Bác Hồ kính yêu của dân tộc Việt Nam, Người cống hiến cả cuộc đời mình vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân; vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ cho nhân dân Việt Nam. Bác khẳng định mục tiêu của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc là độc lập, tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Vì độc lập tự do mà không đem lại hạnh phúc cho nhân dân thì độc lập ấy không mang lại ý nghĩa đích thực. Chính vì lẽ đó, 79 mùa xuân của Bác Hồ là bảy mươi chín năm Bác sống, làm việc, cống hiến cả cuộc đời vì “dân”, “dân” luôn là nỗi niềm ẩn chứa trong trái tim Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sinh ra trong cảnh nước mất, nhà tan, chứng kiến “dân” phải chịu cảnh áp bức, thống khổ, người thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh sau nhiều năm trăn trở đã quyết ra đi tìm con đường cứu nước giải phóng cho dân tộc vào ngày 5/6/1911. Bác ra đi với hai bàn tay trắng, chịu bao nhiêu khó khăn, gian khổ là cuộc đời bồi tàu lênh đênh qua các đại dương, rồi đốt lò, quét tuyết, phụ bếp ở Luân Đôn, vừa kiếm sống, vừa tìm tòi học hỏi để tìm lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc.
Sau 10 năm Bác đi tìm hình của nước, Bác đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, đến với tư tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, khi tiếp xúc: “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin Bác sung sướng đến phát khóc, theo Chế Lan Viên đã viết:
Luận cương đến với Bác Hồ. Và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
Tưởng bên ngoài đất nước đợi mong tin.
Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc:
“Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”
Hình của Đảng lồng trong hình của Nước.
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười…
Bác vui mừng vì đã tìm thấy ở đó một chân lý, con đường cứu nước, cứu dân và giải phóng người lao động, Bác nói rằng: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” ([1])
Hình ảnh của dân tộc vẫn luôn in đậm trong tim Bác, 30 năm bôn ba nước ngoài với bao hy sinh, gian khổ, vừa kiếm sống vừa hoạt động cách mạng trong điều kiện vật chất thiếu thốn ở Pari,…đã làm cho Bác bị nhiễm lao, phải nghỉ việc, điều trị một thời gian. Cũng trong khoảng thời gian năm 1931 – 1933 Bác bị giam giữ trong nhà ngục Víchtoria của đế quốc Anh, bệnh lao phổi lại tái phát, Bác phải chuyển đến bệnh viện của nhà tù để điều trị, Bác chịu mọi gian khổ chỉ vì “dân” để đi tìm độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân.
Đầu năm 1941, Bác về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Với tài năng, trí tuệ, ý chí quyết tâm của một người yêu nước, một chiến sĩ cộng sản, Bác đã dẫn dắt cho nhân dân ta đi đến những thắng lợi lớn. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công trong cả nước, chế độ thực dân hơn 80 năm, chế độ phong kiến hàng nghìn năm đã bị lật nhào! Chính quyền cách mạng đã thuộc về nhân dân! Nền độc lập của Tổ quốc đã được giành lại! Tự do của nhân dân đã được hồi sinh! Lịch sử của Việt Nam đã mở ra những chương mới!
Ngày 2/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong giờ phút thiêng liêng ấy, giữa tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô nhiệt liệt của nhân dân, Bác chợt dừng lại hỏi: “Đồng bào nghe tôi nói có rõ không?”. Nhân dân trước kia chịu nô lệ, lầm than. Vậy mà trong giờ phút thiêng liêng lại được Bác đặt ở vị trí quan trọng, hỏi một cách thân thiện và trìu mến.
Đến khi Bác trở thành vị lãnh tụ cách mạng, Bác vẫn không ngừng lo nghĩ đến lợi ích của “dân”, “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi” ([2])
Bác là thế, luôn nghĩ đến lợi ích và vui sướng cho mọi người, quên mình vì người khác. Mà ở đây người khác là ai? Là dân, là đồng bào, Bác Hồ quên mình để hy sinh, phục vụ, đem lại niềm hạnh phúc cho nhân dân.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa được thành lập lại phải đối diện với bao khó khăn, thử thách từ ba thứ giặc, đặc biệt là giặc đói do Pháp - Nhật gây ra. Trong tình cảnh khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra những việc cần làm ngay “Nhân dân đang đói tôi đề nghị Chính phủ phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất. Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn nghĩ đến người đói khổ chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hiện trước cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi bữa một bơ gạo đem gạo đó biếu dân nghèo”. Vậy là cứ ba ngày Bác nhịn một bữa để góp gạo cứu đói cho đồng bào.
Bác Hồ trăn trở, lo lắng và dành muôn vàn tình yêu thương của mình cho dân. Điều đó thể hiện rõ trong Hiến pháp 1946, Bác đưa ra tư tưởng xây dựng nhà nước kiểu mới - nhà nước của dân, do dân, vì dân. Điều 1, Hiến pháp 1946 nêu rõ: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Như vậy, bản Hiến pháp đầu tiên Bác đã chỉ rõ nhà nước của dân là nhà nước dân chủ tức dân là chủ, dân làm chủ.
