Cảm nhận về Trà Vinh qua một chuyến tham quan nghiên cứu thực tế của đoàn giảng viên Trường Chính trị

Vào ngày 28 tháng 4 năm 2014 vừa qua, giảng viên của Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Khoa Dân vận cùng với đồng chí Võ Thành Công, Phó Hiệu trưởng phụ trách khối nội dung đã đến tham quan Trà Vinh, vùng đất của một phần ba là dân cư Khmer sinh sống, là xứ sở của chùa chiền, của văn hóa truyền thống dân tộc. 
Chúng tôi đến những nơi được xem là lần đầu tiên, cả đoàn đã vỡ ra với nhiều điều thú vị, rất hay khi đến thăm Đền thờ Bác Hồ; Ao Bà Om; Chùa Âng (Chùa Angkorette) ; Chùa Hang (Chùa Kamponnigrodha); Làng nghề truyền thống (nơi sản xuất rượu Xuân Thạnh) và nhà sàn Bác Hồ.
Điểm độc đáo mà đoàn cảm nhận được nét riêng của Trà Vinh, nơi đây hiện có 141 ngôi chùa Phật giáo Nam Tông Khmer, chùa rộng nhất tới 85.000m2, hẹp cũng đến 4.000m2. Xung quanh các ngôi chùa có nhiều cây cổ thụ, tuổi cây bằng tuổi chùa do truyền thống tự trồng cây trong chùa ngay từ khi khởi dựng. Từ lâu, các rừng cây này còn là nơi cư trú của nhiều loài chim, tạo cho chùa Khmer ở Trà Vinh cảnh quan thật hấp dẫn, mang hình ảnh của sự thanh bình.
Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Đền thờ Bác Hồ

Đền thờ đặt tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 5km  về hướng Bắc.
Về lịch sử của đền thờ:
Ngày 2 tháng 9 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Sau đó, Chi bộ Đảng và quân dân cách mạng ở xã Long Đức đã quyết định xây dựng một đền thờ để tưởng nhớ đến Bác.
Ngôi đền được khởi công vào ngày 10 tháng 3 năm 1973 và khánh thành ngày 26 tháng 1 năm 1971. Khi mới xây dựng, đền có kết cấu đơn sơ bằng vật liệu tre lá, trên một diện tích 16m2, và chỉ cách một đồn quân của Việt Nam Cộng hòa vài trăm mét.
Trong chiến tranh, ngôi đền đã nhiều lần bị bom đạn của đối phương tàn phá. Đến ngày 10 tháng 3 năm 1971 thì đền bị đốt cháy. Đầu năm 1972, một số người dân Long Đức lại góp tiền của và công sức xây lại ngôi đền mới. Sau đó, đền lại bị đốt cháy mấy lần nữa, trong đó lần cuối là vào chiều ngày 9 tháng 4 năm 1975. Ngày 29 tháng 4 năm 1975 (tức chỉ trước một ngày xảy ra sự kiện 30 tháng 4 năm 1975), ngôi đền lại bị bom đạn làm hư hỏng một phần.
Sau năm năm1975, đền lại được chính quyền tỉnh Trà Vinh cho trùng tu, sau đó còn được tôn tạo nhiều lần. Hiện toàn bộ công trình đã được tỉnh đầu tư thành khu Di tích, có diện tích hơn 04 ha với các hạng mục như Bảo tàng lịch sử tỉnh, Nhà trưng bày thân thế sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phiên bản nhà sàn Bác Hồ đã được xây dựng. Tất cả quây quần chung quanh hạng mục chính là ngôi đền được phục chế theo nguyên trạng ban đầu là tre lá, tại vị trí cũ. Ðể bảo quản lâu dài, một vỏ bao che được thiết kế theo dạng đóa hoa sen hồng cách điệu che chắn cho ngôi đền chính. Với những giá trị lịch sử to lớn đó, đền thờ Bác Hồ tại xã Long Ðức, thị xã Trà Vinh đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1989. Nay cứ mỗi dịp lễ, Tết hay ngày sinh, ngày mất của Người,...đông đảo nhân dân Trà Vinh đến thắp nén hương kính dâng Người. Đặc biệt, cứ mỗi chiều 2-9 hàng năm, tại đây diễn ra lễ hội Kỵ cơm Bác Hồ được Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân Trà Vinh tổ chức hết sức trang trọng và ý nghĩa.
Điều chúng tôi ấn tượng nhất là chân dung của Bác, bằng chất liệu sơn dầu, do họa sĩ Phong Ba đã hai lần vẽ lại ảnh Bác để thờ trong ngôi đền.
Đền thờ được xây dựng và bảo vệ là biểu tượng tấm lòng trung kiên của người dân Trà Vinh. Ở ngay sát đồn địch, người dân vẫn lập đền để thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể từ sau ngày Bác đi xa.
Các cháu thiếu nhi thường đến nơi đây viếng Bác và thắp hương với sự trang trọng và kính yêu vô hạn Bác Hồ kính yêu.
Chúng tôi đã đến Ao Bà Om

Tọa lạc tại khóm 3, phường 8, thị xã Trà Vinh, cách trung tâm thị xã Trà Vinh khoảng 5km về phía Tây. Với diện tích khoảng 39.000m2, khí hậu mát mẻ quanh năm, xung quanh ao có những hàng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi có rễ nổi lên mặt đất trông rất đẹp mắt. Đây là nơi diễn ra lễ hội vào những ngày lễ, Tết hàng năm, nhất là lễ hội Ok Om bok (rằm tháng mười âm lịch).
+ Chùa Âng: (tênKhmer là Angkorajaborey)

Là một ngôi chùa cổ trong hệ thống chùa Khmer của tỉnh Trà Vinh. Tọa lạc trên quốc lộ 53, thuộc khóm 4, phường 8, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Chùa cách trung tâm thành phố khoảng 5km, nằm trong khuôn viên thắng cảnh Ao Bà Om, đối diện với Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer của tỉnh.
Khi đoàn đến đây chúng tôi được hiểu rõ hơn tôn giáo Khơmer (Phật giáo), nét văn hóa độc đáo của lối kiến trúc mang đậm nét văn hóa dân tộc cổ xưa. Chùa Âng là kết quả của sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật trang trí sắc sảo của văn hoá Khmer và thiết kế đầy màu sắc của văn hóa Ang Kor. Từ cổng, gò mái, cột chùa đến kiến trúc bên trong, tất cả đều khoác lên mình chiếc áo tượng hình của đầu chim, tiên nữ và thần rắn Naga. 
Bên trong chính điện chùa Âng thờ duy nhất là Phật Thích Ca. Bệ thờ Phật rộng gần 30m2 gồm bốn bậc. Tượng Phật chính cao 2,m, xung quanh có khoảng 50 tượng Phật khác nhỏ hơn. Ba phía vách chính điện có các bức tranh kể lại điển tích cuộc đời đức Phật Thích Ca. Trần chính điện được trang trí bốn bức bích họa lớn theo chủ đề: Phật Thích Ca đản sinh, xuất gia, đắc đạo và nhập niết bàn. Cũng như nhiều ngôi chùa Khmer khác, chùa Angkorajaborey không chỉ là nơi tu hành của các vị sư, là nơi thanh niên Khmer đến tu học, mà còn là một trung tâm văn hóa. Hàng năm, lễ hội Ok Om Bok (rằm tháng mười âm lịch) là lễ hội lớn nhất của chùa.
+ Chùa Hang (Chùa Kamponnigrodha), có 377 tuổi được xây vào năm 1637, tiếng Khmer gọi là Mông Rầy hay Kamponynikrodle tức cây đa.  Gọi là chùa Hang vì cổng chính vào chùa được thiết kế như cái hang động. Chùa tọa lạc trên 10ha đất được bao bọc bởi những cây cổ thụ: Sao, dầu,…xưa nơi đây là một vùng đất hoang vắng, có một cây đa bên cạnh bến đò. Dân trong vùng đóng góp công sức xây dựng nên ngôi chùa và gọi là chùa Cây Đa. Là ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer, tọa lạc tại thị trấn Châu Thành, cách thành phố Trà Vinh gần 5km về hướng Nam.
Điều hấp dẫn ở đây là chùa có những đàn chim đông đúc sinh sống và số lượng ngày càng nhiều, đa số là họ nhà Cò và Bồ Câu, đây là điều mà người dân Khmer rất tự hào và gia tăng thêm sự tín ngưỡng tôn giáo mà họ đang theo.
Không chỉ nổi tiếng vì có cảnh quan đẹp, chùa còn được biết đến như là một “ngôi trường dạy nghề” điêu khắc gỗ, đào tạo nghề cho các thanh niên dân tộc Khmer. “Ngôi trường dạy nghề” này hơn 10 năm qua đã đào tạo 60 thanh niên dân tộc Khmer trở thành nghệ nhân có cuộc sống ổn định từ nghề điêu khắc.


Điều chúng tôi rút ra từ tôn giáo nơi đây
* Số lượng chùa, hiện nay, Trà Vinh có tổng cộng 141 ngôi chùa.
* Đa phần theo Phật giáo Nam Tông.
* Nơi nào có chùa Khmer, nơi đó có nhiều cây cổ thụ.
* Ngoài lễ, Tết thường niên, hàng ngày người Khmer thường đến chùa bái Phật, dâng cơm cho sư sãi; đám cưới, gả trong gia đình họ đều đến chùa mời sư sãi, các vị A-cha (người có uy tín trong đồng bào dân tộc) chứng giám. Người Khmer khi chết không địa táng như các dân tộc khác mà họ đem vào chùa hoả thiêu. Sau đó lấy cốt gửi vào chùa phụng thờ, ngụ ý để vong hồn người chết sớm hôm nghe kinh Phật, kề cận bên ánh hào quang của Phật để sớm được siêu thoát về cõi Niết Bàn.
Ngoài chức năng sinh hoạt tôn giáo, chùa còn có chức năng sinh hoạt văn hoá, chức năng giáo dục sâu sắc. Người Khmer có tập tục “Con trai lớn lên phải vào chùa tu”. Theo phong tục của người Khmer, khi người con trai đến tuổi 12, 13 phải vào chùa tu một thời gian với ý nghĩa: Trả hiếu cho ông bà, cha mẹ; để thực hiện tình cảm, trách nhiệm đối với dân tộc; để tỏ lòng thành kính với Đức Phật,…Các thanh niên này tu đến 17-18 tuổi và tùy theo nhân duyên, căn cơ và ý nguyện của từng người họ có thể xin ra khỏi chùa (xuất tu) trở lại cuộc sống đời thường. Sau khi rời chùa, người con trai mang theo sự hiểu biết đã học nơi chùa mà phụ giúp gia đình, đền ơn công dưỡng dục của cha mẹ, phục vụ xã hội.
Đây cũng là quan niệm của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, bất cứ người con trai Khmer nào cũng cần phải qua tu hành một thời gian để trau dồi đạo hạnh, trang bị tri thức và cách sống làm người. Người đã trải qua thời gian tu hành ở chùa được cộng đồng người Khmer nhìn nhận và đánh giá cao, mới dễ lập gia đình và dễ được tiếp nhận làm các công việc xã hội. Quan niệm này ảnh hưởng rất lớn đến người Khmer cũng như người theo Phật giáo Nam tông ở các quốc gia.
Điểm dừng chân tiếp theo của đoàn là Làng nghề truyền thống sản xuất rượu Xuân Thạnh
   


Hệ thống chưng cất rượu Xuân Thạnh
của anh Đặng Minh Lý
Làng nghề truyền thống sản xuất rượu Xuân Thạnh thuộc xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành được công nhận theo Quyết định số 1671/QĐ-UBND ngày 18/10/2011 của UBND tỉnh Trà Vinh. Rượu Xuân Thạnh là loại rượu đặc sản của vùng đất Vĩnh Trường – Trà Vinh. Theo anh Đặng Minh Lý, là người con đời thứ 05 nối tiếp nghề sản xuất rượu của gia đình - chủ Công ty TNHH Vĩnh Trường chuyên sản xuất rượu Xuân Thạnh cho biết: Gia đình anh sản xuất rượu truyền thống, nguyên liệu nấu rượu gồm gạo lúa mới, trấu, men,...với ông Ba Phát, tên thật là Nguyễn Văn Phát, sinh năm 1928, trong một gia đình chuyên nghề nấu rượu ở ấp Vĩnh Lợi, xã Hòa Thuận cho biết, rượu được lên men bởi men thuốc bắc cổ truyền của một dòng họ đã sống tại vùng đất này từ thuở khai hoang lập làng. Men rượu được làm từ 36 vị thuốc Bắc cộng với bí quyết gia truyền trên hàng trăm năm đã tạo ra loại rượu nổi tiếng không những trong vùng, mà còn lan toả trên phạm vi khắp cả nước. Với người dân Trà Vinh, dù đi đâu, hương vị ngọt ngào, thơm lừng của rượu Xuân Thạnh luôn là niềm tự hào với họ.
Điểm dừng chân cuối cùng của đoàn là nhà sàn Bác Hồ

Nhà sàn Bác Hồ được mô phỏng theo nhà sàn của Bác tại Thủ đô Hà Nội, với  tỉ lệ 97% do Trung tâm ứng dụng trưng bày Bảo tàng (trực thuộc Bảo tàng Hồ Chí Minh) tư vấn thiết kế và công ty cổ phần xây dựng, phục chế công trình văn hóa tại Hà Hội thi công phục chế theo bản vẽ được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Khi đến đây, chúng tôi thấy được mục đích của lãnh đạo tỉnh Trà Vinh đã đầu tư cho xây dựng công trình có ý nghĩa lớn lao, thỏa lòng khát khao của người dân Trà Vinh nói riêng và khách tham quan nói chung chưa có điều kiện ra thủ đô Hà Nội thăm nhà sàn, nơi làm việc của Bác...
Ngoài ra, văn hóa ẩm thực nơi đây rất độc đáo, mang hương vị của vùng đất Khmer Nam bộ, đó là những đặc sản địa phương như: Cốm dẹp trộn dừa kiểu Khmer; các món đuông như đuông chà là, đuông đất và đuông dừa; mắm rươi; bánh tét Trà Cuôn; mắm kho; bún nước lèo; lươn um lá cách; cá cháy Cầu Quan; tôm càng nấu lẩu chua cơm mẻ; chuột đồng khìa nước dừa; bánh canh Bến Có...
Rời Trà Vinh, qua chuyến tham quan nghiên cứu thực tế tuy chỉ một ngày, còn một số điểm đoàn chưa được đặt chân đến, nhất là Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer, với một sự tiếc nuối khôn cùng do Bảo tàng đang trong giai đoạn trùng tu nhưng đoàn đã được khám phá, mở rộng tầm nhìn và thành công nhất của chuyến tham quan nghiên cứu thực tế là chúng tôi đã ghi nhận được những tư liệu vô cùng quý giá, mang tính thống nhất về nhận thức đối với sinh hoạt tôn giáo, văn hóa dân tộc nơi đây để vận dụng vào công tác giảng dạy./.

Thạc sĩ  Nguyễn Thị Yến
                                                                   Trưởng khoa Dân vận

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh