Cảm nhận về Bạc Liêu qua một chuyến tham quan

Theo chương trình học tập lớp Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ nguồn Tỉnh ủy Bến Tre khóa 1 năm 2014, để người học mở rộng hơn về kiến thức thực tiễn phục vụ cho học tập và công tác. Lớp học đã chia thành 3 tổ tham quan nghiên cứu thực tế ở 3 địa bàn khác nhau: Bình Dương, Đồng Nai và Bạc Liêu. Vào ngày 21, 22 tháng 7 năm 2014, các học viên của tổ 3 đã đến tham quan Bạc Liêu, vùng đất đang trên đà đổi thay, phát triển trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Đoàn đi gồm có 30 người, trưởng đoàn là đồng chí Nguyễn Trung Dương, Tỉnh ủy viên, Trưởng ban quản lý lớp học.

Xuất phát từ Trường Chính trị Bến Tre, đoàn chúng tôi đã vượt qua lộ trình hơn 200km, vì là khu vực miền Tây của đồng bằng sông Cửu Long nên những ruộng vườn, đường giao thông, những mái nhà núp trong những lùm cây xa xa, những con sông nối dài và lặng lẽ trôi êm, những gian hàng bán trái cây ven đường, …không khác gì vùng đất Bến Tre quê tôi.

Tỉnh Bạc Liêu nằm trên bán đảo Cà Mau, thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, miền đất cực nam của Việt Nam, với diện tích đất tự nhiên 2.521 km², chiếm gần 0.8% diện tích cả nước và đứng hàng thứ 7 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Phía Bắc giáp với Hậu Giang, phía Đông và Đông Bắc giáp với Sóc Trăng, phía Tây Nam giáp với Cà Mau, phía Tây Bắc giáp với kiên Giang, phía Đông Nam giáp với Biển Đông với đường bờ biển dài 56 km. Dân số nơi đây vào năm 2011 có 843.300 người, gồm người Kinh, Hoa ((phần lớn là người Triều Châu), Khơmer.  Bạc Liêu được xem là vùng đất trù phú, thịnh vượng. Qua tiếp cận chúng tôi thấy người dân nơi đây hiền hòa, hiếu khách, có phong cách sống phóng khoáng mang đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.

Những người trong đoàn tham quan phần lớn chưa đến Bạc Liêu lần nào, vì vậy trong hai ngày được sinh hoạt, tham quan, lãnh đạo địa phương đã giúp chúng tôi hiểu hơn về đất và người nơi đây thông qua những điểm đến, những công trình.

Điểm dừng chân đầu tiên chúng tôi đến thăm huyện Phước Long, một trong sáu huyện được Chính phủ chọn làm huyện điểm xây dựng nông thôn mới của cả nước. Vĩnh Thanh là một trong 13 xã được huyện Phước Long chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới để các đơn vị bạn đến đây học tập kinh nghiệm, nhân điển hình.

Qua 3 năm triển khai thực hiện, xã Vĩnh Thanh xây dựng trên 30 km đường liên ấp, 50 cầu bê tông, 14 nhà văn hóa ấp, 13 trạm bơm điện phục vụ sản xuất; có hơn 668 hộ được thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 15,6% xuống còn 5,29%; thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng/người/năm; 98% số người trong độ tuổi lao động có việc thường xuyên. Có gần 400.000 m2 đất do nhân dân hiến để xây dựng đường giao thông, trạm bơm, trường học, nhà văn hóa ấp …Tổng nguồn vốn đầu tư trên 430 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn huy động trong dân trên 200 tỷ đồng, vốn Trung ương hỗ trợ trên 12 tỷ đồng, vốn của tỉnh 90,774  tỷ đồng, vốn của huyện 77 tỷ đồng, vốn của xã 578 triệu đồng, còn lại nguồn vốn tín dụng và vốn doanh nghiệp.

Người dân nơi đây không quên sự kiện vào sáng ngày 15/5/2014, tại nhà Văn hóa xã Vĩnh Thanh, UBND tỉnh Bạc Liêu đã công nhận xã Vĩnh Thanh đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên. Từ sự kiện trên đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc của xã. Điều này cho thấy sự đồng thuận của nhân dân đối với Đảng bộ và chính quyền nơi đây, chính sự nỗ lực to lớn đó dẫn đến sự đổi mới, phát triển về mọi mặt cho người dân nhất là đời sống, sinh hoạt, an sinh xã hội…được bảo đảm tạo đà cho các xã tiếp theo nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu về xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn huyện Phước Long nói riêng và tỉnh Bạc Liêu nói chung.

Chiều ngày 21/7, đoàn chúng tôi được lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu hướng dẫn tham quan Quảng trường Hùng Vương và các công trình văn hóa nghệ thuật. Đây là sự kiện chính của Festival đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất, diễn ra từ ngày 24 đến 29/4 năm 2014.

Quảng trường Hùng Vương đặt tại khu trung tâm hành chính tỉnh, có tổng diện tích sử dụng trên 85.000m2, toàn bộ được lát bằng đá tự nhiên màu xám nhạt và màu xám đậm xen kẻ trông tựa như những nốt nhạc rất sinh động. Quảng trường được thiết kế đẹp, hiện đại và vô cùng tinh tế. Trên quảng trường có các hạng mục công trình như: Sàn phun nước nghệ thuật âm sàn, biểu tượng 03 dân tộc, biểu tượng văn hóa tỉnh Bạc Liêu - Đờn kìm cách điệu…các công trình kiến trúc nghệ thuật đã tôn vinh nét đẹp văn hóa đặc sắc của địa phương, đáp ứng nhu cầu thưởng thức thẩm mỹ, nghệ thuật, vui chơi giải trí, hưởng thụ đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.

 

Đoàn tham quan chụp ảnh trước biểu tượng 3 dân tộc Kinh - Hoa – Khmer

Hôm sau, đoàn chúng tôi tiếp tục viếng thăm công trình điện gió Bạc Liêu tại xã ven biển Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu). Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu khởi công vào tháng 9 năm 2010, được mọi người gọi với cái tên thân thiện là “Cánh đồng điện gió” xây dựng trên vùng ngập nước ven biển rộng 500 ha. Theo hướng dẫn và thuyết minh của anh kỹ sư tham gia thực hiện công trình cho biết: Dự án có công suất thiết kế 99 MW, mỗi năm cung cấp 310 triệu kW h điện với tổng mức đầu tư 5.200 tỷ đồng. Công trình gồm 62 trụ tuabin điện gió. Giai đoạn 1 công suất phát điện đạt trên 55 triệu kW h/năm. Hiện nay, công trình đã hoàn thành 10 tuabin gió có chiều cao 80 mét và chiều dài cánh quạt lên đến 42 mét, tất cả làm bằng thép không gỉ, trắng toát. Sau gần 3 năm xây dựng, giữa năm 2013,với 10 tua bin gió đã chính thức phát điện và hòa vào lưới điện quốc gia 3 triệu kW h, cứ mỗi tháng, nhà máy điện gió Bạc Liêu thu về 9 tỷ đồng tiền bán điện, thành công của công trình đã mang lại niềm vui to lớn cho nhân dân nơi đây, họ không còn hoài nghi về công trình trên bãi biển nữa; lãnh đạo địa phương rất phấn khởi vì có nhà máy điện gió sẽ giúp cho địa phương có điều kiện phát triển mọi mặt, công trình là động lực, góp phần to lớn vào tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng không chỉ đối với Bạc Liêu mà còn đối với toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo kế hoạch, các đơn vị sẽ tiếp tục thi công 52 trụ tuabin còn lại và tháng 12 năm 2014 sẽ đưa vào vận hành, sau đó tiếp tục hoàn thành công trình với tổng số 300 trụ tuabin của những năm tiếp theo. Có thể nói với “Cánh đồng điện gió” Bạc Liêu đã thật sự “chia lửa” với ngành điện và góp phần đưa Đồng bằng sông Cửu Long từng bước thoát khỏi tình trạng thiếu điện trầm trọng.

