Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ tư, 24 Tháng 4, 2024 - 17:44

Di sản V.I.Lênin soi sáng con đường cách mạng Việt Nam

Nguyễn Ngọc Diễm
Viên chức khoa Xây dựng Đảng
 

Vladdimia Ilich Lênin sinh ngày 22/4/1870 trong một gia đình trí thức Nga ở vùng Simbirst (nay là Ulianôvscơ), một nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú của mình, V.I.Lênin là người đã có cống hiến đặc biệt xuất sắc trong việc bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác và là người sáng lập Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. V.I.Lênin đã để lại cho toàn nhân loại một di sản tư tưởng, lý luận vĩ đại lẫn nhân cách cao đẹp, mẫu mực của một người cộng sản chân chính, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, trở thành tài sản chung của toàn nhân loại trong hành trình xây dựng một thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.

Thứ nhất, V.I.Lênin là người kế tục, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trong thời đại mới

Chủ nghĩa Mác ra đời từ giữa thế kỷ XIX, được đánh dấu bởi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản bất hủ. Dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác, giai cấp công nhân đã được tổ chức, được lãnh đạo bởi chính đảng của mình. Nhận thấy bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác, V.I.Lênin – một thanh niên trí thức có tư tưởng cấp tiến không chấp nhận chế độ Nga hoàng thối nát, lạc hậu, tự nguyện trở thành một người mácxít và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho sự thành công của chủ nghĩa Mác. Ông đã kiên quyết đấu tranh với các thế lực thù địch, chống phá chủ nghĩa Mác và phê phán những tư tưởng của phái “dân túy Nga”, phái “mácxít hợp pháp”, các biểu hiện của chủ nghĩa xét lại, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác. Trong quá trình đấu tranh đó, chủ nghĩa Mác đã phát triển một cách toàn diện cả trên lĩnh vực triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học.

Trên lĩnh vực triết học, V.I.Lênin đã có cống hiến xuất sắc trong việc phát triển chủ nghĩa duy vật mácxít trên hàng loạt các khía cạnh như: Quan niệm về vật chất; về mối quan hệ giữa vật chất và ý thức; về các khái niệm, phạm trù triết học; về lý luận nhận thức cùng hoàng loạt các vấn đề cơ bản của triết học. V.I.Lênin đặc biệt quan tâm đến phép biện chứng, theo ông giữa phép biện chứng, lôgíc học và lý luận nhận thức có sự thống nhất.

Trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, V.I.Lênin cũng phát triển lý luận kinh tế chính trị học trên hàng loạt các vấn đề: Quá trình hình thành chủ nghĩa xã hội ở Nga; về tính chất “đan xen” khách quan của các thành phần kinh tế và tính không thuần nhất của sở hữu trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội…

Trước thực tiễn mới của thời đại, V.I.Lênin đã có đóng góp to lớn làm phong phú chủ nghĩa xã hội khoa học. Tiêu biểu là lý luận về xây dựng Đảng kiểu mới, Đảng mang bản chất của giai cấp công nhân. Những luận điểm của V.I.Lênin về Đảng kiểu mới là sự khẳng định, phát triển và hoàn chỉnh học thuyết Mác-Ăngghen về Đảng Cộng sản, đặt cơ sở cho sự ra đời và hoạt động của Đảng Bônsêvích Nga và hàng loạt các Đảng Cộng sản sau này, đồng thời là tiêu chuẩn khoa học để phân biệt chính Đảng mác-xít của giai cấp công nhân với các đảng phái khác.

Trong điều kiện một nước tiểu nông lạc hậu tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhiều vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn đã được Lênin nghiên cứu và giải quyết đúng đắn mà Chính sách kinh tế mới (NEP) là một trong nhiều dẫn chứng chứng minh sự phát triển hết sức sáng tạo chủ nghĩa Mác vào điều kiện nước Nga. V.I.Lênin cũng đã nhấn mạnh “Chính vì chủ nghĩa Mác không phải là một giáo điều chết cứng, một học thuyết nào đó đã hoàn thành hẳn, có sẵn đâu vào đấy, bất di bất dịch, mà là một kim chỉ nam sinh động cho hành động, chính vì thế nó không thể không phản ánh sự biến đổi mạnh mẽ của điều kiện sinh hoạt xã hội”(1). Chính vì vậy, nó luôn phải được vận dụng, bổ sung, phát triển. Di huấn mà V.I.Lênin đã để lại cho chúng ta là phải luôn xuất phát từ thực tiễn, phải phân tích cụ thể tình hình và ông xem đó là bản chất, linh hồn sống của Chủ nghĩa Mác. Những sáng tạo đó chứng tỏ năng lực trí tuệ và sự nhạy cảm của V.I.Lênin khi đánh giá tình hình thực tế cũng như sự trung thành của ông với chủ nghĩa Mác.

Những đóng góp xuất sắc của V.I.Lênin về tư tưởng, lý luận đã làm thành “giai đoạn Lênin” của quá trình phát triển chủ nghĩa Mác. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Người kế tục một cách thiên tài sự nghiệp vĩ đại của Mác và Ăngghen trong những điều kiện lịch sử mới là V.I.Lênin” (2).

Thứ hai, V.I.Lênin là người biến chủ nghĩa xã hội khoa học từ lý luận trở thành hiện thực, lãnh đạo thành công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới

Là lãnh tụ của Cách mạng tháng Mười - thắng lợi cách mạng vĩ đại, hình thành nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, V.I.Lênin đã biến những nguyên lý của chủ nghĩa Mác trở thành hiện thực sinh động. Thông qua cuộc cách mạng đó, Người đã giải đáp những vấn đề cơ bản nhất mà thời đại mới đặt ra cho giai cấp công nhân khi thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình và lần đầu tiên trong lịch sử thế giới Đảng Cộng sản trở thành đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội.

Trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản duy trì nạn áp bức giai cấp cùng nạn áp bức dân tộc, phát động các cuộc chiến tranh đế quốc, V.I.Lênin khẳng định các dân tộc có quyền bình đẳng, quyền tự quyết và sự liên hiệp giữa giai cấp công nhân các dân tộc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc là một tất yếu của lịch sử. Người nêu cao khẩu hiệu: “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!”. Tư tưởng ấy cùng sự ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga đã mở đầu cho phong trào giải phóng dân tộc vô cùng mạnh mẽ - một dòng thác cách mạng tấn công vào dinh lũy của chủ nghĩa đế quốc.

V.I.Lênin đã nhận thấy mối quan hệ mật thiết của cách mạng giải phóng dân tộc với cách mạng xã hội chủ nghĩa trong thời đại mới – độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là chỉ dẫn quý báu cho các dân tộc trong quá trình lựa chọn con đường phát triển nếu không muốn độc lập dân tộc chỉ tồn tại trên danh nghĩa.

Thứ ba, V.I.Lênin đã để lại cho nhân loại một nhân cách cao đẹp, mẫu mực của người cộng sản chân chính

Sinh ra trong một gia đình trí thức, được hưởng thụ một nền giáo dục gia đình rất nghiêm túc nhưng cũng giàu tính vị tha, đôn hậu, vốn là nét đẹp truyền thống của Nga, con người Nga. Được nghiên cứu chủ nghĩa Mác, tư tưởng của những nhà cách mạng, nhà văn hóa Nga, V.I.Lênin đã sớm lựa chọn chủ nghĩa Mác bởi suy cho cùng đó là chủ nghĩa có thể đem lại sự giải phóng toàn diện cho con người cả về tâm hồn lẫn thể xác.

Tìm hiểu nhân cách và con người của V.I.Lênin, dường như có hai mặt tương phản nhưng đều thống nhất ở động cơ, mục đích sống và hành động vì giai cấp công nhân và những người lao động cần lao: Người yêu người lao động và chính Người là hiện thân của sự lao động tận tụy, quên mình, song Người cũng căm ghét thói xa hoa, ăn bám đến cùng; Người thương yêu đồng chí, đồng đội, thương yêu con người hết mực, song cũng kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù của giai cấp, của nhân loại, một quyết tâm sắt đá vì sự nghiệp cách mạng; Người để lại cho chúng ta một phong cách sống giản dị, cần kiệm, gần gũi nhân dân, một lối sống cao thượng, một cách làm việc ngăn nắp, khoa học, một nghị lực phi thường để vượt mọi khó khăn.

Những di sản tư tưởng, lý luận vĩ đại lẫn nhân cách cao đẹp, mẫu mực mà V.I.Lênin để lại cho nhân loại là ngọn đèn soi sáng con đường cách mạng của giai cấp công nhân và những người lao động trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Đối với Việt Nam, tư tưởng của V.I.Lênin đã mở ra chân trời mới, soi đường cho nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với khát vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do cho dân, cho nước đã thôi thúc Nguyễn Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước. Người đã gặp được và đọc Sơ thảo lần thứ nhất về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin, Người cảm động: “Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”(3). Tiếp nhận những tư tưởng, luận điểm sâu sắc từ V.I.Lênin, nhất là tư tưởng về quyền các dân tộc bình đẳng, về cách mạng vô sản… và bài học của Cách mạng tháng Mười Nga; bằng trí tuệ và kinh nghiệm sau nhiều năm bôn ba khắp năm châu bốn biển, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi đến khẳng định: “Con đường duy nhất đúng đắn của cách mạng Việt Nam là đi theo con đường cách mạng vô sản”, Người coi những tư tưởng của V.I.Lênin và bài học từ Cách mạng tháng Mười Nga là “cẩm nang thần kỳ”, tiếp thu và vận dụng sáng tạo chứ không sao chép “cẩm nang” ấy vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đội tiên phong của giai cấp công nhân, đủ uy tín, năng lực lãnh đạo Nhân dân Việt Nam vượt qua bao khó khăn, thử thách để giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Hơn 90 năm qua, nhờ đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo Nhân dân giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và tiếp tục xây dựng, phát triển đất nước ngày một giàu đẹp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Lênin là người đã thực hiện và phát triển chủ nghĩa Mác. Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng. Là người thầy đã tạo ra những chiến sỹ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận khoa học cách mạng nhất, mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất”(4).

Kỷ niệm 150 năm Ngày sinh V.I.Lênin (22/4/1870 – 22/4/2020) là dịp để cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức sâu sắc về công lao và cống hiến vĩ đại của V.I.Lênin đối với phong trào công nhân và cách mạng vô sản thế giới, về những giá trị bền vững trong di sản tư tưởng, lý luận phong phú cũng như nhân cách cao đẹp của một lãnh tụ vĩ đại nhằm tiếp tục vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay./.

Chú thích

  1. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, t. 20, tr. 103.
  2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 9, tr. 408.
  3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 562
  4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 6, tr. 386.

Thông tin phản bác: 

Tin khác