Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 21:15

Ý nghĩa việc xác định Ngày thành lập trường

Đ/c Cao Dũng
Hiệu trưởng Trường Chính trị
 

Xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ là vấn đề quan trọng có tính quyết định cho sự nghiệp cách mạng. Trước khi thành lập Đảng, Bác Hồ đã chuẩn bị xây dựng lực lượng cán bộ, mở nhiều lớp ở Quảng Châu để huấn luyện cán bộ về mọi mặt, đặc biệt là lý luận cách mạng, đường lối cách mạng để đi đến thành lập Đảng. Bác cũng từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, sự thành bại của sự nghiệp cách mạng là do cán bộ tốt hay kém”. Cho nên, trong quá trình sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Đảng ta, Bác Hồ xem việc xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ hàng đầu, đặc biệt là vấn đề giáo dục, huấn luyện cán bộ đủ năng lực, bản lĩnh, trình độ lý luận phục vụ cho nhiệm vụ cách mạng.

Cách mạng tháng Tám thành công, hòa cùng cả nước, Nhân dân Nam Bộ phấn khởi, vui mừng xây dựng cuộc sống mới chưa được bao lâu thì ngày 23/9/1945, thực dân Pháp quay trở lại nổ súng hòng biến nước ta thành nô lệ một lần nữa.

Sau khi đã cơ bản hoàn thành tái chiếm các tỉnh khác ở Nam Bộ, ngày 08/02/1946, thực dân Pháp đánh chiếm Bến Tre. Trên khắp các chiến trường, quân dân ta chiến đấu rất anh dũng, nhưng trước sức mạnh quân sự áp đảo của địch, các mặt trận lần lượt bị vỡ, ta phải rút ra khỏi địa bàn trung tâm, chuyển về vùng nông thôn, xây dựng, củng cố lại lực lượng, chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Một yêu cầu đặt ra ở thời điểm này đối với công tác chính trị tư tưởng là phải ổn định, giữ vững niềm tin và rèn luyện, nâng cao bản lĩnh cách mạng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Trong năm 1946, Tỉnh ủy đã giao cho đồng chí Trần Trường Sinh, Tỉnh ủy viên, cán bộ vừa từ Côn Đảo về sau Cách mạng Tháng Tám mở các lớp huấn luyện chính trị ngắn ngày lưu động để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phục vụ yêu cầu kháng chiến. Lớp học do đồng chí trực tiếp giảng dạy. Tham gia hỗ trợ còn có đồng chí Lê Hoài Đôn từ Ban Tuyên truyền về và có thêm vài người giúp việc làm công tác tư liệu, quản trị, đánh máy,... sau đó, có thêm đồng chí Dương Xuân Trọng[[1]].

Tháng 11/1946, khi Đảng rút vào hoạt động bí mật thì Tỉnh ủy thành lập “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin” (do Trần Trường Sinh đứng tên Hội trưởng) và tổ chức Nhà xuất bản Đại chúng, nhà in Đoàn kết để làm cơ quan tuyên truyền Báo Sự thật của Đảng bộ tỉnh đổi thành báo Hy sinh với danh nghĩa là cơ quan ngôn luận của Tỉnh Hội Việt Minh.

Trên lĩnh vực công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đồng chí Trần Trường Sinh tiếp tục được giao nhiệm vụ mở các lớp bồi dưỡng lưu động ngắn hạn, gọi là lớp “lưu huấn đoản kỳ”. Đây là những lớp học ít người, ban đầu mở ở Định Thủy, sau đó dời xuống Ngãi Đăng (Mỏ Cày). Đầu tháng 3/1947, nhằm đào tạo cán bộ quy mô lớn hơn, phục vụ theo yêu cầu kháng chiến. Tỉnh ủy chủ trương mở lớp đào tạo cán bộ tập trung, gọi là Trường Cán bộ Việt Minh do Trần Trường Sinh làm Giám đốc[[2]]. Đây chính là Trường Đảng, trực thuộc Tỉnh ủy, tiền thân của Trường Chính trị tỉnh hiện nay.

Cán bộ giảng dạy đầu tiên của Trường Cán bộ Việt Minh lúc mới thành lập ngoài Trần Trường Sinh, có đồng chí Lê Hoài Đôn, đồng chí Dương Xuân Trọng và một số đồng chí trong Tỉnh ủy được mời đứng lớp. Hai nhân viên An và Cường giúp việc văn thư, đánh máy và in ấn tài liệu. Ngôi trường được dựng lên bằng cây lá tại Bần Mít, làng Thạnh Phong (nay là xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre). Học viên cả tỉnh được chiêu sinh về học ở đây. Tính đến cuối năm 1947, trường mở được 3 lớp, đào tạo gần 200 cán bộ cho cấp tỉnh và chủ chốt cấp quận.

Từ đó đến nay, qua nhiều lần đổi tên (Trường Cán bộ Việt Minh, Trường Đảng Trần Trường Sinh, Trường Đảng Trần Phú,...), hoạt động trong những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau, nhất là trong chiến tranh phải thường xuyên thay đổi địa điểm (Thạnh Phú, Mỏ Cày, Chợ Lách, Bình Đại, Giồng Trôm,...), hình thức tổ chức lớp học cũng thay đổi cho phù hợp nhưng đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Tỉnh ủy giao.

Nhiều thế hệ cán bộ kinh qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng của Trường đã vận dụng tốt kiến thức vào hoạt động thực tiễn. Nhiều đồng chí trở thành cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện, xã, trong đó có những đồng chí được rút về trên (khu, miền,...) tiếp tục phát huy năng lực, sở trường công tác.

Thế hệ các cán bộ tiền bối thời kỳ Trường Cán bộ Việt Minh thành lập đến nay hầu như không còn. Tháng 4/1951, đồng chí Trần Trường Sinh trong thời gian dưỡng bệnh ở Trà Vinh bị trúng bom, hy sinh. Đồng chí Lê Hoài Đôn và Dương Xuân Trọng thì bị địch bắt, tra tấn dã man và hy sinh ngày 26/12/1950 tại cánh đồng An Qui (nay thuộc xã Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày Nam). Do đó, việc gặp nhân chứng để xác định ngày thành lập trường phục vụ công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ giảng viên và học viên của Trường thời gian qua gặp khó khăn.Do vậy, việc xác định ngày thành lập Trường Đảng, nay là Trường Chính trị tỉnh là việc làm cần thiết và ý nghĩa, bởi vì:

Thứ nhất, để phục vụ công tác giáo dục truyền thống về lịch sử xây dựng, phát triển và trưởng thành của Trường Đảng tỉnh qua các thời kỳ; bồi dưỡng niềm tin, lòng tự hào về truyền thống của trường, qua đó củng cố lòng yêu nghề, hăng sai phấn đấu, cống hiến trong đội ngũ cán bộ, giảng viên hôm nay và mai sau.

Thứ hai, đó là ngày truyền thống để hàng năm ôn lại, tưởng nhớ công lao, biểu dương và vinh danh các thế hệ tiền bối, các thầy cô giáo, cán bộ Trường có những đóng góp tiêu biểu, nổi bật cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của tỉnh nhà qua các thời kỳ.

Thứ ba, đây sẽ là mốc thời gian cao điểm để hàng năm nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, các hoạt động chuyên đề gắn với sơ kết, tổng kết nhiệm vụ chính trị định kỳ thường xuyên của Trường qua đó động viên cán bộ, giảng viên nỗ lực phấn đấu, tiếp bước truyền thống để cùng nhau xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh về chuyên môn, nghiệp vụ và tổ chức./.

 


[[1]]. Nguyễn Hữu Minh, “Người tù Côn Đảo trở thành người dạy lý luận Mác-Lênin”, in trong sách Nhớ nguồn, tập 2, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre, Lưu hành nội bộ, 1993, tr.141.

 

[[2]]. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tinh, Bến Tre Đăt và người, Nxb. công an nhân dân, Hà Nội, 2020, tr.399-400.

 

Tin khác