Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ bảy, 20 Tháng 4, 2024 - 19:22

Đôi điều rút ra từ việc mở lớp bồi dưỡng cho đảng viên cơ sở tại huyện Mỏ Cày Bắc

ThS. Phan Văn Thuận, Trưởng Khoa Nhà nước và pháp luật
Nguyễn Thị Thanh Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Mỏ Cày Bắc

 

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng là bộ phận, một nội dung đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng và được thực hiện qua nhiều phương thức phong phú, đa dạng. Đây là hoạt động của Đảng trực tiếp tác động đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhằm xây dựng, bồi đắp, phát triển nền tảng tư tưởng chính trị. Qua đó, củng cố niềm tin, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong Đảng và xã hội. Làm cho hệ tư tưởng, các giá trị truyền thống tốt đẹp, thế giới quan, nhân sinh quan cộng sản chiếm địa vị chủ đạo trong xã hội. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng góp phần xây dựng, củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị vững vàng, niềm tin vững chắc vào con đường phát triển của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên trước những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đội ngũ đảng viên “mẫu mực, tiêu biểu”, tạo “sức đề kháng” mạnh mẽ; đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động. 

Quang cảnh 1 lớp “Bồi dưỡng cho đảng viên”
(Ảnh: Đông  Xuân, TTCT huyện Mỏ Cày Bắc)
 

Thực hiên Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 18/01/2021 của Tỉnh ủy về “xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ”; sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, năm 2020, Trường Chính trị Bến Tre đã xây dựng chương trình, biên soạn nội dung “Bồi dưỡng cho đảng viên” ở các chi bộ, đảng bộ cơ sở và hướng dẫn các trung tâm chính trị huyện, thành phố, các đảng ủy trực thuộc phối hợp với Trường Chính trị thực hiện mở lớp ở các đơn vị cơ sở.

Thực hiện Hướng dẫn số 01-HD/TCT, ngày 23 tháng 11 năm 2020 của Trường Chính trị tỉnh Bến Tre về việc hướng dẫn thực hiện chương trình bồi dưỡng cho đảng viên và Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2022 đã được Thường trực Huyện ủy phê duyệt, Trung tâm Chính trị huyện Mỏ Cày Bắc đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện mở lớp bồi dưỡng cho đảng viên tại các chi, đảng bộ cơ sở trong toàn huyện.

 Là “loại hình” bồi dưỡng hoàn toàn mới – chưa có trong tiền lệ, Kế hoạch được triển khai trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Tổ chức các lớp học trong “trạng thái bình thường mới” sau đại dịch covid-19 với các nhiệm vụ nặng nề trong thực hiện “mục tiêu kép” ở các đơn vị; tâm lý của nhiều học viên cũng còn e dè, ngại tham gia lớp đông người. Cơ sở vật chất ở cơ sở mặc dù được quan tâm đầu tư, nâng cấp nhưng còn nhiều bất cập. Hội trường nhà văn hóa một số xã đã xuống cấp, chật hẹp, trang bị thiếu đồng bộ, không đủ bàn ghế nên phải thuê ghế bên ngoài; hệ thống quạt rất hạn chế, thời tiết diễn biến bất thường, lúc nắng nóng, lúc mưa lớn kèm theo dông…, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc tập trung học tập, nghiên cứu của học viên…

Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của Huyện ủy; sự hợp tác, giúp đỡ nhiệt tình của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân các xã trong công tác mở lớp tại địa phương; sự hỗ trợ nhiệt tình, hiệu quả của giảng viên Trường Chính trị tỉnh và tinh thần trách nhiệm cao, thái độ học tập nghiêm túc, hợp tác… của đội ngũ đảng viên cơ sở, nên việc tổ chức các lớp đã thành công tốt đẹp. Mặc dù còn một số hạn chế cần rút kinh nghiệm, nhưng hiệu quả và sức lan tỏa các nội dung tư tưởng cao, tích cực. Từ ngày 27/5 đến ngày 20/6/2022, Trung tâm Chính trị huyện phối hợp với các Đảng ủy xã trên địa bàn huyện và sự hỗ trợ của giảng viên Trường Chính trị tỉnh đã tổ chức 13 lớp bồi dưỡng đảng viên cơ sở với 1.970 học viên của tất cả các xã trong toàn huyện. Từ kết quả đạt được và những khó khăn, hạn chế của các lớp học, chúng ta có thể rút ra nhiều “bài học” quý giá, thiết thực.

(1) Trong mỗi buổi nghiên cứu, học viên đã được “hâm nóng”, bồi dưỡng, nâng cao sự nhận thức của mình về chủ nghĩa yêu nước, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi đảng viên đối với Đảng, với Nhân dân, với xã hội, đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, nâng cao “sức đề kháng”, bản lĩnh trong đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên hiện nay, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh” để thực hiện chức năng vừa “là lãnh đạo”, vừa “là đày tớ thật trung thành” của Nhân dân và là người chiến sỹ trên mặt trận đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

(2) Việc giáo dục, bồi dưỡng, học tập, cập nhật thông tin, nâng cao trình độ chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, ở cơ sở nói riêng phải được quan tâm đúng mức với nhiều hình thức đa dạng, sinh động, phù hợp với đối tượng cụ thể và các điều kiện khác. Các lớp “Bồi dưỡng cho đảng viên” được tổ chức chu đáo, nghiêm túc. Công tác tổ chức lớp tốt, nghiêm túc, bài bản, chặt chẽ; phân bổ thời gian hợp lý khối lượng kiến thức, mức độ phù hợp, đảm bảo định hướng chính trị tư tưởng. Sự phù hợp của phương pháp báo cáo, tính hợp lý trong phân bổ thời gian và sự nhiệt tình, tác phong chuẩn mực của Báo cáo viên… tạo nên sự “hấp dẫn, cuốn hút” người học, làm cho hiệu quả các buổi nghiên cứu (mức độ nắm kiến thức, nội dung, tính nghiêm túc, chủ động, sự hài lòng của học viên…) được nâng cao rõ rệt.

(3) Việc giáo dục, bồi dưỡng, học tập, cập nhật thông tin, nâng cao trình độ chính trị tư tưởng là bổn phận, trách nhiệm, yêu cầu không chỉ đối với bản thân của người cán bộ, đảng viên, mà là của các tổ chức đảng, nhất là các cơ quan chức năng, tham mưu của các cấp ủy Đảng. Trong đó, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Huyện ủy; sự phối hợp, giúp đỡ nhiệt tình của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân các xã trong công tác mở lớp tại địa phương; sự hỗ trợ nhiệt tình, hiệu quả của báo cáo viên (giảng viên Trường Chính trị tỉnh) và tinh thần trách nhiệm cao, thái độ học tập nghiêm túc, hợp tác… của đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở là nguyên nhân cơ bản của sự thành công của việc mở lớp.

(4) Đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị là một vấn đề khó trong điều kiện kinh thế thị trường, sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại,… Tuy nhiên, hiện nay, với sự quan tâm đầu tư, phát triển của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ không còn là vấn đề quá khó khăn (hầu như tất cả các đơn vị đều là “xã văn hóa” và phần lớn là xã đã đạt chuẩn “Nông thôn mới”). Vấn đề ở đây là kinh phí mở lớp. Đây là khó khăn của hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng nói chung và các trung tâm chính trị nói riêng, nhất là trong giai đoạn “Hậu covid – 19”. Là người đặc biệt quan tâm đến công tác “huấn luyện cán bộ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định “Các cơ quan cần phải rất chú ý đến việc huấn luyện cán bộ. Phải lựa chọn rất cẩn thận những nhân viên phụ trách việc huấn luyện đó. Những người lãnh đạo cần phải tham gia việc dạy. Không nên bủn xỉn về các khoản chi tiêu trong việc huấn luyện” [1]. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền cần có sự quyết tâm cao và sự đầu tư đúng mức cho công tác giáo dục chính trị tư tưởng nói chung và “bồi dưỡng cho đảng viên” cấp cơ sở nói riêng.

Quang cảnh 1 lớp “Bồi dưỡng cho đảng viên”
(Ảnh: Đông Xuân, TTCT huyện Mỏ Cày Bắc)
 

(5) Qua kết quả tham khảo ý kiến phản hồi từ người học về nội dung, phương pháp báo cáo và công tác tổ chức lớp; từ quá trình thực hiện chương trình, tổ chức quản lý lớp với kết quả đạt được và hạn chế như trên, chúng tôi xin đề xuất, kiến nghị như sau:

- Trước mắt tiếp tục thực hiện việc mở lớp các huyện, thành phố và các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy (theo Hướng dẫn số 01-HD/TCT, ngày 23 tháng 11 năm 2020 của Trường Chính trị tỉnh Bến Tre); đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đổi mới phương thức, nội dung, chương trình bồi dưỡng để duy trì mở lớp bồi dưỡng cho đảng viên cơ sở ở những năm tiếp theo theo phương thức: Mời các giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy, bài giảng phong phú, sinh động, chuẩn bị giáo án điện tử chu đáo, truyền đạt với phương pháp phù hợp chuyển tải đầy đủ các nội dung của chương trình theo hướng dẫn của Trường Chính trị tỉnh rồi “chuyển giao” cho giảng viên các trung tâm chính trị cấp huyện.

-  Cấp ủy trên cơ sở quyết tâm thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, mạnh dạn đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi; cấp ủy cơ sở chỉ đạo các chi bộ trực thuộc quan tâm và tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên của đơn vị sắp xếp công việc, tập trung cho việc tham gia lớp bồi dưỡng.

- Sau mở lớp, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Trường Chính trị phối hợp với các trung tâm chính trị huyện, thành phố Bến Tre tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm việc giáo dục, bồi dưỡng chính trị tư tưởng nói chung và lớp “Bồi dưỡng cho đảng viên” nói riêng để có sự đánh giá chính thức về tác dụng, hiệu quả của loại hình bồi dưỡng mới này./.

 


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.2011, tập 5, tr.313

Tin khác