Tiếp tục cuộc hành trình, đoàn chúng tôi đến thăm mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính của anh Đinh Vũ Hải ngụ ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Đây là trại nuôi tôm thương phẩm với kỹ thuật công nghệ nuôi trồng tiên tiến, hiện đại.

Với mô hình này đã gợi cho các vị khách tham quan không khỏi thích thú, tò mò khi nghe anh Hải trình bày một số kỹ thuật, mà dân gian hay gọi là “chân truyền” về kinh nghiệm xử lý sạch bệnh cho tôm, cách nhìn tôm đoán sức khỏe, cách chăm sóc tôm, làm vệ sinh ao hồ…Anh cho biết: Trung bình mật độ thả nuôi từ 200 - 250 con/m2, tôm sau 100 - 105 ngày thả nuôi là cho thu hoạch, tôm đạt kích cỡ từ 30 - 33 con/kg, năng suất đạt khoảng 60 tấn/ha, giá bán bình quân khoảng 170.000 đồng/kg. Tuy chi phí đầu tư ban đầu khá cao nhưng hiệu quả mang lại rất lớn. Có thể nói, mô hình nuôi tôm trong nhà kính đầu tiên ở Việt Nam này đã mở ra hướng phát triển mới cho nghề nuôi tôm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tạm biệt anh Đinh Vũ Hải, xe chúng tôi tiếp tục lăn bánh trên con đường rì rào hương nhãn mà người dân nơi đây tự hào gọi là “vườn nhãn cổ” hoặc là “Giồng Nhãn” để về thăm Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Khu lưu niệm tọa lạc tại Phường 2, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Khi đến đây chúng tôi thật sự ngỡ ngàng với sự bày trí trang nhã, các công trình được sắp xếp rất nghệ thuật, hài hòa, nó đã cuốn người xem từ nơi này sang nơi khác mà khách thưởng lãm quên cả thời gian. Từ cổng chính đi vào có nhà trưng bày về thân thế, sự nghiệp của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu; nhà trưng bày đờn ca tài tử cải lương; nhà sân khấu biểu diễn loại hình đờn ca tài tử; biểu tượng đàn kìm; tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu; vườn tượng các loại nhạc cụ dân tộc; đài phun nước nghệ thuật… Đặc biệt là tượng đài ống tre, cách điệu chiếc đàn kìm - biểu tượng của đờn ca tài tử Nam Bộ - gắn liền với hình ảnh nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Xung quanh vòng đài ống tre được khắc họa trên đá 20 bài tổ: 3 bản Nam, 6 bản Bắc, 4 bản Oán, 7 bản Bắc lớn.

Viếng thăm nơi đây, chúng tôi càng thấy rõ Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Bạc Liêu thật sự tôn trọng, tự hào và khẳng định vị thế của cố nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu, nổi bật với bài Dạ cổ hoài lang được xem là “bài ca vua”, từ đó tạo nên “bản sắc” của Bạc Liêu và là cái nôi về đờn ca tài tử. Việc làm trên đã góp phần duy trì, củng cố, phát huy nghệ thuật âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Điểm dừng chân kế tiếp, đoàn chúng tôi viếng thăm khu Quán âm Phật đài (thường gọi Phật bà Nam Hải). Hiện tọa lạc ở phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Đây là một công trình văn hóa tâm linh nổi bật của tỉnh, với pho tượng Bồ Tát Quan Thế Âm cao 11 mét, đứng uy nghi giữa một không gian thoáng đãng hướng nhìn ra biển Đông. Theo tín ngưỡng dân gian của những người đi biển, Phật bà Nam Hải đã chở che cho họ rất nhiều trong lúc họ hoạt động, làm ăn trên biển. Nơi đây đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Bạc Liêu, thu hút hàng ngàn du khách đến viếng, thưởng ngoạn mỗi năm, nhất là vào dịp Vía Bà.

