Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ bảy, 20 Tháng 4, 2024 - 08:06

Đồng chí Trần Trường Sinh với công tác tuyên huấn của tỉnh Bến Tre

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Trần Trường Sinh (1914-1951) quê ở xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ông xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, lớn lên trở thành người lao động tha hương, đi kiếm sống ở Hải Phòng, Hà Nội. Bước vào đời, chứng kiến những cảnh bất công trong xã hội và thường xuyên tiếp xúc với nhiều thành phần xã hội khác nhau, Trần Trường Sinh sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1941, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Hoạt động chưa được bao lâu thì năm 1942, đồng chí bị địch bắt đưa về giam giữ tại nhà giam Hỏa Lò. Chúng quy đồng chí vào loại trọng án chính trị, đày đi Côn Đảo.

Nhà tù Côn Đảo nổi tiếng là địa ngục trần gian, nơi giam giữ, tra tấn, giết hại rất nhiều cán bộ, quần chúng cách mạng trung kiên. Trần Trường Sinh cũng không ngoại lệ. Ông thường xuyên bị chúng tra tấn tàn nhẫn khiến cho sau khi được trở về đất liền năm 1945 không bao lâu thì vết thương cũ tái phát, ông phải nghỉ công tác điều trị dài hạn.

Nhưng cũng trong chốn ngục tù đế quốc thực dân, Trần Trường Sinh được trui rèn khí tiết và bản lĩnh cách mạng. Đồng chí còn được tham gia học các lớp học lý luận chính trị được tổ chức theo chủ trương “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng” của tổ chức Đảng bí mật trong nhà tù. Các lớp học gồm lớp lý luận chính trị học buổi sáng, lớp văn hóa học buổi chiều, ban đêm anh em còn sinh hoạt văn nghệ, bình giảng các tác phẩm văn học,… Những người bạn tù tham gia giảng dạy có người từng học ở Liên Xô về, có người từng được Nguyễn Ái Quốc đào tạo và nhiều người đã được thử thách qua thực tiễn đấu tranh cách mạng. Nhờ đó, Trần Trường Sinh được trang bị và giỏi cả về lý luận chính trị, nghiệp vụ tuyên truyền, huấn luyện và báo chí.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Xứ ủy Nam Bộ tổ chức rước 1.800 cán bộ, đảng viên tù chính trị từ Côn Đảo về đất liền, trong đó, có Trần Trường Sinh. Nhưng khi đoàn cán bộ, đảng viên về đến Sóc Trăng ngày 23/9/1945 thì cũng là lúc kháng chiến Nam Bộ bùng nổ. Một số cán bộ được điều về Trung ương hoặc trở về địa phương tiếp tục công tác, số còn lại tình nguyện ở lại chiến đấu ở chiến trường Nam bộ. Trần Trường Sinh tình nguyện ở lại và được bổ sung vào Tỉnh ủy Bến Tre, làm ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ông được phân công phụ trách công tác tuyên huấn. Lúc bấy giờ, ở tỉnh, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy chưa được thành lập; ở quận và làng thì có cán bộ phụ trách tuyên truyền. Nhiệm vụ của công tác tuyên huấn trong thời gian này là tập trung vào củng cố chính quyền cách mạng, cổ vũ, động viên Nhân dân hết lòng tham gia xây dựng bảo vệ chính quyền, xây dựng đời sống mới và chuẩn bị kháng chiến.

Trần Trường Sinh trực tiếp tổ chức xuất bản báo, tuyên truyền và mở các lớp huấn luyện chính trị đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các phong trào. Đầu năm 1946, đồng chí mở các lớp bồi dưỡng cán bộ ngắn ngày, gọi là lớp lưu huấn đoản kỳ và trực tiếp giảng dạy. Tháng 11/1945, Đảng rút vào hoạt động bí mật. Tỉnh ủy Bến Tre thành lập “Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin” do đồng chí Trần Trường Sinh làm Hội trưởng, đồng thời tổ chức Nhà xuất bản Đại chúng và Nhà in Đoàn kết để nghi trang tiếp tục hoạt động. Báo Sự thật của Đảng được đổi thành báo Hy sinh, là cơ quan ngôn luận của Tỉnh hội Việt Minh, tăng cường tuyên truyền, tập hợp mọi lực lượng đoàn kết kháng chiến. Ban Tuyên truyền được đổi thành Ty Thông tin tuyên truyền tích cực động viên Nhân dân tăng gia sản xuất, không bỏ đất hoang, tham gia cuộc “vận động xây dựng đời sống mới”, tham gia phong trào chống nạn mù chữ, diệt trừ “giặc dốt”. Đặc biệt là phong trào bình dân học vụ trong tỉnh diễn ra rất sôi nổi. Trần Trường Sinh đóng vai trò là người chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ cho những hoạt động của báo Hy sinh và Ty Thông tin truyên truyền, kể cả Đoàn Văn hóa kháng chiến vừa mới được thành lập.

