Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 19 Tháng 4, 2024 - 02:41

Biện pháp nâng cao ý thức học tập của học viên các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại Trường Chính trị cấp tỉnh

ThS. Võ Thái Bình
Phó Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật
 

Thực tiễn công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị còn nhiều bất cập; một bộ phận cán bộ đảng viên lười học lý luận chính trị. Vấn đề này đòi hỏi Trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương - đơn vị tiên phong trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý theo phân cấp phải nhận diện được các biểu hiện lười học chính trị, xây dựng giải pháp nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, khắc phục tình trạng lười học của học viên các lớp thuộc chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn được Đảng ta quan tâm thực hiện, nhất là trong giai đoạn hiện nay nhằm góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Bộ Chính trị khoá XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Thời gian qua, bên cạnh những thành tựu đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị vẫn còn những bất cập, hạn chế cần phải khắc phục mà Đảng ta đã chỉ rõ: “Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới. Hệ thống, chương trình đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị còn nhiều bất hợp lý. Phương pháp giảng dạy, học tập lý luận chính trị còn lạc hậu”[1]. Một bộ phận cán bộ đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, có “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”[2].

Tại Trường Chính trị cấp tỉnh trong đào tạo chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính bao gồm 07 phần học, trang bị cho học viên hệ thống lý luận về chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hệ thống chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cụ thể:

- Phần học Những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, cung cấp cho học viên hệ thống những tri thức cơ bản về Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị và Chủ nghĩa xã hội khoa học, trang bị cho học viên thế giới quan, phương pháp luận khoa học, tính tất yếu, củng cố niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

- Phần học Những vấn đề cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh cung cấp cho học viên hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc của Hồ Chí Minh về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, về kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn hoá nhân loại. Trên cơ sở đó hình thành lập trường kiên định ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

- Phần học Những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam – nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

- Phần học Những vấn đề cơ bản về hệ thống chính trị, nhà nước, pháp luật và quản lý hành chính nhà nước và phần học Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực của đời sống xã hội, cung cấp cho học viên những kiến thức cơ bản nhất về hệ thống chính trị, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước...

- Phần học Kỹ năng lãnh đạo, quản lý và nghiệp vụ công tác Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân và Tình hình, nhiệm vụ của địa phương, cung cấp cho học viên những kiến thức về đặc thù của địa phương mình, những kỹ năng cần thiết phục vụ cho nhiệm vụ “làm cán bộ” của mình.

Xét ở góc độ tổng thể, chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính không chỉ cung cấp hệ thống tri thức lý luận làm nền tảng vững chắc cho phẩm chất chính trị của người cộng sản mà còn trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để cán bộ, đảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình.

1. Biểu hiện lười học lý luận chính trị của học viên

 Tuy nhiên, thực tế trong đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính với chương trình hội đủ kiến thức, kỹ năng và thái độ rất cơ bản và chuẩn mực cho người học, song vẫn còn một bộ phận học viên chưa nhận thức đúng đắn về học tập lý luận chính trị, thậm chí có biểu hiện lười học chính trị, thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau:

Thứ nhất, lười học chính trị biểu hiện rõ nhất qua hiện tượng học viên vắng học trong các buổi học chính khóa kể cả vắng không có lý do và có lý do không chính đáng. Hầu như các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính hiện tượng này diễn ra thường xuyên, cá biệt ở một số lớp, một số buổi cụ thể tỷ lệ học viên vắng rất nhiều.

Thứ hai, hiện tượng đi trễ về sớm, cho dù được giảng viên nhắc nhở thường xuyên; hoặc trường hợp học viên dự học đầu giờ đủ nhưng vắng sau giờ giải lao. Cá biệt có trường hợp canh giờ đến điểm danh rồi về.

Thứ ba, rất nhiều trường hợp học viên vào lớp đầy đủ, khá đúng giờ. Tuy nhiên trong quá trình học lại không nghiêm túc tập trung nghe giảng và tương tác với giảng viên, thường xuyên lo ra và trao đổi việc riêng. Đây là biểu hiện tuy không rõ ràng nhưng trong chừng mực nhất định cũng phản ánh bệnh lười học chính trị.

Thứ tư, học viên tham gia học đầy đủ, nhưng không đầu tư cho việc soạn bài (dành cho thảo luận, nghiên cứu) theo yêu cầu của giảng viên hoặc có soạn nhưng mang hình thức đối phó như phân công một vài học viên soạn mỗi người một nội dung, thậm chí đọc lại chính xác các nội dung có trong giáo trình khi yêu cầu trình bày.

Thứ năm, biểu hiện nhẹ nhất của bệnh lười học chính trị là những trường hợp đi học đầy đủ, tương đối nghiêm túc nhưng xác định không đúng mục đích học tập. Họ học với mục đích là đạt điểm theo yêu cầu không rớt hoặc điểm cao để lấy thành tích. Ở góc độ tích cực, cần phải khuyến khích học viên phấn đấu, cạnh tranh trong học tập nhưng cũng phải định hướng để học viên xác định đúng đắn động cơ học tập. Ở góc độ tiêu cực, việc xác định không đúng động cơ học tập có nguy cơ nảy sinh bệnh thành tích, chạy điểm và các biểu hiện tiêu cực khác.

Cần lưu ý, khi đánh giá tình trạng lười học chính trị của học viên theo những cấp độ nêu trên trong chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính phải theo suốt quá trình học tập, rèn luyện của học viên, ít nhất là qua ba môn học. Tránh góc nhìn chủ quan, phiến diện hay áp đặt.

Quá trình dạy và học là quá trình tương tác hai chiều giữa giảng viên đứng lớp và học viên cùng với các quá trình đào tạo khác theo quy chế đào tạo. Quá trình này bị tác động bởi nhiều yếu tố từ cả hai phía học viên và giảng viên, thậm chí là có cả sự tác động từ các yếu tố khác như hành chính, quản trị, quản lý học viên... Do đó, xác định nguyên nhân của hiện tượng lười học phải được đánh giá toàn diện, khách quan và đầy đủ các yếu tố tác động vào quá trình đó.

2. Nguyên nhân của bệnh lười học chính trị

Nguyên nhân khách quan

Theo nguyên tắc, trong khi chiêu sinh các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính, lãnh đạo các đơn vị cử học viên đi học phải sắp xếp công việc của học viên để học viên tập trung học tập tại trường. Nhưng một thực tế khách quan, trong một số trường hợp là học viên vừa học tại trường và vẫn phải thực hiện các công việc chuyên môn ở cơ quan, kể cả trường hợp học tập trung. Vì vậy việc đầu tư học tập của học viên ít nhiều bị chi phối công việc của cơ quan, đơn vị công tác.

Nguyên nhân chủ quan.

- Ở góc độ học viên:

+ Nguyên nhân cơ bản chủ yếu của bệnh lười học chính là chưa xác định đúng động cơ, mục đích học tập. Học không phải vì trao dồi kiến thức để “làm việc, làm người, làm cán bộ” mà học để “đủ chuẩn”, có “bằng cấp”, để được “nâng lương”, “bổ nhiệm” nên việc học của học viên cũng mang tính chất đối phó, chạy thành tích…

+ Trong chừng mực nhất định ngoài công việc phải thực hiện ở cơ quan, học viên còn phải dành thời gian cho gia đình nên việc phân bổ thời gian hợp lý cho việc học cũng là vấn đề khó đối với học viên.

+ Nguyên nhân khá phổ biến là sự chủ quan của học viên. Họ cho rằng trong thời đại công nghệ thông tin, mọi kiến thức họ có thể tìm thấy trên môi trường không gian mạng. Đây là nhận thức sai lệch hết sức nguy hiểm bởi nếu học viên không được trang bị hệ thống lý luận chính trị một cách toàn diện, vững chắc để có thế giới quan, phương pháp luận khoa học sẽ rất dễ nhận thức sai về bản chất của hiện tượng từ đó dao động suy thoái về chính trị, đạo đức lối sống và nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hóa là rất cao.

+ Học viên là cán bộ, đảng viên đang làm các công việc chuyên môn cụ thể nên rất dễ nảy sinh tư tưởng chủ quan, cho rằng mình có đủ kiến thức, kinh nghiệm để “làm việc” (thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn). Đó là nhận thức sai lầm bởi ngoài kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn họ còn phải có hệ thống tri thức lý luận toàn diện, hình thành nhân cách, phong cách lãnh đạo để “làm người, làm cán bộ”.

- Ở góc độ nhà trường, trình độ, năng lực của đội ngũ giảng viên chưa thật sự đồng đều, sự hạn chế về năng lực của giảng viên cũng là nguyên nhân gây nhàm chán, lười học của học viên. Ngoài ra điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học cũng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học, sự hứng khởi của học viên.

- Bộ chương trình tuy được biên soạn công phu nhưng vẫn còn những bất cập như tính logic chưa cao, nội dung chậm đổi mới, chưa cập nhật kịp thời; phân bổ thời gian các chuyên đề chưa thật sự hợp lý… gây khó khăn cho người học.

3. Những biện pháp nâng cao ý thức học tập đối với học viên các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính

Thứ nhất, muốn học tốt lý luận chính trị, trước tiên học viên phải xác định đúng động cơ, mục đích học tập. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu, nó tác động trực tiếp đến quá trình học tập, rèn luyện của học viên, tác động trực tiếp đến kết quả học tập (không ai có thể học giỏi nếu không muốn học). Khi học viên xác định đúng mục đích của học trung cấp lý luận chính trị là nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn để “làm việc, làm người, làm cán bộ”, khi đó học mới đủ quyết tâm để giải quyết các khó khăn, sắp xếp thời gian hợp lý cho việc học. Để làm được điều này cần phải có sự tác động từ nhiều phía như bản thân học viên, tác động của lãnh đạo đơn vị nơi học viên công tác và từ phía nhà trường.

 Thứ hai, thống nhất và quán triệt tư tưởng ham học lý luận chính trị cho người học. Từ đó giúp học viên xác định đúng động cơ, mục đích của việc học trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trước hết:

+ Cơ quan cử cán bộ đi học lý luận chính trị phải quán triệt về chủ trương, mục đích yêu cầu nâng cao trình độ lý luận chính trị của cán bộ; xem học tập lý luận chính trị là một nhiệm vụ chính trị và kết quả học tập là căn cứ để nhận xét, đánh giá cán bộ, đảng viên cuối năm.

+ Đối với trường chính trị, thông thường sau khi làm lễ khai giảng là thời gian giới thiệu về nội quy, quy chế học tập. Tuy nhiên, như thế chưa đủ mà phải dành một thời lượng phù hợp để quán triệt về động cơ, mục đích học tập và khái quát về các phương pháp học tập cơ bản định hướng cho động cơ, mục đích học tập của học viên (làm công tác tư tưởng).

Thứ ba, hỗ trợ học viên trong suốt quá trình học. Học chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính là một quá trình rèn luyện, phấn đấu lâu dài, việc làm công tác tư tưởng, gieo hạt giống ham học lý luận chính trị cho học viên đã khó mà giữ cho hạt giống ham học ấy phát triển trong suốt quá trình học càng khó hơn. Để thực hiện được điều này, chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ các công việc như:

+ Đối với từng môn học cụ thể, bài giảng đầu tiên của môn học nên dành cho lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo khoa phụ trách môn hoặc các giảng viên có nhiều kinh nghiệm để giới thiệu về môn học như đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu phù hợp.

+ Phân bổ thời gian đối với từng chuyên đề của chương trình trung cấp lý luận chính trị chưa hoàn toàn hợp lý, tuy có thời gian thảo luận, tự nghiên cứu nhưng chưa nhiều, thời gian học lý thuyết chủ yếu là tương tác một chiều (khối lượng kiến thức nhiều, thời gian hạn chế) nên chưa phát huy sự sáng tạo của học viên trong học tập, tinh thần tự học, tự nghiên cứu. Chúng tôi cho rằng, thời gian học lý thuyết, giảng viên chỉ giới thiệu những nội dung cốt lõi với 50% thời gian, còn lại 50% thời gian khuyến khích học viên tương tác với giảng viên nhằm khai thác kinh nghiệm của học viên, rèn luyện kỹ năng tự nghiên cứu, áp dụng tri thức vào thực tiễn và các kỹ năng khác của học viên.

+ Cũng cần khẳng định vai trò hỗ trợ của các phòng chức năng như phòng  Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu và phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học trong quá trình phục vụ giảng dạy và học tập tại trường.

Thứ tư, thay đổi tư duy, phương pháp quản lý đào tạo phù hợp theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý. Đa số các trường chính trị hiện nay quản lý học viên, giờ lên lớp của giảng viên bằng hình thức thủ công (phát phiếu điểm danh, hoặc điểm danh trực tiếp trên lớp) vừa thiếu tế nhị, vừa gây phản cảm. Cách quản lý ấy nên thay bằng các công nghệ nhận diện vân tay để ra vào lớp, camera quan sát... Đa dạng hóa các hình thức đánh giá, kiểm tra học viên như đề kín, đề mở, trắc nghiệm, điểm chuyên cần, rèn luyện… để có cái nhìn toàn diện về quá trình phấn đấu của học viên.

Bên cạnh những bất cập, hạn chế của chương trình đào tạo lý luận chính trị thì một biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị mà nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra là một bộ phận cán bộ, đảng viên có nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với chức năng đào tạo chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính là đơn vị tiên phong trong công tác đổi mới phương pháp giảng dạy, nhận diện các biểu hiện của bệnh lười học lý luận chính trị. Qua đó, tìm kiếm các giải pháp phù hợp để năng cao chất lượng giảng dạy và học tập lý luận chính trị, mà trước hết là với chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính, khắc phục căn bệnh lười học chính trị của cán bộ, công chức, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Bộ Chính trị khoá XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Tài liệu tham khảo

[1] Văn phòng Trung ương Đảng (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, HN – 2016, tr 19.

[2] Nghị quyết TW 4 khóa XII về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Tin khác