Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 19 Tháng 4, 2024 - 14:37

Đổi mới tuyển dụng công chức cấp xã – khâu quan trọng góp phần nâng cao chất lượng công chức cấp xã

Lê Thị Thảo Ngọc
        Viên chức tập sự Khoa NN và PL
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói:“…Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”([1]), “Muôn việc thành công hoặc thất bại là do cán bộ tốt hoặc kém”([2]). Trong hoạt động của hệ thống chính trị nói chung, của bộ máy hành chính nhà nước nói riêng, cán bộ, công chức giữ vai trò vô cùng quan trọng, được xem như nguồn tài sản quý báu của Đảng và dân tộc, ảnh hưởng quyết định đến chất lượng hoạt động của nền hành chính, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và sự phát triển của quốc gia. Nền hành chính của một quốc gia được xem là mạnh khi nền hành chính đó được tạo nên từ sự kết hợp hài hòa của các yếu tố về thể chế hành chính, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, các nguồn lực vật chất cần thiết để đảm bảo hoạt động của nền hành chính, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức có đủ năng lực, có tinh thần cầu tiến, hăng say với công việc.

Là lực lượng thực thi công vụ của cấp hành chính thấp nhất, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã càng có vai trò quan trọng. Chính cán bộ, công chức cấp xã là lực lượng gần dân nhất, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người dân để tuyên truyền, phổ biến, vận động và tổ chức nhân dân thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương; giải quyết mọi nhu cầu của dân cư, bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn cấp xã. Để đảm bảo chất lượng hoạt động của đội ngũ này, việc hoàn thiện công tác quản lý; chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tuyển dụng công chức cấp xã là việc làm cần thiết.  

Tuyển dụng công chức cấp xã là khâu đầu tiên, giữ vai trò quan trọng, ảnh hưởng quyết định đến chất lượng hoạt động quản lý cán bộ, công chức nói riêng, hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương nói chung. Ở mỗi một giai đoạn nhất định, việc tuyển dụng công chức cấp xã có những đặc điểm, yêu cầu cụ thể khác nhau. Vì vậy, để lựa chọn được nguồn nhân sự chất lượng, Nhà nước phải thường xuyên cập nhật, đổi mới các quy định, cách thức tuyển dụng. Gần đây nhất, ngày 24/4/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25/6/2019. Nghị định đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, Nghị định số 112/2011/NĐ-CP, về số lượng, chế độ tiền lương, phúc lợi, công tác tuyển dụng,.. đối với cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả trình bày một số nội dung đáng chú ý trong công tác tuyển dụng công chức cấp xã như sau:

Một là, về nội dung, hình thức và thời gian thi tuyển

Nghị định số 112/2011/NĐ-CP quy định thi tuyển công chức cấp xã do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức tuyển dụng, thí sinh dự thi 02 môn:

Môn kiến thức chung: thí sinh thi viết 01 bài trong thời gian 120 phút;

Môn nghiệp vụ chuyên ngành: thí sinh thi viết 01 bài trong thời gian 120 phút và thi trắc nghiệm 01 bài trong thời gian 30 phút về nghiệp vụ chuyên ngành theo yêu cầu của chức danh công chức cần tuyển dụng.

Nghị định số 34/2019/NĐ-CP quy định thi tuyển công chức cấp xã được thực hiện theo 02 vòng thi:

Vòng 1: thí sinh thi trắc nghiệm trên máy vi tính. Bao gồm 02 phần: phần 1 thi kiến thức chung, thời gian 60 phút; phần 2 thi môn tin học trong thời gian 30 phút. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện không có điều kiện tổ chức thi trên máy tính sẽ tổ chức thi trắc nghiệm trên giấy. Nếu vòng 1 được tổ chức thi trên máy tính thì nội dung thi trắc nghiệm không có phần thi tin học.

Chậm nhất là 05 ngày làm việc sau ngày kết thúc việc chấm thi vòng 1 phải công bố kết quả điểm thi để người dự tuyển biết và thông báo việc nhận đơn phúc khảo trong thời hạn 15 ngày sau ngày thông báo kết quả điểm thi trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Chậm nhất 05 ngày làm việc sau khi kết thúc việc chấm thi vòng 1, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải triệu tập người dự tuyển đủ điều kiện thi vòng 2; và chậm nhất là 15 ngày sau ngày thông báo triệu tập người dự tuyển được tham dự vòng 2 phải tổ chức thi vòng 2.

Vòng 2: thi phỏng vấn trong thời gian 30 phút hoặc thi viết trong thời gian 180 phút môn nghiệp vụ chuyên ngành.

Hai là, về điểm cộng ưu tiên trong tuyển dụng công chức cấp xã

Nghị định số 112/2011/NĐ-CP quy định điểm cộng ưu tiên sẽ được cộng vào tổng số điểm thi tuyển hoặc xét tuyển.

Nghị định số 34/2019/NĐ-CP quy định điểm ưu tiên được cộng vào điểm thi vòng 2.

Ba là, các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng:

Nghị định số 112/2011/NĐ-CP quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển với các trường hợp đặc biệt:

Người tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên ở trong nước và đạt loại khá trở lên ở nước ngoài có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chức danh công chức cần tuyển dụng;

Người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với chức danh công chức cần tuyển dụng, có ít nhất 05 năm công tác (không kể thời gian tập sự, thử việc) trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng;

Nghị định số 34/2019/NĐ-CP quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được xem xét, tiếp nhận thẳng, không qua thi tuyển, xét tuyển đối với các trường hợp đặc biệt nêu trên.

Nghị định số 34/2019/NĐ-CP đã đổi mới mạnh mẽ trong công tác tuyển dụng công chức cấp xã từ nội dung, hình thức, thời gian, cách tính điểm,… đến những yêu cầu, đối tượng dự thi, tạo luồng gió mới trong hoạt động cải cách, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã:

Thứ nhất, một trong những thay đổi lớn nhất là ở cách thức tổ chức thi tuyển. Theo đó, việc thi tuyển qua 02 vòng thi sẽ đảm bảo hơn mặt bằng chung về chất lượng công chức được tuyển, đồng thời tiết kiệm thời gian, kinh phí tổ chức cũng như thời gian của thí sinh. Hiện nay, cách ra đề thi của nhiều cơ quan còn sử dụng cùng một nội dung thi tuyển cho nhiều đối tượng khác nhau, chỉ chú trọng việc kiểm tra trí nhớ của thí sinh mà chưa đặt ra các câu hỏi để đánh giá khả năng suy luận, phân tích, tổng hợp, nhất là chưa đánh giá các kỹ năng chuyên ngành cần có đối với vị trí dự tuyển. Thí sinh chủ yếu thi theo hình thức viết bài tự luận. Đổi mới hình thức thi theo 02 vòng sẽ linh hoạt, phong phú hơn trong hình thức thi. Thí sinh vừa thi trắc nghiệm ở vòng 1, vừa thi phỏng vấn hoặc thi viết ở vòng 2 và chỉ những thí sinh vượt qua vòng 1 mới đủ điều kiện tiếp tục thi vòng 2. Bên cạnh đó, tổ chức thi tuyển theo hình thức này giúp sàng lọc, lựa chọn được thí sinh có chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ công việc.

Thi tuyển thông qua hình thức phỏng vấn là một điểm sáng trong công tác tuyển dụng công chức cấp xã. Hoạt động công vụ của công chức không chỉ là hoạt động mang tính chất sự vụ, giấy tờ mà còn bao gồm nhiều kỹ năng khác như: Kỹ năng giao tiếp; kỹ năng ứng xử giữa công chức với nhau trong cùng hoặc khác cấp hành chính, giữa công chức với nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp; kỹ năng xử lý vấn đề... Tuyển dụng thông qua hình thức phỏng vấn sẽ giúp cơ quan tuyển dụng phát hiện những điểm riêng của từng ứng viên trước cùng một yêu cầu công việc, nhận biết, lựa chọn được ứng viên có phẩm chất, năng lực, kỹ năng trong quan hệ giao tiếp, ứng xử phù hợp nhất cho vị trí việc làm cần tuyển dụng, từ đó góp phần nâng cao khả năng thực thi công vụ của công chức khi được tuyển dụng.

Thứ hai, ứng dụng công nghệ thông tin vào thi tuyển công chức cấp xã giúp đảm bảo được nguyên tắc khách quan, công bằng, từ đó tạo được sự cạnh tranh lành mạnh, nâng cao tính minh bạch trong tuyển dụng. Thông qua hoạt động này công tác kiểm soát quá trình tổ chức, chống tiêu cực trong thi cử được tăng cường. Thí sinh dự thi được biết kết quả ngay sau khi thi mà không còn băn khoăn vào khâu ra đề cũng như chấm thi như trước đây; từ đó tạo niềm tin cho thí sinh cũng như giúp tiết kiệm thời gian chi phí, đơn giản hóa nhiều thủ tục, hồ sơ, giấy tờ trong hoạt động tuyển dụng.

Thứ ba, chính sách tuyển thẳng không qua thi tuyển và xét tuyển đối với các trường hợp đặc biệt nhằm thu hút nhân tài vào hoạt động trong khu vực công, tránh chảy máu chất xám ra khu vực tư. Bên cạnh đó, chính sách còn giúp Nhà nước tiết kiệm được chi phí và thời gian đào tạo nhân sự, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động quản lý hành chính nhà nước tại địa phương.

Hiện nay, xã hội không ngừng vận động và phát triển, nhu cầu của người dân ngày càng tăng. Để bắt kịp sự phát triển xã hội, phục vụ và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng hợp pháp của người dân thì cải cách nền hành chính, đặc biệt là đổi mới hoạt động tuyển dụng công chức, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, công chức cấp xã nói riêng là việc làm cần thiết. Tuyển dụng công chức là một khâu quan trọng có tính chất quyết định đến chất lượng đội ngũ công chức trong thực thi công vụ, do đó, những quy định pháp lý về hoạt động này cần phải được quy định chặt chẽ, mang tính khả thi cao góp phần lựa chọn được những công chức cấp xã có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra./.

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2000, tr. 267.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2004, tr. 240.

Tin khác