Sinh thời Bác Hồ đã từng nói “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”, câu nói của Bác đã khẳng định giá trị cơ bản của một con người và nó lại càng đúng với đạo đức của một người thầy. Bác dạy “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hoá, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức”[1].
“Tài” chính là tài năng, kiến thức, hiểu biết, kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm sống để con người có thể hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất, đặc biệt là trong những hoàn cảnh khó khăn, những tình huống phức tạp. Người có “tài”, là đem hết tài năng của mình ra phục vụ Tổ quốc, nhân dân thì đều đó rất đáng trân trọng, cái tài giỏi đó được công nhận. Ngược lại, người có tài mà chỉ biết vun vén cho riêng mình không giúp ích được gì cho dân, cho nước thì đó quả là người vô dụng. Mặt khác, có tài mà làm những việc xấu, trái với đạo đức thì không những là kẻ vô dụng mà còn là có hại, cái tài đó sẽ không được xã hội xem trọng. “Đức” chính là đạo đức, tư cách tác phong, lòng nhiệt tình, những khát vọng “chân, thiện, mĩ…”. Người có “đức” biết tôn trọng và bảo vệ chân lý, dám đấu tranh với sai lầm, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân cho quyền lợi của tập thể. Đạo đức là phẩm chất không thể thiếu của một con người. Tuy nhiên, theo Bác thì người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Người có đức mà không có tài cũng chẳng khác gì ông bụt ngồi trong chùa. Tài năng thì giúp cho chúng ta hoàn thành công việc một cách dễ dàng, vì vậy có đức mà không có tài thì làm việc khó thành công, khó đạt được kết quả như ý muốn. Nhiều khi vì không có tài năng, họ đã làm hỏng mọi việc làm ảnh hưởng đến sự nghiệp chung.
Như vậy, trong một con người “tài” và “đức” phải luôn song hành với nhau. Đây là hai phạm trù khác nhau nhưng giữa chúng có mối liên hệ biện chứng với nhau. Trong mỗi con người cái “tài”, cái “đức” không phải ngẫu nhiên mà có, mà hai chữ ấy phải được vun đắp, trao dồi và phải được giáo dục ngay từ tấm bé. Việc dạy chữ (dạy cái tài) và dạy người (dạy cái đức) phải luôn luôn đi song song với nhau, không được xem nhẹ hay buông bỏ một trong hai mặt ấy. Có như vậy con người mới phát triển toàn diện được.
Đạo đức của người Thầy, thể hiện ở việc tâm huyết với nghề nghiệp, sự tâm huyết, tận tụy với nghề nghiệp trước hết phải có tri thức về nghề nghiệp. Muốn có tri thức thì phải học. Trong một lần Người về nói chuyện với thầy và trò Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc 9/1949 (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Người đã đặt bút ghi trong trang đầu quyển sổ vàng của nhà trường “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, tổ quốc và nhân loại”[2]. Theo Bác, học ở đây không phải là làm quan to, quan nhỏ mà là học để có tri thức, học để có đạo đức cách mạng. Trước hết là “học để làm việc”, để nuôi sống bản thân mình, nuôi sống gia đình và làm giàu cho xã hội. Người thầy cũng vậy, muốn làm được việc, truyền thụ được tri thức thì phải học, học những tri thức tự nhiên, xã hội,…tiếp thu tích lũy những kiến thức trong quá trình học tập, từ đó áp dụng những tri thức mình đã học có sự sáng tạo linh hoạt vào thực tiễn làm việc thì mới gặt hái được kết quả.
“Học làm người”, làm người ở đây không phải con người đơn thuần về mặt sinh học. Mà là con người có đủ đức, đủ tài. Làm người thầy phải luôn trau dồi tri thức, phải sống có tình, có nghĩa, phải biết “mình vì mọi người”. Phải biết đến làm thầy là như thế nào rồi thì mới nghĩ đến chuyện dạy người khác. Người giáo viên ngoài việc phải có tri thức thì cần phải biết “Cần, kiệm, liêm, chính”, có như vậy khi đứng trên bụt giảng mới có sức thuyết phục được đối tượng cần truyền đạt. Đạo đức người thầy còn thể hiện sự tận tụy với công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, tổ quốc và nhân loại”[3], người thầy có tri thức phải đem hết lòng nhiệt thành của mình truyền dạy, gợi mở những tri thức mà mình đã học, đã biết cho người học. Tận tụy với công việc còn thể hiện người cán bộ giảng dạy phải luôn trau dồi tri thức, luôn tiếp thu cái mới để bài giảng được phong phú, đa dạng và người học dễ tiếp thu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh rằng, học lý luận thôi chưa đủ, “công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đòi hỏi Đảng ta phải nắm vững khoa học và kỹ thuật, do đó mỗi đảng viên đều phải cố gắng học tập văn hoá, học tập khoa học và kỹ thuật”, phải được huấn luyện về nghề nghiệp. Người thầy còn phải thâm nhập thực tế, tìm hiểu giữa lý thuyết và thực tế có giống nhau hay không. Mỗi cán bộ giảng dạy đều phải học, đặc biệt là “làm việc gì học việc nấy”, “cán bộ ở môn nào phải học cho thạo công việc ở trong môn ấy” để cùng với phẩm chất đạo đức tốt của người đảng viên cộng sản, trên nền tảng tư tưởng tốt, người cán bộ giảng dạy còn phải là những nhà chuyên môn, quản lý giỏi.
Đạo đức người thầy còn thể hiện ở sự công bằng. Sự công bằng là phương thuốc hữu hiệu nhất để kích thích sự năng động, sáng tạo, dám trình bày những ý kiến của mình. Bác Hồ đã nói “Không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng”[4]. Tuy nhiên, nhìn lại thực tế không ít những cán bộ giảng dạy chưa thực công bằng, do đặc thù là dạy những cán bộ đã kinh qua công tác, hoặc những cán bộ có chức có quyền nên đôi khi còn vị nể hoặc vì lý do nào đó mà mất đi sự công bằng làm ảnh hưởng đến chuẩn mực đạo đức của một người thầy.
Người thầy phải thực hiện tự phê bình và phê bình thường xuyên, nghiêm túc; thường xuyên học tập nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.
Để kết thúc bài viết này xin mượn câu nói của nhà giáo dục học vĩ đại Cô-men-xki đã từng nói: “Dưới ánh mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học” và Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục, không có giáo dục thì không có cán bộ, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hoá”[5].
Muốn có tầm nhìn xa, muốn xử lý đúng trong mọi tình thế thì mỗi người thầy nhất định phải tự hoàn thiện, không ngừng học tập và tu dưỡng suốt đời. Như vậy mới có đủ “đức” và “tài” - tiêu chuẩn của một người thầy và vấn đề này không chỉ là yêu cầu cấp bách, mà đồng thời còn là hành động thiết thực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà trong giai đoạn hiện nay.
_______________________________
[1], [5]. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 9, 2002, tr.492.
[2]. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 5, 2002, tr.684.
[3]. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 2, 2002, tr.684.
[4]. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 12, 2002, tr.185.
Võ Văn Chỉ
Học viện Chính trị khu vực IV