Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ tư, 24 Tháng 4, 2024 - 12:30

Kết quả tọa đàm “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ tại Đảng bộ Trường Chính trị Bến Tre”

Thạc sĩ Phan Văn Thuận
Trưởng khoa Xây dựng Đảng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Tổ chức gốc rễ của Đảng là chi bộ”[1]. “Chi bộ là cầu nối giữa Đảng và quần chúng”, “là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy”[2]. “Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt[3]. Vì vậy, Người kết luận: “Đối với Đảng ta, xây dựng chi bộ cho tốt, cho vững mạnh là một việc vô cùng quan trọng”[4]. Sinh hoạt chi bộ là một trong những nội dung cơ bản của công tác xây dựng đảng, “xây dựng chi bộ cho tốt, cho vững mạnh” là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của Đảng và là chế độ được quy định rõ trong Điều lệ Đảng.

Trong thời gian qua các chi bộ trực thuộc Đảng bộ Trường Chính trị có nhiều quan tâm cải tiến nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đây là một nhân tố quyết định vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của các chi bộ nói riêng, Đảng bộ nói chung, giúp đảng viên nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng và thực hiện chức năng lãnh đạo, giáo dục của chi bộ; góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Trường. Tuy nhiên, nhìn chung chất lượng sinh hoạt chi bộ vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thật sự đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chung.

Trên cơ sở kế hoạch chung và Kế hoạch số 383/KH-TCT, Ban Giám hiệu giao cho Khoa Xây dựng Đảng chủ trì thực hiện buổi tọa đàm với chủ đề “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ tại Đảng bộ Trường Chính trị Bến Tre” nhằm tìm ra hệ thống giải pháp thích hợp để “nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” phục vụ “tăng tốc” tại Trường Chính trị trong năm 2018. Vì vậy, buổi tọa đàm không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của nhà trường mà có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc là nhằm góp phần quan trọng xây dựng Đảng bộ Trường Chính trị Bến Tre trong sạch, vững mạnh.

Quán triệt yêu cầu chung và những quan điểm chỉ đạo của Hiệu trưởng - Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trường, các bài tham luận, ý kiến phát biểu thảo luận của đại biểu trong tọa đàm đã tập trung đánh giá những mặt được, chưa được, đặc biệt thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong sinh hoạt chi bộ tại Đảng bộ Trường trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp khắc phục hạn chế tồn tại để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ phù hợp với tình hình thực tế của từng chi bộ. 

Trước hết, tọa đàm đã thống nhất khẳng định vị trí vai trò của “sinh hoạt chi bộ” và “nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” là một trong những nội dung cơ bản của công tác xây dựng Đảng, là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của Đảng. Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng chi bộ và là một nhân tố quyết định vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, giúp đảng viên nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng và thực hiện chức năng lãnh đạo, giáo dục của chi bộ. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình là biện pháp quan trọng trong phát hiện và đấu tranh ngăn ngừa những biểu hiện “suy thoái” trong nội bộ hiện nay.

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ phải gắn liền với việc không ngừng đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ; đảm bảo nâng cao tính lãnh đạo, tính chiến đấu và tính giáo dục của sinh hoạt chi bộ; bám sát và phục vụ cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của nhà trường.

Thứ hai, tọa đàm đã đánh giá sát thực những mặt thuận lợi, ưu điểm cũng như khó khăn, hạn chế của sinh hoạt chi bộ tại các chi bộ trực thuộc Đảng bộ Trường. Từ đó rút ra những nguyên nhân chủ yếu (nhất là về mặt chủ quan) của những hạn chế yếu kém trong sinh hoạt chi bộ và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong Đảng bộ. Nổi bật nhất là còn một số đảng viên nhận thức còn đơn giản về sinh hoạt chi bộ, nặng về công tác chuyên môn hơn công tác Đảng; chưa nghiên cứu sâu về nguyên tắc của Đảng và chưa dành thời gian đầu tư suy nghĩ, tìm các biện pháp để đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Việc phát huy dân chủ, khơi gợi ý kiến thảo luận của đảng viên, thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình chưa thực sự tốt. Công tác kiểm tra, giám sát, định hướng nội dung sinh hoạt của Đảng ủy đối với chi bộ chưa thường xuyên nên đôi lúc chi bộ sinh hoạt có tính chất hình thức, chiếu lệ. Tóm lại là chưa quán triệt và tuân thủ nghiêm túc Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Khóa X và Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương “về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”.