Điểm dừng chân sau cùng của đoàn đi là chúng tôi đến chiêm ngưỡng ngôi nhà của vị công tử có tên là Trần Trinh Huy (tên thật là Trần Trinh Quy). Ông còn được gọi bằng nhiều tên khác như Ba Huy, Hội đồng Ba (cách gọi của tá điền lúc bấy giờ), Hắc công tử (do ông có nước da ngăm đen và để phân biệt với Bạch công tử Mỹ Tho-Tiền Giang) và tên mọi người hay gọi phổ biến nhất là Công tử Bạc Liêu. Ông sinh ngày 22/6/1900 tại làng Vĩnh Hưng, quận Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, qua đời tại tư gia ngày 13/1/1974 tại Sài Gòn.

Ông là con trong một gia đình đại điền chủ giàu có vào bậc nhất, nhì vùng đất Nam Bộ thời kỳ đầu thế kỷ XX. Cha của Công tử Bạc Liêu là Trần Trinh Trạch (hay còn gọi là Hội đồng Trạch) - Chủ sở hữu 74 sở điền với 110.000 ha đất lúa ruộng, gần 100.000 ha ruộng muối, vài chục căn phố lầu ở Bạc Liêu và nhiều biệt thự sang trọng ở Cần Thơ, Sài Gòn, Vũng Tàu, Đà Lạt....Theo những người dân nơi đây, Trần Trinh Huy có nhiều giai thoại, trong đó có sự gièm pha, dè biểu ông về lối sống phóng túng, phong lưu. Song cũng có ý kiến cho rằng Trần Trinh Huy cũng là người nhân hậu, sống có tình, có nghĩa, rất rộng rãi, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khi họ gặp hoạn nạn. Tá điền không thấy ông đòi nợ ai bao giờ, ai nghèo quá, năn nỉ ông còn bớt lúa ruộng. Cho nên tá điền ít ai oán ghét ông. Trong các mối quan hệ xã hội, Trần Trinh Huy không sống dè dặt, mưu toan, tính toán thiệt hơn. Dưới con mắt giới giang hồ tứ chiếng thời đó, Trần Trinh Huy được coi là người "có tầm cở" nhất Nam Bộ không chỉ vì vẻ hào hoa, sang trọng bên ngoài mà còn là sự khoáng đạt, phóng túng trong cách sống. Trong con mắt người Pháp, Ba Huy được nể trọng vì lấy được vợ đầm và mướn người Pháp làm công cho mình.

Tạm biệt Bạc Liêu, chúng tôi trở về với nỗi niềm hân hoan, phấn khởi về sự thay đổi diện mạo, sự phát triển của người dân nơi đây. Tạm biệt nơi có hai người rất đặc biệt và độc đáo mà về đến Bạc Liêu mọi người đều nhắc nhở. Đó là cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã tạo nên nét đẹp đặc sắc văn hóa đờn ca tài tử, người dân Bạc Liêu luôn tự hào điều đó. Và một người ăn chơi phóng túng đó là Trần Trinh Huy, mệnh danh là công tử Bạc Liêu. Tôi từng nghe câu ca dao: Bạc Liêu là xứ cơ cầu, dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu, hình ảnh trên hiện nay được thay thế bằng sự đi lên, không ngừng đổi mới, phát triển và chúng tôi tin điều đó trở thành hiện thực. Xin cảm ơn lãnh đạo địa phương đã tạo điều kiện cho chúng tôi được tận mắt nhìn thấy những thay đổi qua việc xây dựng nông thôn mới thành công. Một điều chắc chắn rằng, Bạc Liêu đi lên từ sự năng động, sự đồng thuận giữa ý Đảng hợp lòng  Dân - Dân tin Đảng, đó là bí quyết của sự thành công./.

Thạc sĩ  Nguyễn Thị Yến
                                                            Trưởng khoa Dân vận Trường Chính trị

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh