Theo từ điển bách khoa toàn thư, Tuyên ngôn là: Lời tuyên bố với mọi người được viết thành văn bản nhân danh một tổ chức, một chính phủ bày tỏ những quan điểm và lập trường về một vấn đề lớn nào đó. Ví dụ: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Tuyên ngôn độc lập...Bất kỳ một Bản Tuyên ngôn nào cũng phải được xây dựng dựa trên một cơ sở pháp lý vững chắc mới có giá trị và được công nhận. Bản Tuyên ngôn mà người viết muốn đề cập ở đây đó chính là Bản Tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt Nam.
Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1945, tuyên bố với nhân dân Việt Nam và thế giới về việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và khẳng định quyền độc lập tự do, ý chí bảo vệ quyền độc lập tự do dân tộc, vạch trần âm mưu xâm lược của kẻ thù.
Trở lại lịch sử của những ngày Tháng Tám rực rỡ, ngày 19 tháng 8 năm 1945 chính quyền Hà Nội về tay nhân dân, ngày 26 tháng 8 năm 1945 Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về đến Hà Nội. Tại căn nhà số 48, phố Hàng Ngang, Bác soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập. Tuyên ngôn độc lập ra đời trong hoàn cảnh nước ta bị nhiều kẻ thù nhòm ngó, muốn xâm chiếm và cai trị. Ở trong Nam, Pháp cho rằng có công khai hóa và bảo hộ Đông Dương nên có ý định lâm le xâm lược nước ta một lần nữa. Ở ngoài Bắc, bọn Tàu Tưởng dưới sự giúp đỡ của Mỹ đang có ý định tiến vào Đông Dương. Hoàn cảnh nước ta lúc đó được ví như “ngàn cân treo sợi tóc”. Việt Nam cần phải tự vươn lên giành độc lập, đồng thời khẳng định độc lập chủ quyền của mình trước nguy cơ bị xâm lược lần nữa. Và rồi Bản Tuyên ngôn đã ra đời trong sự hân hoan chào đón của toàn thể dân tộc Việt Nam. Bản Tuyên ngôn độc lập đã đem lại những giá trị quý báu cho dân tộc Việt Nam. Đó là giá trị về mặt lịch sử lẫn giá trị về mặt văn học. Giá trị về mặt lịch sử, Bản Tuyên ngôn tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân phong kiến ở nước ta và mở ra một kỷ nguyên mới độc lập tự do, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Giá trị về mặt văn học, đây là một bài văn chính luận ngắn gọn, súc tích với lập luận chặt chẽ, đanh thép đầy sức thuyết phục và không ai có thể chối cải được.
Để đạt được những giá trị to lớn như trên, Bản Tuyên ngôn đã được người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc Hồ Chí Minh xây dựng trên một “nền tảng” cơ sở pháp lý vô cùng bền vững.
Mở đầu Bản Tuyên ngôn độc lập, Bác đã trích Bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 và Bản Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền của Pháp.
“Hỡi đồng bào cả nước,
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời nói bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói:
“Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn được tự do về bình đẳng và quyền lợi”.
Đó là những lời lẽ không ai chối cải được”.[1]
Mở đầu Bản Tuyên ngôn không phải ngẫu nhiên mà Người trích dẫn hai bản tuyên ngôn trên, mà vì một lý do vô cùng quan trọng. Bởi vì, đây là hai Bản Tuyên ngôn được thế giới công nhận.
Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ (Hợp chủng quốc Hoa Kỳ). Là văn kiện lịch sử của nhân dân Mỹ trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Anh giành độc lập và thành lập nhà nước Hợp chủng quốc do Oa-sinh-tơn (G. Washington) công bố ngày 04/7/1776. Tuyên ngôn lên án mạnh mẽ chế độ cai trị của nhà vua Anh, khẳng định quyền độc lập của các quốc gia ở Bắc Mỹ, quyền tự do gia nhập các liên minh. Ngày 03 tháng 9 năm 1783, sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường, chính phủ Anh phải ký với Hoa Kỳ “Hiệp ước Vecxay” công nhận nền độc lập của mười ba thuộc địa cũ của Anh ở Bắc Mỹ.
Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp: Là văn kiện lịch sử về quyền con người và quyền công dân của nước Pháp, cách mạng trong cuộc Cách mạng Pháp năm 1789. Tuyên ngôn được công bố trong phiên họp của Quốc hội Pháp, sau khi lật đổ nền quân chủ chuyên chế. Tuyên ngôn khẳng định, quyền tự do bình đẳng của con người, chủ quyền thuộc về nhân dân, quyền lực của nhà vua cùng chế độ đẳng cấp trong xã hội phong kiến bị bãi bỏ, xác nhận quyền sở hữu tài sản tư nhân, quyền tự do dân chủ…
Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp và Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ là hai bản tuyên ngôn được cả thế giới chấp nhận. Đây là bản tuyên ngôn của hai cường quốc lớn có vị trí thống lĩnh trên thế giới. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ba bản tuyên ngôn: Việt Nam, Pháp, Mỹ ngang hàng nhau với lòng tự hào dân tộc. Với hàm ý chỉ sự công bằng ngang nhau giữa ba nước: Việt Nam, Pháp, Mỹ. Từ đây, ba nước đứng ngang hàng nhau với tư cách là những quốc gia độc lập, có quan hệ bình đẳng chứ không còn là quan hệ giữa mẫu quốc và thuộc địa nữa. Không còn quan hệ giữa nước đi xâm lược và nước bị xâm lược mà là quan hệ của những quốc gia độc lập được cả thế giới công nhận. Trong lôgic học, đây được gọi là phương pháp tam đoạn luận. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi từ quyền bình đẳng của con người đến quyền bình đẳng của các dân tộc trên thế giới, trong đó phải có quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Đây là điều không thể nào chối cải được. Người đã lấy lý luận của kẻ thù để chống lại chính kẻ thù bằng chiến thuật “gậy ông đập lưng ông”, vừa kiên quyết vừa khéo léo. Thông qua lý lẽ sắc bén và cơ sở pháp lý vững chắc của bản tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh chặn đứng âm mưu xâm lược của kẻ thù. Bọn chúng không thể nào viện cớ để có cơ hội xâm lược nước ta một lần nữa.
Trên cơ sở pháp lý vững chắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục đi đến cơ sở thực tế. Người đã vạch trần tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta trên các mặt chính trị, kinh tế.
“Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man…Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta,…thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược,…Về kinh tế, chúng bóc lột nhân dân ta đến tận xương tủy…”[2]
Tội ác của thực dân Pháp rành rành không thể nào chối cải được. Một nước lớn tự xưng là văn minh, là hiện đại, luôn hô hào “Tự do, bình đẳng, bác ái” muốn đem nền văn minh đến cho người dân nơi “mai mắn được chúng bảo hộ”. Nhưng lại làm ngược lại với những gì mình nói. Không những thế, bọn Pháp hèn hạ hai lần dâng nước ta cho Nhật. Công cuộc khai hóa của bọn thực dân xâm lược đã làm cho dân ta hơn hai triệu người chết đói, đời sống vật chất thiếu thốn, tinh thần bị đầu độc ma mị. Dân tộc Việt Nam bị “dìm đắm dưới gót sắt đẫm máu của dị tộc”[3]. Dưới sự áp bức bóc lột tàn độc đó, người Việt Nam không thể sống nghèo khổ như trước được nữa, không thể cam chịu bị xâm lược nữa, họ phải vùng lên giành độc lập. Và thời cơ thuận lợi đã đến. Tuyên ngôn đã chỉ rõ:
“Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải của Pháp nữa. Khi Nhật đầu hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sự thật là nhân dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”.[4]
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng hình thức phủ định: “Sự thật là nước ta… chứ không phải. Sự thật là dân ta…chứ không phải”. Để khẳng định nội dung là phủ định hoàn toàn quyền lực và sự tồn tại của Pháp ở Việt Nam. Dựa trên cơ sở thực tế và cơ sở pháp lý bền vững bản tuyên ngôn đã phủ định một cách dứt khoát để khẳng định quyền độc lập tự do chính đáng của dân tộc ta.
Bản Tuyên ngôn nêu bật quá trình giành độc lập của nhân dân ta. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, nhân dân Việt Nam đã làm cuộc Cách mạng tháng Tám thành công. “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để xây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”.[5]
Từ đó đi đến khẳng định mạnh mẽ về độc lập, chủ quyền của nước ta. “Chúng tôi tin rằng”, tỏ vẻ tôn trọng hàm ý bắt buộc kẻ thù phải công nhận quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Sự khẳng định trong lời kết luận được hiểu: Hưởng tự do, độc lập không chỉ là cái quyền phải có, không phải chỉ là một tư cách cần có mà đó là một sự thật, là lời thề thiêng liêng đanh thép của dân tộc Việt Nam. Việt Nam từ chỗ là một mảnh đất được biết đến với tư cách là thuộc địa của Pháp, Nhật. Nhưng qua cuộc cách mạng tháng Tám, qua lời tuyên bố đanh thép của bản Tuyên ngôn độc lập, Việt Nam đã được bạn bè toàn thế giới biết đến với tư cách là một quốc gia độc lập có tên trên bản đồ thế giới, có chính phủ mới, quốc kỳ mới, quốc ca mới, tiến đến một chế độ xã hội mới - chế độ chủ nghĩa xã hội.
Chính một cơ sở pháp lý vững chắc đã tạo nền tảng cho Tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt Nam trở thành áng văn bất hủ sánh với những áng thiên cổ hùng văn, tiếng nói trong bản Tuyên ngôn độc lập đanh thép là tiếng nói chính nghĩa có sức thuyết phục cao đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới. Cơ sở pháp lý trong Tuyên ngôn độc lập sẽ luôn luôn bền vững. Bởi vì, đó là một cơ sở pháp lý chính nghĩa./.
____________________________________________
[1]. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, 1995, tr 555.
[2]. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, 1995, tr 555-556.
[3] .Báo cáo trước Đại hội Quốc tế chống xâm lược tại Liễu Châu. Ngày 16-3-1944. Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh.
[4].Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, 1995, tr 556-557.
[5]. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, 1995, tr 557.
Hồ Thị Thùy Dung
Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh