Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ năm, 25 Tháng 4, 2024 - 15:15

Kết quả bước đầu thực hiện mô hình kiêm nhiệm cán bộ ở cấp xã của tỉnh Bến Tre

ThS.  Phan Văn Thuận 
Trưởng khoa Xây dựng Đảng.
 

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác xây dựng Đảng và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng tỉnh nhà, ngày 12/4/2016 Tỉnh ủy Bến Tre ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó, “kiện toàn tổ chức, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, tiếp tục nhân rộng việc thực hiện các mô hình kiêm nhiệm ở cơ sở là một trong những giải pháp chủ yếu góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương nhất thể hóa, kiêm nhiệm các chức danh ở cấp xã trong toàn tỉnh vẫn còn bộc lộ một số hạn chế bất cập, vướng mắc, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng chưa được nâng cao, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, chưa giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc phát sinh.

Chính vì thế, nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương trên; đồng thời thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 6 (khóa XII): “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, ngày 28/9/2018 Tỉnh ủy Bến Tre đã xây dựng Đề án số 02-ĐA/TU “về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị Bến Tre” xác định “Tiếp tục thực hiện mô hình; nhất thể hóa, kiêm nhiệm các chức danh” trên địa bàn toàn tỉnh.

Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết và gần 01 năm thực hiện Đề án, với sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chủ trương trên được triển khai thực hiện và đạt kết quả quan trọng. Tính đến ngày 01 tháng 4 năm 2019, toàn tỉnh đã thực hiện được 534 mô hình (tăng 179 mô hình so với tháng 10/2018). Qua khảo sát tình hình triển khai thực hiện ở một số đơn vị cơ sở thuộc Thành ủy thành phố Bến Tre, Huyện ủy Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú và Ba Tri, có thể khẳng định hiệu quả của các mô hình qua những ưu điểm như sau:

Một là, đa số các đơn vị đã chỉ đạo triển khai, quán triệt và cụ thể hóa kế hoạch, hướng dẫn thực hiện các mô hình theo Nghị quyết 02-NQ/TU, Đề án số 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy kịp thời, nghiêm túc; đội ngũ cán bộ, đảng viên có bước chuyển tích cực về nhận thức và đồng thuận cao với chủ trương, thể hiện tinh thần tiến công trong thực hiện. Việc chọn lựa thực hiện các mô hình có sự chuẩn bị khá tốt về mọi mặt, chọn các điểm, các mô hình đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn; quy chế hoạt động được chấn chỉnh, bổ sung kịp thời nên trong hoạt động đồng bộ và hiệu quả. Phần lớn các đơn vị giảm số lượng những người hoạt động không chuyên trách cấp xã gần đạt lộ trình đến năm 2021 theo Đề án số 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy (Đề án: giảm 10%, Thành phố Bến Tre giảm: 12,79% (vượt); Thạnh Phú giảm 9,35%; Ba Tri giảm 9,56%; Mỏ Cày Nam giảm: 9,43%. Toàn tỉnh giảm 9,27%/10%).

Hai là, tổ chức bộ máy sau sắp xếp kiêm nhiệm được tinh gọn, hoạt động thông suốt hơn, giảm bớt các cuộc họp; tăng thêm thu nhập cho cán bộ và giảm được một phần kinh phí trong ngân sách tỉnh. Những cán bộ, đảng viên thực hiện kiêm nhiệm đã thể hiện sự quyết tâm, năng động và đổi mới phương pháp làm việc, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và trách nhiệm người đứng đầu.

Ba là, mối quan hệ giữa tổ chức đảng và chính quyền được thống nhất, chặt chẽ hơn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở cấp xã, ấp, khu phố và tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên trẻ được rèn luyện, trưởng thành và làm nguồn bổ sung cho cấp ủy, giải quyết khó khăn về nhân sự cho ấp, khu phố.

Tuy nhiên, việc thực hiện “nhất thể hóa”, “kiêm nhiệm” các chức danh ở cấp xã xcủa tỉnh Bến Tre vẫn còn bộc lộ những hạn chế, khó khăn như:

 Thứ nhất, một số cấp ủy và cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ Nghị quyết 02-NQ/TU cũng như Đề án 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy; việc cụ thể hóa, lựa chọn để phân công thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh chưa phù hợp phải điều chỉnh lại. Một số cấp ủy cơ sở chưa quan tâm tạo nguồn nên gặp khó khăn về nhân sự thay thế các chức danh chủ chốt khi cần hoặc để thực hiện mô hình kiêm nhiệm; mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ấp, khu phố đa số tỷ lệ đạt thấp (Thành phố Bến Tre 11/72, đạt 15,27%; Thạnh Phú 16/107, đạt 14,95%; Ba Tri 13/129, đạt 10,07%; Mỏ Cày Nam 11/129, đạt 8,52%. Toàn tỉnh 116/986, đạt 11,76%).

Thứ hai, một số trường hợp do chưa có kinh nghiệm, bước đầu thực hiện còn lúng túng, sắp xếp thời gian chưa hợp lý nên hiệu quả thực hiện một số việc chưa cao; một số nơi chậm chấn chỉnh, bổ sung quy chế làm việc, quy chế phối hợp.

  Thứ ba, chính sách, chế độ kiêm nhiệm còn thấp, nhất là bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, khu phố.

  Thứ tư, chưa xây dựng chương trình và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, làm việc cho các đối tượng thực hiện các mô hình kiêm nhiệm. Từ đó, trên thực tế tuy có giảm được biên chế tinh gọn bộ máy, nhưng chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị cơ sở chưa được nâng lên như yêu cầu, ảnh hưởng đến năng lực hoạt động của tổ chức đảng và của hệ thống chính trị.

  Vì vậy, trong thời gian tới, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 02-NQ/TU và Đề án số 02-ĐA/TU, mà trọng tâm là tiếp tục thực hiện các mô hình kiêm nhiệm cấp cơ sở, cần triển khai quyết liệt các biện pháp chủ yếu như sau:

- Tiếp tục tuyên truyền, tạo nhận thức trong thực hiện các mô hình theo Nghị quyết số 02-NQ/TU, Đề án 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong cả hệ thống chính trị. Đặc biệt là các cấp ủy cần xác định đây là nhiệm vụ quan trọng để tạo sự đột phá trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là ở cơ sở.

- Chú trọng đổi mới cách nghĩ, cách làm, trên tinh thần tiến công, năng động, sáng tạo; khi mô hình có hiệu quả thì mạnh dạn nhân rộng, chú ý mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ấp, khu phố; những người hoạt động không chuyên trách kiêm những người hoạt động không chuyên trách cấp xã...

- Quan tâm công tác nhân sự thực hiện mô hình Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng ấp, khu phố nhiệm kỳ 2020 – 2022 để đảm bảo đạt 100% như chỉ tiêu đề ra (hiện chỉ đạt 11,76%) và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kiêm nhiệm, giảm số lượng cán bộ không chuyên trách cấp xã, ấp đảm bảo lộ trình theo Đề án số 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy (việc giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách ở ấp hiện còn thấp - hiện giảm 5,49%, theo Đề án là 10%). Đặc biệt, cần chủ động xây dựng phương án tiếp tục thực hiện nhân rộng các mô hình kiêm nhiệm với việc rà soát đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách để bố trí phù hợp với tinh thần Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ về “Sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố” (có hiệu lực từ ngày 26/5/2019).

- Nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện quy chế hoạt động, cơ chế phối hợp cho các chức danh, tổ chức kiêm nhiệm để đảm bảo hoạt động “tròn vai”, tránh tình trạng “bên nặng bên nhẹ” trong thực hiện các nhiệm vụ kiêm nhiệm.

Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các mô hình kiêm nhiệm ở cấp cơ sở, các cơ quan chức năng cấp trên cần quan tâm nghiên cứu, thực hiện một số nội dung chủ yếu như sau:

Một là, tiếp tục kiến nghị Trung ương sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng bố trí 02 phó chủ tịch ủy ban nhân dân ở xã, phường, thị trấn loại 2; đồng thời nghiên cứu xây dựng các chế độ, chính sách hợp lý đối với các chức danh kiêm nhiệm để họ toàn tâm, toàn ý phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Hai là, tổ chức bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ kiêm nhiệm, nhất là kỹ năng sắp xếp công việc, xử lý các tình huống, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Ba là, hướng dẫn mô hình kiêm nhiệm ở cấp xã theo hướng mở để địa phương chủ động thực hiện, phù hợp với điều kiện ở từng địa phương.

Bốn là, không ban hành quy định về thời giờ làm việc của những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, giao cho địa phương chủ động bố trí thời gian làm việc phù hợp, đảm bảo chất lượng công việc.

  Mặc dù còn một số khó khăn, vướng mắc, bất cập; nhưng tiếp tục thực hiện và nhân rộng các mô hình kiêm nhiệm ở cơ sở là rất cần thiết và là một trong những giải pháp nhằm “kiện toàn tổ chức, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” một cách hợp lý, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp cơ sở, tạo thành động lực chủ yếu trong các phong trào thi đua “Đồng khởi mới” - xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh./.

Tin khác