Ngoài ra, Trần Trường Sinh cùng một số cán bộ có trình độ lý luận giỏi tiếp tục mở các lớp lưu động ngắn hạn để đào tạo cán bộ Mặt trận và các đoàn thể. Thời gian đầu, các lớp được mở ở làng Định Thủy, sau đó dời xuống làng Ngãi Đăng (nay thuộc huyện Mỏ Cày Nam).

Ngày 7/3/1947, nhằm đào tạo cán bộ quy mô lớn hơn, phục vụ theo yêu cầu kháng chiến, Tỉnh ủy cho mở lớp đào tạo tập trung, đào tạo học viên cả tỉnh, gọi là Trường Cán bộ Việt Minh. Đồng chí Trần Trường Sinh phụ trách tuyên huấn kiêm Giám đốc Trường. Trường Cán bộ Việt Minh thực chất là Trường Đảng, trực thuộc Tỉnh ủy, chính là tiền thân của Trường Đảng tỉnh, nay là Trường Chính trị Bến Tre. Cán bộ giảng dạy có thêm các đồng chí Lê Hoài Đôn, Dương Xuân Trọng và một số đồng chí trong Tỉnh ủy được mời giảng. Địa điểm Trường đặt ở Bần Mít, làng Thạnh Phong, quận Thạnh Phú. Trường mở mỗi khóa 30 ngày với chương trình gồm có các nội dung:

  • Tình hình thế giới, tình hình trong nước và cách mạng Việt Nam;
  • Chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử;
  • Giai cấp, đấu tranh giai cấp và vai trò chính Đảng;
  • Cách mạng Tháng Tám, ý nghĩa, tính chất và những bài học kinh nghiệm;
  • Chương trình Việt Minh;
  • Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi;
  • Công tác vận động quần chúng;
  • Dân chủ và chuyên chính;
  • Tư cách của người cách mạng.

Ngoài ra, chương trình còn có một số bài học về các chủ trương, chính sách hiện hành.

Tính đến cuối năm 1947, trường mở được 3 lớp, đào tạo gần 200 cán bộ cho cấp tỉnh và chủ chốt cấp quận. 

Năm 1948, Tỉnh ủy quyết định giao Trường Cán bộ Việt Minh cho Tỉnh đoàn Thanh niên cứu quốc để mở Trại cán bộ Thanh thiếu nhi tỉnh Bến Tre. Trần Trường Sinh và cán bộ, giáo viên được chuyển đi làm nhiệm vụ mở các lớp khảo huấn cho cán bộ Đảng ở các huyện và các ngành. Từ cuối năm 1948 đến đầu năm 1949, đồng chí mở được 2 lớp khảo huấn, thời gian mỗi lớp 15 ngày; lớp đầu tiên tại xã Ngãi Đăng, lớp thứ hai mở tại xã Phước Hiệp (đều thuộc huyện Mỏ Cày).

Chương trình của lớp khảo huấn gồm có:

  • Tình hình thế giới, trong nước và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam;
  • Chủ nghĩa cộng sản sơ giải;
  • Cách mạng dân chủ mới (tức cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam);
  • Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi;
  • Tổ chức Đảng và công tác xây dựng Đảng;
  • Công tác vận động quần chúng;
  • Chương trình và chính sách của Mặt trận Việt Minh;
  • Nhân sinh quan của người cộng sản.