Tư tưởng về nhà nước của dân, do dân, vì dân được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát trong tác phẩm “Dân vận” đăng trên báo Sự thật, số 120, ngày 15 tháng 10 năm 1949 như sau:
“Nước ta là nước dân chủ.
Bao nhiêu quyền lợi đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân…
Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Với tác phẩm trên của Bác càng khẳng định rằng Bác lo cho dân, nghĩ cho dân biết bao. Trước kia dân bị đọa đày, nô lệ dưới chế độ thực dân nhưng Bác tìm ra chân lý và thành công khi tìm lại “hình của nước” thì điều đầu tiên mà Bác làm đó là đem lại lợi ích cho dân, khẳng định dân là chủ của đất nước.
Sang Xuân 1969, sức khỏe Bác yếu đi nhiều. Đó là điều khó tránh khỏi đối với một cuộc đời hoạt động cách mạng đi Âu về Á, khi bí mật, lúc công khai. Ngày 25/8/1969 - 2/9/1969 đó là khoảng thời gian sức khỏe của Bác càng yếu đi dần, tuần lễ cuối cùng trước khi Bác mất, Bác không làm việc được, lúc tỉnh lúc mê.
Sức khỏe yếu dần, nhưng khi tỉnh dậy câu đầu tiên Bác hỏi đó là miền Nam: “Chiến trường miền Nam hôm nay thắng ở đâu?”, câu tiếp theo là “đê vỡ có nhiều không? Có kịp sơ tán dân hay không?”, câu hỏi cuối cùng Bác Hồ dành cho các cháu: “Sắp đến ngày khai giảng rồi, các chú chuẩn bị trường, vở, sách, bút cho các cháu đến đâu rồi?”. Thương Bác lắm Bác ơi! Vị lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam. Đến những giây phút cuối cùng của đời người mà chủ tịch Bác chẳng nhớ gì cho Bác cả, vậy mà chữ “dân” lại là chữ đau đáu suốt cuộc đời Bác.
Lúc 9 giờ 47 phút ngày 2-9-1969, ngày Bác Hồ vĩnh biệt chúng ta, Bác đã ra đi về với cõi vĩnh hằng nhưng Bác để lại một Quốc bảo cho dân tộc Việt Nam đó là bản “Di chúc” thiêng liêng. Nội dung bản “Di chúc” thiêng liêng mà chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, chúng ta càng thấy rõ nỗi đau đáu vì “dân” trong Bác nhiều biết bao nhiêu, “Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa?” ([3]) Bác lo sợ Bác chẳng được phục vụ nhân dân nữa khi Bác đã đến tuổi của lớp người “xưa nay hiếm”
Cả cuộc đời, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc đã dành trọn để cống hiến hết mình vì lý tưởng của đất nước. Tình cảm sâu nặng của Bác dành cho đồng bào, đồng chí, đồng đội không gợn một chút riêng tư cá nhân, Bác chỉ luôn tâm niệm làm thế nào để đất nước được tự do, độc lập, hạnh phúc. Khoảnh khắc cuối cùng của đời người, Bác Hồ chỉ muốn về với dân, sống trong lòng dân. Bác muốn uống một ngụm nước dừa để mang theo tình cảm của đồng bào miền Nam; Bác muốn được mang theo âm hưởng làn điệu dân ca của quê hương về với cõi vĩnh hằng. Từ những bước chân của người thanh niên trẻ yêu nước với một khát vọng đi tìm con đường giải phóng cho dân tộc và những giọt nước mắt khi Bác bắt gặp được “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc. Trong điều kiện, hoàn cảnh, từng cương vị khác nhau, nhất là khi trở thành vị lãnh tụ, tình cảm Bác dành cho dân vẫn không thay đổi mà càng đậm đà hơn. Cả cuộc đời cách mạng Bác gắn với “dân”, “dân” với Bác Hồ kính yêu.
Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông mọi kiếp người.
Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau
Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu
Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ
Cho hôm nay và cho mai sau…
“Dân” với Bác Hồ, tấm gương đạo đức vì dân, vì nước Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức truyền cảm mạnh mẽ và lay động nhiều thế hệ. Bản thân là tập sự giảng viên tại Trường Chính trị Bến Tre học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, tôi càng nhận thức được tầm quan trọng của chữ “dân” với Bác, “dân” với đất nước. Vì vậy, tôi không ngừng nâng cao về trình độ chuyên môn, có phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng thật trong sáng, Bác bảo “đạo đức cách mạng là gốc của người cán bộ”. Là đầy tớ, công bộc của nhân dân, để nhân dân thật sự là chủ đất nước “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân ta phải hết sức tránh”, phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân./.
____________________________________
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.1, tr.9.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1996, t.14, tr. 161-162.
[3] Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nguyễn Thị Mai Trâm
Tập sự giảng viên
Khoa Dân vận