Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ năm, 18 Tháng 4, 2024 - 07:33

Bài học quý về công tác Dân vận trong ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

 

Thạc sĩ Nguyễn Thị Yến
Trưởng khoa Dân vận
 

Được sự phân công của Ban Giám hiệu, tôi đã tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, tại Đình Ấp 1, xã Sơn Đông. Trong Ngày hội, tôi đã tiếp thu được nhiều kiến thức quý giá từ thực tiễn để tôi vận dụng vào bài giảng của mình.

Hàng năm, cứ đến ngày 18/11 Đảng và Chính phủ ta phát động nhân dân cả nước tham gia lễ kỷ niệm Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời cũng là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với mục đích ôn lại truyền thống yêu nước. Đây là một hình thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc rất có ý nghĩa, thiết thực.

Trong Ngày hội với không khí khẩn trương, sôi nổi, rộn ràng và sự chuẩn bị chu đáo của ban tổ chức, sự tham gia của lãnh đạo địa phương, nhân dân Ấp 1. Đặc biệt thành phần tham dự có Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo.

Tại đây, người dân được nghe các báo cáo của Ban Công tác Mặt trận ấp và các bài phát biểu nhằm đánh giá kết quả của nhân dân gắn với việc triển khai các mặt công tác của MTTQ, nhất là việc triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở khu dân cư trong thời gian tới. Sau đó là các bài phát biểu đại diện các đoàn thể và hầu như không có ý kiến người dân nào. Với tôi, qua nhiều lần tham dự Ngày hội được tổ chức hàng năm, tôi thấy phần lớn các nơi đều tổ chức theo một mô típ. Do vậy khi Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo phát biểu đã mở ra trong tôi một bài học rất quý giá, đáng trân trọng và vô cùng thích thú. Tôi xem đây là một phần bổ sung kiến thức thực tế cho trang giáo án của mình.

Bí thư Tỉnh ủy không đứng trên bục để phát biểu, mà đồng chí đến với bà con với cái nhìn thân thiện và bằng giọng nói ôn tồn, rõ ràng, dễ hiểu, đồng chí hỏi bà con: “Nãy giờ bà con nghe các báo cáo, vậy bà con có biết chủ trương “5 không” của Thành ủy là gì không? Bà con lắc đầu và trả lời “dạ, không biết”; cùng câu hỏi ấy, đồng chí hỏi tiếp một người thứ hai, và thứ ba, bà con cũng trả lời: “dạ, không nhớ”.

Thực tế, khi Thành ủy Bến Tre tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Bến Tre lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020. Trong nội dung phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre Võ Thành Hạo lưu ý, trong 5 năm tới, thành phố Bến Tre cần bàn biện pháp để thực hiện thành công “5 không” gồm: Không vứt rác bừa bãi nơi công cộng, không có người nghiện ma túy mới, không có người ăn xin, không còn nhà ở tạm bợ và không có trộm cắp. Đây cũng là mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Bến Tre nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.

Thế nhưng nội dung “5 không” bà con không nắm, không biết và không nhớ, tất nhiên còn nhiều khâu bị tắc nghẽn hoặc thông tin, hoặc triển khai không đến, không rõ, không hiểu trong nhân dân hoặc các lý do khác. Điều này chứng tỏ sự hạn chế trong khâu tuyên truyền, vận động nhân dân của lãnh đạo địa phương. Trầm ngâm giây lát, Bí thư Tỉnh ủy trở về bục và phát biểu: “Nếu Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc mà chúng ta chỉ đọc những báo cáo, thông qua những văn bản thì không khí đại đoàn kết không có nhập tâm, nó không thực sự là ngày hội của người dân”. Điều đồng chí mong muốn, Ngày hội phải làm sao cho bà con phấn khởi, vui tươi, hòa cùng không khí của ngày hội và nghe được kết quả những việc bà con từng làm và hiểu những công việc cùng tham gia thời gian tới.

Một số hình ảnh tiếp xúc nhân dân của Bí thư Tỉnh ủy
 

Đồng chí đã nhắn nhủ về mục đích mà Đảng và Chính phủ chúng ta phát động Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc “Xuất phát từ truyền thống chung lưng đấu cật, truyền thống đoàn kết tương thân tương ái, truyền thống giúp nhau để vượt qua khó khăn hồi chiến tranh cũng như sau chiến tranh cho đến bây giờ. Đó là truyền thống cực kỳ tốt đẹp của dân tộc Việt Nam mình, nhờ đó mình mới vượt qua những khó khăn, thử thách để tồn tại và phát triển đến ngày nay. Có được truyền thống đó bắt đầu từ phía người dân. Chúng ta phải nghe tiếng nói của dân, lắng nghe lòng dân, để chúng ta phục vụ cho dân, đó chính là cốt lõi của đoàn kết toàn dân tộc.”

Với thời gian không đầy 10 phút, đồng chí đã cho tôi một bài học vô cùng quý giá và sự kính phục sâu sắc. Vì đồng chí vừa chỉ bảo thêm phương pháp, cách tiếp xúc, lời nói, cử chỉ, âm điệu khi đến với dân; phương pháp để tổ chức lễ hội thực sự ý nghĩa, hiệu quả và cốt lõi vấn đề là người cán bộ của dân, muốn thực hiện đại đoàn kết toàn dân phải có sự ủng hộ của dân. Do đó đã là người cán bộ của dân phải: Nghe tiếng nói của dân, lắng nghe lòng dân, để phục vụ cho dân.

Cổ ngữ có câu: Nói là bạc, im lặng là vàng, lắng nghe là kim cương. Thực vậy, lắng nghe và biết lắng nghe từ dân, để biết tâm tư, tâm tình của dân để phục vụ dân ngày một tốt hơn, đó là công việc mà bất cứ người cán bộ nào một khi đã tận tâm, tận lực chăm lo cho nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân cũng đều thấu hiểu.

Tôi học ở đồng chí chỉ qua một đoạn hội thoại giữa một Bí thư Tỉnh ủy với bà con bằng hình ảnh gần gũi, chân tình, cởi mở; đồng chí trao truyền phương pháp tổ chức một lễ hội không chỉ có những báo cáo, mà Ban Tổ chức nên tìm những cách thức, phương pháp đa dạng, phong phú, vui tươi và thu hút sự tham gia của bà con, phải làm sao cho mọi người hiểu và nhớ những điều được triển khai; làm sao cho bà con biết việc mình phải làm, việc mình cần tránh;… Bài học này không chỉ cho riêng tôi là một giảng viên của Trường Chính trị mà tôi thấy rất cần thiết đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành, nhất là những người hoạt động trong Khối Đoàn thể nhân dân. Hy vọng bài viết sẽ giúp cho học viên trường tôi sẽ có thêm kinh nghiệm khi tiếp xúc, ứng xử với nhân dân, trong đó tư tưởng trọng dân luôn được đề cao./.

Tin khác