Cách mạng Tháng Mười Nga với tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam

Giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là giai đoạn lịch sử Việt Nam có những biến đổi hết sức to lớn. Thực dân Pháp xâm lược và biến nước ta từ một nước độc lập thành một “một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, tập 10, tr.3). Yêu cầu bức thiết và cháy bỏng của cả dân tộc Việt Nam là: “Độc lập dân tộc và người cày có ruộng”. Chế độ phong kiến Việt Nam cùng với hệ tư tưởng Nho giáo ngày càng tỏ ra bất lực trước yêu cầu của công cuộc chống ngoại xâm vì nền độc lập dân tộc. Trong nội bộ giai cấp địa chủ phong kiến có sự phân hóa sâu sắc. Triều đình nhu nhược, cam chịu làm tay sai cho thực dân. Vì vậy các phong trào đấu tranh của nhân dân ta theo ý thức hệ phong kiến (tiêu biểu là phong trào Văn Thân và phong trào Cần Vương) lần lượt đều bị thực dân Pháp dìm trong bể máu.

Sự tác động của tư tưởng tiến bộ ở phương Tây cũng như cuộc cách mạng Tân Hợi và cuộc vận động cải cách của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu ở Trung Quốc cũng có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam, làm dấy lên các phong trào yêu nước chống Pháp theo khuynh hướng dân chủ tư sản như phong trào Đông Du (Phan Bội Châu), Đông Kinh Nghĩa Thục (Lương Văn Can, Nguyễn Quyền), Duy Tân (Phan Chu Trinh),... nhưng cuối cùng cũng đều bị thất bại.

Thất bại của phong trào Cần Vương và của các cụ Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… nói lên một sự thật lịch sử là không thể cứu nước trên lập trường phong kiến hay lập trường của giai cấp tư sản, tiểu tư sản. Đường lối và phương pháp ấy đều không đáp ứng được yêu cầu giải phóng dân tộc trong điều kiện chủ nghĩa đế quốc đã trở thành hệ thống thế giới. Con đường cứu nước, giải phóng dân tộc bị bế tắc. Chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam đang đòi hỏi được đổi mới. Cách mạng Việt Nam đặt ra và yêu cầu phải có con đường cứu nước mới.

Khi nhiều người đang ngoảnh nhìn về phương Đông với sự ngưỡng mộ “người anh cả da vàng” Nhật Bản - một đế quốc mới ở châu Á, đã chiến thắng nước Nga Sa hoàng trong cuộc chiến tranh Nga – Nhật năm 1905 hay ngưỡng vọng bác sĩ Tôn Dật Tiên với chủ nghĩa “Tam dân” nổi tiếng và cách mạng Tân Hợi 1911 ở Trung Quốc; thì Nguyễn Tất Thành tìm đường sang phương Tây, đến nước Pháp, nơi sản sinh ra những lời đẹp đẽ: “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” để tìm hiểu sự thật về sự “khai hóa văn minh” ở Việt Nam của người Pháp, tìm xem “nước Pháp và các nước khác làm như thế nào để về giúp đồng bào ta”… Sự thật của “Tự do” tại đất nước được mệnh danh là số một của “Tự do” thật phũ phàng khi Người đặt câu hỏi: Ánh sáng trên đầu Thần (Thần Tự Do) tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thần, người da đen đang bị nô lệ, các dân tộc bị áp bức đang bị nô lệ, người phụ nữ đang bị nô lệ… Và năm 1919, Hội nghị Véc – Xây nước Pháp với Học thuyết Uynxơn đã khước từ những “Yêu sách của nhân dân An Nam” đã làm cho Người nhận ra rằng: “Học thuyết Uynxơn chỉ là một trò bịp lớn” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1. tr.416). “Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của chính bản thân mình” (Trần Dân Tiên: Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự Thật, H.1975, tr.33).

Ngày 07/11/1917 (lịch cũ là ngày 25/10/1917), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản (Bôn-sê-vich) Nga đứng đầu là V.I. Lê-nin, giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã nhất loạt khởi nghĩa, lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản và phản cách mạng, lập nên Nhà nước Xô-viết, Nhà nước công – nông đầu tiên trên thế giới. Với “linh khiếu chính trị” sắc sảo của mình, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã “cảm nhận” được giá trị và ý nghĩa to lớn và đặc biệt “có mối tình đoàn kết với cuộc Cách mạng Nga”. Người nhận xét rất sâu sắc, toàn diện về Cách mạng Tháng Mười Nga: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới” (Sđd, tập 2, tr. 304). Người chỉ rõ: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế” (Sđd, tập 15, tr. 387). Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã giúp Nguyễn Ái Quốc nhanh chóng nhận ra chân lý thời đại: Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. Trong tác phẩm Đường Cách mệnh (1927) sau này, Người viết: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lê-nin” (Sđd, tập 2, tr. 304).

Nhận thức “cảm tính” ấy, được củng cố vững chắc khi tháng 7/1920, Người đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lê-nin, tìm thấy cái “cần thiết cho chúng ta” và “con đường giải phóng chúng ta” (Sđd, tập 12, tr. 562). Từ đó, Người đã hoàn toàn chuyển từ lập trường yêu nước sang lập trường cộng sản và khẳng định: “Chỉ có đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười - con đường duy nhất đúng đắn - Cách mạng Việt Nam mới giành được độc lập, tự do thực sự”.  

Với nhận thức đúng đắn ấy, tháng 12 năm 1920, trong “Đại hội Tua”, Người đã tán thành gia nhập quốc tế III của Lê-nin, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Sau đó, Người tích cực hoạt động truyền bá tư tưởng cứu nước mới và chủ nghĩa Mác – Lênin về nước, chuẩn bị tiền đề về chính trị, tư tưởng, tổ chức để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và hoàn chỉnh “con đường cứu nước mới” – con đường “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”.

Từ khi Đảng ra đời (năm 1930), dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, “nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội” [Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011)].

Ngày nay chủ nghĩa xã hội ở một số nước Đông Âu và Liên Xô sụp đổ từ những sai lầm chủ quan, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới tan rã, cách mạng thoái trào. Đó là một sự tổn thất vô cùng lớn cho chủ nghĩa xã hội thế giới. Tuy nhiên, sau “cơ địa chấn chính trị” ấy, những người cộng sản chân chính vẫn không hề dao động. Chủ nghĩa xã hội vẫn là con đường chung của lịch sử, “theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”. Sự sụp đổ đó không mang tính tất yếu, càng không phải là “quái thai của lịch sử” hay là “sự đẻ non” như các phần tử phản động, cực đoan rêu rao, xuyên tạc…

Chính sự sụp đổ ấy đã cho chúng ta bài học vô cùng quí‎ giá: Sự kiên trì về nguyên tắc và sự sáng tạo, linh hoạt về phương pháp…. trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, chủ nghĩa xã hội hiện đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử. “Đổi mới không phải từ bỏ chủ nghĩa xã hội mà làm cho mục tiêu đó được thực hiện có hiệu quả bằng hình thức, bước đi và cách làm thích hợp”. “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử” – xu thế quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới được đánh dấu bằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917.

Với những thắng lợi đã giành được trong gần 88 năm qua, “nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới” [Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011)]. Thắng lợi ấy đã minh chứng cho một quan điểm đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: “Đi theo con đường do Lê-nin vĩ đại đã vạch ra, con đường của Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi rất to lớn. Chính vì vậy mà mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đối với Lê-nin vĩ đại và đối với nhân dân Liên Xô là vô cùng sâu sắc” (Sđd, tập 15, tr. 397). Đó là cũng bằng chứng đầy thuyết phục về ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với con đường cách mạng Việt Nam mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Vì vậy, dù còn nhiều khó khăn, gian khổ, thử thách và lâu dài…, nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện với ngọn cờ “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”; dân tộc ta, một dân tộc anh hùng, có ý chí vươn lên mãnh liệt; nhân dân ta với lòng yêu nước nồng nàn, có truyền thống đoàn kết, nhân ái, cần cù lao động và sáng tạo, luôn ủng hộ và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng,…; chúng ta tin tưởng rằng: Học thuyết Mác-Lênin và dấu ấn lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn luôn toả sáng soi đường, dẫn lối cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy mạnh toàn diện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn và kiên định./.

  ThS Phan Văn Thuận-

                                                                        Trưởng Khoa Xây Dựng Đảng

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh