Trong tiến trình phát triển của mỗi quốc gia, thể chế và pháp luật luôn giữ vai trò nền tảng, chi phối mọi hoạt động kinh tế, xã hội và quản trị quốc gia. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hệ thống pháp luật còn nhiều điểm chồng chéo, thiếu đồng bộ, thực thi chưa hiệu quả – trở thành “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển. Trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ với chuyển đổi số, kinh tế xanh và đổi mới sáng tạo, yêu cầu cải cách thể chế trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Thể chế và pháp luật không chỉ là “khung sườn” điều phối xã hội mà còn là động lực tạo đột phá cho quốc gia phát triển. Khi điểm nghẽn thể chế được tháo gỡ, cơ hội cho Việt Nam bứt phá trở thành nước phát triển, giàu mạnh và thịnh vượng sẽ được mở ra.
1. Thể chế và pháp luật – Vì sao là “điểm nghẽn”?
Trong tiến trình phát triển của một quốc gia, thể chế và pháp luật luôn được xác định là nền tảng cốt lõi, giữ vai trò điều phối, định hướng và bảo đảm môi trường minh bạch, công bằng cho các hoạt động kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thể chế và pháp luật hiện đang được coi là một “điểm nghẽn” lớn trong quá trình phát triển. “Điểm nghẽn” ở đây chính là chỉ những rào cản mang tính hệ thống, làm chậm lại hoặc bóp nghẹt những động lực tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và hội nhập. Khi thể chế không kịp điều chỉnh theo biến đổi của thực tiễn, khi luật pháp không theo kịp yêu cầu phát triển, chúng sẽ trở thành lực cản, thay vì là đòn bẩy thúc đẩy sự tiến bộ của quốc gia.
Về mặt thể chế, thể chế pháp lý hiểu một cách ngắn gọn là những quy định và chuẩn mực pháp lý như hiến pháp, luật pháp và các chính sách. Từ đó, để Nhà nước thiết lập khung pháp lý và hướng dẫn hành vi của các cá nhân, tổ chức, nhằm bảo đảm ổn định, thúc đẩy kinh tế và hỗ trợ phát triển xã hội. Theo ý kiến phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm, thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn,
Tổng Bí thư cho rằng “Cùng với đó, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo; nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực của các nhà đầu tư trong và nước ngoài. Tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu; phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn bất cập… Một bộ phận còn cồng kềnh, chồng chéo giữa lập pháp và hành pháp; chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước…” [1].
Về hệ thống pháp luật của Việt Nam còn tồn tại nhiều bất cập: tình trạng chồng chéo giữa các luật, nghị định, thông tư vẫn phổ biến; nhiều quy định thiếu rõ ràng, không nhất quán và thiếu tính đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực. Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳng thắn chỉ ra: “Công tác xây dựng và thi hành pháp luật vẫn còn không ít hạn chế, bất cập. Một số chủ trương, định hướng của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ” [2]. Trong một số trường hợp, cùng một vấn đề nhưng các văn bản quy phạm pháp luật lại quy định khác nhau, thậm chí mâu thuẫn, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện. Đặc biệt, quá trình thực thi pháp luật còn yếu kém, thiếu kỷ cương và minh bạch, dẫn đến tình trạng “luật trên giấy” xa rời cuộc sống, tạo ra khoảng cách lớn giữa chính sách và thực tiễn.
Hệ lụy từ những “điểm nghẽn” này là vô cùng nghiêm trọng. Nó làm giảm lòng tin của doanh nghiệp và người dân vào môi trường đầu tư – kinh doanh; gây lãng phí nguồn lực khi các thủ tục pháp lý kéo dài, phức tạp; làm tăng chi phí tuân thủ và làm suy giảm sức cạnh tranh quốc gia. Đáng lo ngại hơn, sự trì trệ về thể chế còn kìm hãm các sáng kiến đổi mới, khiến Việt Nam khó bắt kịp được với xu thế toàn cầu như chuyển đổi số, phát triển bền vững hay kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Nếu không quyết liệt tháo gỡ, “điểm nghẽn” thể chế và pháp luật sẽ tiếp tục là rào cản lớn trên con đường hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, giàu mạnh và thịnh vượng.