Thứ ba, tọa đàm đã xác định một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ hiện nay như  sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư khóa X và Kết luận số 18-KL/TW ngày 22/9/2017 của BCHTW khóa XII, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cấp ủy, đảng viên về vị trí, vai trò của chi bộ; ý nghĩa, tầm quan trọng của việc duy trì, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đối với việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Hai là, thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng chi ủy viên. Chú trọng bồi dưỡng, tập huấn hoặc tự nghiên cứu, tìm hiểu về nghiệp vụ công tác Đảng, kỹ năng tổ chức sinh hoạt chi bộ cho bí thư chi bộ. Quy định rõ trách nhiệm của đảng viên trong việc chấp hành chế độ sinh hoạt đảng và thực hiện nhiệm vụ được chi bộ phân công; trách nhiệm của chi ủy, bí thư chi bộ trong việc duy trì và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Chú trọng công tác tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng những mô hình sinh hoạt chi bộ tốt, hiệu quả.

Thứ ba, thực hiện và phát huy dân chủ, thực hành nền nếp tự phê bình và phê bình gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Dân chủ là “cái quý nhất”, thực hành dân chủ là chiếc “chìa khóa vạn năng” có thể giải quyết mọi công việc. Vì vậy, thực hành dân chủ trong sinh hoạt chi bộ không chỉ khơi nguồn sáng tạo, phát huy tinh thần chủ động sáng tạo của đội ngũ đảng viên mà còn làm cho chi bộ thêm gắn bó “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Đặc biệt, bí thư, chi ủy viên phải gương mẫu đi đầu trong tự phê bình; mạnh dạn, bản lĩnh, kiên quyết, trung thực, khách quan trong phê bình, không nể nang, né tránh nhưng với một tấm lòng rộng mở, cái tâm trong sáng, động viên, giải thích thấu tình đạt lý để thuyết phục, xây dựng đồng chí; truyền cảm hứng về nhận thức và hành động cho đội ngũ đảng viên.

Bốn là, Đảng ủy phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Tập trung chấn chỉnh và khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém trong sinh hoạt chi bộ. Thông qua cấp ủy viên, theo dõi, hướng dẫn sinh hoạt của các chi bộ trong Đảng bộ,… Định hướng nội dung sinh hoạt chuyên đề hàng năm; đưa nội dung tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt định kỳ của chi bộ. Nhận diện đúng và đấu tranh ngăn chặn kịp thời những biểu hiện “suy thoái, “tư diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo Hướng dẫn số 14-HD/ĐUK ngày 13 tháng 4 năm 2018 của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh. Cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu sinh hoạt chi bộ hàng tháng; định hướng nội dung sinh hoạt phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Đảng ủy phải có kế hoạch thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư cũng như Kết luận số 18-KL/TW ngày 22/9/2017 của BCHTW khóa XII. Nhắc nhở chuẩn bị chu đáo phục vụ cho việc Đảng ủy Khối kiểm tra, giám sát cấp ủy cơ sở và một số chi bộ thuộc cấp ủy cơ sở trong việc “nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư khóa X nói riêng và chấp hành nguyên tắc, chế độ sinh hoạt chi bộ nói chung.

Năm là, để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, cần phát huy vai trò người chủ trì, nâng cao kỹ năng điều hành, lãnh đạo của chi ủy đặc biệt là vai trò của bí thư chi bộ. Với vai trò thủ lĩnh của mình, bí thư chi bộ một mặt là trung tâm của sự đoàn kết, mặt khác phải có khả năng động viên, thuyết phục mọi người trong chi bộ. Vì vậy, đòi hỏi người bí thư (chủ trì sinh hoạt) phải bản lĩnh linh hoạt xử lý tình huống phát sinh trong điều hành sinh hoạt (đối với những đảng viên “cá biệt”). Khi kết luận, phải thể hiện quan điểm rõ ràng, dứt khoát, định hướng cho đảng viên về tư tưởng, về nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Tin tưởng rằng, với những kết quả đạt được trong tọa đàm, từng chi bộ vận dụng thực hiện việc thực hiện đồng bộ, có hiệu quả những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu nêu trên để nâng cao một cách đồng bộ chất lượng sinh hoạt chi bộ, hướng đến mục tiêu Đảng bộ đã đề ra là “xây dựng Đảng bộ Trường Chính trị Bến Tre trong sạch, vững mạnh”, góp phần thực hiện thắng lợi chức năng, nhiệm vụ, nhất là phương châm “Học thực chất, thi thực chất và kết quả thực chất” cũng như kế hoạch “tăng tốc” của nhà tường trong năm 2018./.

____________________

[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H.2002, tập.7, tr.240.
[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H.2002, tập.11, tr.161
[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H.2002, tập.12, tr.92
[4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H.1996, tập.12, tr.77.

Tin khác