Cán bộ, giảng viên trường chính trị bảo vệ giá trị thời đại của học thuyết C.Mác về giá trị thặng dư trong giai đoạn hiện nay

TH-TCT

Học thuyết giá trị thặng dư là “hòn đá tảng” của chủ nghĩa Mác-Lênin. Hiện nay, những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác – Lênin, được bổ sung, phát triển trong bối cảnh mới. Học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác đã vạch rõ bản chất bóc lột tư bản chủ nghĩa.

Học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác nghiên cứu nhiều vấn đề về sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chỉ tập trung làm rõ luận điểm, trả lời cho câu hỏi: Phải chăng máy móc hiện đại trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi bản chất của chủ nghĩa tư bản?

Hiện nay, các nhà tư bản cho rằng, trước kia chỉ có công nhân "sản xuất" mới tạo ra giá trị gia tăng, bây giờ "chính tri thức chứ không phải lao động mới là nguồn gốc của giá trị thặng dư". Trong đó, máy móc là thứ tạo ra giá trị thặng dư chứ không phải sức lao động của con người tạo ra. Vì vậy, tư bản ngày nay không còn bóc lột giá trị thăng dư, nếu có thì chủ nghĩa tư bản chỉ còn bóc lột "người máy". Vì trong các xí nghiệp hiện đại, tự động hóa, quá trình sản xuất ra sản phẩm không cần hoặc cần rất ít lao động sống, nhưng giá trị do các xí nghiệp này tạo ra tăng gấp bội so với các xí nghiệp cổ điển dùng rất nhiều công nhân, v.v. Trong thực tế, đời sống công nhân có nâng lên do thu nhập cũng tăng thông qua việc tham gia cổ phần trong các nhà máy, xí nghiệp tư bản.

Các nhà kinh tế học tư sản thường lập luận mọi công cụ lao động, mọi tư liệu sản xuất đều là tư bản. Nên họ ngộ nhận tư bản là “vật” và tư bản là một phạm trù vĩnh viễn. Thực ra, bản thân tư liệu sản xuất không phải là tư bản, nó chỉ là yếu tố cơ bản của sản xuất trong bất cứ xã hội nào. Tư liệu sản xuất chỉ trở thanh tư bản khi nó trở thành tài sản của nhà tư bản và được dùng để bóc lột lao động làm thuê. Khi chế độ tư bản bị xóa bỏ thì tư liệu sản xuất không còn là tư bản nữa. Như vậy, tư bản không phải là một vật mà là một quan hệ sản xuất xã hội nhất định giữa người và người trong quá trình sản xuất, nó có tính chất tạm thời trong lịch sử.

Thế nên, chúng ta cần bàn thêm về tư liệu sản xuất (máy móc, trang thiết bị, nhiên vật liệu trong quá trình sản xuất) được C. Mác kí hiệu là C gồm có C1 và C2. Nó có đặc điểm là trong quá trình sản xuất, giá trị của chúng được bảo tồn và chuyển dịch nguyên vẹn vào giá trị sản phẩm. Nghĩa là bản thân nó không tự tạo ra một lượng giá trị mới trong đó có giá trị thặng dư, khác với quan điểm tư sản cho rằng mọi tư liệu sản xuất đều tạo ra giá trị thặng dư nên tư bản không bóc lột sức lao động, vì nó do máy móc tạo ra. Giá trị tư liệu sản xuất được bảo tồn dưới dưới hình thức giá trị sử dụng mới. Hàng hóa máy móc, nguyên nhiên vật liệu ban đầu được mua trên thị trường còn dưới dạng đầu vào của quá trình sản xuất. Khi đưa vào sản xuất hàng hóa tiêu dùng, thì chúng biên đổi thành một sản phẩm mới phục vụ cho tiêu dùng. Và hàng hóa này khi đi vào tiêu dùng thì người tiêu dùng chỉ sử dụng giá trị sử dụng của chúng (giá trị sử dụng là công dụng của hàng hóa).

Ví dụ, trang bị 2 máy vi tính hiện đại nhất hiện nay cho 2 lao động có trình độ công nghệ thông tin khác nhau, thì kết quả năng suất lao động sẽ khác nhau. Nghĩa là người có trình độ và thành thạo việc sử dụng máy tính cao sẽ cho năng suất lao động cao. Ngược lại, người có trình thấp, việc sử dụng máy tính chưa thành thạo thì năng suất lao động sẽ thấp. Điều đó đã chứng minh năng suất lao động tạo là do sức lao động của con người tạo ra trên cơ sở quyết định của trình độ tay nghề. Máy móc chính là yếu tố của quá trình lao động, là phương tiện giúp con ngươi tạo ra năng suất, chứ máy móc không quyết định việc tạo ra năng suất lao động.

Cho nên có thể khẳng định, tư bản bất biến (máy móc, trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu) không tạo ra giá trị thặng dư, nó là điều kiện cần thiết để cho quá trình sản xuất giá trị thặng dư được diễn ra. Nguồn gốc tạo giá trị thặng dư là sức lao động của người làm thuê.

Do vậy, sức lao động được biểu hiện như thế nào? Có tham gia gì vào quá trình sản xuất giá trị thặng dư. Tư bản khả biến là một bộ phận tư bản dùng để mua sức lao động (trả lương, thuê mướn công nhân), đại lượng của nó thay đổi trong quá trình sản xuất và tạo ra giá trị thặng dư và ký hiệu là v. Tư bản khả biến có thể tạo ra sự biến đổi về giá trị, có vai trò quyết định trong quá trình sản xuất ra giá trị thặng dự, vì nó chính là bộ phận tư bản đã lớn lên.

Để sản xuất ra giá trị thặng dư, nhà tư bản phải ứng trước một tư bản ra để mua tư liệu sản xuất và sức lao động. Trong quá trình sản xuất, giá trị của tư liệu sản xuất được lao động cụ thể của người công nhân chuyển vào sản phẩm mới, lượng giá trị của chúng không đổi. Bộ phận tư bản ấy được gọi là tư bản bất biến. Nhưng đối với bộ phận tư bản dùng để mua sức lao động thì trong quá trình sản xuất, bằng lao động trừu tượng của mình, người công nhân tạo ra một giá trị mới không chỉ bù đắp đủ giá trị sức lao động của công nhân mà còn tạo ra giá trị thặng dư cho nhà tư bản. Như vậy, bộ phận tư bản này đã có sự biến đổi về lượng và được gọi là tư bản khả biến.

Ngày nay, với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lực lượng sản xuất phát triển như vũ bão đã tiến mạnh vào các ngành sản xuất vật chất của xã hội; của cải vật chất tạo ra thật nhiều đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng phong phú, đa dạng cho con người. Điều đó làm cho con người dễ nhầm tưởng máy móc trực tiếp và quyết định tạo ra năng suất, cũng đồng thời tạo ra giá trị thặng dư, nên tư bản ngày nay không còn bóc lột công nhân làm thuê.

Chính vì lẽ đó, các thế lực thù địch lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc, bóp méo sự thật, đặc biệt là đòi xét lại học thuyết C.Mác nói chung, cụ thể là học thuyết về giá trị thăng dư, họ cho rằng nó không còn đúng, đã lạc hậu, lỗi thời. Có chăng Học thuyết chỉ đúng trong thời đầu của chủ nghĩa tư bản, ngày nay đã chấm dứt vai trò lịch sử của nó. Đây là những quan điểm sai trái, thiếu tính khoa học, tính thực tiễn, thậm chí phản động, phản cách mạng.

Bản thân sản xuất giá trị thăng dư là quy luật tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản. Nghĩa là ở đâu có chủ nghĩa tư bản thì ở đó có sự tồn tại của giá trị thăng dư. Giá trị thăng dư là cơ sở tồn tại, phát triển của chủ nghĩa tư bản, không những phản ánh mục đích mà cả phương pháp, thủ đoạn và phương tiện để đạt mục đích của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Mục đích cuối cùng là mở rộng võ bọc bên ngoài của quan hệ sản xuất để phù hợp tương đối với lực lượng sản xuất, kéo dài sự tồn tại phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, nhằm bảo vệ chế độ xã hội, xã hội tư bản chủ nghĩa.

Về mục đích của sản xuất tư bản chủ nghĩa không phải là sản xuất ra giá trị sử dụng và cũng không phải vì sản xuất ra giá trị nói chung, mà sản xuất ra giá trị thặng dư. Đối với tất cả nhà tư bản, giá trị thặng dư càng nhiều càng tốt.

Về phương pháp và thủ đoạn bóc lột công nhân làm thuê để có giá trị thặng dư ngày càng lớn là kéo dài ngày lao động, tăng cường độ lao động, tăng năng suất lao động. Phương tiện để đạt được mục đích trên là ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất trên cơ sở hình thành và phát triển nền đại công nghiệp cơ khí. Do vậy, sản xuất giá trị thặng dư là quy luật tuyệt đối của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Nó là một bộ phận giá trị mới dôi ra ngoài giá trị sức lao động, do công nhân làm thuê tạo ra và thuộc về nhà tư bản, là lao động không công của công nhân làm thuê, thể hiện bản chất bóc lột của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Qua đó, học thuyết C. Mác về giá trị thặng dư đến nay vẫn còn nguyên giá trị, nhất là luận điểm về chế độ người bóc lột người trong xã hội tư bản vẫn giữ nguyên tính khoa học của nó. Mặc dù Chủ nghĩa tư bản ngay nay đã có sự thay đổi và điều chỉnh thích nghi, song có thể khẳng định: “về bản chất, quan hệ sản xuất trong xã hội tư bản hiện đại vẫn không có gì thay đổi, vẫn là chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất mà thôi. Điều đó cũng có nghĩa quy luật giá trị thặng dư vẫn là quy luật tuyệt đối của xã hội tư bản hiện đại”[1].

Khi nghiên cứu vấn đề này, liên thực tiễn với trường chính trị, nhận thấy trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là trường chính trị cấp tỉnh) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy. Trường chính trị cấp tỉnh có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Chính vì thế, cùng với việc tập trung nghiên cứu những giá trị thời đại của học thuyết C. Mác về giá trị thặng dư, trường chính trị cấp tỉnh có vai trò nòng cốt trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng, phát triển và bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay ở địa phương. Vì vậy cấp ủy Đảng, Ban Giám hiệu cùng lực lượng đội ngũ giảng viên tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp tiếp cận nghiên cứu trong công tác lý luận; khẳng định mạnh mẽ và cụ thể hoá những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các giá trị bền vững phù hợp với thực tiễn nước ta; làm rõ một số vấn đề nảy sinh trong thực tiễn đổi mới, tham gia cung cấp cơ sở khoa học cho việc triển khai, quán triệt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương cơ sở.

Trên nền tảng đó, cán bộ, giảng viên trường chính trị cần tập trung nghiên cứu, làm sâu sắc hơn những giá trị thời đại của học thuyết C. Mác về giá trị thặng dư, triển khai xây dựng kế hoạch cụ thể hóa những vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam trong thời kỳ mới; làm rõ những vấn đề bổ sung, phát triển nhằm để giải quyết tốt các mối quan hệ lớn phản ánh quy luật đổi mới và phát triển ở nước ta đã được Đại hội XIII của Đảng chỉ ra theo đúng chức năng, nhiệm vụ của trường chính trị. Trong đó, từng cán bộ, giảng viên trường chính trị cần phải đạt là:

- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực sự hiệu quả, thiết thực trong việc học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là học thuyết C. Mác về giá trị thặng dư nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

- Nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực tư duy lý luận, năng lực tổng kết thực tiễn để giải quyết hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra; thường xuyên bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, xây dựng đạo đức, lối sống theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

- Giảng viên phải có kiến thức chuyên sâu về các tác phẩm kinh điển của C.Mác, Ăngghen, Lênin, Hồ Chí Minh và thường xuyên rèn luyện kỹ năng sư phạm trong giảng dạy lý luận chính trị; gương mẫu trong công tác, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Tóm lại, C.Mác đã phát minh ra học thuyết giá trị thặng dư, nhờ đó tìm ra và nhận thức rõ quy luật vận động kinh tế của xã hội tư bản chủ nghĩa, tạo cơ sở khoa học vững chắc cho cuộc đấu tranh xóa bỏ mọi bất công xã hội, triệt để giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người. Đây là cơ sở của nhận thức khoa học, ngày nay với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thế giới có nhiều bước phát triển mới, song bản chất của chủ nghĩa tư bản vẫn không thay đổi, các nhà tư bản luôn ngày đêm tìm kiếm giá trị thặng dư và lợi nhuận siêu ngạch.

Học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác luôn là cơ sở lý luận cho giảng viên, viên chức trường chính trị nhận thức sâu sắc về bản chất của chủ nghĩa tư bản và tính ưu việt lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam trong thời kỳ mới.

=============================

[1]. TS. ĐỖ VĂN NHIỆM HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH "Nhận diện bản chất của chủ nghĩa tư bản ngày nay”. Tạp chí Cộng sản 22:38, ngày 12-04-2013.

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh