Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 19 Tháng 4, 2024 - 18:15

Bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm đối với nữ trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện nay

ThS. Đoàn Thị Mao
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng
 

Bình đẳng giới được thể chế hóa trong các văn bản Luật: Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 và Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020,... để đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế. Theo quy định tại Khoản 3, Điều 5 Luật Bình đẳng giới: “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”.

Để thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế - yếu tố mang tính quyết định, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực khác đối với nữ. Phụ nữ là đối tượng chính trong nhóm lao động có thu nhập thấp, dễ rơi vào tình trạng thiếu việc làm hoặc thất nghiệp, có điều kiện việc làm bấp bênh hơn nam giới. Phụ nữ cũng chiếm phần lớn trong nhóm làm công việc của gia đình không được trả lương, trong khu vực của nền kinh tế “phi chính thức” như: Giúp việc gia đình, lao động tại gia, bán hàng rong,… Theo Điều 12, Luật Bình đẳng giới: Bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế là: “Nam, nữ bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, nguồn vốn, thị trường và nguồn lao động”. Trên cơ sở đó, vấn đề giải quyết việc làm, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ ở nông thôn được tỉnh Bến Tre quan tâm triển khai thực hiện.

Tính đến cuối năm 2019, số người trong độ tuổi lao động ở Bến Tre là 808.543 người (nữ 371.018 người, chiếm 45,89%). Toàn tỉnh có 20.652 lao động được giải quyết việc làm (nữ: 9.756 người, chiếm 47,24%)[1]. Tổng số hộ nghèo của tỉnh là 25.368 hộ nghèo, trong đó có 11.269 hộ do phụ nữ làm chủ hộ, chiếm tỷ lệ 44,42% tổng số hộ nghèo (6.092 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ có điều kiện phát triển kinh tế)[2].

Bình đẳng giới nói chung, bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế nói riêng ở Bến Tre đã có sự tham gia của cả nam và nữ trong hoạt động kinh tế, trong các ngành nghề kinh doanh. Trong đó, việc làm cho phụ nữ được quan tâm và đạt những kết quả trên các mặt về thông tin tuyên truyền và tổ chức thực hiện có hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nữ với các hình thức như: Tổ chức các lớp tập huấn về chính sách pháp luật lao động cho doanh nghiệp có đông lao động nữ, tổ chức ngày hội việc làm và xuất khẩu lao động… xây dựng hệ thống thông tin về thị trường lao động, tư vấn về việc làm; tổ chức các phiên giao dịch việc làm thông qua sàn giao dịch việc làm. Triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp,... Qua đó, nâng tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo tại tỉnh năm 2019 là 47,24% (mục tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đạt 40% vào năm 2020); tỷ lệ lao động nữ ở nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề là 42,10% (mục tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đạt 35% vào năm 2020); tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 28,77% (mục tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đạt 30% vào năm 2020); tỷ lệ nữ vùng nông thôn có nhu cầu vay vốn ưu đãi đạt 100% (mục tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đạt 95% vào năm 2020), kết quả trên góp phần thực hiện tốt việc giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế và tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động.

Các hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế mang lại hiệu quả như: Trong năm 2019, Trung tâm dạy nghề tổ chức 5 lớp đào tạo tiếng Nhật cho 35 lao động tham gia thị trường lao động Nhật; tổ chức 9 lớp đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn với 242 học viên. Tổ chức 24 điểm truyền thông tư vấn học nghề, giải quyết việc làm, tư vấn xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản có 1.147 lao động nữ tham gia, sau tư vấn có trên 100 lao động đăng ký đi chương trình ‘Tu nghiệp sinh”. Tổ chức dạy nghề, truyền nghề cho 2.058 lao động nữ với các ngành nghề đan dây nhựa trên khung sắt, trồng nấm, kỹ thuật trồng rau an toàn, kỹ thuật chế biến món ăn, bảo mẫu, chăn nuôi gia súc gia cầm, tiếng Nhật... Sau các lớp đào tạo có trên 90% lao động có việc làm trong, ngoài tỉnh. Phối hợp, liên kết đào tạo nghề cho 3.739 lao động nữ, sau đào tạo có 3.193 có việc làm ổn định. Tư vấn, giới thiệu việc làm 18.948 lao động nữ làm việc trong, ngoài tỉnh. Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, vận động 10.207 phụ nữ khá giúp 8.894 chị khó khăn phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức, số tiền trên 17,5 tỷ đồng. Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ Phát triển kinh tế triển khai tại 124 xã, phường. Hoạt động tín dụng - tiết kiệm đã tạo điều kiện thuận lợi để giúp cho phụ nữ có nhu cầu vốn tiếp cận dễ dàng, giảm lãi suất tiền vay từ 0,93% xuống còn 0,89%/tháng cho tất cả sản phẩm vốn vay.

Tuy nhiên, bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế ở Bến Tre vẫn còn những hạn chế: Nhận thức của xã hội cho rằng nam giới là trụ cột chính, tạo thu nhập cho gia đình, xem việc nội trợ, chăm sóc gia đình là của phụ nữ. Một bộ phận nam giới lại chưa sẵn sàng chia sẻ công việc gia đình với phụ nữ. Đây là một trong những trở ngại khi tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế, qua đó vô tình tạo ra gánh nặng kép cho người phụ nữ vừa phải tham gia phát triển kinh tế vừa chăm sóc gia đình. Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp có xu hướng giảm. Công việc gia đình là công việc không được trả công và phần lớn đều do phụ nữ đảm nhận,…

Các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới:

Thứ nhất, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới trên các lĩnh vực trong đó có bình đẳng trong hoạt động kinh tế, lao động, việc làm.

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, sinh hoạt của các hội đoàn thể về các chủ trương, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, giới thiệu gương điển hình phụ nữ tham gia trên lĩnh vực kinh tế nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của xã hội đối với vai trò của người phụ nữ góp phần giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế.

Xóa bỏ định kiến về vai trò của người phụ nữ trong gia đình như: Chỉ làm các công việc chăm sóc gia đình - những công việc không thể định lượng, không tạo ra thu nhập. Chính nhận thức đó đã tạo ra vị thế của người phụ nữ không tương xứng, dẫn đến người phụ nữ không có khả năng tiếp cận, kiểm soát các nguồn lực và cơ hội tạo ra thu nhập.

Thứ hai, phát huy vai trò chủ thể của người phụ nữ trong việc xóa bỏ tư tưởng tự ti, an phận

Yếu tố này mang tính quyết định đến hiệu quả của công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế nói riêng và mọi mặt của đời sống xã hội nói chung. Trong Di chúc viết tháng 5/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”[3]. Trên cơ sở đó, Hội Phụ nữ trong hoạt động của mình cần xác định rõ vai trò chủ thể của phụ nữ trong hoạt động kinh tế. Ngoài ra Hội cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục, vận động phụ nữ xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, nỗ lực, phấn đấu vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, khơi dậy sức sáng tạo của phụ nữ.

Bên cạnh đó, việc khuyến khích phụ nữ chủ động tham gia ngày càng nhiều vào sản xuất kinh doanh thì cần có sự tham gia của nam giới vào công việc nội trợ gia đình tăng lên một cách tương xứng. Qua đó phụ nữ sẽ dành thời gian để học tập nâng cao trình độ, học hỏi, giao tiếp và tích lũy kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy hơn nữa khả năng làm kinh tế, tạo ra thu nhập cho mình.

Thứ ba, tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi hiệu quả.

Tạo điều kiện, hỗ trợ cho phụ nữ, nhất là hộ gia đình phụ nữ nghèo có cơ hội tiếp cận trực tiếp với nguồn vốn vay một cách thuận lợi. Thông qua hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, các chương trình, dự án trong và ngoài tỉnh, dự án của nước ngoài tài trợ để lồng ghép hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Qua đó, giúp phụ nữ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay giúp phụ nữ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, phát huy được hiệu quả.

Thứ tư, hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội Phụ nữ cần chú trọng đào tạo kỹ năng nghề, mở các lớp tập huấn chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật cho lao động nữ ở nông thôn một cách hiệu quả.

 Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức các lớp tập huấn nghề phù hợp với từng đối tượng phụ nữ, đáp ứng nhu cầu của lao động nữ, nhằm phát huy hiệu quả sau khi học nghề. Các kỹ năng quản lý kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong hoạt động của các nữ chủ doanh nghiệp. Hỗ trợ, xây dựng các doanh nghiệp do nữ quản lý đảm bảo số lượng và chất lượng hoạt động. Thành lập các tổ hợp tác, xây dựng chuỗi giá trị, liên kết sản xuất kinh doanh với tiêu thụ sản phẩm,.., tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động nữ.

Bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế đối với phụ nữ sẽ giúp cho phụ nữ mạnh dạn, tự tin hơn khẳng định vai trò của mình cả trong gia đình và ngoài xã hội. Chính những hoạt động này sẽ là cơ sở, tiền đề tạo điều kiện cho phụ nữ tiến tới thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới thực chất, góp phần phát huy được đầy đủ và tối đa năng lực của gần một nữa lực lượng lao động xã hội và hơn 50% dân số là nữ đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước./.

 


[1] UBND tỉnh Bến Tre, Báo cáo tổng kết Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và đề xuất Chiến lược giai đoạn 2021-2030, số 158, ngày 12/5/2020.

[2] Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre, Báo cáo kết quả hoạt động Hội và phong trào phụ nữ năm 2019, số 190, ngày 30/12/2019.

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 15, tr.617, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.

Tin khác