Ngày 5 tháng 12 năm 1948, Thường vụ Trung ương Đảng ra Quyết định số 50 QĐ/TW về “Tổ chức lại các bộ, các ban giúp việc Trung ương” nêu rõ: “Chỉ bộ tổ chức mới gọi là bộ, các ban kinh tế - tài chính, tuyên huấn, kiểm tra sẽ chỉ gọi là ban”. Thực hiện Quyết định, Ban Tuyên huấn Trung ương được thành lập; sau đó, Ban Tuyên huấn các tỉnh cũng lần lượt ra đời.

 Đầu năm 1949, tại xã Ngãi Đăng, huyện Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Nam), Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy được thành lập, do đồng chí Lê Hoài Đôn - Tỉnh ủy viên làm Trưởng ban. Ban được phân thành 2 tiểu ban: Tuyên truyền và Huấn luyện. Tiểu ban Tuyên truyền chịu trách nhiệm về công tác thông tin tuyên truyền, báo chí, văn nghệ do đồng chí Phạm Văn Tế làm Trưởng Tiểu ban. Tiểu ban Huấn luyện do đồng chí Dương Xuân Trọng làm Trưởng Tiểu ban, trực tiếp làm công tác trường Đảng, mở các lớp huấn luyện cho các cán bộ huyện ủy và cốt cán ngành tỉnh, đồng thời giúp các ngành, đoàn thể làm công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ.

Cuối năm 1949, do hậu quả tra tấn dã man và chế độ lao tù khắc nghiệt ở Hỏa Lò - Côn Đảo, bệnh cũ tái phát, Trần Trường Sinh bị lao phổi nặng. Đồng chí được Tỉnh ủy đưa về an dưỡng ở Giồng Bảy, xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú. Từ đó, đồng chí nghỉ hẳn việc giảng dạy, thỉnh thoảng đến thăm các lớp học động viên thầy và trò hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Giữa tháng 4 năm 1951, đồng chí Trần Trường Sinh lúc này phụ trách một bộ phận làm công tác tổ chức cán bộ của Tỉnh ủy đóng ở căn cứ Long Toàn (tỉnh Trà Vinh) bị địch ném bom trúng hầm và đã hy sinh cùng đồng chí Huỳnh Văn Thứ, phụ trách nhà in của Tỉnh ủy.

Căn cứ vào nhiệm vụ công tác tuyên huấn giai đoạn 1946-1949 là thông tin tuyên truyền, báo chí, văn nghệ, làm công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ cho các huyện và các ngành tỉnh, có thể khẳng định Trần Trường Sinh là người cán bộ lãnh đạo Tuyên huấn đầu tiên, đặt nền tảng cho công tác tuyên huấn của Tỉnh ủy Bến Tre từ thời kỳ sơ khai. Nhờ đó, khi Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy được thành lập thì công tác xây dựng Đảng về chính trị và tư tưởng thuận lợi hơn trước rất nhiều.

Trần Trường Sinh là một cán bộ giảng dạy lý luận Mác-Lênin xuất sắc, nổi bật với phong cách nói, viết, tổ chức trường lớp trong mọi hoàn cảnh khác nhau thiết thực, đơn giản, hiệu quả, sâu sắc và đặc biệt là giảng dạy với tinh thần rất say sưa. Những cán bộ tham gia Ban Tuyên huấn đầu tiên của Tỉnh ủy Bến Tre hầu hết do đồng chí Trần Trường Sinh đào tạo trong những năm 1946-1948. Đồng chí là một trong những người có công lớn đào tạo cho Bến Tre một thế hệ cán bộ mà sau này phần đông là những cán bộ chủ chốt của tỉnh và các huyện.

Đến nay đã 70 năm kể từ ngày đồng chí Trần Trường Sinh hy sinh, nhưng những giá trị vật chất, tinh thần mà đồng chí để lại cho ngành Tuyên huấn (nay là ngành Tuyên giáo) và Trường Chính trị hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Đó là tinh thần tự học tập, nghiên cứu lý luận, công tác hăng say, nhiệt tình, sẵn sàng nhận và dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ. Trong công tác thì đồng chí luôn gắn lý luận với thực tiễn, xây dựng đề cương bài giảng sát hợp với tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ, ngắn gọn nhưng sâu sắc, khoa học nên hấp dẫn được người học. Đồng chí là tấm gương sáng ngời về người cán bộ tận tụy, suốt đời cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng và của dân tộc.

Tin khác