Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ ba, 19 Tháng 3, 2024 - 09:22

“Đường Hồ Chí Minh trên biển” - trang sử hào hùng của dân tộc ta

CN. Trương Thị Bích Tuyền
Viên chức Khoa Xây dựng Đảng

 

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc có thể nói cuộc kháng chiến chống Mỹ là một trong những cuộc kháng chiến oanh liệt nhất, hào hùng nhất. Để tạo nên sự thành công cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam thống nhất đất nước không thể không nhắc đến sự thành công của Đảng ta trong việc đề ra những chủ trương, đường lối kháng chiến phù hợp, sự mưu trí, dũng cảm chiến đấu, hy sinh của các chiến sỹ trên chiến trường cùng các tuyến đường huyết mạch để vận chuyển lương thực, vũ khí, đưa đón cán bộ từ Bắc vào Nam.

Một trong những con đường huyết mạch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đó chính là con đường huyền thoại - “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. “Đường Hồ Chí Minh trên biển” là tên gọi của tuyến đường vận tải quân sự do Hải quân nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện bí mật trên Biển Đông trong chiến tranh, để vận chuyển vũ khí, lương thực, đưa đón cán bộ từ miền Bắc vào chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam, những nơi mà “Đường Hồ Chí Minh” trên dãy Trường Sơn chưa thể vươn tới góp phần tạo nên thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Đầu năm 1960, cùng với phong trào Đồng khởi Bến Tre, phong trào cách mạng của các tỉnh đồng bằng Nam Bộ chuyển mạnh lên thế tiến công và trở thành cao trào Đồng khởi rộng khắp. Để đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ, trong khi vận chuyển đường bộ của Đoàn 559 trên dãy Trường Sơn chưa vươn tới, Tổng Quân ủy tiếp tục chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu khẩn trương nghiên cứu đề án mới về xây dựng và tổ chức lực lượng vận tải biển chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Khu 5. Bộ Chính trị chỉ thị cho Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo các tỉnh ven biển ở miền Trung và Nam Bộ chủ động chuẩn bị bến, bãi và tổ chức đưa thuyền vượt biển ra miền Bắc, vừa thăm dò, nắm tình hình địch, nghiên cứu tuyến vận chuyển trên biển, vừa nhận vũ khí để kịp thời cung cấp cho cách mạng miền Nam.

Ngày 23/10/1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đoàn vận tải quân sự 759, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến vận tải chiến lược - “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Từ đây, “Đường Hồ Chí Minh trên biển” - con đường nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, chính thức đi vào hoạt động. Đây là một quyết định lịch sử mang tầm chiến lược, thể hiện bản lĩnh kiên cường, ý chí và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta: Tất cả cho tiền tuyến miền Nam, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Vận tải trên biển tuy gian nan, nguy hiểm, nhưng lại có ưu thế về tốc độ, thời gian và hiệu quả vận chuyển. Cùng với nhiệm vụ vận tải hàng quân sự, “Đường Hồ Chí Minh trên biển” còn đảm đương một sứ mệnh cực kỳ quan trọng đó là đưa đón hàng chục nghìn lượt cán bộ của Đảng, của quân đội, chuyên gia quân sự vào miền Nam, từ miền Nam ra miền Bắc báo cáo Trung ương và nhận chỉ thị mới, kịp thời bổ sung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Đặc biệt, trong thời khắc quan trọng của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, “Đường Hồ Chí Minh trên biển” đã thần tốc vận chuyển gần “9.000 tấn vũ khí hạng nặng gồm 50 xe tăng và đạn pháo, đưa đón gần 17.500 lượt cán bộ, chiến sĩ vượt 66.000 hải lý”[1] để kịp tham gia chiến đấu, hiệp đồng tác chiến với cánh quân đường bộ, trực tiếp góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Qua đó chúng ta thấy được tầm quan trọng của “Đường Hồ Chí Minh trên biển” trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. “Đường Hồ Chí Minh trên biển” thể hiện tư duy sáng tạo mang tầm chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta trong việc lựa chọn con đường mới bên cạnh con đường “Đường Hồ Chí Minh” trên dãy Trường Sơn nhằm tạo ra giải pháp mới trong việc đưa đón cán bộ, vận chuyển vũ khí và lương thực từ Bắc vào Nam. Chính sự sáng tạo, kiên định con đường giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của Đảng ta đã để lại cho thế hệ mai sau những bài học quý giá, những bài học đó được thể hiện qua những nội dung sau:

Thứ nhất, tinh thần sáng tạo và sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, có thể nói con đường “Đường Hồ Chí Minh” trên dãy Trường Sơn là một con đường huyết mạch đã bị đế quốc Mỹ thường xuyên đánh bom phá hủy, mỗi lần tìm ra một đường đi mới thường sẽ bị chúng phá hủy do đó gây khó khăn cho việc đưa đón cán bộ, vận chuyển vũ khí và lương thực vào miền Nam. Từ đó Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã có định hướng đột phá mở “Đường Hồ Chí Minh trên biển” để tạo ra con đường mới vận chuyển lương thực, vũ khí và đưa đón cán bộ cho miền Nam. Sự sáng tạo, lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng còn thể hiện ở việc chỉ đạo chặt chẽ từ việc khảo sát, trinh sát nắm tình hình, tổ chức tàu đi thử nghiệm đến việc xác định tuyến đi và phương thức, phương tiện vận chuyển; lựa chọn những cán bộ có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm đi biển để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Con đường được hình thành đã chứng minh sự đúng đắn của đường lối chiến tranh nhân dân do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đề ra, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Con đường huyền thoại - “Đường Hồ Chí Minh trên biển” với những chiến công hiển hách của lực lượng Hải quân và nhân dân các tỉnh duyên hải nơi tuyến đường đi qua, đã đi vào lịch sử dân tộc như một kỳ tích; đồng thời, giúp chúng ta nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn tầm vóc, ý nghĩa lịch sử cũng như những bài học kinh nghiệm có giá trị thực tiễn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc cũng như trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên biển, đảo hiện nay.

Thứ hai, tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế. Trong những năm 1960-1961, miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội khi đất nước vừa kết thúc chiến tranh, miền Nam thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Mặc dù còn nhiều thiếu thốn, khó khăn nhưng miền Bắc đã trở thành hậu phương vững chắc cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đảng ta luôn nêu cao tinh thần gắn bó với nhân dân, dựa vào nhân dân. Nhờ đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm, xây dựng và phát huy mối quan hệ máu thịt với nhân dân, các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vận chuyển chi viện trên con đường biển được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương, đặc biệt là nơi các đơn vị đóng quân, tại các bến bãi giao nhận hàng và bà con ngư dân làm ăn trên các vùng cửa biển, lạch sông, yêu thương, quý mến, ủng hộ, giúp đỡ, đùm bọc, cưu mang cả trong lúc bình thường cũng như lúc nguy cấp, bảo vệ được bí mật đơn vị và nhiệm vụ. Mối quan hệ đoàn kết quân dân còn thể hiện trong các nhà máy, xí nghiệp, nơi nghiên cứu, đóng những con tàu vận tải, phục vụ yêu cầu chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam. Do đó, khi có được “bến đậu” trong lòng dân vững chắc, cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” đã tạo nên thành công của con đường biển nối liền miền Bắc với chiến trường miền Nam, góp phần vào những chiến công vang dội của quân và dân miền Nam.

Bên cạnh đó, lực lượng làm nhiệm vụ chi viện đường biển còn nhận được sự giúp đỡ có hiệu quả của bạn bè quốc tế trong chuyên chở, tiếp nhận hàng hóa, vũ khí, cung cấp lương thực, thực phẩm, sửa chữa tàu, thuyền, cứu chữa cán bộ, chiến sĩ bị thương, ốm đau,... Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn, làm nên huyền thoại của “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Thứ ba, sự sáng tạo trong nghệ thuật quân sự của Đảng ta. Trong khi địch được trang bị các loại vũ khí, phương tiện hiện đại, tối tân, chúng ta chỉ có những loại tàu, thuyền nhỏ bé, thô sơ, sử dụng tàu giả dạng vận tải, tàu đánh cá, kết hợp hoạt động bí mật và công khai, tàu có thể xuất phát từ nhiều bến đi (kể cả ở nước ngoài) và cập nhiều bến đến, dẫn tàu đi trên nhiều tuyến đường khác nhau, có giai đoạn đi vòng ra biển xa, vùng biển quốc tế. Do vị trí chiến lược hết sức quan trọng của “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, đế quốc Mỹ dùng mọi thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, với các loại vũ khí, thiết bị tối tân hiện đại nhất để đánh phá, hòng hủy diệt, ngăn chặn, cắt đứt tuyến đường tiếp viện của ta trên biển.

Những con đường, các bến bãi đều nằm trong các vùng kìm kẹp, lùng sục, truy quét, đánh phá ác liệt suốt đêm ngày của địch. Song khi địch phong tỏa đường trong thì ta đi đường ngoài, địch ngăn chặn đường dài ta đi phân đoạn; địch bám đuôi, ta đi thẳng ra vùng biển quốc tế; khi địch phát hiện, áp sát tấn công, ta đánh trả quyết liệt, có lúc phải phá hủy tàu và hàng để giữ bí mật nhiệm vụ và con đường. “Đường Hồ Chí Minh trên biển” đã làm cho đối phương kinh ngạc, bất ngờ và không thể tưởng tượng được về sự có mặt, quy mô, sự dũng cảm và tính sáng tạo của những “con tàu”.

Thứ tư, lòng yêu nước, sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ trên những “Đoàn tàu không số”. Những chiến sĩ tham gia thực hiện nghĩa vụ trên những con tàu đi từ Bắc vào Nam đã vượt qua bao khó khăn, gian nan, thử thách trước sự tấn công của địch và những lúc thời tiết xấu trên biển. Xác định ra đi tham gia trên các chuyến tàu là có thể không trở về, sẽ ở lại mãi mãi với sóng nước Biển Đông nhưng các chiến sĩ không hề lo sợ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ với lòng yêu nước vô hạn, kiên định với con đường giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Những người con ưu tú của dân tộc tham gia tuyến chi viện chiến lược trên biển đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc, của Quân đội nhân dân Việt Nam, mãi là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Công lao, đóng góp, sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ và các cán bộ, chiến sĩ Đường Hồ Chí Minh trên biển mãi mãi lưu danh. Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn tôn vinh, ghi nhớ và tự hào về con đường trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Trong giai đoạn hiện nay đất nước hoàn toàn độc lập, hòa bình, thống nhất. Tiếp nối truyền thống vẻ vang của dân tộc từ sự tiếp thu những bài học quý giá của sự kiện lịch sử “Đường Hồ Chí Minh trên biển” trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, thế hệ mai sau, những thanh niên ưu tú, người chủ tương lai của nước nhà, cần phấn đấu thực hiện tốt những việc sau:

Một là, phát huy truyền thống yêu nước và giữ nước của dân tộc, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thanh niên là người nắm giữ tương lai đất nước, là lực lượng đông đảo trong xã hội, với vai trò là thế hệ sau phải nắm vững lịch sử của dân tộc, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước và giữ nước của dân tộc, thông qua những hành động thiết thực như: học tập tốt, lao động tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; luôn xung kích, đi đầu, hăng hái tham gia các công việc chung nhằm chung tay xây dựng, bảo vệ và phát triển nước nhà.

Hai là, có lập trường tư tưởng vững vàng, có lòng yêu nước, có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, có đạo đức và lối sống lành mạnh, trung thực, thẳng thắng, có ý chí tiến thủ và khiêm tốn. Là thế hệ trẻ, thanh niên dễ dàng bị dao động trước những tác động bên ngoài do đó để trở thành lực lượng quan trọng, tạo niềm tin cho Đảng và Nhân dân, thanh niên phải có lập trường chính trị vững vàng, luôn phát huy tinh thần yêu nước. Bên cạnh đó, cần học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy sự đổi mới, sáng tạo, cầu thị và khiêm tốn, nhằm xây dựng một nhân cách tốt, tạo nên một thế hệ thanh niên vừa hồng, vừa chuyên góp phần to lớn vào việc xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh.

Ba là, gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện nghĩa vụ công dân, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia vào các cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng, Nhà nước và bảo vệ cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; đấu tranh chống lại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Một trong những đối tượng mà các thế lực thù địch đang hướng đến đó chính là lực lượng thanh niên, vì đây là lực lượng dễ thay đổi khi chịu tác động từ các thế lực thù địch do đó nhằm nâng cao khả năng đề kháng trước những âm mưu của các thế lực thù địch, thanh niên cần không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, nâng cao bản lĩnh của bản thân, từ đó có sức đề kháng trước sự tác động của các thế lực thù địch, góp phần vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bốn là, tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, trong lao động và tự học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, khoa học, kỹ thuật và tay nghề để thích ứng với thị trường lao động trong nước và quốc tế. Thế giới không ngừng vận động và phát triển, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay cuộc cách mạng khoa học công nghệ phát triển cao, học tập từ tinh thần sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta qua sự kiện “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, thế hệ mai sau cần không ngừng sáng tạo trong học tập, trong lao động, trong công việc nhằm tìm tòi ra cách học mới, phương pháp mới, cách làm mới,… từ đó góp phần vào công cuộc đẩy mạnh sự phát triển đất nước, đưa đất nước ta ngày càng nâng tầm vị thế trong khu vực và thế giới.

Năm là, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; tham gia bảo vệ và xây dựng hệ thống chính trị ở các cấp vững mạnh và tham gia xây dựng khối đại đoàn kết vững chắc; tham gia giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia; chủ động đề xuất ý tưởng, sáng kiến trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật. Bên cạnh đó, thanh niên cần phát huy vai trò của mình trong công tác Đoàn Thanh niên tại địa phương, cơ quan, đơn vị: tự nguyện, xung kích tham gia các hoạt động tình nguyện, chăm sóc, thăm hỏi mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, tham gia thực hiện tốt Công trình thanh niên, các hoạt động chung của Đoàn từ đó phát huy tinh thần xung kích, nhiệt huyết của tuổi trẻ, tự rèn luyện, nâng cao bản lĩnh của bản thân.

Sáu là, tham gia vào công cuộc giữ gìn, bảo vệ biển đảo, quê hương. Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch không ngừng xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt với vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, Biển Đông đang là vấn đề tranh chấp giữa các nước trong khu vực và các nước lân cận. Là người Việt Nam, trong đó đặc biệt là thế hệ thanh niên cần hiểu rõ lịch sử dân tộc, hiểu rõ tầm quan trọng của Biển Đông đối với Việt Nam, khu vực và thế giới, từ đó có cách nhìn, tư duy đúng đắn về lãnh thổ Việt Nam, có những hành động nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo, quê hương, gìn giữ non sông nước nhà.

Bảy là, nâng cao tinh thần khắc phục những hạn chế, khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những giai đoạn khó khăn của cuộc kháng chiến chống Mỹ các chiến sĩ đã không ngại hy sinh thân mình vì độc lập, tự do, thống nhất nước nhà, vì vậy trong giai đoạn hiện nay thanh niên cần phát huy tinh thần vượt qua khó khăn, khắc phục những hạn chế của bản thân nhằm học tập tốt, lao động tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nâng cao chất lượng công việc, tiếp thu, tổng kết, vận dụng thực tiễn trong học tập và công tác góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương vững mạnh.

Đối với thanh niên Trường Chính trị Bến Tre nói riêng, những viên chức trẻ đang trong quá trình phấn đấu trở thành giảng viên, học tập những bài học quý giá từ sự kiện lịch sử “Đường Hồ Chí Minh trên biển” vận dụng vào bài giảng, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy góp phần xây dựng trường chính trị chuẩn trong tương lai, thế hệ đoàn viên, giảng viên trẻ nhà trường cần phấn đấu, phát huy thực hiện tốt những nội dung sau:

Thứ nhất, luôn rèn luyện bản lĩnh chính trị, giữ vững lập trường, tuyệt đối trung thành với mục tiêu lý tưởng của Đảng, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định của nhà trường.

Thứ hai, thể hiện ý chí quyết tâm, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Là thế hệ giảng viên trẻ nên việc rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn là nhiệm vụ hàng đầu. Để trở thành người giảng viên giỏi điều quan trọng trước hết là chuyên môn phải vững vàng, trên cơ sở chuyên môn vững vàng sẽ truyền tải tốt nhất nội dung bài học đến học viên nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học. Bên cạnh đó, khi kiến thức chuyên môn vững vàng giảng viên trẻ sẽ có bản lĩnh có sức đề kháng trước những âm mưu của thế lực thù địch, từ đó tham gia vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Như vậy, giảng viên trẻ cần nắm vững kiến thức chuyên môn của mình, thông qua việc nghiên cứu đọc sách, báo, tạp chí, tham gia dự giờ tiếp thu kiến thức từ quý thầy, cô đi trước, trao đổi học hỏi lẫn nhau với các anh, chị đồng nghiệp, học viên trong trường, ngoài ra cần phải nghiên cứu thêm kiến thức thuộc những chuyên môn khác để bỗ trợ cho chuyên môn chính của mình, vì giữa các chuyên môn có mối liên hệ, bổ trợ lẫn nhau, vận dụng làm phong phú thêm bài giảng.

Thứ ba, sáng tạo, tích cực chủ động trong nghiên cứu khoa học. Hoạt động nghiên cứu khoa học là hoạt động giúp giảng viên mở rộng tìm hiểu sâu thêm kiến thức, người giảng viên cần phải đọc, suy ngẫm, phân tích, giải quyết vấn đề đặt ra, thông qua đó giúp nâng cao nhận thức, vận dụng kiến thức đã nghiên cứu vào trong bài giảng nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Vì vậy giảng viên trẻ không ngừng nghiên cứu khoa học thông qua đọc sách chuyên môn, sách tham khảo, tham gia viết bài toạ đàm, thông tin lý luận và thực tiễn, website nhà trường, viết bài hội thảo, đăng báo, tạp chí,... Từ thực tiễn viết bài giúp giảng viên trẻ nâng cao khả năng, lẫn phương pháp tiếp cận nội dung, lựa chọn chủ đề bài viết, giải quyết tốt vấn đề đặt ra góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học.

Thứ tư, đẩy mạnh học tập, tích lũy kiến thức thực tiễn. Công tác giảng dạy là một công tác quan trọng, để có thể truyền đạt tốt nội dung đến người học bên cạnh kiến thức chuyên môn phải vững thì kiến thức thực tiễn phải phong phú, “lý luận” phải đi đôi với “thực tiễn”. Do đó, giảng viên trẻ cần tham gia nghiên cứu thực tế, lựa chọn những nội dung phù hợp với bài giảng, vận dụng phân tích, giải thích giúp học viên hiểu rõ hơn nội dung bài giảng từ đó giúp học viên vận dụng những kiến thức đã học giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra tại địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thứ năm, sáng tạo trong vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy. Để tạo nên sự thành công của người giảng viên, bên cạnh kiến thức chuyên môn vững vàng, kiến thức thực tiễn phong phú thì phương pháp giảng dạy là yếu tố song hành tạo nên sự thành công trong sự nghiệp giảng dạy của người giảng viên, nếu người giảng viên có kiến thức chuyên môn vững vàng nhưng phương pháp giảng dạy không phù hợp với nội dung bài học, với từng đối tượng học viên giảng viên sẽ không thể truyền đạt hết nội dung bài học đến học viên, làm cho học viên chưa hiểu rõ, hiểu sâu vấn đề mà giảng viên đã trao đổi, vì vậy giảng viên trẻ cần rèn luyện, lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp với từng nội dung bài học, từng đối tượng người học, từ đó truyền tải tốt nội dung đến học viên, giúp học viên nắm vững kiến thức bài học.

Thứ sáu, luôn rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức. Giảng viên trẻ là người giảng dạy lý luận chính trị bên cạnh việc nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ, yếu tố tạo nên người Thầy - giảng viên trường Đảng đó là phải có phẩm chất đạo đức tốt, vì vậy giảng viên trẻ không ngừng học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính, chống chủ nghĩa cá nhân, có lối sống lành mạnh, giản dị, khiêm tốn, không tự kiêu, tự mãn, phải có tinh thần cầu thị, ham học hỏi; trong các cuộc họp, các buổi sinh hoạt đóng góp ý kiến thẳng thắn, chân thành với thái độ yêu thương lẫn nhau, nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế giúp đỡ nhau phát triển toàn diện. 

Thứ bảy, luôn nhiệt huyết, yêu nghề. Không chỉ riêng nghề giảng dạy mà tất cả mọi nghề để tạo nên sự thành công yếu tố quan trọng nhất là phải có lòng nhiệt huyết, say mê, yêu nghề, từ sự yêu nghề sẽ là động lực cho giảng viên trẻ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của người giảng viên, truyền đạt đầy đủ nhất, tâm huyết nhất nội dung bài giảng đến học viên nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Thứ tám, tích cực tham gia thực hiện tốt các hoạt động của nhà trường, Công đoàn và Đoàn Thanh niên tổ chức. Đoàn viên, giảng viên trẻ nhà trường cần tích cực, chủ động tham gia các hoạt động chung của nhà trường, đặc biệt chú trọng tham gia thực hiện tốt hoạt động của Chi đoàn nhằm nâng chất hoạt động Chi đoàn, phát huy vai trò xung kích, nhiệt huyết của tuổi trẻ, tự rèn luyện nâng cao bản lĩnh bản thân.

Thứ chín, nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân. Đoàn viên, giảng viên trẻ cần nhận thức được vị trí, vai trò, nhiệm vụ của mình, từ đó có kế hoạch định hướng học tập, nghiên cứu, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Trong quá trình phấn đấu đôi lúc sẽ có khó khăn tuy nhiên không vì vậy mà lùi bước, cần phải tự khắc phục những hạn chế, khó khăn, biến những khó khăn trở thành động lực để phấn đấu hoàn thiện bản thân hơn, phát huy vai trò của mình góp phần xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh.

Như vậy, đội ngũ đoàn viên, giảng viên trẻ là nguồn nhân lực quan trọng của nhà trường, luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc từ phía Ban Giám hiệu, Đảng ủy và quý thầy, cô đi trước. Với vai trò, nhiệm vụ đã nêu trên, đoàn viên, giảng viên trẻ cần cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa để hoàn thiện bản thân vững về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt, chủ động, tích cực tham gia các hoạt động chung, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao góp phần xây dựng trường chính trị chuẩn trong tương lai.

Kỷ niệm 61 năm (23/10/1961 - 23/10/2022) ngày thành lập “Đường Hồ Chí Minh trên biển” - trang sử hào hùng của dân tộc, mãi mãi là niềm tự hào của quân đội và Nhân dân ta, là biểu tượng sáng ngời của lòng dũng cảm, ý chí sắt đá, quyết tâm giành độc lập, tự do, bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Thế hệ mai sau nói chung, thế hệ thanh niên Trường Chính trị Bến Tre nói riêng luôn ghi nhớ công lao của thế hệ ông cha ta đi trước và không ngừng phấn đấu hoàn thiện bản thân về tài và đức, đóng góp một phần nhỏ công sức của mình vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước nhằm xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh và hạnh phúc./.

 


[1] Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sáu - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: “Đường Hồ Chí Minh trên biển - tầm vóc và ý nghĩa lịch sử”, Báo quân đội nhân dân, https://www.qdnd.vn/ky-niem-60-nam-ngay-mo-duong-ho-chi-minh-tren-bien-23-10-1961-23-10-2021/duong-ho-chi-minh-tren-bien-tam-voc-va-y-nghia-lich-su-674431, ngày 16-10-2021.

Tin khác