Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ năm, 28 Tháng 3, 2024 - 17:18

Học tập theo Bác Hồ về tự phê bình và phê bình “phải có tình đồng chí yêu thương lẫn nhau”

ThS. Phan Văn Thuận
Trưởng khoa Xây dựng Đảng
 
Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc, là quy luật phát triển Đảng; là một trong những nội dung cơ bản trong văn hóa đạo đức – văn hóa Đảng. Tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc này, Đảng mới thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là một Đảng cách mạng chân chính. Vì vậy trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” [Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, H.2011, t. 15, tr. 611]

Lời dạy chí tình của Bác đến nay vừa tròn 50 năm. Việc “học tập và làm theo” Bác Hồ về tự phê bình, phê bình và sửa chữa khuyết điểm vẫn có ý nghĩa sống còn, cấp thiết đối với chúng ta. Trong chiều sâu tư tưởng của Bác Hồ, tự phê bình và phê bình không chỉ là quy luật phát triển của Đảng, “chữa bệnh trong bản thân Đảng”, là “cách tốt nhất để xây dựng và củng cố sự đoàn kết nhất trí của Đảng” mà còn là “thang thuốc hữu hiệu” để “rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân”. Song sử dụng nó phải đúng mục đích và phương pháp thì mới có tác dụng, hiệu quả cao. Nếu sử dụng không đúng thì dù đó là vũ khí sắc bén cũng không tiêu diệt được kẻ thù, là "thần dược" cũng không trị được bệnh của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: "Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy phê bình mình cũng như phê bình người phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người" (Hồ Chí Minh Toàn tập – Nxb Chính trị quốc gia, H. 1995-T5-tr. 231). Do đó, tự phê bình và phê bình tức là gột rửa những thói hư tật xấu, những cái nhơ bẩn lây bám, xâm nhập vào con người chứ không phải cắt bỏ thân thể con người.

Trong Di chúc thiêng liêng, bản viết năm 1965, Bác đã ghi một câu đặc biệt quan trọng: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.

Sau một năm suy nghĩ, trăn trở, Bác viết bổ sung thêm câu: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Cán bộ đảng viên chúng ta từ Trung ương đến các chi bộ chắc sẽ xúc động biết chừng nào khi biết rằng, sau một năm trời, Bác Hồ chỉ dặn thêm chúng ta một câu như thế. Phải chăng, Bác muốn căn dặn chúng ta: “Tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” là điều quan trọng hàng đầu trong tự phê bình và phê bình, trong công tác xây dựng Đảng, trong vấn đề bảo đảm đoàn kết thống nhất trong Đảng và bao trùm lên tất cả là trong mối quan hệ giữa người với người, là “cái tâm”, là tinh thần trách nhiệm đối với sự nghiệp cách mạng, với Đảng, với dân tộc.

Theo Bác, người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm, cho nên chúng ta không sợ khuyết điểm, chỉ sợ có lỗi mà không sửa, có lỗi mà giấu giếm, lừa cấp trên, chèn ép cấp dưới dẫn đến tự phê bình và phê bình hình thức, chung chung, vì sợ “mất uy tín”, “mất thể diện”. Đảng viên và cán bộ cũng là người, ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã giác ngộ, tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu. Người đã từng khẳng định “Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, tập 5, H. 2011, tr. 324). “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng; một Đảng mà có gan thừa nhận những khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó vì sao mà có và tìm mọi cách sửa chửa khuyết điểm đó, như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” [Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, H. 2011, t. 5, tr. 301]. Và chính Bác là tấm gương sáng ngời về thực hành đạo đức cách mạng, về tự phê bình và phê bình. Trong thực hiện cải cách ruộng đất, dù đã đạt những kết quả rất đáng phấn khởi nhưng do chủ quan máy móc, giáo điều… nên đã phạm những sai lầm nặng nề. Báo cáo trước Quốc hội, Bác đã nhận trách nhiệm và tự phê bình trước toàn dân một cách nghiêm túc và chân thành. Điều đó chẳng những không làm “mất uy tín” của Đảng, của Bác mà còn làm cho toàn dân càng tin tưởng hơn, đoàn kết xung quanh Đảng trong công cuộc giải phóng dân tộc và kiến thiết nước nhà.