2. Vai trò then chốt của thể chế và pháp luật trong kiến tạo phát triển
Thể chế và pháp luật giữ vai trò then chốt trong kiến tạo phát triển bởi chúng là nền tảng để thiết kế và vận hành hệ thống chính sách điều hành quốc gia một cách hiệu quả, công bằng và bền vững. Không có một nền pháp luật minh bạch, đồng bộ và ổn định thì không thể có một môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh và đổi mới sáng tạo. Trên bình diện vĩ mô, thể chế chính là “luật chơi” của nền kinh tế, là cơ chế xác lập các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Việc xây dựng một thể chế tiến bộ giúp khuyến khích các nguồn lực trong xã hội được huy động, phân bổ và sử dụng một cách hiệu quả, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm công bằng xã hội.
Một là, khả năng thiết kế chính sách điều hành linh hoạt, phù hợp với điều kiện phát triển từng giai đoạn. Trong bối cảnh thế giới đang chuyển dịch nhanh chóng sang mô hình kinh tế tri thức, kinh tế số và tăng trưởng xanh, thể chế, pháp luật cần đóng vai trò dẫn dắt, tạo “khung hành lang” pháp lý đủ rộng để khuyến khích sáng tạo, nhưng cũng đủ chặt để kiểm soát rủi ro. Việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối phát triển thành chính sách cụ thể đòi hỏi phải có hệ thống luật pháp minh bạch, đồng bộ và nhất quán. Đó chính là cơ sở để chính sách đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.
Hai là, thể chế pháp luật hiện đại phải gắn chặt với công cuộc cải cách hành chính, phân quyền – phân cấp rõ ràng, và đề cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của bộ máy. Một nền hành chính hiệu quả cần một hành lang pháp lý đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; cần sự phân định rành mạch giữa quyền hạn và trách nhiệm của từng cấp, từng ngành để tránh chồng chéo, né tránh trách nhiệm hoặc đùn đẩy công việc. Trong mô hình quản trị hiện đại, thể chế cần tạo điều kiện để chính quyền địa phương được tự chủ, sáng tạo trong khuôn khổ pháp luật cho phép, từ đó phát huy tính năng động và phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng vùng, miền.
Ba là, minh bạch và công bằng là hai nguyên tắc cốt lõi trong xây dựng thể chế, pháp luật hiện đại. Một hệ thống luật pháp minh bạch sẽ tạo lòng tin cho người dân và doanh nghiệp, giúp họ yên tâm đầu tư, kinh doanh và tham gia vào quá trình phát triển. Đồng thời, tính công bằng trong thiết kế chính sách – tránh lợi ích nhóm, loại bỏ cơ chế “xin – cho” – chính là yếu tố tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững.
Thể chế và pháp luật không chỉ là công cụ quản lý mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển. Khi được thiết kế đúng và vận hành hiệu quả, chúng sẽ kiến tạo môi trường thuận lợi để huy động mọi nguồn lực xã hội, hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững và thịnh vượng.
3. Những nỗ lực cải cách thời gian qua – Kết quả và khoảng trống
Trong những năm qua, cải cách thể chế và pháp luật đã trở thành một trong những trọng tâm ưu tiên của Đảng và Nhà nước nhằm tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ nhất, hàng loạt văn bản pháp luật quan trọng đã được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, phản ánh quyết tâm cải cách mạnh mẽ. Tiêu biểu có thể kể đến Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc đăng ký doanh nghiệp và gia nhập thị trường. Luật bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, đồng thời quy định doanh nghiệp có thể sử dụng dấu “số” thay cho dấu “truyền thống” [3]. Luật Đầu tư năm 2020 đã cắt giảm 22 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhằm góp phần xóa bỏ rào cản trong hoạt động kinh doanh; bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp với tinh thần cắt giảm điều kiện kinh doanh, xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường và tăng cường bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư [4]. Cùng với đó, chương trình cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được triển khai sâu rộng với các mô hình một cửa, một cửa liên thông, trung tâm phục vụ hành chính công và cổng dịch vụ công quốc gia. Những bước tiến này đã tạo nên sự chuyển biến đáng kể trong môi trường thể chế, giảm gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và người dân.
Thứ hai, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư. Cùng với đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) liên tục tăng trưởng, nhiều tập đoàn đa quốc gia chọn Việt Nam làm điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 38,23 tỷ USD, thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới. Vốn FDI thực hiện ước đạt 25,35 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay [5]. Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/4/2025 bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,82 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm trước [6]. Mặt khác, năng lực cạnh tranh quốc gia cũng được cải thiện rõ rệt, với điểm số thể chế có xu hướng tăng lên trong các bảng xếp hạng quốc tế. Những cải cách thể chế đã góp phần nâng cao niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định trong nhiều năm liền.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại không ít “khoảng trống” trong thể chế và pháp luật – đặc biệt là trong việc theo kịp các yêu cầu phát triển mới. Thể chế, pháp luật còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ; vẫn còn tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Việc phân cấp, phân quyền còn nhiều bất cập, vẫn tập trung nhiều ở Trung ương, vẫn còn tình trạng “chưa đúng vai thuộc bài”; việc cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh chưa được xử lý kịp thời. Ngoài ra, quá trình xây dựng luật còn nặng về “trên ban hành, dưới chờ đợi”, thiếu sự tham vấn thực chất từ cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia và người dân. Tư duy “quản lý” vẫn còn chiếm ưu thế so với tư duy “kiến tạo”, khiến nhiều quy định vẫn mang tính “xin – cho” hoặc hạn chế quyền chủ động của khu vực tư nhân.
Những khoảng trống đó cho thấy, để cải cách thể chế thực sự trở thành động lực phát triển, Việt Nam cần bước tiếp một chặng đường dài hơn, quyết liệt hơn và đổi mới mạnh mẽ hơn cả về tư duy lẫn phương pháp thiết kế chính sách.
4. Vượt “điểm nghẽn” – Đâu là giải pháp kiến tạo đột phá?
Để thể chế và pháp luật thực sự trở thành động lực phát triển, Việt Nam cần một chiến lược cải cách toàn diện, sâu rộng và nhất quán. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Để hiện thực hoá khát vọng vươn mình của dân tộc, chúng ta phải giải quyết nhiều việc, trong đó, một nhiệm vụ rất trọng tâm là phải tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế, pháp luật để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước, tận dụng mọi cơ hội phát triển” [7].
Trọng tâm của cải cách không chỉ nằm ở việc sửa đổi các văn bản pháp luật đơn lẻ, mà phải là quá trình kiến tạo một hệ thống thể chế đồng bộ, hài hòa giữa thể chế kinh tế và thể chế pháp lý. Trong đó, thể chế kinh tế cần khuyến khích cạnh tranh, tự do kinh doanh, bảo vệ quyền tài sản và tạo lập một môi trường minh bạch, ổn định. Đồng thời, thể chế pháp lý phải bảo đảm công lý, thượng tôn pháp luật và khả năng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mọi chủ thể trong nền kinh tế. Sự gắn kết giữa hai trụ cột này chính là chìa khóa để tháo gỡ “điểm nghẽn” và mở rộng không gian phát triển bền vững cho đất nước.
Một là, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, lấy thực tiễn làm điểm xuất phát và người dân – doanh nghiệp làm trung tâm. Pháp luật không thể chỉ được xây dựng trong phòng họp mà phải được hình thành từ cuộc sống, phản ánh đúng những nhu cầu, vấn đề và kỳ vọng thực tế. Quá trình lập pháp cần có sự tham gia rộng rãi, thực chất của các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, giới chuyên gia và người dân. Bên cạnh đó, cần đổi mới quy trình thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật theo hướng kiểm soát chặt chẽ tính khả thi và tính nhất quán, hạn chế tối đa tình trạng luật “ống” – luật “khung”.
Hai là, kiến tạo đột phá cũng đồng nghĩa với việc phải kiện toàn bộ máy thực thi pháp luật. Việc ban hành luật là điều kiện cần, nhưng thực thi hiệu quả mới là điều kiện đủ. Do đó, cải cách tư pháp, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức – đặc biệt là trong các cơ quan thực thi pháp luật như tòa án, viện kiểm sát, thanh tra, kiểm tra – là yêu cầu cấp thiết. Cán bộ cần được bồi dưỡng không chỉ về chuyên môn pháp lý, mà cả về tư duy phục vụ, trách nhiệm giải trình và đạo đức công vụ. Đồng thời, cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật cũng cần được tăng cường, bảo đảm tính nghiêm minh và hiệu lực của hệ thống pháp luật.
Ba là, trong kỷ nguyên số, không thể thiếu vai trò của công nghệ trong cải cách thể chế. Việc ứng dụng công nghệ số – đặc biệt là các giải pháp GovTech, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) – sẽ mở ra một cách tiếp cận hoàn toàn mới trong xây dựng và giám sát thực thi pháp luật. Các nền tảng số có thể giúp phân tích dữ liệu chính sách, đánh giá tác động pháp luật, giám sát việc thi hành luật và tiếp nhận phản hồi từ người dân một cách minh bạch, nhanh chóng. Đây không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là phương thức kiến tạo nền quản trị thông minh, hiệu quả và gần dân hơn bao giờ hết.
Với cách tiếp cận đồng bộ, chủ động và đổi mới như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua những điểm nghẽn thể chế hiện tại để tiến tới một nền quản trị hiện đại, một môi trường pháp lý minh bạch – từ đó kiến tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững, đưa đất nước vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
Cải cách thể chế và pháp luật không phải là nhiệm vụ nhất thời mà là một quá trình nền tảng, lâu dài, cần được thực hiện một cách liên tục, nhất quán và có tầm nhìn chiến lược. Đây là chìa khóa để bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững, giàu mạnh và thịnh vượng trong bối cảnh biến động toàn cầu. Để tạo ra đột phá thực sự, cần có bản lĩnh chính trị và sự dũng cảm trong việc tháo bỏ các rào cản lợi ích cục bộ, xóa bỏ tư duy “xin – cho”, “quyền anh – quyền tôi” vốn đang làm trì trệ quá trình cải cách. Một hệ thống thể chế tiến bộ chỉ có thể hình thành khi mọi chủ thể cùng chung tay kiến tạo. Nhà nước cần dẫn dắt cải cách bằng hành động cụ thể, lấy hiệu quả làm thước đo. Doanh nghiệp phải đóng vai trò phản biện chính sách và đề xuất kiến nghị thực tiễn. Giới trí thức, chuyên gia cần tích cực tham gia tư vấn, nghiên cứu, góp phần hoàn thiện nền tảng lý luận cho thể chế. Người dân – với vai trò là người thụ hưởng và giám sát – cần được trao quyền tham gia vào quá trình xây dựng và thực thi pháp luật một cách thực chất, dân chủ và công bằng.
Tài liệu tham khảo
[1] https://kinhtevadubao.vn/the-che-la-diem-nghen-cua-diem-nghen-30107.html
[2] GS, TS. Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình, 04-05-2025, https://tapchicongsan.org.vn/media-story.
[1] [3] Quốc hội (2020), Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020. Hà Nội: Văn phòng Quốc hội.
[1] [4] Quốc hội (2020), Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020. Hà Nội: Văn phòng Quốc hội..
[5] Báo điện tử VOV, FDI 2024 và triển vọng 2025: Thu hút “đại bàng” về Việt Nam, 28/01/2025, FDI 2024 và triển vọng 2025: Thu hút “đại bàng” về Việt Nam “làm tổ”.
[6] https://thanhtra.com.vn/dau-tu-72A9E3223/von-fdi-4-thang-dau-nam-2025-tai-viet-nam-dat-cao-nhat-trong-vong-5-nam-qua-50859759d.html, 06/05/2025.
[7] GS, TS. Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình, 04-05-2025, https://tapchicongsan.org.vn/media-story.
NH