Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 19 Tháng 4, 2024 - 10:45

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người vận dụng và phát triển sáng tạo giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 vào tiến trình cách mạng Việt Nam

ThS. Nguyễn Thành Phương
Trưởng khoa Lý luận cơ sở
 

Trong không khí tưng bừng của những ngày tháng 11 năm nay, khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang náo nức với quyết tâm cao nhất nhằm khắc phục tốt nhất những hậu quả của bảo lũ miền Trung, đồng thời giành nhiều thắng lợi mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào đầu thế kỷ XXI. Loài người tiến bộ trên thế giới mà nhất là dân tộc Việt Nam không thể quên những giá trị mà Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 để lại cho các dân tộc thuộc địa bị áp bức trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 103 năm thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917-7/11/2020) thì việc tìm hiểu về sự vận dụng và phát triển sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 trong tiến trình cách mạng Việt Nam là một việc làm hết sức cần thiết. Một mặt nhằm khẳng định giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Mười Nga 1917, mặt khác giúp cho chúng ta nhận thức sâu sắc hơn tư duy chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với tiến trình của cách mạng Việt Nam.

Còn nhớ nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 ngày thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại (7/11/1917-7/11/1967), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc” cho Báo Pravđa (Liên Xô cũ), Người khẳng định “Cách mạng Tháng Mười là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác và học thuyết Lênin ở một nước lớn là Liên Xô, rộng một phần sáu thế giới. Đó là thắng lợi vĩ đại nhất của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức do giai cấp công nhân và đội tiền phong của họ là Đảng Bônsêvích lãnh đạo”(1).

Theo Bác, Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại không chỉ giải phóng dân tộc Nga mà còn thực hiện các mục tiêu của thời đại: Hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Người đánh giá: “Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản từ chỗ chỉ là một ước mơ cao đẹp của loài người, sau Cách mạng Tháng Mười vĩ đại đã trở thành một hiện thực trong xã hội, có sức mạnh vô cùng to lớn lôi cuốn hàng nghìn triệu người vào hành động cách mạng, vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”(2).

Nghiên cứu cách mạng Tháng Mười Nga 1917, Người khẳng định động lực chủ yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga chính là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức Nga; trong đó giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo và quyết định sự thắng lợi của cách mạng, sử dụng bạo lực cách mạng để đánh đổ giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến địa chủ, lập nên chính quyền của công - nông - binh, chính quyền Xôviết: “Cách mạng Tháng Mười đã dùng bạo lực cách mạng đánh đổ giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến địa chủ, lập nên chính quyền của những người lao động, xây dựng một xã hội hoàn toàn mới, một xã hội không có người bóc lột người”(3).

Từ bài học của cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định liên minh công nông vừa là động lực vừa là yếu tố căn bản, bảo đảm cho sự thắng lợi của cuộc cách mạng “Thực hiện cho được liên minh công nông vì đó là sự bảo đảm chắc chắn nhất những thắng lợi của cách mạng. Chỉ có khối liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo mới có thể kiên quyết và triệt để đánh đổ các thế lực phản cách mạng, giành lấy và củng cố chính quyền của nhân dân lao động, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cách mạng dân tộc, dân chủ và tiến lên chủ nghĩa xã hội”(4).

Khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và trí thức là một lực lượng cách mạng to lớn, là sức mạnh đại đoàn kết dân tộc cùng với sức mạnh thời đại, là động lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, trong khối liên minh ấy, theo Người: “Cần có sự lãnh đạo của một đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công”(5).

Về nội dung cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đó là cuộc cách mạng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá. Trong đó, Người nhấn mạnh hai nội dung căn bản là chính trị và kinh tế.

Nội dung cách mạng về chính trị, lật đổ quyền thống trị của giai cấp tư sản Nga, giành quyền lãnh đạo xã hội về giai cấp công nhân Nga, giải phóng nhân dân lao động khỏi địa vị nô lệ và trở thành người làm chủ xã hội mới “đánh đổ giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến địa chủ, lập nên chính quyền của những người lao động”(6).

Cách mạng về chính trị có vị trí quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, bởi nó là cơ sở và tiền đề cho việc thực hiện các nội dung cách mạng về kinh tế, tư tưởng, văn hoá. Chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội, là công cụ thống trị xã hội, duy trì quyền lực của giai cấp thống trị để cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới. Do vậy, để xoá bỏ xã hội tư bản chủ nghĩa và xây dựng xã hội mới, thì giai cấp công nhân thông qua chính đảng của mình lãnh đạo nhân dân lao động làm cuộc cách mạng về chính trị là màn giáo đầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Không ngừng tăng cường và củng cố nền chuyên chính vô sản. Sau khi đã giành được chính quyền thì nhiệm vụ hàng đầu của giai cấp công nhân là phải tăng cường nền chuyên chính vô sản để hoàn thành những nhiệm vụ lịch sử của cách mạng”(7).

Nội dung cách mạng về kinh tế, đây là nội dung có ý nghĩa quyết định sự thắng lợi vững chắc của cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga. Bởi vì, chủ nghĩa xã hội muốn chiến thắng phải tạo ra năng suất lao động cao hơn chủ nghĩa tư bản, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân lao động. Cho nên, giai cấp công nhân phải thực hiện nội dung cách mạng về kinh tế nhằm từng bước xoá bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, phát triển lực lượng sản xuất, thay đổi địa vị kinh tế - xã hội của nhân dân lao động. Chính vì vậy, Người nhấn mạnh: “Triệt để xoá bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội để tiến lên chủ nghĩa cộng sản”(8).

 Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”(9). Với ý nghĩa đó, Người khẳng định: “Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã dạy cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nhiều bài học hết sức quý báu, bảo đảm cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và của cả loài người”(10).

Người chỉ rõ: “Kinh nghiệm bản thân của Việt Nam chứng tỏ rằng chính là nhờ Đảng của những người Bônsêvích và của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại mà ở Việt Nam đã có một đảng mácxít lêninnít và Cách mạng Tháng Tám của chúng tôi đã giành được thắng lợi”(11).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười vào thực tế Việt Nam. Những bài học đó không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn có giá trị lý luận và thực tiễn lâu dài. Người không chỉ căn dặn nhân dân ta mà còn tuyên bố với bạn bè quốc tế rằng: “Kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười, những thành tựu của Liên Xô là ngôi sao chỉ đường cho chúng tôi trong sự nghiệp xây dựng một cuộc đời hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam”(12).

Một quan điểm có ý nghĩa phương pháp luận mang tính chỉ đạo lâu dài đối với Đảng và nhân dân ta được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra là: “Đi theo con đường do Lênin vĩ đại đã vạch ra, con đường của Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi rất to lớn. Chính vì vậy mà mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đối với Lênin vĩ đại và đối với nhân dân Liên Xô là vô cùng sâu sắc”(13).

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định tinh thần đó và bổ sung: “Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”(14), con đường đó bắt đầu từ Cách mạng Tháng Mười với tư cách giống như mặt trời chói lọi, chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất đã chỉ lối cho các dân tộc đấu tranh giành độc lập, tự do, hạnh phúc.

…………………………….

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), Hồ Chí Minh (1967), “Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.387-388; tr.390; tr.387; tr.391; tr.391; tr.388; tr.391; tr.392; tr.387; 390; tr.397.

11) Hồ Chí Minh (1957), “Lời phát biểu tại Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và Công nhân các nước xã hội chủ nghĩa”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.190;

(12), (13) Hồ Chí Minh (1957), “Bài phát biểu tại khóa họp Tối cao Liên Xô nhân dịp kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.180.

(14) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 69.

Thông tin phản bác: 

Tin khác