩa khác. Đoàn viên, thanh niên của Chi đoàn có lối sống lành mạnh, làm việc nghiêm túc, chấp hành tốt nội quy của nhà trường, nghiêm túc tham gia các hoạt động do Đoàn tổ chức, đoàn viên tích cực tham gia đội tự vệ cơ quan.

Về giáo dục, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, trình độ chính trị, văn hóa lối sống, thể chất cho đoàn viên

Đoàn viên trong Chi đoàn luôn không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ học vấn, hiện Chi đoàn có 02 đoàn viên có trình độ thạc sĩ; 10 đoàn viên có trình độ cử nhân; 01 trung cấp; 01 đang học trung cấp. Trong đó: 01 đoàn viên đã hoàn thành đại học văn bằng 2; 02 đoàn viên đang học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Văn bằng 2). Ngoài ra, Chi đoàn cử đoàn viên tham gia hội thi Olympic Mác-Lênin, thi Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tập huấn cán bộ Đoàn. Về trình độ lý luận chính trị: 02 đoàn viên hoàn thành trình độ trung cấp. Đoàn viên của Chi đoàn đạt tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học trong học tập và công việc. Đoàn viên Chi đoàn thực hiện tốt công tác chuyên môn tại cơ quan, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ban Chấp hành Chi đoàn vận động đoàn viên tham gia nghiên cứu tài liệu, phát huy khả năng nghiên cứu khoa học của đoàn viên: 01 đoàn viên thực hiện đề tài khoa học cấp cơ sở đã được nghiệm thu và 01 đoàn viên đăng ký thực hiện đề tài khoa học cấp cơ sở trong năm 2019; 03 đoàn viên tham gia là thành viên đề tài; 01 đoàn viên là thành viên Ban Biên tập: Lịch sử Trường, Websitte, bản tin Thông tin lý luận và thực tiễn; đoàn viên tích cực viết bài, bản tin hoạt động đăng Website Trường, Website tỉnh đoàn nhân kỷ niệm các sự kiện trong năm. Ngoài ra, Chi đoàn còn vận động đoàn viên tích cực sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong mọi lĩnh vực, nhất là trong công tác chuyên môn. Nâng cao trình độ học vấn và trình độ chính trị là điều kiện để đoàn viên Chi đoàn cống hiến, góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao, đảm bảo khả năng hoạt động thực tiễn, tích luỹ kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường, nâng cao trách nhiệm của tổ chức Đoàn trong thực hiện công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng.

Chi đoàn luôn quan tâm, chú trọng giáo dục nếp sống, lối sống văn hóa, giáo dục thể chất cho Đoàn viên thông qua nhiều hoạt động thiết thực. Đoàn viên của Chi đoàn Trường luôn giữ tác phong chuẩn mực, thực hiện nếp sống văn hóa nơi công sở, thực hiện đúng nội quy cơ quan. Chi đoàn thường xuyên tổ chức các hoạt động thể dục thể thao thường xuyên như: Bóng chuyền hơi, giao lưu với các đoàn cơ sở khác, tham gia tích cực các hoạt động thể thao được tổ chức như Hội thao các Trường Chính trị Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức hàng năm. Qua đó rèn luyện sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên chức nhà trường nói chung, đoàn viên nói riêng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau không chỉ thể hiện tình cảm yêu thương vô bờ bến và sự chăm lo của Bác đối với tuổi trẻ, mà còn là một nội dung quan trọng trong hệ thống các quan điểm lý luận của Người. Việc nghiên cứu, quán triệt tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ của mọi cấp, mọi ngành, mọi cán bộ, đảng viên, đoàn viên và cả xã hội. Tuổi trẻ Trường Chính trị Bến Tre nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của các môn học lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các môn khoa học trong việc trang bị cho mình thế giới quan khoa học và phương pháp luận biện chứng, chuẩn bị hành trang cần thiết để học tập và lao động, để trở thành lực lượng vừa “hồng” vừa “chuyên”, để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc./.

 

1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội,  2000, tr.504.
2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội,  2000, tr.507.
3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội,  2000, tr.507.
4 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội,  2000, tr.56.
5 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội,  2000, tr.250-251.
6 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội,  2000, tr.399.

Tin khác