Thực tế, trong nhiều năm qua ở những nơi tiến hành tự phê bình và phê bình nghiêm túc đã giúp các tổ chức đảng nắm được điểm mạnh, điểm yếu của tập thể mình cũng như của từng cán bộ, đảng viên; đã góp phần phát hiện những sơ hở, thiếu sót, kịp thời khắc phục sửa chữa và làm rõ một số vụ việc tiêu cực, vi phạm nghiêm trọng để xử lý. Và cũng chính ở những nơi này, tình đồng chí trong nội bộ đoàn kết gắn bó, uy tín của tổ chức đảng đối với quần chúng được nâng cao, nhiều cán bộ, đảng viên kể cả những đồng chí có sai lầm, khuyết điểm đã vươn lên tiến bộ… góp phần quan trọng làm cho Đảng ta thật sự “là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” được dân tin yêu. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, nhiều nơi việc tiến hành tự phê bình và phê bình còn hình thức, chỉ làm chiếu lệ hoặc “đao to, búa lớn” hoặc để “bới lông tìm vết”, để trả thù…. Nhiều cán bộ, đảng viên trong sinh hoạt Đảng thường tự phê bình chung chung về ưu điểm, khuyết điểm giống nhau. Tập thể tổ chức đảng tiến hành tự phê bình và phê bình một cách phiến diện, hời hợt dựa vào cảm tính và cảm tình cá nhân để nhận xét, đánh giá, phân loại đảng viên.

Ngày nay, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đối với chúng ta không chỉ là cuộc sinh hoạt chính trị lớn, không chỉ là yêu cầu của sự nghiệp cách mạng … mà còn là tình cảm, là trách nhiệm, là lương tâm, danh dự của “thế hệ trẻ” kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang mà Bác Hồ và các “thế hệ già” đã để lại. Chính vì vậy, “thực hành dân chủ rộng rãi” và “thường xuyên tự phê bình và phê bình”, “thật thà tự phê bình”, “thành khẩn phê bình” là “chìa khóa vạn năng”, là “thang thuốc hữu hiệu” để có thể giải quyết mọi vấn đề.  

Tự phê bình và nhất là phê bình vừa phải đảm bảo đúng nguyên tắc, có cơ sở khoa học; đồng thời phải có nghệ thuật. Nguyên lý của phê bình được Bác Hồ chỉ rõ: "Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình, cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết "cũng la lết quả dưa". Bác cho rằng "Biết mình có khuyết điểm, nhưng không chiụ cố gắng sửa đổi", thấy đồng chí có khuyết điểm nhưng "để mặc kệ" là một việc làm đáng phê phán. Muốn vậy, "Tự phê bình và phê bình phải ráo riết, triệt để, không nể nang, không thêm, không bớt, không dùng những lời mĩa mai, cay độc, châm chọc, phải vạch rõ cả ưu điểm lẫn khuyết điểm, phê bình căn cứ vào việc làm chứ không suy diễn, quy kết". Điều quan trọng trong nghệ thuật phê bình mà Bác Hồ nhắc nhở chúng ta là “không nên đao to, búa lớn” mà “phải có tình đồng chí yêu thương lẫn nhau”. Cùng với tình thương, mỗi người khi phê bình hãy đặt hoàn cảnh đồng chí mình với mình để có sự thông cảm, chia sẻ, phân tích có tình, có lý. Đặc biệt, phê bình phải xuất phát từ động cơ trong sáng thì người "phê" và người “được phê” đều sẽ vui vẻ, hiệu quả càng cao.

Tin khác