Không phải ngẫu nhiên mà UNESCO phong tặng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh liền một lúc hai danh hiệu vinh dự là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, bởi vì cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người là tấm gương mẫu mực cho mỗi con người Việt Nam nói riêng và cho toàn nhân loại nói chung một tư tưởng sáng ngời, đó là việc kế thừa và phát huy tinh thần độc lập dân tộc của Việt Nam trong thời đại mới.
Kỷ niệm 123 năm ngày sinh của Người (19/5/1890 – 19/5/2013), 102 năm ngày Người rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước (05/6/1911- 05/6/2013). Hơn một thế kỷ đã trôi qua nhưng những giá trị lý luận và thực tiễn của việc kế thừa và phát huy tinh thần độc lập dân tộc của Việt Nam trong thời đại mới đến nay vẫn còn nguyên giá trị của nó.
1. Đi tìm thực chât của cái gọi là Tự do – Bình đẳng – Bác ái nhằm định hướng cho con đường cách mạng Việt Nam.
Trở lại với bối cảnh lịch sử Việt Nam trước 1930, đó là giai đoạn đen tối của cách mạng Việt Nam trong sự khủng hoảng về đường lối cứu dân, cứu nước.
Ngày 01/9/1858 thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, triều Nguyễn đầu hàng. Nhân dân ta đứng lên chống Pháp với các phong trào mang nhiều khuynh hướng, tư tưởng khác nhau song tất cả đều thất bại mà một trong những nguyên nhân sâu xa chính là chưa có một đường lối cứu dân, cứu nước đúng đắn.
Đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử, ngày 5/6/1911 tại bến Nhà Rồng, Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước. Đi tìm thực chất của cái gọi là Tự do – Bình đẳng – Bác ái nhằm định hướng cho con đường cách mạng Việt Nam.
Từ năm 1911 – 1917, Người đi nhiều nước trên thế giới và đã rút ra kết luận: Ở đâu cũng vậy, bọn đế quốc chuyên đi áp bức bóc lột người khác, còn người lao động thì bị bóc lột. Dù cho da trắng, da màu hay da vàng, trên thế giới chỉ có hai loại người, đó là loại người đi áp bức, bóc lột và loại người bị áp bức, bóc lột.
Sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc trở về Pháp năm 1917 và gia nhập Đảng xã hội Pháp năm 1919. Đến tháng 6 năm 1919, Nguyễn Ái Quốc gửi Bản yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Vécxây.
Từ tháng 7 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I. Lênin đăng trên báo Nhân đạo, số ra ngày 16-17/7/1920. Luận cương của V.I. Lênin với 12 luận điểm đặc biệt quan trọng, đề cập đến những vấn đề mà Nguyễn Ái Quốc đang trăn trở: Như quyền bình đẳng thực sự giữa các dân tộc; tình đoàn kết chiến đấu giữa giai cấp vô sản ở các nước tư bản và cuộc đấu tranh của nhân dân ở các thuộc địa; về vấn đề chính quyền…đã đem đến Nguyễn Ái Quốc một định hướng chính trị rõ ràng và Người khẳng định chắc chắn: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!” Người đã tìm được đường lối cứu nước: Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng rồi đi tới xã hội cộng sản tức là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Tháng 12 năm 1920: tại Đảng xã hội Pháp (Đại hội Tua), Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.
Năm 1921: thành lập Hội liên hiệp thuộc địa, Người đã tập hợp lực lượng chống thực dân.
Vào tháng 1/1922, nhằm xây dựng một diễn đàn của nhân dân các nước thuộc địa và tạo ra một hình thức đấu tranh mới, Nguyễn Ái Quốc và Ban thường vụ Hội Liên hiệp thuộc địa đã thống nhất quyết định thành lập “Hội hợp tác Người cùng khổ” và ra tờ báo “Người cùng khổ”. Người đã tham gia viết bài cho các báo Nhân đạo, Đời sống công nhân, viết sách Bản án chế độ thực dân Pháp.
Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc sang Liên Xô dự Hội nghị Quốc tế Nông dân.
Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 5.
Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc trở về Quảng Châu (TQ) để tuyên truyền, xây dựng tổ chức cách mạng cho nhân dân Việt Nam.
Tháng 2 năm 1925, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn, giác ngộ một số thanh niên tích cực trong Tâm Tâm Xã, lập ra Cộng sản Đoàn, mở lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cách mạng,...
Tháng 6 năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Ra báo Thanh Niên là cơ quan ngôn luận của Hội.
Đầu năm 1927, tác phẩm Đường Kách Mệnh gồm những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc ở các lớp huấn luyện tại Quảng Châu được xuất bản.
Tháng 7 năm 1925, cùng với một số nhà yêu nước Triều Tiên, Indonesia,... Nguyễn Ái Quốc lập ra Hội Liên hiệp các Dân tộc bị áp bức ở Á Đông.
Cuối năm 1929, từ Xiêm (Thái Lan) về Hương Cảng (TQ) triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng. Đầu năm 1930: Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản ở Hương Cảng (TQ) thành một Đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Giai đoạn từ 1921 đến 1930, Người đã viết những tác phẩm và tạo tiếng vang lớn ngay từ khi ra đời, thức tỉnh lương tri của những con người yêu tự do, bình đẳng, bác ái, hướng các dân tộc bị áp bức đi theo con đường Cách mạng tháng Mười Nga và chủ nghĩa Mác – Lênin, thắp lên ngọn lửa đấu tranh cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam. Đó là tác phẩm ThíBản án chế độ thực dân Pháp.
Với tác phẩm Đường Kách mệnh, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra rằng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, vì vậy phải động viên, tổ chức và lãnh đạo đông đảo quần chúng vùng lên đánh đuổi kẻ thù. Đường cách mệnh cũng chỉ rõ rằng cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, cần được sự giúp đỡ quốc tế, nhưng không được ỷ lại mà cần chủ động, tự cường. Đường cách mệnh khẳng định muốn đưa cách mạng đến thắng lợi thì cần phải có sự lãnh đạo của một Đảng cách mạng…
Ngoài ra Người đã chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam với Cương lĩnh năm 1930 đã hoàn tất con đường của cách mạng Việt Nam đó là: Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Đây là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, tuy còn vắn tắt nhưng nó thể hiện là một Cương lĩnh cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn và sáng tạo, biết kết hợp đúng đắn vấn đề dân tộc và giai cấp, thấm đượm tính dân tộc và tính nhân văn, với tư tưởng chủ yếu là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
2. Từ thực tế tình hình thế giới và Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước tìm đến chủ nghĩa Mác-Lênin và khẳng định con đường cứu nước, giải phóng dân tộc: Muốn cứu nước, muốn giải phóng dân tộc không còn con đường nào khác con đường CMVS.
Tháng 3/1919, tại Đại hội lần thứ năm của Quốc tế Cộng sản, V.I.Lênin sáng lập Quốc tế ba, cũng từ đây, Người bỏ phiếu tán thành Quốc tế ba (Quốc tế cộng sản) cột mốc đánh dấu Nguyễn Ái Quốc tìm đến chủ nghĩa Lênin và khẳng định: Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng học thuyết cách mạng nhất và chủ nghĩa chân chính nhất là chủ nghĩa Lênin. Nguyễn Ái Quốc khẳng định V.I.Lênin là người “đã đặt cơ sở cho một kỷ nguyên mới, thực sự cách mạng trong các nước thuộc địa”.
Từ đó, Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh: “Vì chúng ta tự coi mình là học trò của V.I.Lênin, nên chúng ta cần phải tập trung tất cả sức lực và nghị lực để thực hiện những lời di huấn quý báu của V.I.Lênin đối với chúng ta về vấn đề thuộc địa cũng như các vấn đề khác. Tháng 7/1969, trả lời phỏng vấn của đồng chí Sác-lơ Phuốc-ni-ô, phóng viên báo Nhân đạo, về chủ nghĩa Lênin và cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Chủ nghĩa Lênin như cái cẩm nang thần kỳ và V.I.Lênin cùng những lời dạy của Người luôn có mặt trong cuộc chiến đấu chống lại sự thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, trong công cuộc xây dựng CNXH của nhân dân Việt Nam. Đồng thời do cố gắng vận dụng những lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, “nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng tôi đã giành được những thắng lợi to lớn”.
