C.Mác với lý luận hình thái kinh tế - xã hội, cơ sở phân kỳ lịch sử

C.Mác một nhà chính luận cách mạng xuất sắc, một nhà chiến lược và sách lược vô sản sáng suốt, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cuộc đấu tranh giải phóng quần chúng. Người mà ngay trong bài thi tốt nghiệp trung học đã từng tin tưởng rằng người hạnh phúc nhất là người mang lại hạnh phúc cho nhiều người nhất. Người mà gần như suốt cuộc đời nghiên cứu của mình đã phải sống lưu vong nhiều lúc trong cảnh túng bấn ở nhiều nước và nhiều lần bị săn đuổi, bị trục xuất nhưng không bao giờ nhụt ý chí đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng con người vì sự công bằng xã hội. Kỷ niệm 199 năm ngày sinh (5/5/1818) và 134 năm ngày mất (14/3/1883) của ông trong tình hình thế giới đang bước vào giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những biến động dữ dội về mặt chính trị - xã hội, trên cơ sở lịch sử - cụ thể các quan niệm lý luận của C.Mác và rút ra những bài học cho cuộc sống hôm nay, cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Đọc Điếu văn trước mộ C.Mác, Ph.Ăngghen khẳng định: “C.Mác có hai phát kiến vĩ đại: quan niệm duy vật về lịch sử và học thuyết về giá trị thặng dư”[1]. Nếu như học thuyết về giá trị thặng dư thuộc về lĩnh vực kinh tế chính trị học thì nhận thức duy vật lịch sử là cơ sở, là nội dung của triết học mácxít.  Lần đầu tiên, chủ nghĩa duy vật được áp dụng vào việc nhận thức những hiện tượng xã hội và nhờ đó, tính không triệt để của toàn bộ chủ nghĩa duy vật trước Mác đã được khắc phục, đồng thời quan niệm duy vật lịch sử mở đường cho việc nghiên cứu rộng rãi và toàn diện quá trình phát sinh, phát triển và suy tàn của các hình thái kinh tế - xã hội theo quan điểm duy vật. V.I.Lênin khẳng định: “Chủ nghĩa duy vật lịch sử của C.Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học. Một lý luận khoa học hết sức hoàn chỉnh và chặt chẽ đã thay cho sự lộn xộn và sự tùy tiện vẫn ngự trị từ trước đến nay trong các quan niệm về lịch sử và chính trị”[2].

Trước C.Mác, đã có nhiều quan niệm khác nhau giải thích sự vận động của lịch sử hay còn gọi là vấn đề phân kỳ lịch sử. Nhà xã hội học người Italia Vicô (1668 - 1744) đã phân chia các thời kỳ lịch sử như một vòng đời của con người: thơ ấu, thanh niên, thành niên và tuổi già. Hay nhà triết học duy tâm Đức - Hêghen (1770 - 1831) lại phân chia lịch sử loài người thành ba thời kỳ:  phương Đông, Cổ đại và Giécmani. Nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng Pháp - Phuriê (1771 - 1837) đã chia tiến trình lịch sử thành bốn thời kỳ: mông muội, dã man, gia trưởng và văn minh. Nhà nhân chủng học Henry Moócgan (1818 - 1881) thì phân chia lịch sử thành ba thời kỳ chính: mông muội, dã man và văn minh.

Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác đã chỉ ra rằng: tiền đề đầu tiên của mọi quá trình lịch sử đó chính là việc “con người ta phải có khả năng sống đã rồi mới có thể làm ra lịch sử. Nhưng muốn sống được thì trước hết cần phải có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo và một vài thứ khác nữa. Như vậy, hành vi lịch sử đầu tiên là việc sản xuất ra những tư liệu để thỏa mãn những nhu cầu ấy, việc sản xuất ra bản thân đời sống vật chất”[3]. Lịch sử phát triển ấy chẳng qua là lịch sử thay thế nối tiếp nhau của những phương thức sản xuất. Còn nguồn gốc thay đổi của phương thức thức sản xuất, sự mất đi của hình thái kinh tế - xã hội này và sự ra đời của hình thái kinh tế - xã hội khác chính là do mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất (yếu tố động) và quan hệ sản xuất (yếu tố tương đối tĩnh) quyết định. Trong đó, lực lượng sản xuất là yếu tố quan trọng quyết định sự thay đổi và xu hướng thay đổi. C.Mác đã hoàn toàn đúng khi phân tích sự phát triển lịch sử - tự nhiên của xã hội. Ông viết: “Những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì, mà là ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào, với những tư liệu lao động nào?”[4].

Vài thập kỷ gần đây xuất hiện một số cách tiếp cận mới phân chia lịch sử phát triển nhân loại thành văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp, văn minh hậu công nghiệp (hay văn minh tin học, văn minh trí tuệ). Nhà tương lai học người Mỹ, Alvin Toffler đã dựa vào trình độ phát triển nhân loại phân thành ba nền văn minh hay còn gọi là ba làn sóng: văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và văn minh hậu công nghiệp. Hay một số lý thuyết phân kỳ sự phát triển xã hội theo cách tiếp cận phát triển kinh tế. Lý thuyết cất cánh của Giáo sư Walter Wiliam Rostow được trình bày trong tác phẩm Các giai đoạn tăng trưởng kinh tế (The Stages of Economic growth – 1961) nhằm nhấn mạnh các giai đoạn tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Và lý thuyết về “cái vòng luẩn quẩn” và “cú hích” từ bên ngoài” của nhà kinh tế học người Mỹ Samuellson cho rằng một quốc gia muốn đạt được tới sự tăng trưởng và phát triển cần phải có bốn nhân tố: nhân lực, tài nguyên, vốn, kỹ thuật. Tuy nhiên các phương pháp tiếp cận này vấp phải hạn chế căn bản đó chính là chỉ nhấn mạnh một chiều yếu tố lực lượng sản xuất, yếu tố văn minh kỹ thuật bỏ qua vai trò của quan hệ sản xuất, mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất không tính đến các quan hệ giai cấp và đấu tranh giai cấp, những quan hệ vốn có và quyết định sự phát triển của xã hội trong xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp. Vì vậy không vạch ra được bản chất, quy luật của mọi sự biến đổi của xã hội trên những nguyên lý căn bản của đời sống xã hội.

Rõ ràng, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác ra đời cho đến nay, loài người đã có những bước phát triển hết sức to lớn về mọi mặt nhưng học thuyết đó vẫn là một trong những phương pháp khoa học để nhận thức một cách đúng đắn về đời sống xã hội “bởi vì con người làm nên lịch sử chứ không phải đường vòng nào khác. Lịch sử sẽ không làm gì cả, nó không thúc đẩy cuộc đấu tranh nào và tư bản sẽ cố kháng cự sự sụp đổ của chính nó”[5].

Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gọi tắt là “công nghiệp 4.0” đang mở ra cơ hội phát triển và thách thức phi truyền thống rất lớn cho các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Lịch sử phát triển công nghệ và công nghiệp nhân loại đã chứng kiến ba cuộc cách mạng công nghiệp. Từ thế kỷ XVIII với phát minh động cơ hơi nước đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên sản xuất cơ khí thay thế hệ thống kỹ thuật cũ của thời đại nông nghiệp. Cuối thế kỷ XIX với năng lượng điện tạo nên nền sản xuất với các dây chuyền lắp ráp. Cuối thế kỷ XX với vai trò của điện tử, công nghệ thông tin và sản xuất tự động. Giờ đây, thế giới đang nói đến sự khởi đầu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với trí tuệ, kỷ nguyên số và sự phát triển bùng nổ của các công nghệ liên ngành, đa ngành làm thay đổi cơ bản cách con người sống, làm việc và tương tác với nhau theo tốc độ và quy mô mà loài người chưa từng thấy. Điều đó chứng minh dự báo của C.Mác về khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp đã trở thành hiện thực và được thể hiện ở ba nội dung căn bản là: khoa học tạo ra những công nghệ mới, phương pháp tổ chức sản xuất mới và nó còn trực tiếp tạo ra sản phẩm. Đây là những luận thuyết làm cơ sở để khẳng định rằng: ngày nay đầu tư cho khoa học và công nghệ trở thành đầu tư cho phát triển.

Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra với tốc độ rất nhanh.  Nếu tận dụng tốt cơ hội và vượt qua thách thức Việt Nam sẽ có khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến và thực hiện được mục tiêu sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Ngược lại khoảng cách phát triển với các nước đi trước sẽ tiếp tục gia tăng. Việt Nam cần phát huy thế mạnh kết hợp đồng thời nhiều yếu tố vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên sẵn có và nguồn nhân lực phong phú trong đó nguồn nhân lực giữ vai trò then chốt. Đối với các ngành công nghiệp, công nghệ cao chúng ta cần ưu tiên phát triển trung hạn và dài hạn để đón đầu các xu hướng công nghệ mới dựa trên trí tuệ nhân tạo, kỷ nguyên số, Internet kết nối vạn vật, đổi mới việc xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ có loại hình đào tạo và phát triển xu hướng hiện nay.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới quy mô lớn như: Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do (FTA), Liên minh kinh tế Á-Âu…, việc tiếp cận thành tựu cách mạng sản xuất mới để tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhu cầu cấp thiết. Để không bỏ lỡ chuyến tàu phát triển, Đại  hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Tăng cường liên kết giữa các tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp; mở rộng hình thức liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Tăng cường hợp tác về khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ cao, phải là hướng ưu tiên trong hội nhập quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến trên thế giới”[6].

Kế thừa và phát triển quan điểm Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ 2015 - 2020 tiếp tục đề ra những nhiệm vụ và giải pháp thiết thực góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà và hội nhập quốc tế cũng như xây dựng và hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Một trong những nhiệm vụ then chốt là tập trung đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU “Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020”. Phấn đấu đến năm 2020, đầu tư toàn xã hội cho khoa học, công nghệ trên 2% GRDP; giá trị sản phẩm công nghệ cao đạt 30%; sáng chế đăng ký bảo hộ đạt khoảng 90%; tỷ lệ đổi mới công nghệ đạt 20%.

Từ phân tích trên, chúng ta có thể khẳng định rằng, khi công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn liền với việc ứng dụng rộng rãi những tiến bộ khoa học - công nghệ hiện đại cùng với giáo dục - đào tạo được coi là “quốc sách hàng đầu”, nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Sự nghiệp ấy được coi là một cuộc cách mạng toàn diện và sâu sắc trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, thì một trong những cơ sở lý luận và phương pháp luận khoa học, đồng thời cũng là nền tảng tư tưởng chính là học thuyết mácxít về hình thái kinh tế - xã hội.

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đẩy mạnh nghiên cứu, học tập, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin phù hợp với điều kiện cụ thể hiện nay ở nước ta làm rõ những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, những vấn đề cần bổ sung và phát triển cho phù hợp với thực tiễn đất nước và thời đại, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

__________________________________

[1]. C.Mác - Ph.Ăngghen: Tuyển tập, Nxb Sự thật, H.1983, t.5, tr.662;
[2]. V.I.Lênin: Toàn tập, tập 23, tr.53;
[3]. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb.CTQG, H.1993, t.23, tr.269;
[4]. C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, tập 3, tr.40;
[5]. Rius (Eduardo del Rio): Nhập môn Marx, Sđd, tr.132-133;
[6]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H.2016, tr.28.

Nguyễn Trần Phương Hiền
                    Tập sự giảng viên
Khoa Lý luận Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh