Bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, trên cơ sở đường lối chiến lược cách mạng chung, Đảng ta đã từng bước phân tích âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, đánh giá đúng so sánh thế và lực giữa ta và địch trong từng giai đoạn cách mạng để đề ra chủ trương, biện pháp chỉ đạo chính xác, sắc bén, linh hoạt, kịp thời nhằm đánh bại từng chiến lược chiến tranh của địch, tạo ra những bước nhảy vọt làm chuyển biến cục diện chiến tranh dẫn đến thắng lợi hoàn toàn. Kiên định mục tiêu cuối cùng là giành thắng lợi hoàn toàn trở thành nguyên tắc trong chính sách cũng như trong thực tiễn đấu tranh. Tuy nhiên với kẻ thù mạnh, có tiềm lực quân sự như đế quốc Mỹ, cũng là lần đầu đế quốc Mỹ áp dụng chiến lược thực dân kiểu mới, Đảng ta phải vừa đánh vừa tìm hiểu âm mưu kẻ thù tạo nên nghệ thuật lãnh đạo cách mạng biết giành thắng lợi từng bước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
Thắng địch từng bước là một chiến lược khôn khéo và mưu lược của Đảng, là đặc điểm nổi bật trong đường lối cách mạng trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, để thắng địch từng bước trước tiên Đảng phải đánh giá đúng âm mưu thủ đoạn của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai miền Nam, phân tích một cách khoa học chỗ mạnh của đế quốc Mỹ để hạn chế chúng và biết được mặt yếu của chúng để khoét sâu lợi dụng, đồng thời phải đánh giá đúng khả năng của địch và ta để dự kiến chiều hướng phát triển của cuộc chiến tranh mà có kế hoạch chuẩn bị, đối phó. Trên cơ sở đó Đảng ta đề ra chiến lược và sách lược, phương pháp tiến hành sát hợp với từng thời kỳ cụ thể và tương quan lực lượng giữa ta và địch trên toàn miền Nam và từng vùng chiến lược. Tùy tình hình địch - ta ở từng vùng mà Đảng chỉ đạo sử dụng lực lượng chính trị hoặc lực lượng vũ trang hoặc kết hợp cả hai lực lượng đó thực hiện phương pháp bạo lực cách mạng cho phù hợp nhằm giành thắng lợi từng cuộc, từng phần để tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Đó chính là Đảng đã biết dựa vào quy luật khách quan để điều khiển cuộc đấu tranh, thực hiện mục tiêu đó với mức thắng lợi tối đa, mở đường cho cách mạng tiến lên những bước cao hơn và tạo ra triển vọng chắc chắn nhất cho thắng lợi cuối cùng. Ngoài ra phải biết động viên, tổ chức quần chúng đứng lên phá tan từng chính sách của địch, đánh bại từng âm mưu, thủ đoạn của chúng, biết nêu ra và giành cho được từng mục tiêu có thể giành được trong từng thời gian nhất định, trong từng trận chiến đấu, tạo điều kiện đưa phong trào tiến lên bước mới cao hơn. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chúng ta thực hiện đánh lui từng bước, đánh đổ từng bộ phận, tiến lên đánh đổ hoàn toàn, thực hiện khẩu hiệu chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào” từ việc đánh bại các chiến lược: “chiến tranh đơn phương” (1954 - 1960) "chiến tranh đặc biệt" (1961 - 1965), "chiến tranh cục bộ" (1965 - 1968), "Việt Nam hoá chiến tranh" (1969 - 1973) của đế quốc Mỹ và tiến lên thực hiện cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam. Việc thực hiện chủ trương đúng đắn, sáng tạo trên do những nguyên nhân sau:
Một là, do so sánh lực lượng không có lợi cho ta.
Khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, ta phải đương đầu với một tên đế quốc hùng mạnh nhất trên thế giới, mạnh hơn cả thực dân Pháp, lại ngoan cố, kiêu ngạo và sử dụng một kiểu chiến tranh leo thang chưa từng có trong tiền lệ lịch sử. So sánh về tương quan lực lượng khi bước vào cuộc chiến tranh ta yếu về mọi mặt, cả lực lượng, cả vũ khí trang bị, nếu ta không đánh giá đúng đối tượng sức mạnh của Mỹ và chính quyền tay sai mà dồn lực lượng ra đánh vài trận thì chắc chắn chúng ta sẽ thất bại. Vì vậy ta phải áp dụng chủ trương trên cơ sở nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, phải biết đánh bại từng bước, đánh đổ từng bộ phận, đánh thắng từng bước tiến lên đánh bại hoàn toàn đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Đến đầu năm 1965, trước sự phá sản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ đã mở chiến lược “chiến tranh cục bộ” ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ và quân chư hầu vào trực tiếp xâm lược miền Nam. Trước tình thế cách mạng mới, hội nghị Trung ương Lần thứ 11 tháng 3-1965 và lần thứ 12 tháng 12-1965 của Đảng đã họp và khẳng định: Đế quốc Mỹ đưa quân vào miền Nam mặc dù được trang bị hiện đại nhưng trong thế bị động và đầy mâu thuẫn, nên so sánh lực lượng giữa ta và địch không có gì thay đổi và hạ quyết tâm đánh bại “chiến tranh cục bộ”. Sau khi đánh giá so sánh lực lượng hai miền, Hội nghị đã xác định nhiệm vụ chung của cách mạng nước ta lúc này là: Kiên quyết đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Phương châm chiến lược mà Đảng ta đưa ra vẫn là đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính đồng thời tùy hoàn cảnh mà cần phải cố gắng cao độ, tập trung lực lượng của cả hai miền để tranh thủ thời cơ, giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn trên chiến trường miền Nam. Tư tưởng chỉ đạo là kiên quyết tiến công, tiến công liên tục, đánh lui từng bước, đánh bại từng âm mưu thủ đoạn, kéo địch xuống thang chiến tranh, từng bước tiến lên giành thắng lợi cuối cùng.
Hai là, do vừa đánh vừa phải tìm hiểu âm mưu thủ đoạn của kẻ thù.
Trong quá trình đấu tranh ta phải phân tích chính xác âm mưu, thủ đoạn và khả năng hành động của đế quốc Mỹ đối với Việt Nam và trong các mối quan hệ quốc tế đương thời. Mỹ mang dã tâm xâm lược nước ta nhưng tính chất là phi nghĩa, không thể lừa bịp mãi nhân dân và quốc hội Mỹ. Nước Mỹ tuy giàu có bậc nhất thế giới, song không phải Mỹ muốn huy động bao nhiêu lực lượng vào cuộc chiến tranh xâm nước ta cũng được. Mỹ có chiến lược toàn cầu phản cách mạng nhưng không phải lực lượng của Mỹ ở đâu cũng mạnh, chúng cũng phải tự kiềm chế. Chẳng hạn, sau thất bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” với mục tiêu: một mặt, Mỹ rút dần quân về nước để đánh lừa dư luận, mặt khác càng tăng cường hỏa lực ở mức tối đa; mở rộng chiến tranh sang cả Lào và Campuchia thực hiện “Đông Dương hóa chiến tranh”; triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc để cô lập và gây sức ép với ta.
Trước tình hình mới, hội nghị Bộ chính trị đã họp tháng 4 - 1969 và hội nghị Trung ương 18 tháng 1-1970 trên cơ sở phân tích âm mưu đầy mâu thuẫn của Mỹ đó là: Mỹ buộc phải xuống thang chiến tranh nhưng Mỹ muốn xuống thang chiến tranh trong thế mạnh; Mỹ buộc phải rút quân nhưng lại muốn cho quân ngụy mạnh lên để đối phó với ta; Mỹ muốn giảm thương vong và chiến phí cho quân Mỹ nhưng buộc phải rút quân nhỏ giọt. Đây chính là chỗ yếu cơ bản của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” mà chúng ta cần lợi dụng. Vì vậy, Đảng đề ra chủ trương, nhiệm vụ trước mắt là động viên sự nỗ lực cao nhất của toàn đảng, toàn quân, toàn dân trên cả hai miền, phát huy thắng lợi đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh công kích, tổng khởi nghĩa.
Cuối năm 1972, muốn thương lượng và kết thúc chiến tranh trên thế mạnh, Mỹ đã tráo trở mở chiến dịch tập kích bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng như một canh bạc cuối cùng nhằm khuất phục dân tộc ta từ ngày 18 - 29 tháng 12 - 1972. Một lần nữa, dân tộc Việt Nam đứng trước thách thức của lịch sử. Nhưng nhờ dự đoán đúng tình hình, Đảng đã chủ động chuẩn bị lực lượng đối phó trong mọi tình huống, quân và dân ta đã làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari và rút quân về nước. Như vậy, giành thắng lợi từng bước, đánh thắng địch từng bộ phận, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn trở thành quy luật của cách mạng Việt Nam trong chiến tranh.
Trong giai đoạn 1973 - 1975. Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân đánh bại từng hình thức chiến tranh, từng biện pháp chiến tranh, từng chủ trương chiến lược chiến tranh của địch, kết hợp với xây dựng lực lượng để tiến lên đánh bại hoàn toàn kẻ thù. Mặc dù rút quân, nhưng Mỹ vẫn ngoan cố phá hoại hiệp định Pari, vẫn tiếp tục sử dụng ngụy quân, tiếp tục thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Mỹ đã trang bị cho ngụy quân thành quân đội mạnh, thay thế quân viễn chinh Mỹ, cố giành lại thế chủ động trên chiến trường. Với quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, Hội nghị 21 của Ban chấp hành Trung ương tháng 7-1973 đã phân tích tình hình và đưa ra chủ trương: Kiên quyết chủ động tiến công, tạo thời cơ, tiến lên giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất đất nước. Nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là đấu tranh trên cả 3 mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao. Nhiệm vụ giành quyền làm chủ, phát triển thực lực cách mạng vừa là yêu cầu bức thiết, vừa cơ bản trong giai đoạn mới, nhằm tạo thế, lực và thời cơ chuẩn bị giải phóng miền Nam; miền Bắc tranh thủ những điều kiện hiện có, ra sức chi viện cho miền Nam. Thực hiện chủ trương trên, quân và dân miền Nam đã kiên quyết phản công địch, chủ động mở những cuộc tiến công mới, giành thắng lợi trên khắp các chiến trường. Chiến thắng Phước Long ngày 6 -1-1975, báo hiệu khả năng ta hoàn toàn có thể giành thắng lợi, tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam. Phát huy thế tiến công bằng chiến dịch Tây Nguyên từ ngày 4 - 24 tháng 3 -1975, sau đó là chiến dịch Huế - Đà Nẵng từ ngày 21 - 29 tháng 3 - 1975, nổ ra và giành thắng lợi tạo điều kiện cho cuộc tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn ở miền Nam. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 được kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử từ ngày 26 - 30 tháng 4 - 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Ba là, do vừa đánh vừa xây dựng lực lượng, cách đánh, chủ trương cho phù hợp.
Đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam Việt Nam làm cho cách mạng Việt Nam nổi lên những mâu thuẫn mới. Đó là mâu thuẫn giữa đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai với nhân dân Việt Nam và mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản ở miền Bắc. Do hoàn cảnh lịch sử và những khó khăn mà chúng ta phải giải quyết, nhất là sau 9 năm kháng chiến chống Pháp, Đảng ta xác định cùng một lúc không thể giải quyết được cả 2 mâu thuẫn đó; mà lúc này vấn đề bức xúc nhất cần phải giải quyết là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam đặc biệt là nhân dân miền Nam với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Vì vậy Đảng ta xác định nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là: Kiên quyết đấu tranh chống đế quốc xâm luợc và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm - tay sai của Mỹ, thực hiện độc lập dân tộc và các quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống của nhân dân, giữ vững hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ. Xuất phát từ kinh nghiệm của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ta cũng đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ những thắng lợi nhỏ đến thắng lợi lớn, từ yếu đến mạnh, đánh bại từng chiến lược chiến tranh của kẻ thù, tiến lên đánh đòn quyết định giành thắng lợi.
Như vậy trong 21 năm kháng chiến, chúng ta đã sáng tạo ra nghệ thuật thắng địch từng bước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Nhờ đó, lực lượng cách mạng luôn luôn nắm quyền chủ động, bắt địch phải hành động theo ý đồ chiến lược và cách đánh của ta. Địch muốn “đánh nhanh, thắng nhanh”, ta bắt chúng phải đánh kéo dài. Địch tìm cách phân chia trận tuyến, sử dụng chiến thuật tiến công trận địa để phát huy sức mạnh hỏa lực phi pháo, ta tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân “cài răng lược”, “bám thắt lưng địch mà đánh”, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị, binh vận trên 3 vùng chiến lược, đẩy địch vào thế bị động lúng túng chống đỡ. Ta không bị hút theo cách đánh của địch mà buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta. Nhờ sử dụng nghệ thuật thắng địch từng bước, ta đã tạo ra được những điều kiện và thời cơ tốt để đánh thắng từng chiến lược, chiến thuật của địch, buộc địch vào thế phải chịu thua. Ðảng ta trên cơ sở khách quan, khoa học, đã đánh giá chính xác tình hình, phân tích rõ những điểm mạnh yếu của địch và của ta để đề ra nhiệm vụ, mục tiêu cho phù hợp. Ðảng đã quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công cho toàn quân, toàn dân, liên tục tiến công địch, liên tục tạo thế và lực, nắm vững thời cơ, đánh bại từng biện pháp và kế hoạch chiến lược của địch góp phần đưa đến thắng lợi toàn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cắm mốc son chói lọi trong tiến trình đi lên của lịch sử dân tộc. Đây là kinh nghiệm quý báu, cần tiếp tục được nghiên cứu, tổng kết để vận dụng vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay./.
Đoàn Thị Mao
Khoa Dân vận