Hồ Chí Minh tiếp thu CNMLN và rút ra những vấn đề sau:
- Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc phải đi theo con đường CMVS, con đường do giai cấp công nhân lãnh đạo.
“Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường CMVS”.
- Giải phóng dân tộc Việt Nam là vấn đề trên hết, trước hết, ĐLDT phải gắn liền với CNXH.
“Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi, lửa nóng”.
- Giải phóng dân tộc là cơ sở, tiền đề cho giải phóng giai cấp, giải phóng con người một cách triệt để nhất.
- Giữ vững độc lập dân tộc mình, đồng thời tôn trọng độc lập dân tộc khác.
Con đường CMVS mả Nguyễn Ái Quốc khẳng định chính là con đường ĐLDT gắn liền với CNXH đó là sự kế thừa và phát huy tinh thần độc lập dân tộc của Việt Nam trong thời đại mới.
Đây là đóng góp to lớn nhất của Nguyễn Ái Quốc không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà còn cho cả các dân tộc thuộc địa, loài người tiến bộ trên thế giới.
3. Từ Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền đến Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945 cùng khẩu hiệu: Không có gì quý hơn độc lập, tự do chính là sự kế thừa và phát huy tinh thần độc lập dân tộc.
Bản tuyên ngôn độc lập của Mỹ 1776, khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc
Bản Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới:
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập.
Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.
Người kế thừa và phát huy hai bản Tuyên ngôn thời Lý - Trần là Sông núi nước Nam của Lý Thường Kiệt và Bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Từ đó khẳng định tinh thần ĐLDT và bản chất nhân văn của cách mạng Việt Nam.
Thông qua lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 và Lời kêu gọi Toàn quốc chống Mỹ cứu nước 1967.
Một lần nữa Người khẳng định tinh thần ĐLDT và bản chất nhân dân của cách mạng Việt Nam trong xây dựng CNXH ở miền Bắc và tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam tiến tới thống nhất đất nước.
4. Từ thực tế tình hình cách mạng Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo, dự đoán sự tất thắng của tinh thần độc lập dân tộc.
Ngay từ Cương lĩnh đầu tiên 1930 Người khẳng định: Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản là sự dự báo, dự đoán đầu tiên cho cách mạng Việt Nam.
Trong bài Việt Nam quốc sử diễn ca, Bác dự báo năm 1945 cách mạng sẽ thành công. Trước khi đế quốc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, Bác dự báo Mỹ chỉ thua Việt Nam trên bầu trời Hà Nội
Trong các bài thơ chúc tết của Bác (1968, 1969) là những dự báo sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam trên cơ sở cuối bài thơ bao giờ cũng là lời kêu gọi. Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
Còn non, còn nước, còn người,
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!
Dù khó khǎn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng nhiệt huyết, hết lòng vì nước, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng và toàn dân tộc ta một hệ thống lý luận và thực tiễn hết sức sâu sắc về sự kế thừa và phát huy tinh thần độc lập dân tộc của Việt Nam trong thời đại mới, không chỉ góp phần to lớn và quyết định vào thắng lợi của dân tộc trong những năm qua mà còn có ý nghĩa chỉ đạo lâu dài cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta.
Hơn một thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Người ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước tìm đến CNMLN và khẳng định con đường phát triển của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, những giá trị lý luận và thực tiễn của con đường đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH ở Việt Nam đến nay vẫn còn nguyên giá trị của nó.
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ CNXH ở Việt Nam hiện nay với những thành tựu to lớn về lý luận và thực tiễn của hơn 25 năm đổi mới càng khẳng định cơ sở vững chắc những giá trị lý luận và thực tiễn của con đường đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH ở Việt Nam là hiện thực. Chúng ta hoàn toàn có đầy đủ điều kiện, tiền đề để biến những hoài bão của Người trở thành hiện thực./.
ThS Nguyễn Thành Phương
Trưởng khoa LL MLN, TTHCM