Công tác dân vận với nhiệm vụ tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo

Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ mang tính chiến lược của cách mạng Việt Nam. Trong tình hình hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm cho dân tộc và đất nước ta phát triển bền vững. Để thực hiện thành công nhiệm vụ trên, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh của cả dân tộc. Đó là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội với việc tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo đóng vai trò quan trọng, góp phần tạo sự đồng thuận, đoàn kết, củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của Nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển, đảo.

Đảng ta xác định công tác dân vận có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu lớn nhất của công tác dân vận trong tình hình mới mà Nghị quyết số 25-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” đã nêu: “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.”. Để thực hiện mục tiêu đó, trong công tác tuyên truyền của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội sẽ góp phần giúp mọi người dân cả trong và ngoài nước nâng cao nhận thức và thắp sáng ngọn lửa của tình yêu biển, đảo quê hương. Từ đó, tạo động lực mạnh mẽ để mỗi người dân không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm, đồng lòng đóng góp mọi nguồn lực cả vật chất lẫn tinh thần cùng Đảng và Nhà nước bảo vệ biên giới biển, đảo và xây dựng đất nước giàu mạnh.

Trong thời gian gần đây, trước tình hình căng thẳng tại vùng biển Hoàng Sa khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của nước ta từ ngày 02 tháng 5 đến ngày 15 tháng 7 năm 2014. Với lòng yêu nước nồng nàn, mọi người dân Việt Nam đều quan tâm, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, hàng nghìn người dân đã biểu tình, tuần hành phản đối Trung Quốc, ủng hộ Chính phủ đấu tranh bảo vệ chủ quyền với quy mô rộng khắp các địa phương, kiều bào, du học sinh Việt Nam ở nhiều nước cũng xuống đường thể hiện tinh thần đoàn kết, yêu nước. Nguyên nhân là do ta đã làm tốt công tác tuyên truyền, kịp thời thông tin đến nhân dân diễn biến tình hình trên biển Đông. Bên cạnh đó, lại xảy ra sự việc đáng tiếc ở Bình Dương, Hà Tĩnh, thành phố Hồ Chí Minh,…một số thành phần quá khích lợi dụng tinh thần yêu nước, phản đối Trung Quốc của nhân dân, gây ra các vụ đập phá gây thiệt hại cho một số cơ sở của doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên chính quyền các cấp đã làm tốt công tác khắc phục hậu quả, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, hỗ trợ doanh nghiệp để họ yên tâm sản xuất. Như vậy, qua sự việc trên chúng ta thấy được rằng yêu cầu đặt ra đối với người cán bộ làm công tác tuyên truyền là không chỉ thông tin đến người dân mà còn phải kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, định hướng cho nhân dân hiểu và làm thế nào để sàng lọc thông tin, thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là những thông tin từ mạng Internet, đâu là đúng, đâu là sai lệch, xuyên tạc là việc làm không đơn giản. Vì vậy, vai trò của người làm công tác dân vận là giúp nhân dân hiểu rõ chủ trương, đường lối để thực hiện cho đúng. Hình thành bản lĩnh sàng lọc, “đề kháng” trước những thông tin sai lệch sự thật của các thế lực thù địch là nhiệm vụ của người làm công tác dân vận.

Hiện nay, tình hình biển Đông đã tạm hạ nhiệt nhưng trong thời gian tới việc giải quyết tình hình liên quan đến biển, đảo đang đặt ra những thách thức chiến lược, làm sao vừa phải giữ được độc lập chủ quyền, vừa phải giữ được môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước. Một trong những nhiệm vụ trong công tác tuyên truyền của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội về bảo vệ chủ quyền biển, đảo cần phải tiếp tục đảm bảo khách quan, chính xác chủ trương đường lối của Đảng, kịp thời thông tin đến người dân tình hình biển, đảo. Bên cạnh đó, thông qua các cuộc tuyên truyền, vận động nắm bắt tình hình, tư tưởng của Nhân dân để kịp thời định hướng cho Nhân dân hiểu và thực hiện cho đúng, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc.

Để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, yêu cầu đặt ra là phải không ngừng củng cố, tăng cường sức mạnh quốc gia. Trong đó, nhiệm vụ của công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo cần phải:

Xây dựng thế trận lòng dân, đảm bảo bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc là vấn đề chiến lược, mang tính cấp bách, đòi hỏi Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền biển, đảo cần bám sát thực tiễn tình hình, không ngừng đổi mới nội dung như: Tuyên truyền về các điều khoản và nghĩa vụ cần phải chấp hành các quy định của luật pháp Việt Nam khi hoạt động hoặc tham gia lưu thông trong phạm vi lãnh hải, các vùng nội thuỷ, vùng đảo, quần đảo và khu vực đặc quyền kinh tế trên biển Việt Nam, về các quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc thực thi quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo, quần đảo và các khu vực đặc quyền kinh tế biển. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền như: Công tác tuyên truyền phải được tiến hành sâu rộng trong và ngoài nước, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam thông qua việc sưu tầm, gìn giữ những tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và trên cơ sở của luật pháp quốc tế làm cho mỗi công dân Việt Nam thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với chủ quyền biển, đảo quốc gia. Từ đó, đoàn kết, chung sức, đồng lòng quyết tâm làm chủ, bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, phương pháp tuyên truyền phải phù hợp với trình độ nhận thức của từng đối tượng, cũng như tận dụng có hiệu quả các phương tiện kỹ thuật hiện đại góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, yêu cầu của công tác tuyên truyền về chủ quyền quốc gia biển, đảo đòi hỏi phải có sự chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ từ Trung ương về nội dung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế, lồng ghép chặt chẽ giữa các hoạt động đối ngoại, chính trị, kinh tế,…Qua đó, giúp nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước, cũng như cộng đồng quốc tế hiểu rõ phạm vi chủ quyền  biển, đảo của Việt Nam trên cơ sở lịch sử và Công ước quốc tế về Luật Biển 1982.

Bên cạnh đó, kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận. Bởi vì, hiện nay việc truyền phát thông tin đã phát triển với một tốc độ chóng mặt, đặc biệt là các phương tiện thông tin truyền thông như báo chí, phát thanh, truyền hình,…không còn vai trò độc quyền như trước đây. Nếu trước một sự việc, hiện tượng nào xảy ra ngoài hệ thống này thông tin còn lan nhanh trên các trang mạng xã hội. Khi các thông tin mang tính chủ quan, thậm chí mang mục đích xấu sẽ lan truyền rất nhanh trong đời sống, hình thành về mặt nhận thức đối với người tiếp nhận thông tin và nảy sinh dư luận xã hội thì việc thay đổi nhận thức và dư luận đó không đơn giản. Vì vậy, người cán bộ làm công tác tác dân vận đóng vai trò quan trọng góp phần định hướng về nhận thức, tư tưởng cho Nhân dân.

Tóm lại, nhiệm vụ tuyên truyền chủ quyền biển, đảo nhằm nâng cao nhận thức cho Nhân dân cả trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài cũng như cộng đồng quốc tế là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đóng vai trò quan trọng. Đặc biệt, khi tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền bảo vệ chủ quyền trong bối cảnh hội nhập quốc tế vừa có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Đòi hỏi nhiệm vụ của công tác tuyên truyền của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp truyên truyền và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận nhằm khẳng định, củng cố niềm tin cho nhân dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Qua đó, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh trong và ngoài nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc./.

Đoàn Thị Mao
Khoa Dân vận

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh