Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc Cách mạng triệt để và mang tính nhân văn sâu sắc

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mang lại nguồn sống mới cho cả dân tộc Việt Nam - một dân tộc đang quằn quại đau khổ dưới ba tầng áp bức, bóc lột của bọn thực dân Pháp, phát xít Nhật và triều đình phong kiến. Chính tinh thần yêu nước quật khởi của nhân dân ta, cộng với sự lãnh đạo khéo léo, tài tình của một Đảng Cộng sản dù chỉ mới 15 tuổi đời, đã nhanh chóng chớp thời cơ nghìn năm có một, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước. Nhân dân Việt Nam từ địa vị nô lệ, lần đầu tiên trong lịch sử vươn lên làm chủ nước nhà. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chính thức định danh trên bản đồ thế giới. Từ đó, “chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào mà cả giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”[1].

Trước đó, gần 100 năm, ngày 31 tháng 8 năm 1858, quân Pháp chính thức nổ súng đánh chiếm nước ta. Trước những hành động xâm lược của thực dân Pháp, triều đình nhà Nguyễn đã có những phản ứng yếu ớt, sau đó trượt dài trên chuỗi các hành động của kẻ thất bại, từ nhượng 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (1862), đến mất nốt Nam Kỳ Lục tỉnh (1867), rồi ký Hiệp ước Harmand (năm 1883) tới Hiệp ước Patenotre (năm 1884), chính thức công nhận sự đô hộ của thực dân Pháp, biến nước ta thành nước thuộc địa, nửa phong kiến. Tuy triều đình phong kiến nhà Nguyễn đã ươn hèn dâng nước ta cho Pháp, nhưng lòng yêu nước của nhân dân ta vẫn sôi sục. Đã có hàng chục cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên khắp cả nước đã nổ ra. Ở miền Bắc nổi lên với các cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy (1883 - 1892), khởi nghĩa Ba Đình (1886 - 1887), khởi nghĩa Hùng Lĩnh (1887 - 1892), khởi nghĩa hưởng ứng phong trào Cần Vương (do vua Hàm Nghi phát động) của Phan Đình Phùng ở Hương Khê (1885 - 1896), khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám (1884 - 1913),…Ở miền Nam, các phong trào yêu nước nổ ra rầm rộ, có phong trào Cần Vương của Võ Duy Dương ở Đồng Tháp Mười (1865 - 4/1866), Phan Tôn - Phan Liêm ở Bến Tre (11/1867), Trương Định ở Gò Công (1861 - 8/1864), Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá (1861 - 1868), Quản cơ Trần Văn Thành ở Láng Linh - Bảy Thưa, An Giang (1867 - 1873), Nguyễn Hữu Huân ở Mỹ Tho (1861 - 1875), Phan Văn Hớn ở Bà Điểm - Hóc Môn (1885)…Nhưng tất cả các phong trào lần lượt bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu. Tình hình cách mạng nước ta rơi vào thời kỳ tăm tối, không có lối thoát.

Đứng trước cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân đói khổ, lầm than, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (sau đổi tên là Nguyễn Ái Quốc), với hành trang là hai bàn tay trắng và một lòng yêu nước mãnh liệt, đã ra đi tìm đường cứu nước. Quá trình lao động, học hỏi, tìm kiếm, khảo sát, bằng thực tế đấu tranh và hoạt động trong phong trào quần chúng ở Pari, năm 1920, Người đã tìm gặp chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm ra con đường giải phóng cho nước nhà, con đường có thể mang lại cơm áo, hạnh phúc cho đồng bào bị đọa đày, đau khổ. Theo ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác-Lênin, sau khi nghiên cứu kỹ tình hình cách mạng trong nước và quốc tế, Người đã quyết định thống nhất ba tổ chức đảng gồm Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn thành tổ chức Đảng Cộng Sản Việt Nam (3/2/1930).

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng đã đưa con thuyền cách mạng Việt Nam qua vượt mọi khó khăn, gian khổ; tích cực chuẩn bị về mọi mặt, xây dựng lực lượng chính trị hùng hậu, từng bước xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng căn cứ địa cách mạng. Qua các cao trào cách mạng 1930 - 1931, 1936 - 1939,…toàn Đảng và Nhân dân ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm đấu tranh, quyết tâm nếm mật nằm gai chờ thời cơ đến thực hiện tổng khởi nghĩa.

Từ tháng 4 năm 1945 trở đi, Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc với việc quân đồng minh tiêu diệt chủ nghĩa phát xít Đức - Ý - Nhật. Ngày 9 tháng 5 năm 1945, phát xít Đức buộc phải đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Tháng 7 năm 1945, với hội nghị Posdam, số phận của quân phát xít Nhật ở Đông Dương cũng được định đoạt. Ngày 6 và ngày 8 tháng 8 năm 1945, Mỹ đã ném hai quả bom nguyên tử hủy diệt hai thành phố lớn của hật là Hirosima và Nagasaki. Ngày 9 tháng 8 năm 1945, Liên xô tuyên chiến và tiêu diệt đội quân Quan Đông của Nhật, buộc phát xít Nhật phải tuyên bố đầu hàng Đồng minh vô điều kiện vào  ngày 12 tháng 8 năm 1945.

Hay tin Nhật đầu hàng đồng minh, quần chúng Nhân dân vô cùng phấn khởi. Ngọn lửa quật khởi trong lòng dân tộc bùng lên khắp nơi. Những cuộc míttinh, biểu tình, biểu dương lực lượng do Việt Minh tổ chức có hàng vạn người tham gia. Các tầng lớp trung gian cũng ngả về phía cách mạng. Binh sĩ và cảnh sát cũng tỏ thái độ ủng hộ Việt Minh. Quân đội Nhật và chính quyền tay sai của chúng hoang mang cực độ. Tình thế cách mạng trực tiếp đã xuất hiện để cả dân tộc vùng dậy không chờ đợi quân Đồng minh, chỉ cần sự thống nhất ý chí và kiên quyết hành động của toàn dân đem sức ta mà giải phóng cho ta. Cơ hội ngàn năm có một đã xuất hiện.

Ngày 13 tháng 8 năm 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương họp hội nghị toàn quốc tại Tân Trào (Tuyên Quang), quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc được thành lập, do đồng chí Trường Chinh phụ trách. Ngay đêm 13 tháng 8, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hạ lệnh tổng khởi nghĩa.

Ngày 16 và 17 tháng 8 năm 1945, Đại hội Quốc dân do Tổng bộ Việt Minh chuẩn bị từ trước cũng được triệu tập ở Tân Trào. Sau khi tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng, Quốc dân đại hội đã thông qua lệnh khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh. Quốc dân đại hội đã cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và giao cho Ủy ban này làm nhiệm vụ thành lập một Chính phủ lâm thời sau khi giành được chính quyền. Quốc dân đại hội còn quyết định quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, quốc ca là bài Tiến quân ca.

Ngay sau đại hội Quốc dân, Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta…chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên!”[2]

Ngày 14 tháng 8 năm 1945, các đồn quân Nhật còn lại ở khu giải phóng Việt Bắc bị bức hạ, các tỉnh Việt Bắc giải phóng hoàn toàn. Ngày 16 tháng 8, Thái Nguyên được giải phóng. Ngày 19 tháng 8, ở Hà Nội, tổ chức Việt Minh đã biến cuộc mít tinh của bọn tay sai thân Nhật thành cuộc biểu dương lực lượng của các tầng lớp nhân dân, sau đó, đoàn người biểu tình tỏa đi chiếm các công sở: Phủ khâm sai, Sở Mật thám, Sở Bưu điện, Trại Bảo an…Trong ngày 19 tháng 8, tổng khởi nghĩa thành công ở Hà Nội. Các tỉnh còn lại của Bắc Bộ cũng nhanh chóng khởi nghĩa, lật đổ hệ thống chính quyền địch, giành chính quyền về tay nhân dân.

Ngày 23 tháng 8, hàng chục vạn nhân dân Huế biểu tình thị uy và tràn đi chiếm các công sở. Cuộc khởi nghĩa thành công ở Huế đã lật đổ được dinh lũy cuối cùng của chính phủ tay sai thân Nhật, lật nhào cả kinh đô của chế độ phong kiến triều Nguyễn. Ngày 30 tháng 8 năm 1945, tại cuộc mít tinh có hàng vạn người tham dự ở Ngọ môn (Huế), vua Bảo Đại đã đọc chiếu thoái vị, nộp ấn kiếm cho phái đoàn đại diện của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Trong khi đó, ở Sài Gòn, ngày 25 tháng 8, hơn một triệu người dân từ các nơi đổ về biểu tình rầm rộ, biểu dương lực lượng. Lực lượng khởi nghĩa đã chiếm các cơ quan chính quyền và quân đội địch như: Sở Cảnh sát, Sở Mật thám, Nhà ga Sài Gòn, Bưu điện…Cùng ngày, nhiều tỉnh thành ở Nam Bộ cũng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 28 tháng 8, khởi nghĩa thành công ở Hà Tiên. Ngày 2 tháng 9, Côn Đảo được giải phóng.

Sáng ngày 2 tháng 9 năm 1945, trước hàng chục vạn đồng bào tập trung ở Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố với quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Như vậy, chỉ trong vòng nửa tháng, cuộc khởi nghĩa đã thành công vang dội trong cả nước. Nó đã đánh đổ nền thống trị của ngoại bang gần một thế kỷ, lật nhào ngai vàng phong kiến hơn một nghìn năm thống trị. Đỉnh cao cuộc cách mạng ấy là sự ra đời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Châu Á, lập ra bộ máy chính quyền của dân, do dân và vì dân, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 đã thật sự là một cuộc cách mạng triệt để.

Không những vậy, cuộc Cách mạng Tháng Tám còn là cuộc cách mạng mang đậm chất nhân văn sâu sắc. Đó là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng người nô lệ ra khỏi xiềng xích của thực dân, phong kiến. Cuộc cách mạng đã đưa người dân Việt Nam từ địa vị là nô lệ lên địa vị của người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của chính mình. Đảng đã khéo léo dùng nghệ thuật binh vận mà giác ngộ được tinh thần yêu nước của những người con lầm đường lạc lối bị địch dụ dỗ lôi kéo như binh lính, cảnh sát, nhân viên các sở ngành của chính phủ tay sai, giúp họ quay trở về, cùng với dân tộc quyết tâm giành lại độc lập tự do cho nước nhà, hạnh phúc cho cả dân tộc. Nhờ vậy, quân và dân ta giành chính quyền trên cả nước trong một thời gian nhanh nhất và ít có đổ máu.

Hơn ai hết, những thế hệ con người sinh ra và trưởng thành trên đất nước Việt Nam hiểu rõ nỗi đau của chiến tranh, của những mất mát, đau thương. Bọn thực dân, phát xít hùng hổ nhảy vào xâm lược nước ta, ngang nhiên đày đọa, bóc lột nhân dân ta đến tận xương tủy, đau thương ngút trời. Dân tộc ta là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, nhưng “kẻ thù đã buộc ta phải ôm cây súng”, nhân dân ta buộc phải vùng lên quyết tranh đấu với kẻ thù với quyết tâm cao nhất nhằm giành lại tự do, độc lập và quyền làm chủ chính mình.  Trong tình thế cách mạng sôi sục ấy, nhờ sự lãnh đạo khéo léo, tài tình của Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân giành chính quyền trên cả nước trong thời gian ngắn nhất, hạn chế được đổ máu, thương vong.

Tính nhân văn của Đảng ta còn thể hiện xuyên suốt cho đến khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch đã tiến hành những hoạt động tích cực chăm lo cho đời sống của nhân dân như: Phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói, mở ngay cuộc lạc quyên gạo để cứu đói; mở chiến dịch chống nạn mù chữ; tổ chức tổng tuyển cử với hình thức phổ thông đầu phiếu trên cả nước, soạn thảo Hiến pháp; xóa bỏ các loại thuế thân, thuế chợ, thuế đò…; ra tuyên bố tự do tín ngưỡng và đoàn kết lương, giáo. Những hành động ấy minh chứng rõ ràng cho một nhà nước dân chủ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết và càng minh chứng rõ hơn cuộc Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng mang tính nhân văn sâu sắc.

Cách mạng Tháng Tám thành công là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin được vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của Cách mạng Việt Nam, là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Tám đã đập tan xiềng xích nô lệ, lật đổ ngai vàng phong kiến giải phóng cho cả dân tộc Việt Nam, đưa dân tộc ta từ chỗ là những người nô lệ lên địa vị làm chủ đất nước, tự quyết định vận mệnh của nước mình. Cách mạng Tháng Tám, không chỉ đem lại độc lập tự do cho nước nhà mà còn cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, góp phần lớn lao vào sự nghiệp giải trừ chủ nghĩa thực dân, phát xít và công cuộc giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thật sự là cuộc cách mạng triệt để và mang tính nhân văn sâu sắc.

Phát huy tinh thần quật khởi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng trên tất cả các lĩnh vực, thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Phát huy truyền thống yêu nước bất khuất, hào hùng của dân tộc, kết hợp sức mạnh của dân tộc và thời đại, nhất định toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta sẽ vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội./.

_____________________________
Chú thích:
[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6, tr.159.
[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 3, tr.554.

   Hồ Thị Thùy Dung
Khoa LLMLN, TTHCM

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh